Thư trả lời cư sĩ Giang Cảnh Xuân (hai lá thư)

(năm Dân Quốc 22 – 1933)

1) Cầu cơ[1] chính là tác dụng của linh quỷ. Chúng xưng là vị Phật này, vị Bồ Tát nọ, vị tiên kia đều là giả mạo danh các ngài. Nếu chân tiên ngẫu nhiên giáng cơ thì sợ rằng trong trăm ngàn trường hợp chẳng được lấy một, huống gì là Phật, Bồ Tát! Dùng cầu cơ để đề xướng Phật pháp tuy có lợi ích nho nhỏ, nhưng về căn bản đã sai lầm! Người học Phật chân chánh quyết chẳng nhờ vào cách này để đề xướng Phật pháp, vì sao vậy? Vì đấy là tác dụng của quỷ thần. Nếu có linh quỷ thông minh thì họa may còn chẳng đến nỗi làm hỏng chuyện, chứ nếu là một con quỷ hồ đồ giáng cơ, ắt sẽ làm hỏng chuyện lớn! Người ta do lời giáng cơ bị hỏng chuyện lớn liền nói Phật pháp sai lầm, thì đề xướng kiểu ấy chính là đầu mối để phá diệt Phật pháp! Ông cho là bị mất lợi ích, hỏi có tội hay không tội thì biết ông hoàn toàn chẳng biết chân nghĩa của Phật pháp, đáng than thở quá đỗi!

Trong thời Đạo Quang – Hàm Phong (1821-1861) nhà Thanh, tại phủ Quảng Tín, tỉnh Giang Tây có một viên Hàn Lâm[2] tên là Từ Khiêm, tự Bạch Phảng. Người ấy sống đến chín mươi sáu tuổi, lúc mất thiên nhạc vang lừng trên không, ấy là sanh lên trời vậy! Ông ta không biết đến pháp môn Tịnh Độ, đối với địa vị Phật, Bồ Tát, trời, hay tiên, ông ta đều chẳng phân biệt rõ ràng! Một vị lão tăng ở Phổ Đà là môn nhân nhỏ tuổi nhất của ông ta đã kể cho Quang nghe câu chuyện này thật tường tận. Ông ta có trước tác cuốn Hải Nam Nhất Chước (một giọt nước Hải Nam), [trong sách ấy] coi quyển trung, quyển hạ ngụy tạo của Tâm Kinh giống như Tâm Kinh, lại chép lời giáng cơ cầu mưa ở Tứ Xuyên, [trong ấy] nói Quán Âm quỳ trong điện Ngọc Đế[3] cầu mưa. Đủ biết lời cơ nói xằng tán nhảm và tri kiến của ông ta đều là tà – chánh chẳng phân!

Ông cho rằng “không cầu cơ sẽ đánh mất lợi ích”, chẳng biết cái họa của việc ấy là có thể đến nỗi diệt pháp ư? Từ Khiêm là người chuộng điều thiện tin Phật, nhưng thật sự chẳng hiểu rõ Phật lý, chẳng thích làm quan, ở nhà dạy người làm lành, cũng tự cầu cơ, dạy đệ tử của chính mình cầu cơ. Mọi người đều chẳng biết cội nguồn của cầu cơ và cội nguồn của Phật. Đương thời, một vị Cử Nhân ở Nam Xương (tỉnh Giang Tây) cũng có hành vi giống như Từ Khiêm. Môn nhân của ông Cử Nhân này cầu cơ khám bệnh tại tỉnh thành rất linh. Mẹ quan Tuần Phủ mắc bệnh, thuốc men vô hiệu, có người thưa ông X… đó cầu cơ khám bệnh linh lắm; do vậy, bèn mời đến thăm bệnh. Kê toa, uống thuốc vào người bệnh chết ngay. Vội vàng đem toa thuốc cho thầy lang coi, thì ra trong ấy có vị thuốc công phạt. Do vậy, bắt ông ta đến hỏi. Ông ta thưa: “Đây chính là do thầy tôi là ông Y… dạy”. Vì thế, quan Tuần Phủ bắt đền thầy ông ta, bảo: “Ngươi dối đời hại người”, giết chết thầy ông ta. Từ Khiêm nghe chuyện ấy, răn dạy bọn môn đồ từ rày đừng cầu cơ nữa!

Ông cho “không cầu cơ thì pháp thiếu duyên”, trong tâm chấn động sôi sục, chẳng biết cái họa của cầu cơ lớn tầy trời, công đức khuyên người của nó chẳng thể bù đắp được! Bậc chánh nhân quân tử quyết chẳng bước vào đàn tràng ấy. Cuối đời Minh, ở Tô Châu có một người cầu cơ, có bảy tám môn đồ. Một ngày nọ, cơ giáng nói Phật pháp, khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây Phương, so với những gì cơ đã nói trước kia hoàn toàn khác hẳn. Sau đấy, lại giáng cơ giống như vậy hơn hai mươi lần nữa, sau cùng mới lại nói “cầu cơ chính là tác dụng của quỷ thần, ta là vị X… đó, sau này sẽ không đến nữa, các ông chớ nên cầu cơ nữa!” Chuyện ấy được chép trong Tây Phương Xác Chỉ[4].

Năm đầu Dân Quốc (1911), ở Hương Cảng có người cầu cơ, nói là đại tiên Hoàng Xích Tùng [giáng cơ] xem bệnh cực linh. Có kẻ trọn chẳng còn lẽ sống, cầu vị tiên ấy dạy cho một phương thuốc. Thuốc ấy cũng là tùy tiện nói ra một loại nào chẳng quan trọng lắm, nhưng hễ uống vào liền lành bệnh. Hoàng Tiểu Vỹ hâm mộ đến học, học được cách [cầu cơ] nhưng hễ vịn cơ, cơ liền không chạy. Người khác hỏi thì cơ dạy niệm kinh Kim Cang bao nhiêu biến đó rồi lại vịn cơ, làm theo thì cũng rất linh. Nhân đó, thường khai thị pháp môn Niệm Phật. Bọn ông Vỹ liền muốn lập đạo tràng Niệm Phật, cơ dạy: “Nên để ba năm nữa rồi mới lập”. Ba năm sau, bốn năm người bọn họ lên Thượng Hải thỉnh kinh sách, năm sau đến quy y, lập ra Đa Đa Phật Học Xã, đem chương trình niệm Phật gởi cho tôi: Niệm Phật xong, niệm Quán Âm, Thế Chí xong, lại niệm thêm một vị tên là Đa Đa Ha Bồ Tát. Quang hỏi: “Làm sao có được danh hiệu ấy?” Bọn họ bèn thuật lai lịch, nói là trước kia cơ xưng là đại tiên Hoàng Xích Tùng[5], sau dạy tu pháp môn Tịnh Độ, đến cuối cùng mới cho biết rõ gốc gác là Đa Đa Ha Bồ Tát, lại răn vĩnh viễn không được cầu cơ nữa.

Hai chuyện này do một người đệ tử sưu tập những pháp ngữ Tịnh Độ, [soạn thành sách] đặt tên là Tịnh Độ Tập Yếu[6], Quang bảo đem hai chuyện ấy ghi kèm vào đằng sau. Nay gởi cho ông ba bản, đọc rồi sẽ tự biết (với Đa Đa Ha Bồ Tát, Quang bảo họ lập riêng một điện để thờ phụng, chớ nên kèm thêm vào nghi thức Niệm Phật để khỏi làm cho người khác nghe rồi dị nghị). Dự vào liên xã niệm Phật thì một là phải bôn ba, hai là phải bỏ công chuyện hiện thời. Ở nhà tùy phần tùy sức niệm Phật, lợi ích rất lớn. Mỗi tháng một lần hoặc hai lần, đề xướng diễn thuyết trong liên xã khiến cho mọi người biết được pháp tắc, lợi ích, còn lúc bình thường cần gì cứ phải hằng ngày đến liên xã niệm Phật? Đây chính là ý kiến chánh của Quang kể từ khi lập Niệm Phật Lâm Xã đến nay.

Đệ tử Phật há nên kỷ niệm những thánh đản của Đạo Giáo? Nếu nói là [thói quen] thế tục lưu truyền khó dứt thì vẫn nên lấy niệm Phật làm chánh. [Thần thánh trong] Đạo Giáo thuộc về thiên, tiên, quỷ thần, là một trong ba thứ đó. Vì họ niệm Phật chính là để tăng trưởng thiện căn xuất thế cho họ, tiêu diệt ác nghiệp đời trước cho họ. Ông chẳng thấy trong lời hồi hướng khóa sáng có câu: “Hồi hướng hộ pháp chúng long thiên, thủ hộ già lam chư thánh chúng” (hồi hướng cho các trời rồng hộ pháp, các vị thánh gìn giữ, bảo vệ nhà chùa) đó ư? Phương Nam thường đọc là Tam Bảo, còn phương Bắc thường đọc là “hộ pháp”, hợp với ý nghĩa hơn. Thiên, tiên, quỷ thần đều xếp vào hàng hộ pháp. Vì hàng long thiên hộ pháp mà niệm Phật là đúng với chánh lý. Nếu niệm những kinh ngụy tạo như kinh Ngọc Hoàng[7] v.v… sẽ trở thành tà kiến.

Phật pháp suy vi đều là do tục tăng chẳng biết Phật pháp, dùng những kinh ngụy tạo như Huyết Bồn Kinh, Thọ Sanh Kinh để làm đạo trọng yếu nhằm cầu tiền tài. Từ đấy, những “Phật sự” như phá huyết hồ, phá địa ngục, hoàn tiền thọ sanh, gởi kho v.v… ngày thấy càng nhiều. Tuy lừa được tiền của kẻ ngu, nhưng lại khiến cho người có học vấn hiểu rõ lý lẽ thế gian nhưng chẳng biết chân lý Phật pháp hủy báng. Tục tăng chỉ cốt được tiền, chẳng đoái hoài cái họa hoại diệt Phật pháp sâu xa của những loại “Phật sự” ấy. Nếu gặp kẻ có chân tri chánh kiến đem chi phí làm những thứ “Phật sự” ấy để [dùng vào việc] niệm Phật thì lợi ích lớn lắm!

2) Thư chuẩn bị xong, pháp danh của hai mươi bốn người mỗi tên đều ghi ra giấy riêng. Quy y tuy dễ dàng, nhưng chớ nên vẫn giữ chương trình của ngoại đạo. Quang mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, chẳng thể khai thị nhiều. Nay gởi hai mươi bốn cuốn Gia Ngôn Lục, mỗi người một cuốn, ba mươi tờ “Một Bức Thư Gởi Khắp”, mỗi người một tờ, số còn dư tùy ý đem tặng, ba bản Tịnh Độ Tập Yếu, ba cuốn Sức Chung Tân Lương, hai loại này dùng để giúp cho việc đề xướng.

Hãy nên bảo với bọn họ: Đã quy y Phật pháp làm đệ tử Phật, ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, giữ tâm lành, nói lời lành, làm chuyện lành, hành như vậy mới là đệ tử Phật thật sự. Nếu miệng tuy niệm Phật, nhưng tấm lòng chẳng lành sẽ tương phản với khí phận của Phật, chẳng thể được lợi ích thật sự nơi niệm Phật! Hãy nên thường xem Gia Ngôn Lục thì tất cả lợi ích của pháp môn sẽ đều biết rõ từng điều. Thêm nữa, Một Lá Thư Gởi Khắp chính là nghi thức, quy cách giản tiện để tu trì hằng ngày. Bài văn ấy văn từ tuy thiển cận, nhưng lý thật thâm sâu, hãy nên dùng làm của báu gia truyền vĩnh viễn. Những điều khác đã nói tường tận trong Gia Ngôn Lục, ở đây không viết cặn kẽ nữa.

***

[1] Nguyên văn là “phù cơ” (thường bị đọc trại thành “phò cơ” ), tức là hình thức “vịn cơ bút”. Cơ bút ở Trung Hoa thường được làm có hình dáng giống như cái giỏ, trang trí đẹp đẽ, trên thành giỏ có một cái mỏ nhọn khắc hình chim loan, nên đôi khi còn gọi là “phù loan”. Mỗi lần cầu cơ, hai người “phù cơ” (thường gọi là “đồng tử” hay “thanh đồng”) sẽ nâng hai bên cái giỏ, dịch chuyển cho mỏ chim loan viết chữ xuống mâm gạo hay mâm cát.

[2] Hàn Lâm Viện là một cơ cấu được thiết lập từ thời Đường, thoạt đầu chỉ nhằm tuyển chọn những người có tài văn chương, nghệ thuật, tri thức quảng bác làm cố vấn cho triều đình. Nhưng từ đời Đường Huyền Tông trở đi, Hàn Lâm Viện trở thành một cơ quan trọng yếu chuyên trách soạn thảo những chiếu chỉ, chế văn cơ mật cho hoàng đế. Những người làm việc trong cơ quan này được gọi chung là Hàn Lâm Học Sĩ, hay gọi tắt là Hàn Lâm. Thật ra, có hai loại: Hàn Lâm Học Sĩ chuyên soạn công văn, chế, chiếu. Còn Hàn Lâm Cung Phụng lo giữ sổ sách và công việc hành chánh trong cơ quan. Chữ Hàn Lâm Viện của cổ Trung Hoa có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt với chữ Hàn Lâm Viện hiện thời.

[3] Ngọc Đế, gọi đầy đủ là Ngọc Hoàng Thượng Đế, theo tín ngưỡng dân gian là một vị thần tối cao chưởng quản chư thiên và muôn loài trong toàn thể vũ trụ, thường được Nho Gia xưng tụng là Hạo Thiên Thượng Đế. Tuy thế, trong Đạo Giáo, Ngọc Đế vẫn thấp hơn Tam Thanh (Thái Thanh, Thượng Thanh, và Ngọc Thanh), vì được coi như một vị tôn thần được Tam Thanh sanh ra để thay các Ngài chưởng quản vũ trụ. Theo Ngọc Hoàng Bản Hạnh Tập, vương tử của Quang Minh Diệu Quốc bỏ ngôi vua, tu theo đạo của Tam Thanh trong núi Hương Nghiêm trở thành chân tiên. Đạo Giáo xưng tặng Ngọc Đế mỹ hiệu “Hạo Thiên Kim Khuyết Vô Thượng Chí Tôn Tự Nhiên Diệu Hữu Di La Chí Chân Ngọc Hoàng Thượng Đế”. Trong Phật pháp, Ngọc Hoàng Thượng Đế chính là Đế Thích trong Dục Giới. Như vậy, địa vị của Ngọc Hoàng Thượng Đế còn thấp hơn Đại Phạm Thiên Vương rất nhiều, có lẽ nào Quán Thế Âm Bồ Tát quỳ trong điện Linh Tiêu cầu Thượng Đế hạ chiếu làm mưa!

[4] Tây Phương Xác Chỉ là tập sách ghi chép những lời giáng cơ của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát, do Thường Nhiếp kết tập. Theo đó, vào cuối đời Minh, bọn ông Tưởng Vô Hủ gồm tám người thích tu Tiên thường tụ tập lại cùng nhau cầu cơ. Một ngày nọ, có một vị tiên giáng xuống, dạy họ niệm Nam Mô Phật, họ bèn xưng Nam Mô Phật, vị ấy bảo niệm Phật không phải chỉ niệm bằng miệng xuông như thế, rồi dần dần chỉ dạy họ tu pháp môn Tịnh Độ, trừ bỏ tâm ham muốn trường sanh bất tử, cũng như đả phá những thói hư tật xấu của họ. Tám người này về sau đều thành những hành nhân Tịnh Độ tinh tấn. Những lời dạy của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát về Tịnh Độ hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của chư Tổ Tịnh Độ, đả phá mạnh mẽ tệ nạn cầu cơ nên rất được Phật môn Trung Hoa coi trọng. Tây Phương Xác Chỉ cũng được đưa vào Tục Tạng Kinh.

[5] Đại tiên Hoàng Xích Tùng: Trong hệ thống thần thánh của Đạo Giáo không thấy liệt kê tên vị này. Theo truyền thuyết, năm Quang Tự 23 (1897), tại Hoa Nam, dân tình khốn khổ, bệnh dịch lan tràn, nên các đàn cầu cơ cầu tiên cho thuốc chữa bệnh rất thịnh hành. Có một vị giáng cơ tự xưng tên là đại tiên Hoàng Xích Tùng, thường cho thuốc rất linh nghiệm. Từ đó, hình thành tín ngưỡng thờ phụng Hoàng Đại Tiên. Do vị này tự xưng lúc sống là một thầy lang nên tranh thờ thường vẽ một vị trung niên mặc y phục theo kiểu thầy lang thời Mãn Thanh. Miếu thờ đầu tiên được thành lập ở thôn Nẫm Cương, thuộc huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, đặt tên là Phổ Độ Đàn, rồi dần dần phổ biến sang Hương Cảng và Đài Loan.

[6] Tịnh Độ Tập Yếu là một tác phẩm do cư sĩ Khổ Hạnh biên soạn, cư sĩ Phan Huệ Thuần và Thiệu Huệ Viên tu đính, Ấn Quang đại sư giám định, được chia thành ba phần: Phần đầu giải thích, biện định pháp môn Tịnh Độ, phần thứ hai trích thuật những pháp ngữ Tịnh Độ của chư Tổ Sư đại đức, phần cuối cùng là nghi thức niệm Phật và trích lục một số kinh sách chủ yếu của Tịnh Độ.

[7] Kinh Ngọc Hoàng, còn gọi là Thánh Nguyên Giác Chân Kinh, hoặc chỉ gọi gọn là Hoàng Kinh, là một bộ kinh điển chủ yếu của Đạo Giáo, nội dung tán dương Ngọc Đế và thuật những sự tích xưa kia của ông ta.