Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa

(thư thứ nhất)

Trước đây đã nhận được thư, nhưng do bận bịu chưa thể trả lời ngay. Cổ nhân nói: “Bốc dĩ quyết nghi, bất nghi hà bốc” (Bói để giải lòng nghi; không nghi, bói làm gì). Như ông hỏi: “Niệm Phật là Chủ, nghiên cứu Giáo là Trợ. Tùy duyên độ người, hồi hướng An Dưỡng” thì cần gì phải hỏi [làm như vậy] là đúng hay không? Đối với chuyện Trí Tĩnh đọc tụng Lăng Nghiêm, cần gì phải ngăn cấm? Niệm Phật, tụng kinh, về lý chẳng hai, nhưng phải nên lắng lòng trì tụng, chớ nên chỉ chú trọng nghiên cứu văn nghĩa. Làm như thế thì ý Phật còn lãnh hội được, huống là văn nghĩa ư? Lý Trác Ngô[1] tuy có tri kiến hơn người, nhưng hành vi đa phần trái nghịch, sai bậy, dẫu tri kiến hơn người vẫn chưa khỏi lệch lạc, tà vạy! Há nên nhất loạt coi những kẻ chỉ trích, phê phán ông ta là ngoan cố ư? Ngài Ngẫu Ích dẫn lời ông ta là do Ngài chẳng vì [thấy tánh cách] của một con người [có những điểm đáng chê trách] mà sổ toẹt những lời [hữu lý] của người ấy. Ông cho rằng ngài Ngẫu Ích đã dẫn lời ông ta thì mọi lời lẽ của ông ta đều đáng lấy làm khuôn phép ư? Tôi chưa từng đọc sách của Trí Ngô, nhưng đọc tiểu truyện của Trí Ngô trong Cư Sĩ Truyện và những chỗ người đời trước chỉ trích những chỗ trái nghịch, sai lầm của Trí Ngô thì cũng có thể biết ông ta là người như thế nào. Ấy là vì ông ta thiên tư cao nhưng xen tạp tánh cuồng vọng, chống đối, chưa thể tận lực tu tập đạo “thành ý, chánh tâm, đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa” của thánh hiền, cũng đáng tiếc lắm!

Để phá những mê chấp của các nhà triết học, khoa học, cố nhiên nên lấy duy tâm duy thức làm chủ, nhưng cần phải đề xướng nhân quả báo ứng thì nghĩa duy tâm duy thức mới được hoàn toàn viên mãn. Tính kế sách cho hiện tại thì hãy nên cực lực đề xướng “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, hiểu nhân, rõ quả” và giáo dục trong gia đình, nhưng đối với giáo dục trong gia đình lại càng cần phải chú trọng nhân quả báo ứng. Hiện thời cõi đời loạn lạc đến cùng cực, dân không lẽ sống đều do chẳng nói đến nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình mà ra. Kẻ biết tốt – xấu chắc sẽ không cho lời tôi nói là sai lầm, xằng bậy! Hình dáng Quang làm sao giống như tướng Phật cho được? Hãy nên thường lễ Phật, kính cẩn chiêm ngưỡng, đừng nhớ tới hình dáng của Quang!

(thư thứ hai)

Giảng diễn về sự giáo dục thông tục đã chẳng thể nói đến Phật pháp thì hãy lấy những đạo lý luân thường trong sách Nho làm chủ và dẫn những sự lý về nhân quả báo ứng trong sách Nho, như “thiên tác nghiệt do khả vi, tự tác nghiệt, bất khả hoạt” (trời gieo oan nghiệt còn có thể né tránh được, chứ tự mình gây ra oan nghiệt sẽ chẳng thể sống sót được)[2]. Lại còn: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa, nhà tích điều bất thiện, tai ương có thừa) v.v… để bọn họ biết đến lý nhân quả, Nho giáo vốn có lý ấy, sự ấy. Đã biết nhân quả sẽ chẳng dám làm bậy, gian trá nữa!

“Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” phải từ Trung Thứ mà khởi. Trung (忠) là chẳng dối tự tâm, Thứ (恕: khoan dung) là từ mình nghĩ đến người. Đã trung thứ thì hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ v.v… đều hành được.

Ông đã xin đặt pháp danh cho cha mẹ mà ngay cả tên tuổi cũng không viết ra, đáng gọi là kẻ thô tâm! Nay đặt pháp danh cho họ là Đức Thâm, Đức Uyên. Xin hãy khuyên họ quyết định cầu sanh Tây Phương, chớ nên cầu phước báo trời người trong đời sau. Nếu được phước báo trời người trong đời sau thì phước báo ấy sẽ thành gốc họa. Phước báo càng lớn, tạo nghiệp càng to. Tạo nghiệp càng to, chịu khổ càng lớn! Nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương sẽ đáng gọi là Đức Thâm, Đức Uyên. Nếu không, sẽ là Nghiệp Thâm, Nghiệp Uyên, từ kiếp này sang kiếp khác chẳng thể thoát lìa! Chẳng đáng buồn sao?

Tôi chưa biết đến sách Tuyên Giảng Đại Toàn, sẽ tìm hỏi xem. Tháng Chín năm nay, tôi sẽ diệt tung tích, ẩn náu lâu dài; trong tháng Tám chớ nên gởi thư đến nữa để khỏi bị thất lạc.

(thư thứ ba)

Ba người bạn muốn quy y, nay đều đặt pháp danh cho họ. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao và một lá thư dài, xin mọi người ai nấy đều chú trọng thực hành, đừng chỉ kiếm danh xuông, kẻo chẳng được lợi ích chân thật! Những lá thư còn giữ lại tùy ông sắp xếp, Quang không hỏi tới nữa! Nếu pháp “khi sanh nở niệm Quán Âm” được lưu hành rộng rãi thì thiên hạ sẽ không có chuyện khó sanh và do sanh nở mà bị mất mạng cũng như sanh xong bị băng huyết nguy hiểm, con cái sau khi sanh ra bị các chứng kinh phong cấp tính hay mạn tính nguy hiểm. Mỗi người hãy nên cung kính sao ra một bản để lưu truyền vĩnh viễn trong gia đình. Đấy là lời Phật nói, nhưng người xưa chưa đề xướng. Người đời nay sát nghiệp lẫn tình dục đều nặng nên sản nạn rất nhiều. Vì thế mới chẳng thể không chỉ dạy rõ ràng vậy!

(thư thứ tư)

Đang trong thời thế cả nước như cuồng này, cố nhiên tục đã đáng chán, mà Tăng cũng đáng buồn! Đôi bên trái pháp đến nỗi thành ra hiện tượng ấy. Hội Phật giáo các xứ đều là diễn lại chuyện cũ một cách hư rỗng để tạm thời ngăn ngừa người ngoài khinh lấn, nhưng lâu ngày chầy tháng ắt sẽ sụp đổ, không lập được cách gì nữa! Phổ Đà Phật Học Viện chỉ có cái danh mà thôi! Muốn học Giáo sao chẳng qua chùa Quán Tông ở Ninh Ba mà lại muốn đến chùa Phổ Đà vậy?

Trong mấy năm gần đây, ông X… chịu ảnh hưởng của trào lưu mới, mùa Hạ này bị bệnh nặng mới biết hổ thẹn, nói “muốn dụng công mười năm rồi mới hoằng pháp!” Trong cõi đời hiện thời, trừ đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình ra, dẫu Phật, Bồ Tát, thánh hiền cùng xuất hiện trong cõi đời cũng chẳng biết làm sao! Xin hãy đọc kỹ Văn Sao sẽ tự biết. Nếu có thể xét kỹ thì không điều nghi nào chẳng cởi gỡ được!

(thư thứ năm)

Tà thuyết ngoại đạo đều chẳng đáng lo, cái đáng lo là Tăng phần nhiều chẳng biết pháp và những gã cuồng Tăng xưng bừa là hoằng pháp nhưng thật ra là diệt pháp! Thế lực của họ rất lớn, nếu chẳng phải là bậc thánh nhân thần thông sẽ chẳng biết làm thế nào! Quang là một tăng nhân tầm thường chỉ biết cơm cháo, đã không có đạo đức lại chẳng có tiếng tăm gì, làm sao có thể xoay chuyển lũ quyến thuộc trong ngoài của ma vương ấy, khiến cho bọn họ giữ lòng chánh niệm, chẳng bị những tà thuyết ấy mê hoặc ư? Đừng nói chẳng soạn luận, dẫu có soạn cũng chẳng ích gì! Nếu các Tăng – tục ấy đều nương theo lời Phật, hành theo hạnh Phật thì những kẻ có ý muốn diệt Phật pháp trông thấy đạo hạnh ấy cũng sẽ khâm phục, kính ngưỡng khôn cùng, lại còn muốn hộ trì. Huống là những vị có hành vi càng sâu xa hơn nữa ư?

Hiện thời, muốn hộ trì Phật pháp, không chi cấp bách hơn là tận tụy thực hành đạo “giữ vẹn luân thường, nhân nghĩa” và pháp tín nguyện niệm Phật! Sợ ông lầm lạc mong Quang soạn văn nên đặc biệt chỉ ra tình trạng không thuốc chữa, chỉ mong ông thấu hiểu sâu xa!

(thư thứ sáu)

Đại kiếp này vốn đã ươm mầm nhiều năm, nay mới phát hiện. Ví như nhọt chưa chín muồi, nếu kẻ ngu lúc bình thường chẳng chữa trị thì khi nhọt loét ra, sẽ khó thể chữa lành ngay được! Dẫu chẳng thể không tận hết sức người, vẫn khó thể chắc chắn vãn hồi được. Hiểu rõ điều này sẽ chẳng đến nỗi sanh lòng áo não xuông, oán trời, hận người. Ông Nhiếp Vân Đài[3] do dụng tâm quá độ, hiện thời đang phải dưỡng bệnh, chẳng thể giao thiệp với ai được.

Nghe nói ông X… đã sang Hồ Bắc, người này đã được ông Y… hun đúc, nên trong tri kiến ông ta chỉ nghĩ Duy Thức là đúng, các hạnh môn khác đều coi thường. Mùa Hạ này bị bệnh nặng mới thống thiết hối hận sai lầm, chẳng biết rốt cuộc gần đây ra sao? Xin hãy đừng qua lại với hạng người như vậy để khỏi bị họ xoay chuyển. Tất cả những hiện tượng trong hiện thời đúng là nhằm thôi thúc con người chuyên tu Tịnh nghiệp để cầu vãng sanh. Đang trong lúc này mà vẫn cứ hờ hững, hời hợt muốn làm đại thông gia thì đã chẳng thể tự lợi mà còn chẳng thể lợi người, tính toán cũng sai lầm quá đỗi vậy!

(thư thứ bảy)

Giảng kinh thì việc gì cứ phải mỗi năm giảng một kinh, chẳng thể giảng trùng lặp ư? Đã phải ăn cơm hằng ngày, sao lại ngại phải lập đi lập lại? Tâm Kinh nghĩa lý uyên thâm, [nếu giảng kinh ấy thì] làm sao kẻ sơ cơ đạt được lợi ích? Dẫu có sở đắc cũng chỉ là hiểu nghĩa [trên mặt văn tự] mà thôi! Sao bằng pháp môn Tịnh Độ hễ nghe liền có thể thực hành được ngay! Kể cả phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện cũng không nhất định phải giảng nhiều bữa. Đức Phật đem những nghĩa lý uẩn súc, uyên áo trong sáu trăm quyển Đại Bát Nhã nêu tỏ chẳng sót trong hai trăm sáu mươi chữ [của Tâm Kinh], cần gì cứ phải kéo dài lan man, chỉ cốt nói rộng nói nhiều để phô tài ăn nói vậy?

Đạo Xước thiền sư là bậc cao tăng lỗi lạc, chuyên hoằng dương Tịnh Độ. Ngài thọ bảy mươi mấy tuổi, suốt đời giảng ba kinh Tịnh Độ gần hai trăm lượt. Nếu Ngài bắt đầu giảng từ năm hai mươi tuổi thì trong năm mươi mấy năm, mỗi năm phải giảng hai ba lượt mới được như thế!

Qua lá thư gởi cho một vị cư sĩ trong Triệt Ngộ Ngữ Lục, [ngài Triệt Ngộ Mộng Đông] đã viết: “Trong một mùa Hạ hai lượt giảng xong Lăng Nghiêm; nào ngại Hạnh Nguyện văn dài chẳng thể giảng xong trong bảy ngày?” Bảy ngày là quá rút gọn, có lẽ nên giảng mười ngày. Giảng kinh đâu có quy củ nhất định buộc người giảng phải tận hết sức Đông kéo Tây lôi, chẳng chịu chỉ điểm ngay chỗ chánh yếu?

Tri kiến của ông là tri kiến tràn lan, không biết giữ lấy chỗ giản ước, cứ muốn dùng sự rộng rãi để tạo lợi ích cho kẻ sơ cơ thì đấy là chuyện tạo dựng môn đình vậy! “Một đêm trò chuyện cùng anh, còn hơn đọc sách loanh quanh mười mùa. Để chữa lành bệnh đâu cần tới lượng thuốc nhiều đến nỗi phải dùng lừa, lạc đà để chở”. Đấy đều là những lời cổ nhân giáo huấn về cách giữ lấy sự giản ước vậy!

Hiện nay chiến sự phát sanh, đối với chuyện sau này, chớ nên lo liệu ngược ngạo, hãy nên khuyên hết thảy già – trẻ – trai – gái cùng niệm A Di Đà Phật và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu hễ còn sống sẽ tránh được tai họa này, chết rồi sẽ về Cực Lạc. Giảng kinh vẫn chưa phải là nhiệm vụ cấp bách hiện thời, điều cấp bách nên làm là thông cáo hết thảy già – trẻ – trai – gái cùng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để sau khi thái bình rồi hãy giảng kinh, nhất là phải lấy việc “tạo cho kẻ sơ cơ có lòng chánh tín nơi Tịnh Độ” làm đầu!

Nghê Thương Cần, Thí Lập Khiêm đã biết quy y, tôi đều đặt pháp danh cho mỗi người. Nghê Thương Cần pháp danh là Tông Cần. Niệm Phật cầu sanh Tây Phương, tự hành, dạy người, đều phải lấy Cần (勤: siêng năng) làm gốc. Nếu lười nhác biếng trễ sẽ khó được thành công! Thí Lập Khiêm pháp danh là Tông Khiêm. “Khiêm” (謙) là chẳng tự thỏa mãn, chẳng cho là đủ, như biển dung nạp trăm sông, như hư không bao trùm muôn hình tượng. Mọi thứ tội nghiệp đều do Khiêm mà tiêu. Đủ mọi công đức đều do Khiêm mà thành tựu.

Nay gởi cho ông và hai người ấy một gói Tịnh Độ Thập Yếu, xin hãy chia ra tặng. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ, từ nay chớ nên thường gởi thư tới. Chỉ nên dựa theo những điều đã nói trong sách Thập Yếu để tu thì đâu có thiếu sót gì mà cần phải thường hỏi han! Nếu chẳng chú trọng chuyên tu Tịnh Độ, cứ muốn thông suốt khắp các giáo nghĩa thì một hai lá thư cũng chẳng thể đạt được mục đích ấy! Xin hãy sáng suốt suy xét. Sách Thập Yếu chính là sách trọng yếu trong tông Tịnh Độ. Đừng toan tính những chuyện ham cao chuộng xa thì sẽ đạt được lợi ích tối cao tối thắng! Một Lá Thư Trả Lời Khắp cũng nói những chuyện mọi người đều phải gấp nên chú trọng!

 (thư thứ tám)

Đường lối để tạo vinh dự cho cha mẹ của kẻ làm con chính là siêng năng tu đức để hết thảy mọi người đều vì kính trọng ta mà tưởng nhớ đấng sanh ra ta. Đấy mới là phương pháp quan trọng nhất. Thường thấy người đời khi cha mẹ đã khuất bèn phân phát cáo phó rộng khắp, bịa đặt kể lể công trạng, đến các nơi xin những người có danh vọng, có địa vị ghi lời tán tụng, viết tiểu sử, đề bài minh, bài biểu, chứ không miệt mài chú trọng gắng sức tu đức, thể hiện lòng nhân để mong tạo thanh danh cho cha mẹ.

Tôi thường nói: “Người đời đa số chuộng danh ghét thật, chỉ muốn phô trương trong một lúc, chứ chẳng nghĩ dùng sự tận tụy [tu đức] nơi thân mình để tưởng nhớ báo đền cha mẹ”. Cha mẹ ông đã tin nhận Phật pháp, ông cũng đã biết những nghĩa “tâm sẵn đủ, tâm tạo, tâm làm, tâm là”, trong tương lai, khi cha mẹ nằm xuống, phàm những chuyện ma chay, tế lễ, đãi khách v.v… đều tuân theo cấm chế của nhà Phật, đừng dùng rượu thịt, kiêng giết, làm lành để xướng suất cho cả làng. Những vị như Ngô Trí Hinh v.v… cũng đã sớm đem đạo lý này dặn dò con cháu. Hết sức khẩn yếu!

Bài ký nêu duyên khởi của Tịnh Nghiệp Xã tôi đã soạn xong, nay đem gởi đi. Dựng bia chẳng có lợi ích lớn lao bằng treo bảng vì chữ khắc trên bia chẳng thể phóng to được, bởi lẽ đá lớn sẽ tốn tiền. Hơn nữa, có ai chịu đứng xem? Trong trăm người, chỉ được một hai kẻ chịu đứng xem. Bảng thì dùng gỗ cứng để làm, [còn bài ký ấy thì] hoặc khắc, hoặc [chép ra giấy] dán vào bảng, treo nơi chỗ ngồi, ắt sẽ có nhiều người xem. Lúc viết cần phải dùng kiểu chữ Khải theo lối Chánh Thể. Chữ viết đừng quá nhỏ, cũng đừng để sai ngoa, thiếu sót, hay thừa thãi.

Quang bận rộn cùng cực, đã cự tuyệt hết thảy, chuyện này là ra ngoài thông lệ. Từ nay chớ nên đem chuyện bút mực sai phái nữa! Nếu vẫn gởi thư đến, quyết chẳng trả lời. Văn từ trong bài sớ mấy dòng đầu có chỗ từ lẫn ý chẳng được thông suốt cho lắm, phần văn sau tuy trôi chảy, nhưng chỉ chú trọng câu chữ bóng bảy, chứ không nêu rõ được sự thật. Văn nhân viết văn quá nửa là lời văn sắc sảo, nhưng không đạt được ý! Nói hoa mỹ, bóng bảy đến cùng cực, chứ về mặt nêu bày sự thực lại chỉ phảng phất lờ mờ, nhưng đã kể như là thiết thực lắm rồi!

Nay gởi cho ông một gói Tịnh Độ Ngũ Kinh, ngoài những cuốn tự giữ ra, những cuốn khác hãy dùng để kết duyên. Quang do bốn bộ Sơn Chí Ngũ Đài, Nga Mi, Cửu Hoa, Linh Nham bức bách không thể trì hoãn được nên đã cự tuyệt hết thảy để mong sớm hoàn tất chuyện này. Hãy nên sao bài ký nêu duyên khởi thành một bản để gởi cho ông Mạnh Do.

(thư thứ chín)

Chuyện học nghề thuốc cần phải hết sức thận trọng. Chưa học kỹ Trung Y sao lại học Châm Cứu? (Chữ Cứu (灸) âm đọc [gần giống như chữ] Cửu (久), nhưng người đời thường viết sai thành Chích (炙)[4]. Các sách thuốc lưu hành hiện thời cũng [viết sai] như thế, sao chẳng biết chữ này?)

Tôi không biết rõ ở Tô Châu có sở huấn luyện châm cứu hay không, nhưng dẫu có đi nữa, thì đấy cũng chẳng phải là nơi người nghèo theo học được. Thái Ất Thần Châm[5] chẳng phải là bí truyền, nhưng phải hết sức cẩn thận khi án huyệt (nhận định đúng vị trí của huyệt đạo) để cứu. Đồng Nhân Đường ở Bắc Kinh có bán thuốc để châm cứu đã chế sẵn. Toa thuốc cũng công bố, ai muốn tự chế thì làm. Trong toa thuốc có chất Xạ[6] và bọ cạp nguyên con, hai vị thuốc ấy cũng chớ nên dùng.

Nếu người niệm Phật dùng Đại Bi Chú và thánh hiệu Quán Âm để gia trì [thuốc rồi mới châm cứu] ắt sẽ càng hữu hiệu. Có điều các pháp được liệt kê thêm ở cuối sách (đã quên mất tên sách) dường như chẳng hợp thời nghi. Những sách vở khác Quang đều không biết.

Trước đây, Trần Cánh Phi đã nói: “Muốn ở trong núi tu hành”, Quang đã bảo là không nên. Ông muốn Quang hạ một lời bổng hát[7] thống thiết, Quang bèn nói: “Luôn luôn nghĩ đến những chuyện sai trái”. Sao không nói rõ chuyện ấy? Sao chẳng biết sự vụ đến mức như thế? Mắt Quang đã thành lòa, tinh thần giảm sút đáng kể, chẳng thể thù tiếp được, từ nay đừng gởi thư tới; gởi đến quyết không trả lời!

(thư thứ mười)

Ông làm giáo viên kiêm hoằng dương Phật pháp, hãy nên tùy phận tùy sức, sao lại cưỡng cầu nhân sĩ các giới phải tin tưởng, ngưỡng mộ? Lấy thân làm gương, đấy là căn bản. Nếu trong những hành vi, lời lẽ có gì thiếu sót sẽ chẳng thể làm cho người khác sanh lòng tin tưởng được! Cái học bên ngoài dù cao, nhưng cái hạnh thật sự không có, ông muốn thông suốt thêm cũng chỉ là uổng công. Bởi lẽ “dùng lời để dạy sẽ bị tranh cãi; dùng thân để dạy, người khác thuận theo”. Đây là chương trình “tự lợi, lợi người, tự lập, lập người” [chắc chắn như] sắt thép vậy!

Trang nghiêm tượng Phật thì với vàng [để thếp] hãy nên lấy màu sắc để định, há nên chấp chặt hẹp hòi phải là thứ này, thứ nọ? Nhà nào (tức tiệm bán vàng) thường tốt, nhà nào thường gian dối? Nếu chính mình có thể mua thì được, chứ nếu cậy người khác chắc sẽ có chuyện tệ hại, Quang chẳng thể hỏi giùm chuyện này được!

Phàm mọi chuyện đều phải tuân theo chương trình: Tượng vẽ có người đương cơ quỳ ở trước thì có thể vẽ theo cách thức [đức Phật] xoa đầu [kẻ đương cơ]. Nếu không có người đương cơ quỳ ở trước thì chớ nên lầm lạc sửa đổi cách thức sẵn có. [Tạo tượng A Di Đà Phật] xòe tay tiếp dẫn rất nên!

Người trong liên xã dám chửi kẻ khác trước tượng Phật, tội đáng chết muôn phần! Đêm mộng thấy thần [hộ pháp] trách phạt, đăng báo [chuyện ấy] sẽ có thể cảnh tỉnh người khác; nhưng trong xã quy (quy củ của liên xã) hãy nên vạch rõ lỗi miệt thị người khác. Hễ xã quy nghiêm túc thì sẽ tự chẳng có thái độ xấu hèn ấy nữa!

Hút thuốc phiện cũng thế, nếu kẻ hèn kém thiếu chí hướng [đã nắm giữ chức vụ, trót nghiện ngập nhưng] chẳng chịu sửa đổi thì hãy buộc họ từ chức. Nay gởi cho ông một gói sách, trong ấy có hai bộ Ngũ Đài Sơn Chí, mười cuốn Hám Sơn Niên Phổ Sớ, một số trang toa thuốc trị chó dại cắn.

***

[1] Lý Trác Ngô (1527-1602) tên là Chuế, hiệu Trác Ngô, còn có hiệu là Đốc Ngô, Hoằng Phủ, biệu hiệu Ôn Lăng Cư Sĩ, người huyện Tấn Giang, tỉnh Phước Kiến, là một nhà tư tưởng, sử gia, văn gia trứ danh đời Minh. Tánh tình thanh liêm, thương dân, siêng năng chánh sự. Bất mãn trước sự thối nát của nhà Minh thời Gia Tĩnh – Vạn Lịch, ông từ quan phiêu bạt giang hồ, dạy học kiếm sống, trước tác rất nhiều. Ông viết lời phê bình cho những bộ tiểu thuyết nổi tiếng thời ấy như Thủy Hử, Tây Sương Ký, Hoán Sa Ký v.v… Ông theo quan điểm chánh thống khắc nghiệt của Khổng – Mạnh, những gì không thuộc Khổng – Mạnh đều nhất loạt chê là dị đoan, phê phán mãnh liệt những sự hủ bại thối nát trong hệ thống cai trị đương thời, chủ trương phải giữ lòng hồn hậu như trẻ thơ. Do vậy, ông bị các quan lại đương thời lẫn triều đình căm ghét, nghi kỵ. Đa số các nhà trí thức đương thời cũng không tán đồng quan điểm thiên lệch, khắc nghiệt, hẹp hòi của ông trong những lý luận về Nho Học. Năm Vạn Lịch 29 (1601), ông ở Hồ Bắc, bị vu cáo đến nỗi gần mất mạng, phải trốn đến Thương Thành (Hà Nam), rồi sang nhà bạn thân là Mã Kinh Luân ở Thông Châu lánh nạn. Năm sau, ông lại bị vu cáo, bị khép tội “đề xướng bại hoại loạn đạo, lừa đời, gạt dân”, bị tống giam vào ngục, hành hạ khổ sở. Không chịu được nhục, ông tự tử trong tù.

[2] Đây là một câu nói trong sách Thương Thư của kinh Thư, phần Thái Giáp. Mạnh Tử nhắc lại câu nói này trong thiên Công Tôn Sửu của sách Mạnh Tử. Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của Tứ Thư Bạch Thoại Giải.

[3] Nhiếp Vân Đài (1880-1953), tên thật là Nhiếp Kỳ Kiệt, hiệu là Vân Đài, pháp danh Huệ Kiệt, biệt hiệu Tức Sám, người Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, là cháu ngoại của Tăng Quốc Phiên. Cha ông là Nhiếp Tập Quy từng làm Tuần Phủ tỉnh Giang Tô. Mẹ ông là Tăng Kỷ Phân, con út của Tăng Quốc Phiên. Thuở nhỏ, ông theo cha sang sống tại Thượng Hải. Năm Quang Tự 19 (1893), trở về Hồ Nam tham gia khoa Đồng Thí (khoa thi dành cho thiếu niên), đậu Tú Tài. Ông học Anh ngữ, điện khí, công nghệ với người ngoại quốc, từng sang Mỹ du học. Trở về nước, ông tận lực chủ trương “giáo dục cứu quốc, tăng tấn kinh tế để cứu quốc” nên tận lực tiến hành xây dựng các xí nghiệp, thành lập các công ty dệt như Phục Thái, Hằng Phong v.v… nhiệt thành hướng dẫn chuyên viên về ngành dệt. Ông mạnh dạn nhập máy móc, cải tiến ngành dệt, và được coi như một trong những người khai sáng ngành dệt công nghiệp ở Trung Hoa. Ông cũng mở nhiều xưởng liên quan đến nhiều ngành khác và từng đảm nhiệm chức vụ Hội Trưởng của Thương Hội Thượng Hải. Tuy xuất thân từ một gia đình Phật giáo thuần thành, trong thời gian du học ở Mỹ, ông từng theo đạo Baptist và vợ ông là Tiêu Thị cũng là tín đồ Baptist. Đến năm Dân Quốc 13 (1924), kinh tế Trung Hoa suy vi, các xưởng do ông làm chủ hay làm Kinh Lý đều thua lỗ. Tới năm Dân Quốc 15 (1926), ông bị ép buộc phải rút lui, đã thế lại bị bệnh nặng mấy phen tưởng chết, bèn cảm ngộ thế sự vô thường, hướng lòng về Phật pháp, quy y với pháp sư Như Huyễn, lắng lòng học Phật, đóng cửa không qua lại với ai. Về sau, ông gặp được tổ Ấn Quang, hết sức kính mộ, xin được thọ Ngũ Giới, mấy lượt toan xuất gia nhưng bị mẹ già ngăn cản. Hằng ngày ông tận lực lễ bái Quán Thế Âm và Địa Tạng Bồ Tát, trì tụng kinh Kim Cang, Phổ Môn, và Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh. Ông gom góp tài sản còn lại để tận lực cứu trợ những nạn dân ở Hồ Nam, viết bài luận nổi tiếng là Bảo Phú Pháp (cách giữ giàu) chủ trương muốn được giàu có thì phải biết chia sớt tài sản cho người khác. Ông đề xướng Gia Đình Phật Học Hội, nhằm giảng diễn Phật học và Phật hóa sinh hoạt gia đình trong vòng thân tộc. Ngoài bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ (tên ban đầu là Lịch Đại Cảm Ứng Thống Kỷ) viết chung với Hứa Chỉ Tịnh, ông còn để lại dịch phẩm Vô Tuyến Điện Học, Thác Nhĩ Tư Thái Truyện (tiểu sử Leon Tolstoy) và những tiểu phẩm có giá trị về Phật học như Cần Kiệm Cứu Quốc Thuyết, Địa Tạng Bồ Tát Linh Cảm Cận Văn Lục, Quán Âm Kinh Chú Cảm Ứng Hội Thiên v.v…

[4] Chữ Cứu (灸) có nghĩa là dùng dược liệu (thường là ngải cứu) để đốt trên đầu kim châm để dẫn hơi nóng vào huyệt được châm. Còn Chích (炙, có khi đọc là Chá) có nghĩa là nướng thịt, thân cận, tiêm nhiễm.

[5] Thái Ất Thần Châm (năm quyển) là bộ sách dạy về nguyên tắc, cách thức châm cứu, vị trí các huyệt trên thân thể, những điều cấm kỵ trong khi châm cứu (chẳng hạn những bệnh nào không nên châm cứu, bịnh nhân có thai không nên châm cứu, những huyệt nào không được châm v.v…), cũng như các bài phú để dễ nhớ huyệt vị, kinh lạc v.v…. Sách đã mất tên tác giả, ước chừng ra đời trong niên hiệu Ung Chánh nhà Thanh.

[6] Xạ (麝) là chất thơm của con hươu xạ (musk deer). Loài hươu này con đực có bọng tiết ra chất dịch hết sức thơm ở bụng để quyến rũ con cái trong mùa giao phối. Do chất Xạ cực thơm thường để chế nước hoa, hương liệu, dược liệu… nên chúng bị săn bắn rất tàn nhẫn.

[7] Bổng (棒) là gậy đánh, Hát (喝) là tiếng hét. Tổ Lâm Tế dùng phương pháp đánh hoặc hét để khai ngộ cho người đến học nên Thiền gia thường dùng thuật ngữ “bổng hát” để chỉ những lời khai thị thống thiết có khả năng khai ngộ, cảnh tỉnh mạnh mẽ.