Thư trả lời cư sĩ Lý Thính Đào
(thư thứ nhất)
Nhận được thư, biết đứa con thứ [của ông] bị chết yểu. Khi gặp tình cảnh ấy, lòng người thường khởi lên oán hận, sanh biếng nhác. Hãy nên biết rằng: “Đời người nhân quả phức tạp, hễ có nhân, ắt có quả; hễ có quả, quyết chẳng thể không có nhân!” Biết “nhân trước, quả sau” sẽ chẳng sanh oán hận. Biết “đức cảm được trời”, ắt chẳng đến nỗi gặp nghịch cảnh nhỏ nhoi bèn biếng nhác tu tâm. Ví như trời lúc thoạt đầu thì nóng, chợt đột nhiên mát rượi; hoặc thoạt đầu đang mát, chợt lại nóng hừng hực. Đấy chính là biến động tạm thời, chứ không phải lúc nào cũng thường như thế. Chỉ tận hết tấm lòng ta để tu, chẳng cần bận tâm ta gặp phải nghịch cảnh hay thuận cảnh! Người làm được như thế, ắt sẽ vĩnh viễn hưởng nhiều phước. Nếu do gặp chuyện nhỏ chẳng vừa ý bèn nói “tu trì vô ích”, đấy chính là tri kiến của kẻ vô tri vô thức. Dẫu cho cả đời không gặp chuyện gì trái ý, cũng khó thể đạt đến địa vị “trọn hết bổn phận, vui theo mạng trời”.
Nếu có thể tu trì không lười, ắt sẽ sanh được đứa con tốt lành sống lâu, đức hạnh. Nếu chẳng cần biết tốt – xấu, chỉ cốt sao nó không chết yểu, lỡ nó vơ vét mỡ màng của trăm họ để cất giữ trong ngân hàng ngoại quốc, cũng như [gặp phải] đứa giết cha giết mẹ; có đứa con yêu chẳng bị chết yểu [kiểu đó] có bao giờ là may mắn đâu! Thứ con cái không ra gì ấy nếu chết yểu chính là do đức lớn cảm thành; bởi nó không chết yểu sẽ khiến cho nhân dân cả nước lầm than. Nếu trong lúc đó những đứa con thuộc loại ấy chết yểu hết sạch thì nước ta đâu đến nỗi hết thuốc chữa chỉ còn đợi chết ư? Chỉ nên lắng lòng niệm Phật để tiêu nghiệp hòng chiêu cảm tốt lành (tháng Chín năm Quý Dậu – 1933)
(thư thứ hai)
Ngữ lục của lệnh tổ[1] không liên quan gì với Sơn Chí. Nếu là bài minh trên tháp hoặc tiểu truyện thì có lẽ còn cần đến. Chứ đối với hình tượng thì cổ đức các đời đều không có điện thờ, hình ảnh, dù có gởi đến cũng chẳng tiện sắp đặt. Bởi lẽ Linh Nham hiện thời hoàn toàn chẳng kế thừa Linh Nham xưa kia. Sau loạn Hồng Dương[2], chùa chỉ còn lại một cái tháp nát, những thứ khác đều cháy sạch ra tro. Huống chi pháp môn [nhà chùa hành trì] hiện thời là Tịnh Độ, lệnh tổ là bậc tri thức trong Thiền Tông. Luận về phía chùa miếu thì không phải là thừa kế, luận theo phương diện pháp đạo thì là môn đình khác. Ví như ngồi thuyền đi đường thủy hoặc ngồi xe theo đường bộ, sau khi về đến nhà thì hoàn toàn giống nhau, nhưng xét trên đường đi thì mỗi cách mỗi khác! Người đời nay chẳng phải là đại thông gia, trọn chớ nên nói lời viên dung, chỉ mong sao dễ nghe, đến nỗi không được lợi ích thật sự! Trữ Công[3] chính là đệ tử cao nhất của sư Hán Nguyệt Tạng[4]. Hán Nguyệt muốn làm cao nhân bậc nhất xưa nay, hết sức kình chống Tổ Thiên Đồng Mật[5]. Bọn Hoằng Nhẫn, Cụ Đức v.v… đều là phường khinh miệt Tổ. Trữ Công vẫn không có thứ tập khí ấy, đúng là bậc đáng cho người đời sau khâm phục, kính trọng vậy (Tháng Hai năm Giáp Tuất – 1934)
***
[1] Tiếng gọi ông nội người khác với hàm ý tôn kính.
[2] Tức loạn Thái Bình Thiên Quốc. Do Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh là những lãnh tụ phiến loạn hàng đầu của Thái Bình Thiên Quốc nên Sử thường gọi là loạn Hồng Dương.
[3] Trữ Công ở đây chính là ngài Hoằng Trữ (1605-1672). Sư thuộc tông Lâm Tế sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh, người Thông Châu, Giang Nam, pháp tự Kế Khởi, pháp hiệu Thoái Ông. Thuở nhỏ gia đình gặp cảnh tai biến, được bà nội đem về nuôi dưỡng. Sư tuy chăm học nhưng không ham công danh, chí mộ Phật pháp, thích đạo Thiền, lãnh hội Phật pháp. Năm 25 tuổi, Sư xuất gia với Hán Nguyệt Pháp Tạng, siêng tu nhọc nhằn, đắc ngộ tâm pháp. Sư thông hiểu học thuyết của bách gia chư tử, học vấn tinh thâm, tư cách đoan nghiêm, khiến đại chúng rất ngưỡng mộ. Sư tưởng nhớ nhà Minh, thường mong khôi phục. Khi quân phản Thanh phục Minh dấy lên ở vùng Ngô – Việt, Sư nhiều lần ám trợ, từng bị bắt giam, sau được nghĩa sĩ cứu ra. Mỗi năm vào ngày vua Sùng Trinh tuẫn tiết, Sư đều mặc tang phục, lễ bái, khóc lóc. Suốt hai mươi tám năm đều giữ đúng lệ như vậy. Đệ tử nổi tiếng dưới tòa có cả hằng trăm người. Sư thị tịch năm Khang Hy mười một (1672), thọ sáu mươi tám tuổi. Sư còn để lại các trước tác như Ngữ Lục (100 quyển), Nam Nhạc Kế Khởi Hòa Thượng Ngữ Lục (10 quyển), Nam Nhạc Lặc Cổ, Linh Nham Ký Lược.
[4] Hán Nguyệt Pháp Tạng (1573-1635) là đệ tử của ngài Mật Vân Viên Ngộ, sống vào cuối đời Minh, xuất gia từ năm 15 tuổi. Năm Thiên Khải thứ tư (1624) đến chùa Kim Túc, yết kiến ngài Mật Vân, được ấn khả. Sư cực thông minh, rất có biện tài, nhưng lại lập ra dị thuyết, soạn ra bộ Ngũ Tông Nguyên, chỉ trích mạt sát nặng nề tông Tào Động, coi bốn tông kia là đọa lạc, đều không hiểu tông chỉ nhà Thiền, chỉ riêng tông Lâm Tế là nắm được yếu lãnh của Lục Tổ. Luận thuyết của Sư khiến cho thiền đức các tông thời ấy tranh luận ồn ào. Ngài Viên Ngộ nhiều lần gởi thư khuyên răn Sư hãy bỏ luận thuyết dị kỳ ấy, nhưng Sư không thèm nghe theo. Sư chết năm Sùng Trinh thứ tám (1635), thọ 62 tuổi. Tác phẩm Ngũ Tông Nguyên gây nên tranh luận kéo dài mãi đến đời Thanh, vua Ung Chánh phải viết Ngự Chế Giản Ma Biện Dị Lục vạch ra những điểm sai lầm trong cuốn sách nói trên và hạ lệnh cấm tuyệt lưu hành Ngũ Tông Nguyên, nhưng do đồ đảng của Hán Nguyệt đến lúc ấy vẫn còn rất đông nên cuốn Ngự Chế Giản Ma Biện Dị Lục không được đưa vào Đại Tạng. Hoằng Nhẫn và Cụ Đức đều là đệ tử của Hán Nguyệt. Hoằng Nhẫn còn cực đoan, đả phá các phái Thiền khác gấp mấy lần Hán Nguyệt.
[5] Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642) là cao tăng thuộc tông Lâm Tế, sống vào đời Minh, thụy hiệu là Huệ Định Thiền Sư. Ngài là con nhà nông, do tình cờ đọc Lục Tổ Đàn Kinh bèn ham chuộng pháp Thiền. Một ngày nọ đang chất củi bỗng tỉnh ngộ, bèn xuất gia với ngài Huyễn Hữu Chánh Truyền tại chùa Long Trì. Năm Vạn Lịch 30 (1602), ngài Chánh Truyền lên kinh đô, giao cho Sư làm Giám Viện chùa Vũ Môn. Một hôm, trong khi đi ngang qua núi Động Quan, Ngài chợt khai ngộ. Năm Vạn Lịch 39 (1611), được Huyễn Hữu trao y bát. Ngài lần lượt làm trụ trì nhiều đạo tràng Thiền Tông nổi tiếng, do thời gian Ngài làm trụ trì chùa Thiên Đồng lâu nhất nên thường được gọi là Thiên Đồng Mật. Ngài được coi là người có công trung hưng tông Lâm Tế, đệ tử đến hơn ba vạn người. Sư thị tịch năm Sùng Trinh 15 (1642) tại chùa Huyền Thông, thọ 76 tuổi.