LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Đinh Phổ Tịnh

Thư gởi đến nhận được đầy đủ. Nên biết rằng: Phật pháp đầy đủ hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Trước kia, bọn Lý Học chê trách Phật pháp “vứt bỏ luân lý để giảng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi”, quở rằng: “Không cha, không vua, dối đời, lừa dân!” Dùng ngay những lời lẽ ấy để luận thì chẳng những bọn chúng (bọn Lý Học) không biết những nghĩa lý tinh thâm của Phật pháp, mà ngay cả những sự tướng thô thiển trong Phật pháp chúng cũng chưa hề biết đến! Phật pháp gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành. Luân lý thế gian chẳng bỏ sót mảy may điều thiện nào! Nhân quả tỏ rõ sự luân hồi trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, chỉ rõ sáu đường “trời, người, A Tu La, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục”. Nếu có thể đem lý ấy để hướng dẫn dân, giáo hóa cõi tục, vẫn chẳng có ích lợi lớn lao cho đạo của nhị đế, tam vương[1], Châu, Khổng hay sao?

Bọn họ ghen ghét [Phật pháp] như thù, hận chẳng thể làm cho cả nước không còn dấu tích, tiếng tăm [Phật pháp] nữa, bèn tự kiêu căng khoe mình có trí, bảo Phật là ngu, đặc biệt coi những lời lẽ về nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi là lời lẽ để làm cho bọn ngu tục bị mê hoặc, ngu xuẩn. Rốt cuộc những kẻ tập theo những thuyết ấy đều coi nhân quả luân hồi là không có căn cứ! Đối với sự thực, căn cứ để dạy người chánh tâm thành ý, bọn chúng hoàn toàn vứt bỏ, giữ xuông lời lẽ chánh tâm thành ý để hoằng truyền xiển dương đạo Nho. Người bậc thượng may ra còn có thể chánh tâm, thành ý, nhưng do hễ chết rồi sẽ vĩnh viễn diệt mất nên cũng chẳng thể phát tâm thực hiện lớn lao. Kẻ căn cơ trung hạ thì do [tưởng rằng] hễ chết rồi bèn vĩnh viễn diệt mất, Nghiêu hay Kiệt cũng đều chết ráo, cần gì phải tuân theo mực thước, chịu bị trói buộc oan uổng ư? Do vậy buông lòng thả chí làm theo lòng ham muốn!

Chất độc ấy đã ẩn ngầm gần một ngàn một trăm năm. Lại thêm gió Âu dần dần thổi sang phương Đông, đua nhau đề cao văn minh vật chất, nên hết thảy những vở thảm kịch cậy mạnh hiếp yếu, thảm não thiếu hẳn đạo làm người thảy đều diễn ra. Xét đến gốc họa, đều do bọn Lý Học đả phá nhân quả luân hồi mà nên nỗi! Học thuyết lầm lạc gây họa khốc liệt hơn nước lũ, mãnh thú, khiến cho dân đen nước ta phải chết vì đao binh, đói kém, cai trị hà khắc, thổ phỉ, trộm cướp, chẳng thể kể xiết! Những ai may mắn giữ được cái mạng thừa, cũng hứng chịu nỗi đau đớn nước sâu lửa bỏng, chẳng đáng buồn ư?

Nay muốn tự lợi, lợi người, yên thân, yên đời, hãy nên bắt đầu bằng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng Thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, trong là gia đình, ngoài là người đời, đều dùng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi để khuyên chỉ, khiến cho ai nấy đều tu nhân lành hòng hưởng quả vui, sợ quả khổ để dứt nhân ác. Như vậy thì con em trong gia đình chẳng đến nỗi thành phường thổ phỉ, trộm cướp; làng, ấp, xã hội sẽ dần dần khôi phục lễ nghĩa, nhân nhượng, phong tục thuần phác. Đây mới chỉ là nói đến lợi ích của Phật pháp về chuyện thế gian.

Đối với lẽ xuất thế, cũng vẫn phải lấy những điều này làm gốc; nhưng phải nên sanh lòng tin, phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì ai nấy đều tu được, ai nấy đều được hưởng lợi ích thật sự. Đấy chính là một pháp đặc biệt trong Phật pháp, thích hợp khắp ba căn, phàm – thánh cùng tu. Ngu phu, ngu phụ đều có thể dự vào, mà đại thánh, đại hiền cũng chẳng thể vượt ra ngoài được! Nếu có thể sanh được lòng tin nơi pháp này, dẫu nghiệp lực phàm phu cũng có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này. Nếu chẳng sốt sắng tu trì nơi pháp này, đối với hết thảy các pháp do đức Như Lai đã nói, tu theo một pháp hoặc kiêm tu các pháp hòng liễu sanh tử, đừng nói chẳng thể liễu ngay trong đời này, dẫu trải qua trăm ngàn vạn đời hay trăm ngàn vạn kiếp vẫn chẳng thể liễu được, [khó khăn hơn tu pháp môn Niệm Phật] nhiều lắm! Vì sao thế? Vì một pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chuyên cậy vào Phật lực. Chỉ cần chính mình có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì thánh hiệu của Phật thì lúc lâm chung quyết định được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Hết thảy các pháp môn khác ắt cần phải tu cho đến khi nghiệp tận tình không mới có thể liễu thoát sanh tử. Nếu không, mặc cho ông công phu sâu đậm, công đức lớn lao, nếu phiền não còn sót mảy may chưa tận thì vẫn chẳng thể thoát ra ngoài lục đạo luân hồi được! Đem chuyện dùng tự lực để liễu sanh tử so với cậy vào Phật lực để liễu sanh tử thì sự khó – dễ vời vợi hệt như một trời một vực.

Ông may mắn sẵn có thiện căn từ đời trước nên có thể sanh lòng tin nơi pháp môn này, nhưng cần phải lập trọng thệ sâu xa, quyết chẳng bị thuận theo kinh điển hay ngôn giáo của những tri thức khác mà bỏ pháp môn này tu theo pháp khác, ngõ hầu chẳng phụ túc căn và duyên hiện tại. Nếu đọc các kinh Đại Thừa, thấy nghĩa lý sâu xa, huyền áo, hoặc thân cận tri thức thuộc các tông Thiền, Giáo, Luật, Mật, nghe họ nói những điều thân thiết liền coi Niệm Phật là tầm thường, coi những pháp ấy mới là lạ lùng, đặc biệt, bỏ pháp này, tu pháp kia, sẽ giống như con thơ bỏ cha mẹ, bệnh nặng bỏ lương y, muốn được thành người, lành bệnh, há có được chăng? Ông đã đọc Văn Sao, sao chẳng chú tâm thấu hiểu, suy xét? Sao lại có sáu thứ nghi vấn như sau:

1) “Phật tức là tâm, tâm tức là Phật” chính là ước theo bản thể của tâm chúng ta mà nói. Do có vô lượng vô biên phiền não Hoặc nghiệp, nên cần phải nhờ vào sức đại từ bi gia bị của A Di Đà Phật là đấng đã hết sạch Hoặc nghiệp, phước huệ viên mãn, có đại thệ nguyện để được vãng sanh, rồi tu tập dần dần cho đến khi rốt ráo đích thân chứng được “tâm này là Phật” mới thôi. Ông cho rằng đã là Phật thì cần gì phải niệm Phật ư? Ví như tấm gương báu tròn lớn bị bụi phủ cả kiếp, tuy sẵn đủ quang minh chiếu trời soi đất, nếu chẳng đổ công chùi mài, dẫu trải cả kiếp cũng chẳng có lúc tỏa ánh sáng được! Hiểu lầm chữ “tức thị” (tức là) họa khôn kể xiết!

Còn như ông Hứa Chỉ Tịnh nói: “Chư Phật không có thân, nhưng Bát Nhã quả thật là mẹ” thì có nghĩa là “chư Phật từ trí huệ mà sanh”. Trí Huệ đứng đầu Lục Độ, nêu lên Trí Huệ thì không Độ nào trong Lục Độ chẳng trọn đủ; sự nghiệp, công phu tu trì há dễ dùng bút mực để giảng rõ được ư? Ông hãy thiết thực giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận như đã nói trong phần trước, rồi sốt sắng thực hành pháp Tín Nguyện Trì Danh như đã nói trong phần sau, chắc chắn sẽ nguôi ngoai được ý niệm [lo buồn] “đời người vô thường, sanh tử khó liễu” của ông! Nếu chỉ chấp trước một hai điều thuộc về Lý Tánh, coi Sự Tu là chuyện nhọc công uổng sức; sợ rằng mai sau vẫn phải vĩnh viễn đọa trong ác đạo, suốt cả kiếp chẳng có lúc được nghe những tên gọi như trời đất, cha mẹ. Chẳng đáng dự phòng, tu hành cẩn thận ư?

2) Niệm Quán Âm cầu sanh Tây Phương cũng được vãng sanh Tây Phương, nhưng chớ nên bảo “cần gì phải niệm A Di Đà Phật!” Bởi lẽ, Quán Âm chính là vị phù tá đức A Di Đà Phật. Phật Di Đà là chủ, Quán Âm là khách. Phật Di Đà như quốc vương, Quán Âm như trủng tể (người đứng đầu các quan). Khéo hiểu ý nghĩa, ắt chẳng trở ngại gì!

3) Nhiều kiếp chẳng thể thành Phật là do tu pháp môn tự lực. Cần biết rằng: Pháp môn Tịnh Độ dẫu lâm chung mới được nghe mà có thể sanh lòng tín nguyện rồi niệm, liền được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Huống là trước khi lâm chung đã tu sẵn ư?

4) Đàn cầu cơ phần nhiều do linh quỷ dựa vào, Ngọc Tiên là một vị tiến sĩ nhưng tri kiến hèn tệ chẳng thể nào diễn tả được! Những gì ông ta tuyên truyền nào đáng để nhắc đến ư?

5) Lúc trì Phật hiệu, tạp niệm tơi bời, đấy chính là hiện tượng lắm tri nhiều kiến, tâm không có chánh niệm. Muốn cho hiện tượng ấy chẳng xuất hiện thì chỉ chuyên tâm đau đáu nghĩ chính mình sắp chết, chỉ sợ đọa ngay vào ác đạo, dốc chí niệm Phật, chẳng khởi lên những ý niệm khác, lâu ngày sẽ được trong lặng.

6) Ăn chay không khó, hễ miệng bụng tham muốn thì sẽ khó ăn chay. Tam tịnh nhục và “thịt bên cạnh rau” chính là pháp được lập ra cho kẻ hạ căn. Xin ông hãy sáng suốt suy xét.

 ***

[1] Nhị đế tam vương: Nhị đế là Đế Nghiêu, Đế Thuấn, tam vương là vua Đại Vũ nhà Hạ, Thành Thang nhà Thương và Văn Vương nhà Châu.