Thư trả lời cư sĩ Hồ Trạch Phạm
(thư thứ nhất)
Xem thư gởi đến, có thể nói là “phát đại Bồ Đề tâm để mong mình lẫn người đều được lợi”, nhưng thư viết “tâm lợi mình nhạt nhẽo, tâm lợi người thiết tha” cũng là ngữ bệnh! Chẳng thể tự lợi thì trọn chẳng thể làm lợi lớn lao cho người khác được! Hai điều ấy hãy nên chẳng phân biệt thân – sơ mới đúng. [Tự lợi và] lợi tha chính là một nguyện mà thôi, đối với tự lợi ắt phải dốc hết tâm lực, há nên đối với phương diện tự lợi lại nói là nhạt nhẽo, lầm lạc học theo thân phận của đại Bồ Tát!
Cuốn Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải của ông Hoàng Hàm Chi (lúc ấy ông ta đang giữ chức Đạo Đài [1] vùng Ninh Thiệu, vẫn chưa quy y) trích dẫn những kinh văn từ những sách vở khác, nhưng trước đấy không dẫn nguyên văn mà dùng ngay Bạch Thoại để diễn giải [ý nghĩa những đoạn kinh văn ấy], quả thật là một thiếu sót lớn! Khi ấy, Quang chẳng nghĩ làm như vậy là đúng lắm, nhưng chưa thể khuyên ông ta không nên làm như vậy. Năm Dân Quốc 18 (1929), ông ta lại soạn cuốn Phật Học Đại Ý (khoảng hai trăm trang), Triêu Mộ Khóa Tụng Bạch Thoại (hơn hai trăm trang) cũng giống như vậy. Quang bảo ông ta trước hết dẫn nguyên văn kinh điển, phía dưới lại dùng Bạch Thoại để chú thích thì phần kinh văn [vừa dẫn] có thể dùng làm căn cứ [chứng tỏ những câu ấy xuất phát từ kinh luận của Phật, của Tổ], phần Bạch Thoại chỉ là giải nghĩa sẽ có lợi ích. Thật ra, chỉ dùng lối văn rõ ràng để diễn tả thì mới là hợp căn cơ, nhưng chẳng nên chuyên bắt chước theo quy cách trong nhà trường vào thời gần đây[2]. Thoạt đầu ông ta rất vội vã, muốn đem in ngay. Do vậy, vĩnh viễn không nhắc tới nữa. Quang cũng vĩnh viễn không hỏi tới nữa vì sợ ông ta thấy tốn công sẽ đình chỉ.
Các hạ đã thờ pháp sư Hoằng Nhất làm thầy, [tác phẩm do các hạ biên soạn] lại được Hồ Ký Trần giảo duyệt, lại cậy ông Phạm Cổ Nông giảo duyệt, cần gì phải gởi cho Quang nữa? Quang đã bảy mươi hai tuổi, tinh lực lẫn mục lực đều không đủ. Tất cả những bưu kiện từ bên ngoài gởi đến đều để nguyên đem gởi trả lại vì tự thấy mình chẳng rảnh rỗi, đâu thể nhọc nhằn vì người khác được? Sách ấy tôi chưa từng đọc qua! Nghe nói mùa Đông năm ngoái ông Cổ Nông trở về nhà; đã từ nhiệm chức vụ ở Phật Học Thư Cục, nhưng đối với những sách vở có quan hệ khẩn yếu vẫn lo liệu đôi chút tại nhà.
Ngàn vạn phần xin đừng gởi [bản thảo] tới, Quang thật chẳng có tinh thần để thù tiếp chuyện bên ngoài. Huống chi còn có chuyện chưa giải quyết xong, muốn cầu người khác lo giùm mà chẳng thể được, quả thật là lo nghĩ đến cùng cực. Hiện nay chiến sự khốc liệt như thế, nhân dân cả nước đều khó yên tâm. Hằng ngày chỉ trì chú Đại Bi, niệm danh hiệu Quán Âm để cầu Tam Bảo gia bị khiến cho chiến tranh chấm dứt mà thôi (Ở đây là nói về cuộc chiến ở Thượng Hải vào năm Dân Quốc 21 – 1932. Người biên tập chú thích)
(thư thứ hai)
Chiến sự đã dứt là do trăm ngàn vạn thiện sĩ Tăng – tục Trung Quốc tha thiết cầu nguyện mà cảm nên. Quang bất quá chỉ là một trong số trăm ngàn vạn người mà thôi! Nếu nói là do lòng Thành của tôi cảm vời thì sẽ thành “trộm danh, đoạt sự tốt lành”, không có công lao gì mà mạo nhận! Há Quang chịu nhận sự khen ngợi ấy ư? Sách Lễ Ký chép: “Làm người ắt phải theo lẽ thường”, cư sĩ bảo “[Quang] là cổ Phật tái lai không còn ngờ gì nữa” tức là coi Phật như phàm phu, coi phàm phu là Phật, so với lỗi quy công cho Quang càng lớn hơn vô lượng lần! Ông và tôi có duyên, hãy nên đối đãi với nhau bằng tình ý chân thật. Nếu nói như vậy (tức là nói đại sư Ấn Quang là cổ Phật tái lai – ghi chú của người dịch) thì đôi bên đều phạm tội lỗi!
Kinh Di Đà là pháp môn căn bản của pháp môn Tịnh Độ. Phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện tuy rộng lớn sâu mầu nhưng xét đến cùng chẳng phải là nguồn pháp căn bản của pháp môn Tịnh Độ. Vì thế, hãy nên cùng tụng hai kinh, trọn chớ nên chỉ tụng phẩm Hạnh Nguyện, chẳng tụng kinh Di Đà. Chỉ tụng kinh Di Đà, không tụng phẩm Hạnh Nguyện thì được; chứ chỉ tụng Hạnh Nguyện, không tụng kinh Di Đà thì không được! Dùng kinh Di Đà làm khóa tụng sáng tối hoặc tụng nhiều hơn cũng được, quyết chớ nên trọn chẳng tụng kinh Di Đà để chuyên tụng phẩm Hạnh Nguyện, vì [làm như vậy] sẽ trở thành tu trì mà quên gốc vậy.
Hai kinh ấy cố nhiên không có cao – thấp, nhưng đối với hành nhân Tịnh Độ lại có thân – sơ; do vậy, chẳng thể luận định các kinh Đại Thừa giống hệt như nhau được. Những lợi ích của mười đại nguyện vương như đã nói [trong phẩm Hạnh Nguyện] vốn là nêu ra những điều thù thắng, ông cho rằng những lợi ích đạt được bởi kinh Di Đà chẳng được như thế hay sao? Nếu nói như vậy, về mặt khuyên dạy cũng có thể chấp nhận được, nhưng nơi phương diện Thể, Đạo, Minh Tông (nêu rõ tông chỉ) sẽ chẳng tránh khỏi [khuyết điểm] chỉ hiểu theo mặt chữ. “Chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí” (Chúng sanh sanh về cõi đó đều là Bất Thoái Chuyển); bậc A Bệ Bạt Trí cố nhiên có thể tùy loại hóa thân. Cư sĩ luận định kinh A Di Đà như thế, Quang chưa hề thấy nghe bao giờ! Thứ nghị luận thừa thãi ấy sao bằng không mở miệng thốt ra sẽ hữu ích hơn hay sao?
(thư thứ ba)
Nhận được thư đầy đủ. Đã muốn lợi người hãy nên y theo kinh văn. Sao lại gọi Vô Lượng Thọ Kinh là Đại A Di Đà Kinh? Trong Đại Tạng vốn có bản kinh A Di Đà[3] được dịch vào đời Ngô, lại có bản Đại A Di Đà Kinh do Vương Long Thư giảo chánh vào đời Tống. Nếu gọi [kinh Vô Lượng Thọ] là Đại A Di Đà Kinh sẽ khiến cho người ta chẳng biết rốt cuộc là kinh nào! Muôn phần chớ nên thay đổi tên gọi. Hễ thay đổi thì lâu ngày sẽ mê mất nguồn gốc.
Trong lời tựa của cư sĩ, có chỗ hơi không được viên mãn, tôi mạo muội sửa đổi. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ do ngài [Tịnh Ảnh] Huệ Viễn[4] soạn vào đời Tùy, cư sĩ cho là do ngài [Lô Sơn] Huệ Viễn đời Tấn soạn. Tiểu thuyết thường có chuyện đặt tên theo từng hồi, bọn chúng ta giải thích kinh đã thành nề nếp, sao lại ngược ngạo bắt chước tiểu thuyết chia thành từng hồi? Trộm nghĩ dùng văn Bạch Thoại để giải thích thì trước hết phải dẫn [nguyên bản] kinh văn, rồi mới dùng văn Bạch Thoại để chú thích giản lược. Phàm những chữ thừa thãi không quan trọng đều nhất loạt chẳng dùng. Nếu chỗ nào đã rõ ràng thì đừng [giải thích] lan man nữa. Thường thấy có những người viết văn Bạch Thoại, [chánh kinh] chẳng có mấy chữ mà biến thành [câu văn Bạch Thoại] mười mấy chữ, đâm ra phí công! Nếu hoàn toàn viết hết kinh văn thành văn Bạch Thoại thì vàn muôn phần không nên! Vì sao vậy? Vì về lâu dài [người đọc] sẽ chẳng biết được những điều cốt yếu, lại còn làm mất cội nguồn!
Quang già rồi, mục lực chẳng đủ. Trong mùa Đông năm Dân Quốc 22 (1933) đã cho đăng tải trên các bán nguyệt san Tân Thân (xét ra, chính là các tờ Tân Văn Báo và Thân Báo) lời cự tuyệt hết thảy thư từ hoặc nhờ cậy viết lách. Chẳng thể soạn lời tựa [cho cuốn sách của ông] được vì không có tinh lực lẫn mục lực, chứ không phải là chẳng muốn ra sức để [hoằng truyền] kinh. Ngay như với thư từ nhận được hoặc gởi đi, Quang vẫn phải dùng cả kính lúp và kính lão để miễn cưỡng đọc, viết. Nếu chỉ dùng một loại sẽ chẳng thể thấy được. Hãy nên thương Quang già cả, nghiệp chướng sâu nặng, đừng trách móc thì may mắn lắm thay! Dùng văn Bạch Thoại để diễn giải [kinh văn] mà dùng chữ “dịch” thì chưa khỏi phạm lỗi tiếm dụng [từ ngữ] “dịch kinh”, chẳng thể không cẩn thận! Phàm ăn nói phải dựa theo sự thực, ông suy tôn Quang nào khác kẻ thường dân xưng là hoàng đế, muốn chẳng gây hệ lụy khiến cho tôi mắc phải tội khiên “đem phàm lạm thánh” há có được ư? Hãy hết sức tránh nhé!
***
[1] Theo quy chế quan chức đời Thanh, cả nước được chia thành nhiều Tỉnh, mỗi Tỉnh lại chia thành nhiều Phủ (hoặc Châu, Sảnh). Mỗi Phủ gồm nhiều Huyện. Quan đầu tỉnh gọi là Tổng Đốc nắm trọn quyền hành chánh, quân sự và tư pháp từ một tỉnh đến ba tỉnh; chỉ riêng Tổng Đốc Tứ Xuyên là quản trị một tỉnh. Sau này, danh xưng Tổng Đốc ít dùng, hầu như chỉ dùng danh xưng Tuần Phủ (Tuần Vũ) và quyền hành của Tuần Phủ được thu gọn trong một tỉnh. Tuần Phủ thường được gọi bằng danh xưng Phủ Quân, Phủ Đài. Dưới chức Tuần Phủ lại lập ra chức Bố Chánh Sứ chuyên lo việc hành chánh, dân sự, ngân khố của một tỉnh, chức quan này thường được gọi là Phiên Đài hoặc Phiên Ty. Đôi khi, có trường hợp đặc biệt như Phiên Đài Quảng Đông lại trông coi cả việc trị an. Bên cạnh Bố Chánh Sứ còn có quan Án Sát Sứ, chuyên lo việc tư pháp trong một tỉnh, giám sát và thuyên chuyển những quan chức nhỏ hơn. Chức quan này thường được gọi là Niết Đài hoặc Niết Ty. Chức quan phụ tá Niết Đài, trông coi một Đạo (gồm nhiều Phủ) được gọi là Đạo Viên hoặc Đạo Đài. Ông Hoàng Hàm Chi giữ chức Đạo Đài hai phủ Ninh Ba và Thiệu Hưng nên gọi là Ninh Thiệu Đạo Đài.
[2] Thời ấy trong khuynh hướng sôi nổi phá bỏ lối học từ chương, cổ điển, sáo mòn đời Thanh, các nhà giáo dục Trung Hoa đầu thời Dân Quốc chủ trương mọi văn bản đều viết bằng văn Bạch Thoại, cực lực đả phá việc trích dẫn nguyên văn những thư tịch cổ trong bài viết, cũng như cấm học trò học viết văn theo lối Văn Ngôn. Tổ chủ trương vẫn dùng Văn Ngôn, nhưng viết cho rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, không dùng quá nhiều điển tích cầu kỳ, chấm câu rõ ràng để người đọc dù ít học vẫn có thể lãnh hội được. Quan điểm này hoàn toàn đúng đắn vì về sau này, do chỉ học theo lối văn Bạch Thoại, rất nhiều người đã tốt nghiệp đại học ở Hoa Lục, Đài Loan mà vẫn rất lúng túng, gặp rất nhiều khó khăn khi đọc những tác phẩm viết bằng Văn Ngôn.
[3] Tức bản Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh (hai quyển) do Chi Khiêm dịch vào đời Ngô.
[4] Ngài Huệ Viễn (334-416) Sơ Tổ Tông Tịnh Độ sống vào đời Tấn, thường được gọi là Lô Sơn Huệ Viễn để phân biệt với ngài Huệ Viễn (523-592) người huyện Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc) sống vào đời Tùy. Ngài Huệ Viễn đời Tùy đôi khi còn được gọi là Tùy Viễn, Tiểu Viễn, Đại Viễn, Bắc Viễn. Ngài Tùy Viễn theo xuất gia với ngài Tăng Tư vào năm 13 tuổi. Năm 16 tuổi, theo ngài Trạm Luật Sư sang Nghiệp Quận (nay là huyện Lâm Chương tỉnh Hà Bắc) chuyên nghiên cứu kinh Đại Thừa, Tiểu Thừa. Sư thọ Cụ Túc năm 20 tuổi, thoạt đầu theo ngài Đại Ẩn học luật Tứ Phần, sau chuyên nghiên cứu pháp tạng. Khi Vũ Đế nhà Bắc Châu diệt Tề quốc, ra lệnh hủy hoại kinh tượng, buộc Tăng chúng hoàn tục, Tăng chúng trốn lánh, Sư một mình ra tranh biện với hoàng đế, trách mắng nhà vua: “Bệ hạ nay cậy sức vương giả, tự tung tự tác, phá diệt Tam Bảo, là kẻ tà kiến. Địa ngục A Tỳ chẳng phân biệt sang – hèn, đọa xuống đó không sợ hay sao?” Vua nổi giận quát: “Chỉ cần trăm họ yên vui, trẫm chẳng từ nan các sự khổ trong địa ngục”, nhưng vẫn tha tội, không trừng phạt Sư. Rốt cuộc vua vẫn hạ lệnh hủy diệt Phật pháp, Sư bèn ẩn cư ở Cấp Quận, ngầm tụng Pháp Hoa, Duy Ma v.v… để cầu Phật pháp phục hưng. Đến khi nhà Tùy diệt nhà Châu, Sư mới xuất hiện, đại khai pháp môn ở Lạc Ấp, rất được Tùy Văn Đế kính trọng, nhiều lần triệu vào cung giảng pháp. Không lâu sau, vua hạ chiếu sai Sư trụ tại chùa Hưng Thiện, rồi xây riêng ngôi chùa Tịnh Ảnh cho Sư chuyên giảng dạy, nghiên cứu Phật pháp. Vì thế, người đời thường gọi Sư là Tịnh Ảnh Huệ Viễn. Năm Khai Hoàng 12 (592), Sư vâng chiếu tham dự dịch trường, san định từ nghĩa trong các bản kinh được dịch, nhưng rồi Sư thị tịch ngay trong năm ấy. Sở học của Sư chủ yếu thuộc Địa Luận Tông Nam Đạo Phái, đến tuổi già Sư lại học Nhiếp Đại Thừa Luận với ngài Đàm Thiên. Sư thông thạo các kinh điển, thông hiểu văn lý, yếu nghĩa, nên được người đương thời xưng tụng là Thích Nghĩa Cao Tổ. Những trước tác nổi tiếng nhất của Sư gồm Đại Thừa Nghĩa Chương, Thập Địa Kinh Luận Nghĩa Ký, Hoa Nghiêm Kinh Sớ, Đại Niết Bàn Kinh Nghĩa Ký, Pháp Hoa Kinh Sớ, Duy Ma Kinh Nghĩa Ký, Thắng Man Kinh Nghĩa Ký, Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ…