Thư trả lời cư sĩ Hà Huệ Chiêu

(thư thứ nhất)

Nhận được thư, khôn ngăn cảm thán! Huệ Kính chí tâm hoằng pháp, đột nhiên qua đời. Sợ rằng vẫn khó thể thật sự vãng sanh Tây Phương. Sanh tử nguy hiểm thật đáng kinh sợ, phải đề phòng sẵn. Tuy do người khác chôn cạnh mộ mẹ ông ta đến nỗi có chuyện xung phạm, nhưng nên biết rằng: Chuyện xung phạm ấy cũng là do túc nghiệp chiêu cảm. Nếu có đức lớn, chắc sẽ có chuyện bổ trợ bất ngờ [để hóa giải sự xung phạm ấy]. Chuyện này chỉ nên quy cho số mạng, đừng đổ lỗi cho người ta. Nếu đổ lỗi cho người ta, chắc đôi bên sẽ càng kết thêm oán nghiệp!

Xin hãy nói cặn kẽ cùng gia đình ông ấy: Ai nấy đều làm chủ đất của chính mình, chẳng thể làm chủ đất của người ta được. Nhà mình chôn trong đất của mình, chớ nên chôn trong đất của người khác. Đất của nhà người ta, há có thể ngăn người ta đừng chôn vào đấy ư? Đối với kẻ biết đạo lý ấy, dẫu thật sự xung phạm cũng chẳng dám oán người. Huống chi chưa thể phán quyết đích xác là do xung phạm mà chết ư? Do bởi lẽ này, quân tử chẳng oán trời, hận người!

Ông nghe tiếng khánh trong trẻo vang động trong không trung, ấy chính là [cảnh tượng được biến hiện] khi thanh tĩnh đến cùng cực. Sau đấy, biết [tiếng khánh trong trẻo ấy] là do răng và lưỡi va vào nhau, chứ trọn chẳng phải cảnh được biến hiện ở bên ngoài. Biết được điều này thì mới chẳng đến nỗi sanh khởi ý tưởng hiếm lạ, huyền diệu rồi do đấy sẽ khởi tâm kiêu căng, chẳng được lợi ích.

Ông nói “có tiếng phát ra từ trong tai”, nhưng các sách vở Tịnh Độ chẳng đề xướng điều này. Bởi lẽ, trong pháp môn Tịnh Độ, điều cốt yếu là Tín – Nguyện – Hạnh; những cảnh giới ấy vốn do mỗi người dụng công mà tự đạt được cảnh giới khác biệt, làm sao thiện tri thức có thể nêu rõ trước được! Nếu nêu rõ thì [hành nhân] sẽ được lợi ích ít ỏi, bị tổn hại lại nhiều!

Còn như sách Tự Tri Lục chuyên môn thuật bày những cảnh giới, nhưng thật ra những cảnh giới ấy vẫn là những [cảnh giới biến hiện từ] suy tưởng thuộc về mặt Lý. Họ muốn dựa vào đó để khoe khoang môn đình bèn đặc biệt trình bày như những cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn! Nếu Quang không ngăn cản, chắc rằng họ sẽ in ra nhiều vạn cuốn để dẫn nhập người khác vào lối ma!

Công phu thanh tịnh của ông tuy tốt đẹp, nhưng đối với căn cơ và Giáo vẫn còn thiếu từng trải nên mới nói lời ấy. Nếu từng trải, dẫu có sở đắc lớn lao, vẫn chẳng nghi cổ nhân giấu diếm! Lời dạy của Giang Công Vọng chính là nói về pháp Phản Văn (xoay tánh Nghe lại để nghe nơi tự tánh). Khéo áp dụng sẽ có ích; không khéo áp dụng sẽ trở thành một môn chuyên cậy vào tự lực trong nhà Thiền. Phàm là người tu hành hãy nên giữ chánh niệm. Ngoại trừ Phật hiệu ra, tất cả các niệm đều chẳng để nẩy sanh, đó gọi là “nhất tâm”. Vì thế kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”.

Ông chỉ nhất tâm niệm Phật mà thôi, há nên lầm lạc muốn vói cao pháp Nhĩ Căn Viên Thông của [Quán Thế Âm] Đại Sĩ. Ông phải biết: Pháp Phản Văn của Đại Sĩ hoàn toàn chẳng phải là nghe âm thanh mà là nghe nơi tánh Nghe! Vì thế nói: “Phản văn, văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (Xoay cái Nghe để nghe nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo). Có âm thanh hay không đều nghe được cả. Nếu theo như ông nói thì ắt phải có âm thanh mới nghe được! Chúng ta niệm Phật, [lắng] nghe theo âm thanh niệm Phật ấy, cũng là mang hơi hướng Phản Văn, đừng tự giữ lấy pháp Viên Thông mà hãy chuyên nhất lấy vãng sanh làm điều mong mỏi của chính mình thì sẽ có ích, không bị tổn hại. Nếu không, do hướng theo [sự xoay lại nghe nơi tánh Nghe], tâm bị chia chẻ bởi thói phân biệt pháp môn cao – thấp thì vô lượng vô biên lợi ích chân thật sẽ bị đoạn hết bởi thói “biết nhiều, bàn lắm” ấy.

Bốn bài thơ ông đã soạn, thanh vận thanh tao, du dương, Quang vốn chẳng làm thơ nên không thể họa được! Hiện thời đang bận bịu trọn chẳng được rảnh rỗi, nên muốn diệt tung tích gấp. Lại còn có bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ khá có quan hệ đối với thế đạo nhân tâm vẫn chưa sắp chữ xong, chắc là suốt ngày lẫn đêm đều phải lo liệu. Hiện thời bản in theo cỡ chữ Tam Hiệu Tự đã sắp đặt xong, in ra một vạn bộ; sau hôm Hai Mươi sẽ có thể in ra sách, sẽ gởi tới mấy gói. Một vạn cuốn in trong lần hai đã được ấn hành. Lại còn ấn bản với cỡ chữ Tứ Hiệu Tự in bằng giấy báo vừa mới sắp chữ được một nửa. Nếu bản này sắp chữ xong, sẽ in một vạn bộ hoặc hai vạn bộ, rồi ra đi mãi mãi.

Ước chừng vào nửa sau tháng Chạp, tôi sẽ sang Hương Cảng để khỏi phải suốt ngày bận bịu thù tiếp thư từ đến nỗi lỡ làng đại sự của chính mình!

(thư thứ hai)

Nhận được thư, biết ông túc căn sâu dầy, hạnh trong hiện tại khá thuần. Vì thế mới có đủ mọi cảnh tướng thù thắng hiện ra. Nhưng người đời nay quá nửa là chuộng thể diện, xây lầu gác trên không, có một phần hay nửa phần bèn nói có trăm ngàn vạn phần! Như những cảnh giới trong cuốn sách của cư sĩ X… (tức cuốn Tự Tri Lục) hoàn toàn do ngọn bút vẽ vời, chứ không phải do tâm địa tạo thành. Cố nhiên ông không nói dối, nhưng tôi thật sợ ông có tập khí ấy thì lỗi chẳng nhỏ đâu!

Đức Phật xếp vọng ngữ vào năm giới căn bản, chính là để ngăn ngừa thói tệ này. Nếu thấy mà nói chẳng thấy, chẳng thấy nhưng nói thấy thì thuộc vào loại vọng ngữ! Nếu xây lầu gác trên không, bịa nói cảnh giới thù thắng, tức là phạm giới đại vọng ngữ. Nếu chưa đắc bảo đã đắc, chưa chứng nói đã chứng, tội ấy còn nặng hơn giết – trộm – dâm trăm ngàn vạn ức lần! Nếu kẻ ấy chẳng cực lực sám hối thì khi một hơi thở ra không hít vào được nữa sẽ đọa trong địa ngục A Tỳ, bởi kẻ ấy hoại loạn Phật pháp khiến cho chúng sanh lầm lạc, nghi ngờ! Ông phải rất thận trọng!

Cảnh thấy được một phân chẳng được nói một phân mốt, cũng chớ nên nói chín ly chín. Nói quá cũng là bị tội lỗi, mà nói giảm đi cũng không được! Vì sao vậy? Do tri thức chưa đắc Tha Tâm Đạo Nhãn, chỉ có thể phán đoán theo lời kể. Thứ cảnh giới ấy nếu nói với tri thức để cầu chứng minh tà – chánh, đúng – sai thì không phạm lỗi gì. Nếu chẳng nhằm cầu chứng minh, chỉ muốn tự khoe khoang thì cũng chớ nên nói. Nếu nói với hết thảy mọi người sẽ mắc tội lỗi. Trừ để cầu tri thức chứng minh ra, đều chớ nên nói! Hễ nói ra thì sau này sẽ vĩnh viễn chẳng thể đạt được cảnh giới thù thắng ấy nữa đâu! Đây là cái ải lớn nhất cho người tu hành, trong giáo pháp của tông Thiên Thai đã nhắc đến nhiều lần.

Trong thời gần đây, sở dĩ nhiều kẻ tu hành bị ma dựa đều là do cái tâm vọng động, bộp chộp cầu cảnh giới thù thắng! Đừng nói cảnh ấy là cảnh ma, dẫu là cảnh thù thắng mà hễ nẩy sanh những tâm như tham đắm, hoan hỷ v.v… thì sẽ đều bị tổn hại, chẳng được lợi ích. Huống chi cảnh ấy còn chưa chắc đích xác là cảnh thù thắng ư?

Nếu người ấy có hàm dưỡng, tâm không vọng động, bộp chộp, không lòng tham đắm, thấy các cảnh giới mà hệt như chẳng thấy; đã chẳng sanh hoan hỷ, tham đắm, lại chẳng sanh sợ hãi, kinh nghi, đừng nói là cảnh thù thắng hiện ra sẽ có ích, dẫu cho cảnh ma hiện ra cũng vẫn có ích. Vì sao vậy? Do chẳng bị ma chuyển nên có thể tiến hơn. Lời này chẳng thường nói với người khác, do ông có những chuyện ấy nên cố nhiên tôi chẳng thể không nói. Thoạt đầu ông lễ Phật, trông thấy hình tượng Đại Sĩ [hiện ra, tượng ấy] không đích xác [là do Đại Sĩ biến hiện]! Bởi nếu đúng là thật thì sẽ chẳng vì do ông nghĩ tượng ấy chẳng hợp với [những điều được mô tả trong] Quán Kinh bèn ẩn mất; nhưng do đấy mà lòng tin của ông càng tha thiết thì cũng là nhân duyên tốt đẹp! Tuy vậy, chớ nên thường muốn thấy hình tượng [của Đại Sĩ], chỉ nên chí thành lễ bái mà thôi để khỏi phải lo nghĩ gì khác!

Lúc ngủ thấy trước mắt có ánh sáng trắng và khi lễ Phật thấy tượng Phật đứng lơ lửng trên hư không tuy thuộc về thiện cảnh, chớ nên tham đắm! Từ nay đừng lấy đó làm điều mong mỏi thì [những tướng ấy] sẽ chẳng hiện nữa! Trộm xem căn tánh của ông, tợ hồ trong đời trước đã từng tu tập Thiền Định nên mới nhiều lần thấy tướng ấy.

Đời Minh, ông Ngu Thuần Hy[1] bế tử quan nơi chỗ ngài Cao Phong trên núi Thiên Mục, tịnh tu đã lâu, liền có tài tiên tri. Có thể đoán trước trời âm u hay trong sáng, họa – phước của người khác. Ông ta quy y với Liên Trì đại sư; đại sư nghe chuyện liền gởi thư tận lực quở trách, bảo ông ta đã lọt lưới ma. Về sau ông ta không biết nữa!

Cần biết rằng: Người học đạo phải biết lẽ lớn lao. Nếu không, sẽ do được lợi ích nhỏ nhặt mà bị tổn hại to lớn. Đừng nói những thứ cảnh giới ấy, ngay như thật sự đắc Ngũ Thông cũng chẳng bận tâm đến thì mới hòng đắc Lậu Tận Thông! Nếu tham đắm, chắc sẽ khó tấn tu, hoặc bị thoái đọa, chẳng thể không biết [điều này]!

Hai câu kinh văn như ông đã nhớ trong giấc mộng vào điện Phật cố nhiên thuộc thiện cảnh. Hai câu ấy ngụ ý thật rõ ràng: “Phản hư y giác lộ, quy chân ngộ thường không” (Quay lưng với sự hư huyễn, đi theo con đường giác. Theo về với lẽ chân sẽ ngộ lẽ thường không), nghĩa là con người lầm tưởng các pháp thế gian là thật, nên mê muội vào trong sanh tử. Nếu có thể quán ngược lại, [hướng theo] bản thể của các pháp vốn không thì sẽ nương theo đường giác, thoát mê nhập ngộ, quy Chân Đế, ngộ Chân Không Thật Tướng chân thường.

Cảnh ma và cảnh thù thắng được phân biệt ở chỗ nó có hợp với kinh giáo hay không? Nếu là thánh cảnh, cảnh ấy sẽ làm cho tâm địa của người trông thấy liền được thanh tịnh, trọn không có tâm vọng động, bộp chộp, chấp trước. Nếu là cảnh ma thì hễ trông thấy [cảnh ấy] tâm liền chẳng thanh tịnh, liền sanh lòng chấp trước, vọng động, bộp chộp v.v….

Hơn nữa, Phật quang tuy cực sáng ngời, nhưng chẳng lóa mắt. Nếu ánh sáng chói mắt tức là không phải [quang minh của] đức Phật thật sự. Khi Phật hiện mà dùng lý “phàm những gì có tướng đều là hư vọng” để khám nghiệm thì càng rõ rệt; nếu ma hiện mà dùng lý ấy để khám nghiệm nó sẽ ẩn mất. Cách khám ấy là lò luyện lớn để nghiệm chân – ngụy vậy.

Ban đêm thấy ánh sáng trắng và những cảnh trong trắng trên hư không v.v… đều là do tâm tịnh mà biến hiện, há nên coi đấy là pháp giới nhất tướng tịch – chiếu bất nhị? Nếu tưởng như vậy, sẽ thành “đem phàm lạm thánh”, tội ấy thật chẳng nông cạn đâu nhé! Hai câu kinh văn [ông vừa nói trên đây] chưa rõ xuất xứ, chắc đấy cũng là lời văn trong ký ức từ đời trước, chứ chưa chắc là kinh văn.

Người tu Tịnh nghiệp chẳng chú trọng các thứ cảnh giới, nên cũng không có nhiều cảnh giới phát sanh cho lắm! Nếu trong lòng chuyên muốn thấy cảnh giới thì cảnh giới sẽ nhiều. Nếu chẳng khéo dụng tâm, ắt đến nỗi tự bị tổn hại, chẳng thể không biết [điều này]! Lời của vị Đầu Đà kia nói chính là đạo lý trong nhà Thiền. Ông ta chưa đả phá Tịnh Độ thì cũng là điều hay, nhưng trọn chẳng biết đến tông chỉ Tịnh Độ nên mới đem [Tịnh Độ] đối chiếu với Thiền để bàn luận. Câu nói “chú trọng cảnh thù thắng, ánh sáng tốt đẹp” của ông ta cần phải hết sức châm chước. Nếu không, sẽ gây lầm lẫn cho người khác chẳng cạn! Ông ta lại nói: “Chớ nên chấp trước, bởi lẽ Phật pháp vô lượng, hễ chấp sẽ thành hữu lượng, sẽ chẳng nhập Phật trí được”. Nào phải chỉ chẳng nhập Phật trí mà còn có thể lọt vào ma giới nữa kia! Còn như ông ta nói “ai có Phật nấy” thì chính là lời lẽ nhà Thiền ước theo lý nơi tâm để luận, chẳng ăn nhập gì với Tịnh tông hết!

Ánh sáng trắng trong vắt trên hư không vẫn chỉ là công đức nhỏ bằng đầu sợi lông của Như Lai, sao ông lại hiểu lầm là pháp giới nhất tướng, tịch – chiếu bất nhị? Thật ra đấy chính là cảnh Định trong đời trước do tâm tịnh mà hiện ra, cho nên ông đừng nghĩ đấy là chuyện lạ lùng đặc biệt!

Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm tông. Có tín – nguyện, bất luận hành nhiều – ít, sâu – cạn, đều được vãng sanh. Không có tín – nguyện, dẫu đạt đến địa vị “Năng – Sở đều mất, sáu căn thoát hẳn sáu trần”[2] vẫn khó được vãng sanh! Do nếu thật sự chứng được Thật Lý “Năng – Sở đều mất, sáu căn thoát hẳn sáu trần” sẽ liền có thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử, [người như vậy] không cần phải bàn tới nữa! Chứ nếu chỉ có công phu thấy được lý ấy, vẫn chưa thật chứng mà nếu không có tín – nguyện thì cũng khó vãng sanh!

Thiền gia hễ nói tới Tịnh Độ đều quy về Thiền Tông, không nhắc tới tín – nguyện. Nếu y theo đó mà hành thì vẫn có thể khai ngộ, nhưng chưa đoạn Hoặc nghiệp mà muốn liễu sanh tử thì có mộng cũng chẳng mơ được đâu! Vì phàm phu vãng sanh là do tín – nguyện cảm Phật nên có thể cậy vào Phật từ lực để đới nghiệp vãng sanh. Nay đã chẳng sanh lòng tín – nguyện, lại đem mỗi một lời đức Phật nói quy hết về tự tâm thì làm sao cảm Phật được! Cảm và Ứng chẳng phù hợp thì chúng sanh là chúng sanh, Phật là Phật! Đem pháp Hoành Siêu (vượt thoát theo chiều ngang) dùng làm pháp Thụ Xuất (thoát ra theo chiều dọc) thì sẽ đạt được lợi ích nông cạn, bị tổn hại sâu xa! Chẳng thể không biết [điều này]! Chỗ được lợi ích là nghe theo lời nói ấy thì cũng có thể khai ngộ, nhưng chỗ bị tổn hại là đã bỏ tín – nguyện thì sẽ không cách gì cậy vào Phật từ lực được! Do vậy, tôi nói: “Người thật sự tu Tịnh Độ chẳng dùng đến khai thị của nhà Thiền do pháp môn, tông chỉ bất đồng”. Xin hãy sáng suốt soi xét. Nếu chẳng nghĩ như vậy là đúng thì xin hãy thưa hỏi nơi bậc đại thông gia cho khế hợp tâm chí của ông. Cố nhiên Quang không chấp trước!

***

[1] Ngu Thuần Hy (1533-1621), tự Trường Nhụ, quê ở huyện Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang. Ông có tướng lạ là khi ngủ không nhắm mắt. Lúc mới ba tuổi đã niệm Phật suốt ngày không ngừng. Niệm đến nỗi hoa sen, cây báu hiện bóng trong phòng. Ông đem chuyện này kể với bà nội, bà bảo: “Đấy là cảnh giới trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Tuy vậy, bà cụ vẫn dạy cháu tu Thiền Định (Đáng tiếc thay! Kẻ không thông hiểu, vô tình phá hoại, ngăn trở túc căn của người khác). Về sau, ông cùng với em là Thuần Trinh nghiên cứu giáo nghĩa tông Thiên Thai trong thời gian cư tang mẹ. Trong thời gian chưa hiển đạt, để kiếm sống, ông làm thầy đồ dạy học, thường dạy học trò tu Sổ Tức Quán khiến phụ huynh của chúng rất bực mình. Sau khi đậu Tú Tài, ông cùng người trong xã tụng Lương Hoàng Sám cảm được quang minh đủ màu chiếu xuống rực rỡ, đang trong tiết Đông mà hoa nở tươi thắm. Năm Vạn Lịch 14 (1583) ông đậu Tiến Sĩ, ra làm quan. Do cư tang cha bèn dựng lều tranh bên cạnh mộ cha suốt ba năm.

Sau thời gian cư tang, ông lại ra làm quan, giữ chức Viên Ngoại ở bộ Lễ, không lâu sau trở về, nhập tử quan ẩn tu ở chỗ Cao Phong thiền sư trên núi Thiên Mục, ngày đêm tinh tấn dụng công đến nỗi có khả năng tiên tri được đủ mọi chuyện. Người kéo đến hỏi cát – hung nườm nượp. Vị thầy quy y của ông ta là Liên Trì Đại Sư nghe chuyện than dài: “Chàng họ Ngu đã đọa trong lưới ma mất rồi!” rồi gởi thư thống trách, ông ta mới thôi nói chuyện tiên tri. Ông quyết chí tinh tấn tu Thiền, đến ngày thứ 21, quá mệt mỏi, sắp gục xuống gối ngủ, bỗng thấy dường như Cao Phong thiền sư đậu trên cánh tay trái, ngay lập tức có chỗ ngộ, bèn xuống núi cầu ấn chứng với Liên Trì Đại Sư.

Đại Sư dạy: “Phàm là người từ trong mộng tỉnh giấc, nếu chẳng chải gỡ, rửa ráy, đội khăn, lại gối đầu lên mền bông, chắc chắn sẽ ngủ thiếp đi rất nhanh. Người từ trong u mê tỉnh ngộ, nếu chẳng vãng sanh trong Tịnh Độ trang nghiêm, cứ thân cận thế giới uế trược, chắc chắn sẽ lại mê mất. Hoa sen trong lửa dễ khô héo, trúc mới mọc dễ gãy. Ông phải tự mình suy nghĩ đắn đo, ngàn vạn phần chớ nên để một điểm tỉnh ngộ này ngăn trở bước tiến trên con đường tu hành”. Họ Ngu y giáo phụng hành, suốt đời tu tập pháp môn Tịnh Độ (theo Đức Viên Tập).

[2] Nguyên văn “căn trần huýnh thoát”, đây là một thuật ngữ trong tông Thiên Thai, chỉ cảnh giới đã đạt được đến mức tâm thanh tịnh, các Căn không bị các Trần làm ô nhiễm nữa nên gọi là “thoát”. Do những đối tượng bên ngoài không còn bị ô nhiễm bởi các phiền não bên trong nên chúng được nhận biết khách quan như gương chiếu bóng, nên khi ấy sáu Trần không còn gọi là Trần nữa mà gọi là Cảnh. Vì thế gọi là “huýnh thoát” (vượt khỏi hẳn, vượt xa).