Thư trả lời cư sĩ Dương Huệ Xương

(hai lá thư. Ông này vốn tên là Tự Xương)

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

1) Ông Lưu Hán Vân có thể nói là xưa đã có thiện căn, nhưng đã tin tưởng Phật pháp nhiều năm, lẽ ra phải sớm ăn chay, sao lại đợi đến tuổi hoa giáp (sáu mươi) mới phát tâm vậy? Do đây biết rằng: Thói quen thế tục chẳng dễ thay đổi! Nay đã đổi được, cũng đáng gọi là có nghị lực mạnh mẽ. Ông ta đã thường xem Văn Sao thì cố nhiên tâm đã hiểu rõ ràng phương pháp tu trì. Điều quan trọng nhất là phải quyết định cầu đến khi lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Muốn sanh Tây Phương thì thường ngày phải dốc sức nơi tin sâu, nguyện thiết, chí thành niệm Phật, ưa thích sự tịnh diệu của Tịnh Độ, nhàm chán sự trược ác cõi Sa Bà. Tự hành như thế mà dạy người cũng giống như thế. Chẳng được có một tâm niệm cầu mong đời sau được hưởng phước báo nhân – thiên, ắt sẽ có thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, quyết định có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nay tôi đặt cho ông ta pháp danh là Huệ Vân, nghĩa là dùng vầng mây đại trí huệ tuôn trận mưa pháp cam lộ để nhuần đượm cả mình lẫn người (đấy chính là “huệ vân pháp vũ”), tức là “thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tin sâu, nguyện thiết, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương”.

Ông ta lại từng thương xót siêu độ những cô hồn chết vì băng huyết khi sanh nở. Nhưng đối với hết thảy nữ nhân cũng nên lập cách sao cho họ vĩnh viễn không bị băng huyết khi sanh nở, khiến cho họ được lìa khổ hưởng vui ngay trong đời này. Cách đó ra sao? Phàm là con gái thì từ bé hãy nên niệm Phật và niệm Quán Thế Âm để cầu tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước thọ. Nếu bình thời thường niệm sẽ tự có thể tiêu diệt được tai nạn trong khi sanh nở này. Như đang lúc sanh nở, vẫn nên chí thành khẩn thiết niệm “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” chắc chắn sẽ dễ sanh, chẳng phải chịu khổ. Nếu lúc bình thường hoàn toàn chẳng niệm Phật và niệm Quán Âm, nhưng lúc sanh nở chịu niệm thì cũng nhất định được sanh nở bình an. Nếu có ai khó sanh, hãy dạy kẻ ấy niệm và những người săn sóc chung quanh cùng nhau niệm cho người ấy, cũng quyết định liền được sanh nở bình an.

Chớ nói “đang khi sanh nở lõa lồ, ô uế, niệm [danh hiệu Bồ Tát] sẽ bị tội!” Phải biết: Đấy là lúc liên quan đến tánh mạng, chẳng thể dùng đạo lý lúc bình thường để luận định được. Lúc bình thường, phàm là người niệm Phật nếu áo mũ không chỉnh tề, hoặc ngủ nghỉ, tắm giặt, đại tiểu tiện v.v… chỉ nên niệm thầm trong tâm, chẳng nên niệm ra tiếng rõ ràng. Còn khi sanh sản, chớ nên niệm thầm trong tâm, mà phải niệm ra tiếng rõ ràng, bởi niệm thầm sức yếu, nếu trong tâm gắng sức sẽ rất có thể bị bệnh. Niệm rõ tiếng thì hơi thở thông suốt, hết sức hữu ích, chớ nên nói “niệm sẽ mắc tội!” Phải biết: Bồ Tát xem hết thảy chúng sanh đều giống như con ruột. Nếu con cái ngã vào nước – lửa, cầu cứu cha mẹ, cha mẹ nghe thấy liền cứu ngay, quyết chẳng vì lý do áo mũ không chỉnh tề, thân thể không sạch sẽ mà chẳng cứu! Nếu lúc bình thường cũng niệm giống như khi [vì chẳng đặng đừng mà phải] lõa lồ ấy thì tội chẳng nhỏ. Cần phải luận theo sự, đừng chấp chết cứng! Có kẻ chẳng hiểu lý, hễ trong nhà có người sanh nở, họ bèn lánh đi nơi khác hơn cả tháng mới dám quay về, cho rằng hễ bị huyết tanh xông nhằm thì những kinh, chú, Phật hiệu đã niệm từ trước đều trở thành không có công đức gì! Những kẻ ngu ấy đáng thương xót tột bậc! Hãy nên đem lời Quang bảo với khắp mọi người, ắt sẽ chẳng còn ai bị chết vì sanh sản nữa!

2) Nội công (công phu tu hành bên trong) là tự tu; ngoại công là rộng hành các phương tiện, như: giúp đỡ kẻ ngặt nghèo, cứu người khốn đốn, cứu giúp tai nạn v.v… Đấy gọi là Trợ Đạo. Những điều này nên dựa theo sức lực, khả năng của chính mình [mà làm]. Nếu không có sức thì hoặc dùng lời nói để chỉ điểm cho kẻ mê, hoặc dùng lời lẽ khuyên lơn đại chúng, khiến cho mọi người đều thành tựu chuyện của họ. Nếu do được người ta thỉnh mà niệm kinh, niệm Phật thì phần nào vẫn là kẻ lười nhác, mang hành vi dựa dẫm vào Phật để kiếm sống. Sao ông lại chen lẫn vào đó, chẳng sợ đánh mất phẩm cách của chính mình hay sao? Chỉ có một sự đáng làm, nhưng ông đã có nghề nghiệp, nên cũng chẳng thuận tiện lắm; [tức là] hễ [gặp lúc] có người thường ngày niệm Phật, hoặc con cháu người ấy tin Phật, khi người ấy lâm chung, thỉnh các vị cư sĩ đến trợ niệm, lợi ích ấy rất lớn. Hãy xem sách Sức Chung Tân Lương sẽ tự biết.

Người niệm Phật hãy thường đối trước cha mẹ của chính mình và những quyến thuộc khác nói cho họ nghe [lợi ích của sự trợ niệm], để đến khi có người mạng chung, quyến thuộc trong nhà đều cùng niệm Phật thì người [sắp mất] ấy ắt nương theo Phật lực sanh về Tây Phương. Dẫu chẳng sanh Tây Phương, ắt cũng sanh vào đường lành, có lợi ích rất lớn, chẳng tổn thương mảy may! Nếu chẳng biết điều này, khi chưa chết đã lo tắm rửa, thay quần áo sẵn, nếu do bị dời động mà đau đớn, sân tâm liền nổi lên. Dẫu chẳng đến nỗi nổi sân, nhưng qua một phen dời động, tâm cũng chẳng được thanh tịnh. Nếu là người bình thời niệm Phật cầu sanh Tây Phương, trải qua một phen như thế, chắc chắn bị mất chánh niệm, chẳng được vãng sanh! Nếu chưa chết đã khóc lóc trước khiến cho người [sắp mất] ấy sanh tâm ái luyến thì cũng là lôi kéo khiến cho người ấy bị đọa lạc. Một cửa ải lâm chung khẩn yếu tột bậc, do vậy phải nên trợ niệm. Người trợ niệm cần đọc kỹ sách Sức Chung Tân Lương, bảo con cái quyến thuộc trong nhà đều tuân theo chỉ dạy của người trợ niệm, mới hòng chẳng đến nỗi do tâm hiếu lại đâm ra làm cho cha mẹ phải chịu nỗi khổ đọa lạc! Ngoài việc trợ niệm ra, mọi chuyện đều chẳng nên làm. Nếu phong cách này (tức cách ứng phó này) được lưu hành thì chuyện thiện nam tín nữ niệm Phật chẳng trở thành một nếp xử sự phổ biến hay sao? Người hiểu lý chọn lấy chuyện tốt lành để làm, người không hiểu lý chỉ thấy lợi bèn theo, người có nghề nghiệp lỡ làng công việc, kẻ lười nhác bèn dựa vào đó để chòng ghẹo, chẳng những gây trở ngại cho Tăng chúng mà còn gây trở ngại cho chính tang gia.