Thư trả lời cư sĩ Ngu Tăng

Hồi hướng là đem các công đức niệm tụng do chính mình đã tu – nếu để mặc [không hồi hướng], thì do những công đức ấy sẽ chỉ được hưởng các thứ phước báo trời người – nay xoay cái nhân được hưởng phước báo trời người do công đức đã làm ấy gom về sự vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm cái quả siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, cho đến rốt ráo thành Phật trong tương lai, chứ chẳng chỉ nhằm hưởng phước trời – người mà thôi! Dùng một chữ Hồi nhằm thể hiện ý “quyết định, chẳng thuận theo thói tình thế gian”. Dùng một chữ Hướng nhằm thể hiện ý “quyết định mong mỏi phương cách xuất thế”. Đó gọi là “hồi nhân hướng quả, hồi sự hướng lý, hồi tự hướng tha”. Công đức đã làm là cái nhân trời – người, xoay [cái nhân ấy lại] để hướng về quả Niết Bàn. Công đức đã làm là chuyện sanh – diệt; xoay nó lại để hướng đến diệu lý Thật Tướng bất sanh bất diệt. Công đức đã làm vốn thuộc tự hành, xoay nó lại để hướng về hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Đấy chính là danh từ [nhằm thể hiện ý nghĩa] phát nguyện lập thệ, quyết định hướng đến. [Hồi hướng] có ba nghĩa:

1) Hồi hướng Chân Như Thật Tế, tâm tâm khế hợp. Đây chính là nghĩa “hồi sự hướng lý”.

2) Hồi hướng Phật Quả Bồ Đề, niệm niệm viên mãn. Đây chính là nghĩa “hồi nhân hướng quả”.

3) Hồi hướng pháp giới chúng sanh cùng sanh Tịnh Độ. Đây chính là nghĩa “hồi tự hướng tha”.

Ý nghĩa hồi hướng lớn lao thay! Pháp hồi hướng tuy không phải chỉ có một, nhưng đều coi hồi hướng Tịnh Độ là pháp tối mầu nhiệm duy nhất không hai! Bởi lẽ, nếu chẳng sanh về Tịnh Độ, những đại nguyện khác thường khó thể thành tựu được! Nếu sanh về Tịnh Độ thì không nguyện nào chẳng thành. Do bởi lẽ này, phàm làm hết thảy công đức dẫu có mong mỏi chi khác, cũng tất nhiên phải hồi hướng Tịnh Độ.