Thư trả lời cư sĩ Giang Dịch Viên

(thư thứ nhất)

Nhận được thư, biết các hạ thường viết nhiều bài đề xướng sự lợi ích Tịnh Độ, vui mừng, an ủi tột bậc. Sẽ gởi cho Thượng Hải Tịnh Nghiệp Xã để họ đăng tải trong nguyệt san, ngõ hầu độc giả đều cùng sanh lòng tin. Ông nói khí lực, thể lực hết sức suy yếu, tợ hồ có lẽ nên chuyển lòng đau buồn thương xót thành niệm Phật cho mẹ để người mất lẫn kẻ còn đều được lợi ích lớn lao, cần gì cứ phải khăng khăng giữ lòng buồn đau, tiều tụy mới là hiếu!

Ngày Hai Mươi Lăm tháng Ba, Quang đến chùa Thái Bình ở Thượng Hải. Vào ngày Hai Mươi Sáu thì khoản tiền hai trăm đồng từ Nam Thông chuyển tới. Thoạt đầu do bận bịu đến nỗi quên báo cho Thư Cục, sau đấy bảo họ gởi chừng đó sách, chẳng biết họ đã gởi hay chưa? Nay lại từ Phổ Đà gởi tới cho ông một gói nữa, xin hãy xem qua. Đợi khi sách được in ra vào lần thứ hai, lần thứ ba, sẽ gởi thêm nữa. Một trăm đồng sẽ thỉnh được ba trăm bộ; dẫu các hạ không gởi tiền, Quang cũng cần phải gởi ngần ấy bộ để mong ai nấy đều biết đến ân đức từ bi của Đại Sĩ. Hiện thời đã có người đảm nhiệm in đến bảy vạn bộ. Do năm ngoái có chiến tranh, chưa đưa giấy ra khỏi núi được; năm nay lại bị hạn hán đến nỗi lần khân tới tháng Tư.

Phật Quang Xã được các hạ đề xướng nào có thiếu sót gì mà cần Quang phải góp lời. Người tu Tịnh nghiệp chớ nên dính vào chút điểm xảo thuật nào. Nếu vẫn thích những chuyện kỳ lạ, không ưa chuyện bình thường, ắt sẽ biến khéo thành vụng. Do điều này, người thông Tông thông Giáo thường chẳng bằng ngu phu ngu phụ thật thà niệm Phật lại được ích lợi thật sự. Nếu chịu giữ nề nếp bình thường, đạm bạc, chất phác, thật thà thì sanh về Cực Lạc sẽ là điều có thể dự đoán chắc chắn được! Nếu không, chẳng sanh về Cực Lạc cũng là điều có thể đoán chắc được! Xin hãy thiết thực khuyên xã hữu tin tưởng như thế, hành như thế thì lợi ích lớn lao thay!

(thư thứ hai)

Chưa trả lời thư đã lâu, thiếu sót quá! Trước đây tôi đã nhận được tờ đặc san kỷ niệm Phật Quang Xã tròn một tuổi được in bằng ronéo, thấy có in bài viết của Châu Mạnh Do ca ngợi Quang thật đáng khiến cho người ta hổ thẹn muốn chết. Mạnh Do vô tri làm càn, sao các hạ lại cho đăng tải bài ấy, khiến tội Quang sâu thêm? Xin từ nay về sau, hễ bài viết nào dính dấp thói ấy hãy đều loại bỏ để người đọc khỏi bàn ra tán vào!

Nay nhận được thư và khoản tiền của ông Ngô Điệp Khanh và tờ Phật Quang Xã San. Ngô thái phu nhân phước lẫn thọ đều vẹn toàn, điều thiếu sót là chẳng biết tới pháp môn Tịnh Độ. Nay con của cụ là Điệp Khanh thành tâm cầu siêu, ắt cụ sẽ nương theo Phật từ lực để được vãng sanh. Với món tiền hai trăm đồng ấy, tôi sẽ dùng một trăm để cử hành Phật thất, thỉnh mười sáu vị Tăng niệm Phật. Hiện thời khí trời nóng bức phi thường, Quang tính biếu riêng cho mỗi vị một đồng, tổng cộng là mười sáu đồng. Tám mươi bốn đồng còn lại thì đợi tới khi sắp chữ Văn Sao bản mới và Thọ Khang Bảo Giám (sách này chính là cuốn Bất Khả Lục được giảo chánh, sửa đổi, tăng thêm bài, tính in ra mấy vạn cuốn để cứu vớt những kẻ thanh niên trước khi họ bị bệnh) xong, năm sau khi in ra sẽ gởi sách vừa đúng với số tiền ấy đến nhà họ Ngô để mong kết duyên.

Quán Âm [Bổn Tích Cảm Ứng] Tụng in lần thứ hai vừa được mười mấy hôm thì trong ngày mồng Hai tháng Bảy, toàn thể công nhân bãi công! Lần này, do họ đòi hỏi phi lý, chắc Trung Hoa Thư Cục khó thể đáp ứng được, sợ là trong nhất thời, chẳng thể giải quyết xong! Bởi vậy, dù in hay sắp chữ đều phải chậm trễ! Xã San (tờ báo của Phật Quang Xã) rất hay, nhưng chữ quá nhỏ, mắt già rất khó đọc! Giấy dày thì bưu phí sẽ đắt thêm chừng đó nữa!

Thư gởi cho ông Phùng Bất Cửu, Quang không có bản nháp, nay [lá thư ấy] đã được đăng tải trên Xã San, Quang sẽ cho chép lại để đưa vào Văn Sao[1]. Những điều khác chẳng có quan hệ lớn lao gì, chỉ có một đoạn nói “nhưng tiên sinh [Giang] Thận Tu tạo ra thiên địa nhật nguyệt chẳng thể vận hành, [nhờ] được khí Âm của đứa tớ gái mới vận hành” là rất có quan hệ. Đưa lá thư ấy vào Văn Sao cũng phá trừ được tà kiến, khiến cho [người đọc] biết được chánh pháp. Nhưng trong lá thư ấy, có nhiều chỗ bị sao lục thiếu sót câu văn; những đoạn khác đều chẳng quan trọng khẩn yếu cho lắm, chỉ có đoạn thứ hai “một Âm một Dương gọi là Đạo”, nơi dòng thứ sáu ở phía trên đã chép lẫn lộn “Thành tức Minh Đức, Minh tức Minh Minh Đức chi Minh thành minh”[2], trong mười ba chữ ấy cũng có chữ sai, nhưng không có quan hệ khẩn yếu lớn lao. Đọc sơ qua những bài khác thì thấy không bị sai ngoa nhiều lắm, chỉ có lá thư này bị sai khá nhiều.

Quang mục lực lẫn tâm lực đều thiếu, bận bịu quá sức, nên chẳng thể ra sức viết lách cho Phật Quang Xã được, thật thiếu sót! Các hạ đã cực lực đề xướng nên mọi người hiền đều nhóm tới, quả thật là một chuyện vui lớn lao trong đời người, mà cũng là một niềm đại hạnh phúc cho quý địa. Biên nhận [mở Phật thất] niệm Phật cho nhà ông Ngô gởi kèm theo thư, xin hãy báo với ông ta về chuyện sử dụng một trăm đồng còn lại.

Thầy Chân Đạt tính giúp một trăm đồng để thỉnh kinh điển cho Phật Quang Xã, sai Quang liệt kê một danh sách những kinh sách phổ biến thường được đọc nhiều, đợi tới cuối tháng lên Thượng Hải sẽ thỉnh rồi gởi tới. Đừng lo! Trong năm sau, Quang in Tăng Quảng Văn Sao bản mới và Thọ Khang Bảo Giám bản tăng quảng xong, cũng sẽ gởi sang Phật Quang Xã chừng đó cuốn để kết tịnh duyên. Các hạ và bạn bè viết lời khen ngợi Bất Huệ tức là đã mắc tội “đem phàm lạm thánh”. Xin từ nay về sau vàn muôn phần đừng dùng cách ấy nữa để đôi bên đều được thoải mái.

 (thư thứ ba)

Nhận được thư khôn ngăn cảm thán. Lệnh sư Sắc Am vì sanh kế chưa thể sốt sắng tu trì pháp môn Tịnh Độ, nhưng các hạ đã đem lòng chí thành cầu siêu cho cụ, ắt cụ sẽ được nương theo Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Do thấy Đại Sĩ Tụng (tức Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng) bị chậm trễ đã lâu, trong mồng Một tháng này Quang liền xuống núi. Mồng Ba tới Thượng Hải, tiếp xúc Thư Cục. Mồng Bốn đến Ninh Ba, thương lượng chuyện xây cất đại điện chùa Pháp Vân (năm sau mới xây cất). Mồng Bảy về Thượng Hải, thư của lệnh điệt[3] Tri Nguyên và khoản tiền gởi tới đều nhận được rồi.

Chùa Thái Bình hiện đang có Phật Thất, chẳng thể cùng tiến hành được. Do vậy, tôi đến Tịnh Nghiệp Xã thương lượng với ông Quan Quýnh Chi; ông ta rất hoan hỷ, quyết định sẽ khởi thất từ hôm mồng Mười. Ở chỗ ông ta, Tăng sĩ niệm Phật chỉ có mấy vị, nhưng cư sĩ rất đông. Quang cho rằng cư sĩ đến [tham dự], ắt cần phải cung cấp cơm nước, sợ đông người quá chắc họ phải bù thêm tiền. Ông ta nói: “Bù đắp chút ít cũng đâu có sao! Nhờ vào đấy để mọi người gieo thiện căn”. May mắn chi bằng! Thí Tỉnh Chi, Hoàng Hàm Chi v.v… lúc ban ngày bận việc, ban đêm khi nào được rảnh rỗi cũng đến niệm. Họ nhờ Quang khai thị hôm mồng Mười[4]. Phật Thất lần này so ra có ích hơn việc chỉ thỉnh mười mấy vị Tăng niệm Phật nhiều lắm. Đây cũng là do lòng Thành của các hạ cảm thành và cũng do túc nhân của lệnh sư mà có.

Thầy Chân Đạt đã thỉnh cho Phật Quang Xã một trăm lẻ bảy đồng kinh sách, đợi khi có người thuận dịp trở về Vụ Nguyên sẽ nhờ họ mang đến. Đừng lo! Tôi đã nhận được đầy đủ sách của các hạ đã từ Phổ Đà chuyển đến vào hôm mồng Tám. Không lâu nữa Quang sẽ trở về Phổ Đà, đợi tháng Ba hay tháng Tư năm sau sẽ lại sang Thượng Hải để lo liệu các khoản chi phí in các bộ Đại Sĩ Tụng v.v…

(thư thứ tư)

Thư trả lời lần trước, chắc [các hạ] đã nhận được rồi! Năm giờ chiều hôm qua tôi đến Tịnh Nghiệp Xã, hỏi Quan Quýnh Chi có mấy vị Tăng nhân [tham dự Phật Thất], ông ta cho biết có chín vị. Cư sĩ nam nữ hơn một trăm người. Chiều hôm qua do bọn họ thông báo, người đến tham dự càng nhiều hơn nữa. Quang trình bày đại lược duyên do và lợi ích của việc niệm Phật trong khoảng một tiếng năm phút. Ngày hôm nay, bảo đem những kinh sách đã thỉnh từ trước giao sang chùa Thái Bình, tổng cộng là hai mươi lăm gói nhỏ, phía ngoài dùng bao lác[5] bọc thành bốn bọc lớn. Phiếu giao sách tổng cộng là bốn trang được gởi kèm theo thư để tiện kiểm nhận.

Thầy Chân Đạt xin các hạ hãy cho người viết tên của từng loại kinh sách đã thỉnh vào phần Thư Căn như An Sĩ Toàn Thư v.v… thì sẽ chẳng đến nỗi tạp loạn khó tìm. Trong ấy có [những kinh sách số lượng khác biệt] một, hai, ba, bốn, năm bộ. Nếu đối với những sách dư ra mà dùng để kết duyên thì không cần phải phân biệt, chứ nếu đều lưu giữ trong Phật Quang Xã thì cần phải chép rõ mỗi bộ giống như thế để chẳng đến nỗi bộ này bộ kia so le không đều đến nỗi khó coi. Số sách ấy đợi có người tiện dịp trở về Vụ Nguyên sẽ cậy họ đem theo. Nay gởi trước phiếu giao sách kèm theo thư để khi sách gởi đến sẽ có cái để dựa theo đó mà kiểm nhận.

(thư thứ năm)

Nhận được thư hôm trước, biết lệnh từ niệm Phật vãng sanh, khôn ngăn mừng cho lệnh từ, xót cho các hạ. Tuy nhiên, lệnh từ đã siêu phàm nhập thánh, cố nhiên chẳng cần phải bi thương vô ích giống như kẻ thế tục. Các hạ đề xướng Tịnh Độ, thoạt đầu lệnh phu nhân vãng sanh, nay thì lệnh từ vãng sanh. Đủ thấy “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh; đạo do người hoằng, hễ đề xướng ắt có người phụ họa”. Nhưng do Quang bận bịu đến cùng cực, chẳng thể soạn thuật ngay, cảm thấy thiếu sót đến cùng cực.

Tôi sửa chữa đôi chút cuốn Tam Tự Kính[6]. Hôm trước Tuyết Tinh đến đây cầm đi, ông ta muốn sao lục, liền thay mặt gởi đi. Truyện của lệnh từ thật quá sơ sài, nay tôi đem nguyên cảo gởi trả lại kèm theo thư, xin hãy thêm thắt, sửa đổi, sao cho truyện được hoàn bị. Lại nên bảo Hữu Bằng[7] sao ra mấy bản, gởi cho các tờ báo Phật giáo. Do gần đây Quang bận bịu quá nhiều việc, chẳng thể sửa chữa cặn kẽ được!

Tám gói sách đã gởi trước đây, ông đều nhận được rồi, tôi yên tâm lắm. Quang định sẽ diệt tung tích ẩn náu lâu dài vào cuối tháng Chín do chuyện thù tiếp ngày một nhiều, tinh thần ngày một giảm. Nếu chẳng ẩn dật lâu dài, chắc sẽ quanh năm suốt tháng bận bịu vì người khác, chẳng có lúc nào ngơi! Tất cả những bản gốc của các sách được in gần đây đều giao hết cho Cư Sĩ Lâm, họ tính mở Phật Học Thư Cục để lưu thông rộng rãi. Chẳng qua họ mang tánh chất doanh nghiệp, so với [Hoằng Hóa Xã của] Quang chỉ tính giá vốn thì giá sách [của Phật Học Thư Cục] sẽ đắt gần gấp rưỡi!

(thư thứ sáu)

Pháp danh của bảy người [xin quy y] được viết trong một tờ giấy khác. Thời cuộc nguy hiểm, hãy nên bảo ai nấy đều ăn chay, niệm Phật và niệm Quán Âm để cầu Phật, Bồ Tát gia bị, khiến cho chiến sự sớm chấm dứt, ngõ hầu nước nhà đều được yên vui. Điều quan trọng nhất là phải biết nhân, hiểu quả. Nước ta loạn lạc đến cùng cực như thế này đều là do người đời trước cao giọng đề xướng học thuyết bài bác nhân quả, coi “hễ có làm gì để làm lành thì đấy là làm ác” mà ươm thành. Nếu vẫn chẳng chịu nói điều này mà muốn cho thiên hạ thái bình thì sợ rằng sẽ chẳng có ngày ấy đâu!

(thư thứ bảy)

Đã lâu chưa gởi thư. Tháng trước, lệnh điệt Thủ Tiên đã gởi Tục Thi[8] đến. Quang do bận bịu cùng cực, phải đến hơn nửa tháng mới xem trọn hết đầu đuôi. Tôi cảm thấy [Ấn Quang Văn Sao] Tục Biên so ra còn quan hệ lớn lao hơn [Ấn Quang Văn Sao] Chánh Biên, do vậy gởi đi, chắc anh ta đã gởi thư báo tin rồi. Trước tác của các hạ có ích rộng lớn, thi văn đáng để dẫn dắt kẻ không có lòng tin sanh khởi lòng tin. Xin hãy giữ gìn sức khỏe để tu trì Tịnh nghiệp.

***

[1] Lá thư này được đăng tải trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, đánh số 169.

[2] Theo lá thư gởi cho ông Phùng Bất Cửu trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên thì câu này phải là: “Thành tức Minh Đức. Minh tức minh Minh Đức chi minh. Thành Minh hợp nhất, tắc thị minh Minh Đức, tắc thị Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Châu Công, Khổng Tử sở truyền chi đạo”. (Thành chính là Minh Đức, Minh chính là sự sáng tỏ (minh) trong “minh Minh Đức”. Thành và Minh hợp nhất chính là “minh Minh Đức”. Đấy chính là đạo được truyền bởi các vị Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, Vũ (vua Đại Vũ), Thang (vua Thành Thang), Văn (tức Châu Văn Vương), Võ (tức Châu Võ Vương), Châu Công, Khổng Tử)

[3] Tiếng gọi tỏ vẻ tôn kính cháu trai bên nội của người khác. Điệt (姪) là cháu gọi ta bằng chú hay bác; nếu là cháu gọi bằng cậu sẽ gọi là Sanh (甥).

[4] Xin đọc bài Pháp Ngữ Khai Thị Tại Tịnh Nghiệp Xã trong quyển 4 của bộ Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, phần Pháp Ngữ.

[5] Nguyên văn “bồ bao”, Bồ là một thứ cỏ thường dùng để kết thành chiếu hay áo tơi, có thể đan thành bao để gói đồ vật nên gọi là “bồ bao”. Chúng tôi tạm dịch là bao lác (bị cói) cho dễ hiểu.

[6] Tam Tự Kính (không phải là cuốn Tam Tự Kinh để dạy vỡ lòng cho trẻ của Nho gia) là một tác phẩm của Giang Dịch Viên nêu lên những gương niệm Phật, lợi ích do niệm Phật, cũng như khuyên nhủ nên niệm Phật, do mô phỏng theo lối văn vần ba chữ một của Tam Tự Kinh nên đặt tên như thế.

[7] Hữu Bằng là con trai của Giang Dịch Viên.

[8] Tức tác phẩm Dương Phục Trai Thi Kệ Tụng Tập của Giang Dịch Viên, Tổ Ấn Quang có viết lời đề từ cho tác phẩm này. Xin xem lời đề từ ấy trong cuốn 4 của Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên.