LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Hạng Trí Nguyên

Nhận được thư, biết ngôn hạnh vẫn chẳng lui sụt, an ủi lắm! Cuốn Nhật Ký Tu Trì rất hay. Ông Đào Tụng Minh ở Vô Tích lập hơn một trăm Liên Xã, tặng cho mỗi người một cuốn. Mỗi cuốn là mười hai trang, ghi rõ các ngày. Dưới mỗi ngày đều ghi kinh, chú, Phật hiệu (nữ nhân có mười tám, mười chín [người ghi danh], nam nhân chỉ có mười một, mười hai)[1]. Ở đây do nhiều người nên không thể ghi ra tường tận được. Lập biểu đồ theo hàng ngang, dưới mỗi ngày để ra mấy dòng để ghi thì cũng là pháp phương tiện để dẫn dụ người khác tinh tấn. Lời thuật Duyên Khởi được khắc ở đầu [cuốn Nhật Ký Tu Trì] khá hữu ích.

Đối với câu hỏi về “giác hải” (biển giác) [được nêu ra] trong sách Nhập Phật Vấn Đáp, nếu luận trên mặt gốc thì một còn chưa thể được, nói chi đến vô lượng! Nếu ước theo lợi ích thật sự khác biệt do thọ dụng từ biển giác qua những gì đã chứng được và chưa chứng của mỗi người thì cũng chẳng thể nói là “chỉ một không hai” được[2]! Ví như hư không vốn không có hai, do những vật có tánh chất ngăn ngại xen cách nên trở thành chỗ này, chỗ kia khác biệt, nhiều khôn kể xiết! Nếu bỏ những thứ có tánh chất gây ngăn ngại đi, sẽ trở lại [tình trạng] không có đây – kia. Tâm tánh của chúng sanh và Phật không hai; do chúng sanh mê chưa ngộ, đủ mọi thứ chấp trước, nên trong một biển giác thành ra ngăn cách, trở ngại, biến thành biển nghiệp. Đoạn sạch được phiền não, giống như dẹp sạch mọi vật có tánh chất gây ngăn ngại, sẽ thành “hư không chẳng hai”! Vì thế, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Thập phương chư Như Lai, đồng cộng nhất Pháp Thân, nhất tâm, nhất trí huệ. Lực vô úy diệc nhiên” (Mười phương chư Như Lai cùng chung một Pháp Thân, một tâm, một trí huệ. Lực, vô úy cũng thế). Ba pháp “tâm, Phật, chúng sanh” không sai biệt; cái sai biệt chính là tướng huyễn vọng, chứ không phải là bản thể.

Người đời sau đông đúc là do sanh sôi đông đảo, chứ không phải do trì Ngũ Giới, gieo thiện căn mà đông! Cổ nhân nói: “Nhất nhân sanh nhị nhân, thập thế nhất thiên đinh” (Một người sanh hai người, mười đời thành ngàn kẻ), sao không nhiều cho được? Phật dạy “thân người khó được”; trong khoảng [rộng] một thước từ mặt đất cho đến tận trời, những chúng sanh trong ấy nhiều hơn số người trong Tứ Thiên Hạ. Có những chúng sanh từ ác đạo thoát ra, do từ thiên giới giáng xuống, chẳng biết là bao nhiêu! Xưa kia con người ít ỏi là vì duyên để sanh trưởng ít ỏi. Nay con người đông đúc là do duyên để sanh trưởng nhiều. Chớ nên nói: “Do con người nhiều hơn xưa, tức là vì hiện thời có nhiều người trì giới mà được nhiều như thế!” Chẳng biết những loài trùng nhỏ xíu noãn – thai – thấp – hóa trong lục đạo nhiều vô lượng. Huống chi còn có những chúng sanh trong quỷ đạo ư? Huống chi còn có kẻ ở trong địa ngục nữa? Vì thế, mới nói: “Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng” (Phật xem một bát nước, tám vạn bốn ngàn trùng). Sao ông lại mang tri kiến lệch lạc như thế?

Quang già rồi, trong khoảng Xuân – Hè năm nay còn có mấy thứ sách cần phải in. Ngày Hai Mươi Ba sẽ xuống núi qua Thượng Hải, ngụ tại chùa Thái Bình. Đến tháng Sáu trở về núi ở hết Hè, tháng Bảy lại xuống núi chẳng trở về nữa. Tháng Tám, tháng Chín, việc in sách kết thúc liền diệt tung tích, ẩn náu lâu dài. Do mấy năm qua, hằng ngày chỉ bận bịu thù tiếp thư từ, gần đây tinh thần ngày một giảm, chuyện thù tiếp ngày càng nhiều. Nếu chẳng đi theo một đường lối khác thì chưa bận tới chết sẽ trọn không có lúc nào ngớt được, vô ích cho người, tổn hại cho mình, há chẳng đáng buồn lắm ư? Không có chuyện gì thì chẳng cần phải gởi thư đến. Mấy tháng tới đây tôi đều ở tại chùa Thái Bình nơi bến Trần Gia, Thượng Hải. Tới tháng Tám, tháng Chín, sẽ không nói được địa chỉ [nhất định] nào!

***

[1] Đây là một hình thức khích lệ tu trì. Nhật Ký Tu Trì ghi những điều phát nguyện tu trì của các liên hữu trong liên xã. Mỗi trang là một tháng, ghi rõ trong mỗi ngày trong tháng ấy, ai phát nguyện tụng bao nhiêu biến kinh nào, niệm bao nhiêu biến chú nào đó, hoặc niệm bao nhiêu câu Phật hiệu.

[2] Ý nói: Xét đến rốt ráo về mặt bản thể thì giác ngộ chỉ là một, sự giác ngộ rốt ráo của Phật và chúng sanh giống hệt như nhau không hai, không khác nên nói là “một còn chưa thể được”, tức là không còn phân biệt, đối đãi nên ngay cả sự giác ngộ cũng không thấy có. Hay nói cách khác, không thấy có sự giác ngộ của Phật và của chúng sanh nên nói “một còn chưa thể được”. Nếu xét theo mặt Sự, tùy trình độ tu chứng, căn cơ, chấp trước, mức độ đoạn phiền não của mỗi người mà thấy sự giác ngộ có nhiều từng cấp, nhiều đến vô lượng nên gọi là “biển giác”.