Thư trả lời cư sĩ Giang Hữu Truyền

Nhận được thư, biết ông đã có thiện căn Tịnh Độ từ đời trước, cho nên vừa nghe liền tin nhận. Tu tập Tịnh Độ tùy phần tùy sức, há cứ phải bỏ sạch muôn duyên thì mới tu trì được ư? Ví như đứa con hiếu nghĩ đến mẹ hiền, gã dâm mơ tưởng gái đẹp, tuy hằng ngày bận bịu trăm bề, một niệm ấy chẳng lúc nào quên bẵng. Người tu Tịnh Độ cũng phải giống như thế, mặc cho hằng ngày công việc bận bịu tơi bời, quyết chẳng để tâm quên lãng niệm Phật thì sẽ đạt được yếu quyết. Nói đến ông X… thì ông ta là phường luyện đan vận khí. Đã nói “quy y Tam Bảo” cố nhiên nên vứt bỏ những thứ công phu ấy ra ngoài. Không phải là người niệm Phật không được tịnh tọa, nhưng khi tịnh tọa vẫn niệm Phật. Ông ta khoe công phu tịnh tọa hữu hiệu thì đấy là nói về sự hữu hiệu do luyện đan vận khí! Ông chẳng biết công phu tịnh tọa như hắn ta đã nói là công phu gì cho nên vẫn tiếp tục tập luyện.

Nếu tuân theo chánh lý, đã tu Tịnh nghiệp thì phải nương theo lời Phật dạy! Nếu kiêm tu [pháp luyện đan vận khí] thì tà – chánh xen tạp, chắc sẽ đến nỗi có các ma sự. Bởi lẽ, ngoại đạo luyện đan để mong xuất hồn. Nếu vẫn giữ ý niệm ấy sẽ có hại chẳng nhỏ! Nếu luận về luyện đan thì pháp ấy cũng chẳng phải là vô ích, nhưng tông chỉ của nó hoàn toàn trái nghịch với Phật pháp. Phật dạy con người thấy thấu suốt cái thân huyễn vọng này, bọn họ dạy con người giữ gìn thân tâm huyễn vọng này (Xuất hồn chính là huyễn tướng do vọng tâm kết thành). Ông ta đã tín nguyện niệm Phật, hãy nên tuân theo tông chỉ Tịnh Độ; nếu ông ta chú trọng luyện đan, cần gì phải mạo danh Tịnh Độ?

Những sách vở ông đã nói đến hiện thời không còn, đợi đến tháng Mười Một hoặc tháng Mười Hai sẽ có bản in mới của Văn Sao và Thọ Khang Bảo Giám, sẽ gởi đến cho ông. Tháng Giêng hay tháng Hai trong mùa Xuân năm sau, sẽ có Gia Ngôn Lục, Di Đà Bạch Thoại Chú v.v… được gởi đến. Xin đừng lo. Hãy nên đem lời Quang nói với ông X… thì may mắn lắm thay!