Thư trả lời cư sĩ Duy Phật

Ông đã phát nguyện chân thật, thiết tha, nhưng cần phải “dè dặt, kinh sợ như vào vực sâu, bước trên băng mỏng” giống như Tăng Tử. Chưa đến lúc sắp về Tây, quyết chẳng dám buông tâm lỏng ý thì mới được! Năm sáu năm trước, ông X… đã thư từ qua lại và gởi bài văn phát nguyện hết sức chân thành, thiết tha. Quang nghĩ ông ta ở ẩn khuất trong vùng núi non, lại còn nghèo hèn, bèn gởi rất nhiều kinh sách cho ông ta. Những người trong vùng ấy do được ông ta khuyên dạy mà niệm Phật khá đông, nhưng một hai năm gần đây, ông ta đúng là kém hèn chẳng thể kham nổi: Hút thuốc phiện, phạm tà dâm! Quang đã cảnh tỉnh, khuyên răn ông ta suốt nửa năm nhưng vẫn không thay đổi, hối hận. Đúng là hạng chuyên đợi vào địa ngục!

Ông nói: “Tùy thời, tùy chốn, hễ chết được liền chết”. [Câu nói ấy] vừa là căn bản để cầu vãng sanh mà cũng là cội rễ để chiêu cảm ma! Cố nhiên, ai nấy đều phải chết, nhưng chớ nên có cái tâm chấp trước cầu chết, cầu mau vãng sanh, chỉ nên nhất tâm niệm Phật! Nếu chẳng nhất tâm niệm Phật, chỉ cầu mau chết, ắt sẽ chiêu khởi oán gia từ vô lượng kiếp kéo đến, khiến cho ông bị chết ngang trái. Chẳng những không được vãng sanh mà đến khi sắp chết, sức [thần thông do] ma [gia trì sẽ] rời đi, [khi ấy] sẽ khổ sở chẳng thể kể xiết, sẽ sanh tà kiến, ắt đến nỗi đọa lạc. Chớ nên có cái tâm chấp trước ấy! Hễ có thì chính là bệnh, chớ nên không biết!

Nói đến chuyện sư Bảo Nhất và cư sĩ Vô Sanh thì trong tâm mỗi người ấy đều có một phần ham danh. Nếu không, quyết chẳng chịu đem những cảnh giới ấy viết ra để khoe với mọi người! Huống chi [sư Bảo Nhất] còn phê [vào đầu cuốn Tự Tri Lục] đề cao [nội dung cuốn sách] đến tột cùng ư? Do vậy, có thể suy ra biết họ là hạng người như thế nào rồi! Nếu cuốn sách ấy được lưu hành rộng rãi thì kẻ chẳng hiểu tự tâm, chẳng thông giáo lý ắt sẽ phần nhiều bị ma dựa phát cuồng. Đinh Quế Tiều gởi đến, tôi xem qua liền gởi trả lại, chẳng giữ một cuốn nào. Do tôi thiết thực bảo ban điều họa hại nên ông ta không tái bản. Ông Vương Mưu Phụng ở Hàng Châu cũng muốn xin Quang nói lời quyết đoán; Quang cũng đem những lời đã bảo Quế Tiều để nói [với Mưu Phụng].

Những cảnh giới do người phụ nữ ấy kể đương nhiên có đôi phần, nhưng phô trương quá lố, rốt cuộc trở thành đem phàm lạm thánh! Nếu chân thật đạt được [cảnh giới] như vậy, há lẽ nào chẳng biết lời lẽ ấy sẽ khiến cho người khác bị lầm lạc ư? Bà ta đã không có kiến địa ấy thì chỗ tương ứng như bà ta đã khoe [trong sách] chắc chắn chỉ là “vừa được chút phần đã khoe toáng thành nhiều” mà thôi! Nếu không, đã đạt đến Phật cảnh, há có chuyện chẳng hiểu rõ tri kiến phàm tình ư? Chúng ta chỉ nên thật thà niệm Phật, chỉ cầu lâm chung được vãng sanh là được rồi; còn trong đời hiện tại như thế nào thì cứ để như thế đấy, mặc cho “nước chảy thành suối, xuân đến hoa nở”. Nếu cứ mong tưởng sẵn, sẽ trở thành chướng ngại đấy! [Bởi lẽ, mong tưởng sẵn] sẽ giống như cắt đứt nguồn nước mà muốn [nước chảy] thành suối, đang trong lúc tiết Đông rét căm căm lại mong hoa nở. Nếu được như vậy sẽ là chuyện quái đản!

Một bộ sách Tứ Thư chính là rường cột cho Ngũ Kinh. Phàm đạo “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” không gì chẳng trọn đủ. Tiếc cho người đời toàn là đọc sách chứ không học đạo! Cho nên đến nỗi suốt đời đọc sách mà vẫn chẳng biết phải nên làm chuyện gì! Thoạt đầu chỉ biết lấy tập tành viết văn đề thơ làm căn cứ, nay thì bỏ luôn, chỉ học theo sách giáo khoa. Ví như bỏ bảo châu Ma Ni để coi trọng mắt cá. Do vậy, thiên tai nhân họa ngày càng thấy liên tiếp [xảy ra]. Do cái gốc đạo đã bị chôn vùi, lập tức kiến giải bị rối loạn, mất mát!

Phàm chuyện gì cũng đều nên xét theo thời thế để luận. Quy củ thơm thảo thời đức Phật làm sao có thể áp dụng trong đời này được? Người đời nay lưu thông kinh tượng không phải là trọn chẳng có lợi ích gì, nhưng mỗi một chuyện đều chẳng thể nào đạt được công đức lớn lao như đức Phật đã dạy được! [Trong thời đức Phật tại thế], “kinh tượng chủ” chính là người phát tâm tạo kinh tượng. Nếu gọi là “người đứng ra thuê kẻ khác làm” tức là coi thường người ấy. Người thợ tạo kinh tượng cũng chớ nên tự khinh, vì thế nói: “Đừng bảo là do khách [thuê mướn] mà làm!” [Người] tạo kinh tạc tượng nhận được những món vật [do vị kinh tượng chủ biếu tặng] nhằm đền đáp [công lao chép kinh, tạc tượng], nhưng do người kia (tức kinh tượng chủ) đã đem lòng Thành dâng lên nên tâm của người này (tức người chép kinh tạc tượng) cũng đừng phân biệt nhiều – ít, cứ nhận lấy. [Như vậy] thì sẽ chẳng giống như đi mua [tượng Phật, thuê chép kinh Phật]. Nếu [người thợ chép kinh tạc tượng] bàn tán về giá trị [của vật được biếu tặng có xứng với công lao chép kinh tạc tượng hay không] thì chẳng khác gì [vị kinh tượng chủ] đã mua hay thuê làm vậy! Trong thời hiện tại, nếu chấp trước chuyện này [phải theo đúng quy cách như thế] thì muốn kinh tượng chẳng bị diệt sẽ chẳng thể được đâu!

Ông học Phật nhưng chẳng biết đạo “nhân thời thế mà thích nghi”, chấp chết cứng vào quy củ đã được thành lập. Như vậy thì có khác gì kẻ do chẳng thể hành đạo của Khổng – Mạnh bèn chẳng chấp thuận cho lưu hành sách của Khổng – Mạnh đâu? Chúng sanh đời Mạt Pháp, [đối với những điều đức Phật đã dạy] trong trăm ngàn vạn phần, dẫu chỉ đạt được một hai phần thì cũng đủ để tự lợi, lợi tha. Chứ nếu cứ muốn hoàn toàn y theo như lời Phật đã dạy thì dù đức Phật có hiện thân trong thời này, chắc chắn cũng chẳng thể làm được!

Tu Tịnh Độ chỉ luận Tín – Nguyện – Hạnh; bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) có đúng pháp hay không, đâu có liên quan tới Thiền Đường? Những kẻ chỉ noi theo khuôn sáo rỗng tuếch của Thiền Đường rồi thực hiện công phu trong Thiền môn, kiến địa giống như vậy thì nào đáng để bàn Thiền – Tịnh với họ nữa ư? Vậy mà ông cứ dựa theo đấy để rồi sanh lòng nghi! Hằng ngày đọc tụng ngôn luận của cổ nhân nhưng đều chẳng sanh lòng tin sâu xa, chỉ lấy [những hành vi, cách cư xử] người đời nay [làm khuôn mẫu] để phỏng theo, há chẳng phải là phường “chấp vào đức nhưng chưa thể thực hiện rộng rãi, tin đạo nhưng chẳng chuyên dốc” hay sao?

Người học đạo ai nấy đều phải tùy theo khả năng của chính mình mà tu trì, sao lại lập ra một quy củ hẹp hòi để buộc hết thảy mọi người phải lầm lạc vâng giữ vậy? “Lương dã chi tử, tất học vi cầu, lương cung chi tử, tất học vi cơ” (Đứa con của người thợ kim hoàn giỏi, trước hết phải học may bao da. Đứa con của người thợ làm cung giỏi, trước hết phải học đan sọt[1]), là vì [những việc tập luyện ấy] gần gũi [với cái nghề khéo sẽ học] vậy. Người thợ kim hoàn quán Bất Tịnh, người thợ giặt quán Sổ Tức[2], đều chẳng được lợi ích! Thay đổi phương pháp thì người nào cũng đều được lợi ích vì giáo pháp phù hợp với căn cơ vậy.

Đang trong thời thế này, dẫu là bậc thánh nhân thần thông muốn cứu nước cứu dân mà bỏ nhân quả báo ứng, sanh tử, luân hồi và tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương sẽ đều chẳng thành công. Kẻ nói lan man những lời lẽ của một hai vị tri thức thuộc tông khác mà hắn tôn sùng vẫn chẳng thể lay động, biến chuyển tâm ta được! Dẫu cho đức Như Lai hiện thân trọn hư không khắp pháp giới nói các thứ diệu pháp rất sâu khác, cũng chẳng thể lay động, biến chuyển tâm ta được! Vì sao vậy? Do lý sự quyết định không nghi! Ông đã nêu câu hỏi như vậy thì còn đáng gọi là “đã có lòng tin quyết định” hay chăng? Triệt tổ (tổ Triệt Ngộ), Tỉnh tổ (tổ Tỉnh Thường) trước tác ít, nhưng cũng đủ để khiến cho người khác dấy lòng phát nguyện. Cố nhiên, chẳng thể lấy trước tác nhiều hay ít để phán định đạo đức hơn – kém được! Xưa nay có nhiều vị Pháp Thân thị hiện, chỉ nói vài câu ít ỏi, không để lại trước tác gì, [những vị như vậy] nhiều lắm! Há có nên sanh lòng nghi nơi chỗ này?

Cần biết rằng: Chúng ta muốn liễu sanh tử, quả thật chẳng cần nhiều; chỉ cần một điều là “lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, niệm Phật cầu sanh Tây Phương” là đủ rồi! Dẫu đọc hiểu trọn hết Đại Tạng cũng chẳng qua là nhằm thành tựu chuyện này mà thôi! Như vậy thì “nhiều cũng quy về ít, ít cũng thuộc về nhiều”. Nhiều hay ít đều cùng nhằm thành tựu chuyện này mà thôi! Như vậy là “nhiều chẳng phải là nhiều, ít chẳng phải là ít”.

Chuyện phóng sanh cố nhiên công đức không chi lớn bằng, nhưng cần phải giữ tấm lòng phóng sanh, siêng năng khẩn thiết khuyên lơn kẻ hữu duyên kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật thì sẽ phóng (thả) được nhiều mà chẳng tốn kém tài lực. Hai điều ấy cùng hành sẽ là hữu ích nhất.

Dán Phật hiệu trên tường vừa hữu ích vừa mắc tội lỗi. Nếu dán thì cũng phải nên dán như thế nào cho nó được tồn tại lâu dài. Nếu dán ở nơi đất trống mà chẳng dùng loại keo dán tốt thì hai ba ngày sẽ bị rớt trong bùn lầy, hoặc bị những tờ cáo thị của người khác dán chồng lên. Chuyện này cũng chớ nên làm cẩu thả. Ba vị sư khổ hạnh khiến cho người ta khâm phục, vì thế lúc lâm chung vị nào cũng được lợi ích thật sự. Do vậy, người tu hành phải giấu kín tài năng vậy!

***

[1] Đây là một đoạn văn trích trong thiên Học Ký sách Lễ Ký: “Lương dã chi tử, tất học vi cầu. Lương cung chi tử, tất học vi cơ. Thỉ hạ giả phản chi, xa tại mã tiền. Quân tử sát vu thử tam giả, khả dĩ hữu chí vu học hỹ” (Đứa con của người thợ kim hoàn giỏi, trước hết hết phải học cách may bao da. Đứa con của người thợ làm cung giỏi, trước hết phải học đan sọt. Lúc mới tập cho con ngựa non kéo xe thì buộc nó ở sau xe. Quân tử hiểu được ý nghĩa của ba chuyện này thì mới có chí để học tập vậy). Do vậy, mới có thành ngữ “khắc thiệu cơ cầu” (quyết nối nghiệp cha ông). Nói chung, Tổ dẫn câu nói này để khuyên người tu học phải tập luyện từng bước, khởi sự từ những điều gần gũi, giống như muốn thành thợ kim hoàn giỏi thì phải khéo léo tỉ mỉ nên trước hết phải học may bao da cho đường kim mũi chỉ đẹp đẽ rồi mới học nghề thợ bạc, cũng như muốn làm cung tên cho khéo thì phải học cách đan chuốt, uốn tre nên phải học đan sọt (cần xé) trước. Con ngựa muốn kéo xe thì phải tập quen với tốc độ trước nên phải buộc nó đằng sau xe để nó chạy theo xe. Chúng tôi dịch những câu nói này theo cách giải thích của Hán Tự Thành Ngữ Tự Điển.

[2] Theo Du Già Sư Địa Luận, quyển 7, ngài Xá Lợi Phất dạy hai đệ tử tu tập đã lâu nhưng họ không thể chứng được đạo quả, liền đến bạch hỏi đức Phật. Phật hỏi nghề nghiệp của hai người này trước khi xuất gia, một người làm thợ kim hoàn, một người làm thợ giặt. Thì ra, ngài Xá Lợi Phất dạy pháp tu trái ngược, không hợp căn cơ. Đối với người thợ giặt, ngài Xá Lợi Phất dạy quán Sổ Tức, dạy người thợ kim hoàn quán Bất Tịnh nên họ không thể tu tập được. Đức Phật cho biết: Người thợ kim hoàn quen thổi bễ, quen nín hơi để làm đồ kim hoàn nên phải dạy quán Sổ Tức, người ấy sẽ tập Sổ Tức dễ dàng. Người thợ giặt hằng ngày quen thấy quần áo bẩn nên sẽ quán Bất Tịnh dễ dàng. Phật dạy họ đổi pháp tu cho nhau, sau một thời gian ngắn cả hai đều chứng đạo quả.