Thư trả lời cư sĩ Dương Bội Văn

Xá-lợi chưa tới chỗ cũ[1], càng đúng là thần biến khôn ngằn. Ấy chính là Phật, Bồ Tát muốn làm cho ông và hết thảy những ai thấy nghe đều gieo thiện căn sâu xa, nên đặc biệt thị hiện [như vậy]. Tiếng Phạn xá-lợi (Śarīra), cũng có khi phiên là Thiết-lợi-la (danh từ này hiện thời tuyệt chẳng dùng đến), ở đây (Trung Hoa) dịch là Thân Cốt (xương nơi thân), cũng có khi dịch là Linh Cốt. Đây chính là ước theo sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, thiêu thân hóa hiện tám hộc bốn đấu[2] xá-lợi mà nói. Đấy chính là ước theo đa số để nói.

Cũng có loại xá-lợi không phải từ xương trên thân [đức Phật mà có], như người đời Tống khắc ván in cuốn Long Thư Tịnh Độ Văn tìm được ba hạt xá-lợi trong tấm ván, ba hạt xá-lợi tìm được ở ba chỗ. Lại nữa, thiện nữ nhân thêu kinh, đâm kim xuống bị vướng, nhìn vào tìm được xá-lợi. Lại có người niệm Phật, từ trong miệng có được xá-lợi. Có vị cao tăng tắm gội, bảo học trò kỳ lưng, nghe có vật lanh canh rơi xuống, nhìn xem thì thấy được xá-lợi. Tuyết Nham Khâm thiền sư[3] cạo đầu, tóc [rớt xuống] biến thành một chuỗi xá-lợi. Trường Khánh Nhàn thiền sư đời Tống viên tịch, ngày hỏa thiêu Ngài, trời nổi cơn gió lốc lớn, khói bay xa ngoài bốn mươi dặm. Khói lan đến đâu, trên nóc nhà, ngọn cây, ngọn cỏ, đều có xá-lợi, nhặt được hơn bốn thạch[4].

Ngoại đạo chẳng biết xá-lợi chính là do sức của Giới – Định – Huệ tạo thành, bèn bảo [xá-lợi] là do Tinh – Khí – Thần[5] luyện thành. Đây là ăn trộm danh từ của Phật giáo, chứ tuyệt chẳng biết nghĩa lý trong Phật giáo, liền đơm đặt bịa chuyện. [Xá-lợi] phần nhiều do dời chuyển mà có được, như khắc ván, thêu kinh và do miệng niệm Phật mà có, cũng như [xá-lợi] của ông do từ hoa đèn mà được đều là vì lòng Thành chuyên ròng đến cùng cực nên đức Phật rủ lòng Từ gia bị, thị hiện. Hơn nữa, xá-lợi của Phật càng thần biến khôn ngằn. Như khi Tùy Văn Đế (Dương Kiên) chưa làm hoàng đế, một vị Phạn tăng (tăng nhân Ấn Độ) tặng cho mấy viên xá-lợi, đến khi lên ngôi xem lại thì thấy có rất nhiều viên (mấy trăm viên). Do vậy bèn dựng hơn năm mươi tòa bảo tháp. Tháp đựng xá-lợi ở chùa A Dục Vương có thể nâng lên xem, mỗi người thấy một khác, hoặc cùng một người nhưng trong mỗi lúc thấy [xá-lợi] chuyển biến lớn, nhỏ, cao, thấp và màu sắc thay đổi, hoặc chẳng thay đổi khác nhau. Như vậy là chẳng thể dùng phàm tình để suy lường được. Người đời dùng phàm tình để suy lường Phật pháp nên chỉ bị tổn hại, chẳng được lợi ích.

Ông muốn quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Tiềm, nghĩa là: Tâm ngầm khế hợp với trí huệ của Phật. Đấy chính là như cổ nhân đã bảo: “Ngu phu, ngu phụ cắm đầu hùng hục niệm Phật, liền có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo” vậy! Hiện thời sắp xảy ra cơn đại kiếp, bất luận là người trong nhà hay người ngoài, đều nên khuyên họ chí thành niệm Phật và niệm Quán Âm để làm kế dự phòng. Nếu không, họa hoạn xảy tới, trọn chẳng nương tựa vào đâu được! Đừng nói niệm Phật ắt chẳng bị táng thân tổn mạng; dẫu táng thân tổn mạng nhưng linh hồn đi về đâu mỗi người mỗi khác. Vì thế, chớ nên vì niệm Phật không thể cứu vãn được kiếp nạn mà bảo: “Niệm cũng vô ích!” Nay gởi cho ông một gói sách, lại có một tờ Một Lá Thư Gởi Khắp. Dù phiền toái hay đơn giản đều có thể nương theo đó để hành được. Chớ nên gởi thư tới nữa khiến tự phiền, rộn người vậy!

***

[1] Trong lá thư gởi cho cư sĩ Phương Diệu Đình (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, thư số 270), tổ Ấn Quang cho biết: “Hôm trước, Quán Âm Am ở Hoài An gởi tới một viên xá-lợi to bằng hạt kê, màu như ngọc Phỉ Thúy, nói là [viên xá-lợi ấy] kết từ hoa đèn thắp trước bàn Phật của một liên hữu; gởi tới muốn cậy Quang chứng minh, bình luận để khơi gợi lòng tin cho người khác. Quang liền đựng trong một cái hộp sứ cho mọi người xem; xem xong để thờ trước tượng Phật. Ngày hôm qua, sau buổi tụng kinh khóa sáng, mở hộp ra xem thì không còn nữa, chắc là đã trở về am đó rồi! Hôm qua tôi đã gởi thư hỏi chuyện ấy”. Như vậy là khi Tổ viết thư cho Dương Bội Văn, viên xá-lợi ấy vẫn chưa trở về Quán Âm Am. Xin xem thêm chi tiết về chuyện này trong “Bài ký về chuyện cư sĩ Dương Bội Văn được xá-lợi” thuộc Ấn Quang Văn Sao Tam Biên, quyển 3.

[2] Hộc và Đấu là những đơn vị đo lường thời cổ, có dung lượng biến đổi theo triều đại. Thời Tần, một Hộc bằng mười Đấu, mỗi Đấu là 2 lít. Từ đời Tống trở đi, một Hộc bằng năm Đấu và dung lượng của Đấu lớn dần lên, đến đời Thanh, một Đấu bằng 10 lít. Do kinh Phật đa số được dịch từ thời Hán đến giữa đời Tống, nên ta có thể ước lượng một Hộc bằng mười Đấu và mỗi Đấu từ 2 đến 3 lít.

[3] Tuyết Nham Khâm chính là hòa thượng Tuyết Nham Tổ Khâm (?-1287), thuộc phái Dương Kỳ tông Lâm Tế, người xứ Vụ Châu, pháp hiệu Tuyết Nham. Làm sa-di lúc năm tuổi, được thọ Cụ Túc năm mười sáu tuổi, trước sau từng tham học với các vị Diệu Phong Chi Thiện, Diệt Ông Văn Lễ (chùa Tịnh Từ) v.v… Sau đến Kính Sơn tham học với ngài Vô Chuẩn Sư Phạm, về sau làm người nối pháp của vị này. Từng được vua tặng ca sa tía, thanh danh lừng lẫy một thời. Sư thị tịch vào năm Chí Nguyên 24 đời Nguyên (1287), còn để lại Tuyết Nham Hòa Thượng Ngữ Lục (bốn quyển). Người nối pháp của Sư là ngài Cao Phong Nguyên Diệu (vị này chính là thầy thế độ cho ngài Trung Phong Minh Bổn).

[4] Thạch: Có hai đơn vị đo lường cùng gọi là Thạch.

1) Để đo dung tích thì một Thạch là 67 lít

2) Để đo trọng lượng thì một Thạch bằng 76 kg.

[5] Tinh – Khí – Thần vốn là những khái niệm y học, được nhắc đến trong bộ sách y khoa cổ nhất của Trung Quốc là Hoàng Đế Nội Kinh, bọn đạo sĩ đã thần bí hóa khái niệm ấy và gán ghép rất nhiều cách giải thích phức tạp. Ông Thái Nhật Sơ trong bài “Tinh – Khí – Thần Và Hoạt Động Sống Còn” đã giải thích khá rõ ràng như sau: “Theo Trung Y Học, cái gọi là Tinh tức là những vật chất tinh vi trong cơ thể con người, tức là những vật chất cơ sở cấu tạo thành thân thể con người, là cái gốc của sanh mạng. Khí chính là những công năng, động lực duy trì cuộc sống con người. Tánh mạng và sự hoạt động của con người được duy trì bởi Khí, Thần là biểu hiện của Khí. Nói cách khác, Thần là những gì được biểu hiện ra ngoài của sanh mạng và công năng của động lực sống của con người như âm thanh, dáng vẻ, hình vóc, thái độ, tình cảm v.v… Như vậy, Tinh là vật chất nuôi sống, Khí là vật chất có tác dụng dinh dưỡng được chuyển hóa thành những năng lượng cần thiết cho cuộc sống, Thần bao gồm những hoạt động sinh lý (bioglogical) và tâm lý của con người”.