Thư trả lời cư sĩ Giác Minh

(năm Dân Quốc 23 – 1934)

 

Hôm qua nhận được thư bà và thư của cư sĩ Phạm Cổ Nông, biết bà đời trước vốn có thiện căn, nhưng do tập khí văn nhân chưa trừ được, nên gần như chẳng được lợi ích thật sự! Nay tu tập mà vẫn chưa biết mối tương quan rất lớn giữa tự lợi và lợi tha. Đừng nói chi người ngoài, ngay cả chồng, con, dâu, cháu v.v… của chính mình đều nên dạy họ thường niệm Phật hiệu. Một là khiến cho bọn họ cùng gieo thiện căn; đang trong khi cõi đời đại loạn này, nếu chẳng nương tựa vào Phật thì nguy hiểm đáng lo lắm. Hai là nếu lúc bình thường chẳng dạy bọn họ uốn nắn tập khí thì một mai kia lúc bà sắp mất, bọn họ sẽ thuận theo tri kiến thế tục, tính chuyện phô trương, khóc lóc mù quáng, dẫu bà có công phu Tịnh nghiệp có thể tương ứng với Phật, được Phật tiếp dẫn, nhưng gặp phải những hành động đó phá hoại tịnh niệm, chắc chắn vẫn ở lại trong cõi Sa Bà, từ trần sa kiếp này cho đến trần sa kiếp khác vẫn bị luân hồi trong sáu nẻo. Do vậy, khuyên quyến thuộc niệm Phật chính là một đại sự khẩn yếu nhất.

Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết đến cơm cháo, chẳng thể làm cho bà được hưởng lợi ích nơi diệu lý của kinh giáo, chỉ có mỗi một việc này do từng trải mấy mươi năm là có thể làm cho bà đích thân được lợi ích trong đời này. Nếu bà làm theo được, sẽ chẳng khác gì cầu Phật tiếp dẫn bà và quyến thuộc cùng con cháu đời sau. Nay tôi đặt pháp danh cho bà là Triều Giác, có nghĩa là chính bà, quyến thuộc và những người quen biết đều cùng quy hướng A Di Đà Phật Đại Giác Thế Tôn vậy. Hiện thời, phạm vi [hoạt động] của nữ giới được nới lỏng, nếu chẳng dùng Phật pháp để duy trì thì sau này chẳng biết biến đổi thành ra tình cảnh như thế nào nữa! Bà xưa đã có huệ căn, há chẳng dùng chuyện tự lợi lợi tha này để Tịnh nghiệp của chính mình được thuần thục, cao đăng thượng phẩm hay sao?

Nay tôi gởi cho bà một bộ Tịnh Độ Thập Yếu, đây là loại nguyên bản chứ không phải là loại trích yếu giản lược đang được lưu hành, một bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, một bộ Cứu Kiếp Biên[1], một bộ Quán Âm Tụng in theo lối mộc bản (Quán Âm Tụng do một đệ tử bỏ tiền in, nhờ một vị Tăng ở Nam Kinh giảo chánh. Vị này có học thức, giảo chánh khá tốt. Cho đem khắc tại Dương Châu, nhưng do vì chiến tranh, đường bưu điện thường chẳng thông suốt. Đến khi khắc xong, do đường bưu điện không thông nên phải đình lại lâu ngày, sắp đem bản khắc gởi đi thì am của vị Tăng đó bị kẻ có thế lực đoạt mất. Tâm tình đã loạn, nên chẳng thể xét duyệt, thẩm định được nữa. Về sau, đem in ra bốn trăm bộ. In xong xem lại, mới biết sai ngoa khá nhiều. Do vậy, phải in riêng một bản đính chánh ghép vào. Xin hãy chú ý dựa theo bản đó mà sửa cho đúng), một bộ Lịch Sử Thống Kỷ[2] in bằng lối mộc bản (hai bộ này không có người lưu thông vì phí tổn lớn quá) và các thứ khác xếp cho đầy bưu kiện, đều có liên quan đến nhân tâm thế đạo. Lại kèm thêm một lá thư gởi cho khắp mọi người, đúng là của báu truyền đời của mọi người, văn tự tuy nông cạn, hời hợt, nhưng chẳng có một chữ nào vô dụng. Năm ngoái, Phật Quang phân xã ở Vụ Nguyên được thành lập, một đệ tử xin Quang viết lời tựa. Quang một mực không giữ lại bản thảo, nhưng với bài ấy đặc biệt sao lại đem gởi đi, muốn gởi cho Phật Học Đặc San Xã, nhưng chần chừ chưa gởi. Nay đem gởi tới cho bà, xem xong xin chuyển cho cư sĩ Phạm Cổ Nông, bảo với ông ta tôi đã đặt pháp danh cho bà để Quang khỏi phải viết thư cho ông ta nữa. Quang già rồi, do sức túc nghiệp, sanh ra mới được sáu tháng liền bị bệnh mắt, suốt sáu tháng không mở được mắt, không ngớt tiếng khóc. Nay đã hơn bảy mươi tuổi rồi, gần đây mục lực rất yếu, từ mùa Đông năm ngoái hễ có thư từ gì gởi đến đều dặn sau này đừng gởi thư nữa, thư gởi đến quyết không phúc đáp, để khỏi bị ôm nỗi đau Tây Hà[3].

***

[1] Cứu Kiếp Biên tên gọi đầy đủ là Phật Học Cứu Kiếp Biên, do ông Hứa Chỉ Tịnh biên soạn. Nội dung tập hợp những giáo huấn trọng yếu để khuyến thiện tu Tịnh Độ, bao gồm các huấn thị về Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, cải ác hướng thiện, tín nguyện niệm Phật, Phổ Hiền Hạnh Nguyện v.v…

Quán Âm Tụng tên gọi đầy đủ là Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, cũng do ông Hứa Chỉ Tịnh biên soạn. Nội dung trích thuật kinh luận nêu rõ những duyên khởi, sự phát tâm, thị hiện cảm ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ông Hứa Chỉ Tịnh soạn cuốn này theo yêu cầu của Tổ Ấn Quang.

[2] Tên gọi đầy đủ là Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ do ông Nhiếp Vân Đài biên soạn, Hứa Chỉ Tịnh ghi lời bàn định. Nội dung thâu thập những câu chuyện trong lịch sử, trích từ các bộ sử nổi tiếng của Trung Hoa từ Sử Ký cho đến Minh Sử, khởi đầu bằng chuyện vua Thuấn, kết thúc bằng chuyện Cáp Lập Ma (tức Karmapa của Phật giáo Tây Tạng) thời Vĩnh Lạc nhà Minh.

[3] Tử Hạ, tên thật là Bốc Thương, người xứ Ôn nước Tấn (nay là huyện Ôn, tỉnh Hà Nam) thời Xuân Thu, là một đệ tử nổi tiếng của Khổng Tử, được thờ phối hưởng trong Văn Miếu. Ông không thích làm quan, nhưng vâng lời thầy ra làm quan ở nước Cử (nay là huyện Cử tỉnh Sơn Đông). Sau khi Khổng Tử mất, ông bèn từ quan, sang sống tại Tây Hà, huyện Đào, mở trường dạy học. Học trò ông thành đạt rất đông, có nhiều người rất nổi tiếng như Can Mộc, Ngụy Văn Hầu, Ngô Khởi v.v… Tuổi già, người con trai duy nhất đột nhiên lăn ra chết, ông thương tâm khóc đến nỗi mù mắt, do đó mới có thành ngữ “Ôm nỗi đau Tây Hà”. Tổ mượn thành ngữ này với ngụ ý: Tránh viết lách quá nhiều đến nỗi mắt bị mù.