Thư trả lời cư sĩ Dịch Tư Hậu

Đọc thư ông gởi đến, biết ông đời trước có thiện căn, nhưng do chưa đọc kinh Phật nên văn tự lẫn nghĩa lý vẫn chưa hiểu rõ ràng. Nếu như hiểu rõ sẽ chẳng cần phải hỏi câu thứ nhất! Vì đoạn kinh văn ấy ghi: “Quán Thế Âm Bồ Tát trong vô lượng kiếp trước thành Phật đã lâu, hiệu là Chánh Pháp Minh, nhưng do bi tâm vô tận, từ thệ khôn cùng, nên lại hiện thân Bồ Tát và các thân người, trời, phàm, thánh… trong mười phương thế giới để thí vô úy (ban cho sự không sợ hãi), cứu vớt rộng rãi!” Phẩm Phổ Môn chép: “Nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp” (Trong phẩm Phổ Môn có ba mươi hai thứ hóa thân [tức là những] thân người, trời, phàm, thánh, nam, nữ. Sao lại dựa theo tác phẩm Hương Sơn Quyển do ngoại đạo bịa đặt rồi nghi ngờ vậy?) Sao ông không đọc đoạn văn tiếp theo đó: “Không những hiện thân hữu tình (trời, người, phàm, thánh, nam, nữ đều có thân hữu tình, tức là có tâm thức, tri giác), mà ngay cả núi, sông, thuyền, bè, cầu, bến, đường sá, cỏ thuốc, cây cối, lầu, đài, điện, gác, cũng tùy cơ biến hiện”. Nói chung, [Bồ Tát] chuyên chú trọng [làm cho chúng sanh] lìa khổ được vui, chuyển nguy thành an. Nếu ông hiểu rõ ràng đoạn văn này, quyết chẳng hỏi [Bồ Tát] là nam hay nữ.

Do người đời chưa từng đọc kinh Phật, thấy tượng Bồ Tát vi diệu trang nghiêm, do những người đắp, vẽ, điêu khắc không phải là tay thợ khéo xuất sắc, cho nên [họ đã vẽ, tạc] hình tượng Ngài giống với tướng người nữ, người đời bèn nghĩ Ngài mang thân nữ. Bồ Tát đối với hết thảy đều tùy duyên, do tâm người đời nghĩ Bồ Tát là thân nữ, nên khi hóa hiện trong mộng, phần nhiều Ngài hiện thân một bà cụ già. Do chúng sanh thiện căn mỏng cạn, chẳng thể thấy được pháp tướng vi diệu trang nghiêm của Bồ Tát nên Ngài chỉ tùy theo căn cơ của họ mà hiện thân.

Trong Phật pháp không có cuốn sách nào có tên là Quyển cả! Phàm những thứ “bảo quyển” đều là do ngoại đạo mượn một chuyện trong Phật pháp để mù quáng bịa đặt hòng dụ dỗ, gạt gẫm kẻ vô tri. Nói chung, những gì các sách ấy nói đều là lấy luyện đan vận khí làm gốc, lấy [chiêu bài] “tam giáo đồng nguyên” (Nho – Phật – Lão cùng một nguồn) để làm hòn núi dựa dẫm. Họ mù quáng trích dẫn những câu trong kinh sách của Nho, Phật, Đạo giáo để biến chánh thành tà, hòng chứng minh đạo luyện đan vận khí là vô thượng tôn quý nhất. Phàm ai theo đạo ấy, tuy có tấm lòng tốt nhưng đều là hạng hồ đồ. Nếu là bậc có đủ chánh tri kiến sẽ lìa xa còn không kịp, há đâu lại bái bọn chúng làm thầy, theo bọn chúng tu học ư?

Câu kinh Di Đà ông đã dẫn đó chính là câu tuyệt đối chẳng hề có trong chánh kinh [của nhà Phật]! Chắc là do kẻ muốn xưng là bậc thông gia, nhưng thật sự là kém hèn lớn mật tưởng mình thông hiểu nhưng chẳng thông hiểu gì [bịa đặt ra]! Lời chú giải kinh văn của họ cho thấy họ chẳng biết gì về nguồn cội của Tiểu Tam Tai và Đại Tam Tai, bèn gộp nháo nhào Tam Tai Hỏa – Thủy – Phong thành một, nói loạn cào cào. [Chữ Kiếp] tiếng Phạn là Kiếp Ba (Kalpa), cõi này (Trung Hoa) dịch là Thời Phần. Thời gian dài gọi là Kiếp. Một đại kiếp là [khoảng thời gian] trời đất [trải qua] một lần hình thành rồi hủy diệt. Như trong hiện tại gọi là Trụ Kiếp, vì một đại kiếp có bốn trung kiếp, tức Thành, Trụ, Hoại, Không. [Thời gian của] ba kiếp Thành – Hoại – Không đều lâu mau giống như Trụ Kiếp, [nhưng trong cả ba kiếp Thành, Hoại, Không] đều không có người. Trong Trụ Kiếp có hai mươi tiểu kiếp tăng giảm. Hai mươi kiếp tăng giảm đã xong thì đại địa bốc lửa, cho đến tận Sơ Thiền Thiên đều biến thành lửa. Qua hết hai mươi kiếp tăng giảm, [cõi thế gian từ Sơ Thiền Thiên trở xuống] mới hoàn toàn hoại. Lại phải qua hai mươi kiếp tăng giảm trong kiếp Không, [thế giới] mới dần dần hình thành. Lại phải qua hai mươi kiếp tăng giảm mới bước vào Trụ Kiếp, có con người và hết thảy chúng sanh. Trong ba trung kiếp này, người lành hoặc sanh lên trời Nhị Thiền hoặc sanh sang thế giới phương khác, kẻ ác thì sanh sang thế giới phương khác để chịu tội trong tam ác đạo.

Thế giới bị hỏa thiêu bảy lần như thế cho đến lần thứ tám thì thành Thủy Tai, nước ngập đến tận trời Nhị Thiền. Khi nước hết ngập, không còn vật gì! Thủy Tai kéo dài suốt thời gian hai mươi kiếp tăng giảm thì [những phần thế giới ở dưới trời Tam Thiền] mới hủy hoại hết. Lại trống rỗng chừng đó thời gian rồi mới thành, trụ. Phàm trải qua bảy lần Hỏa Tai xong, lần thứ tám là Thủy Tai. Sau bảy lần Thủy Tai lại có bảy lần Hỏa Tai, rồi đến Phong Tai. Phong Tai sẽ hủy hoại cho đến tận trời Tam Thiền, gió thổi cho đến không còn một vật gì. Tổng cộng có 7 x 8 = 56 lần Hỏa Tai, bảy lần Thủy Tai, một lần Phong Tai. Đấy chính là Thủy – Hỏa – Phong Tam Tai.

Bọn [ngoại đạo] tưởng Tam Tai là một, nói năng mù quáng bậy bạ! Ông vẫn chưa hiểu rõ lời này thì hãy nhất tâm niệm Phật, đừng nghĩ những lời lẽ mù quáng ăn nói càn quấy ấy là đúng thì được rồi. Thế giới này đã thành rồi thì người lành, kẻ ác đều sanh trở lại thế giới này. Ví như nhà của người ta bị hư hoại, mọi người dọn đi, nhà cất xong lại dọn về. Lúc thành, lúc hoại nơi thế giới phương khác cũng sẽ chuyển đi, dời về giống như ở phương này.

Cao Vương Kinh[1] trong Đại Tạng không có, nhưng tụng cũng khá có linh cảm, là vì trong ấy có nhiều danh hiệu Phật, Bồ Tát. Kinh ấy đã có từ trước thời Tùy – Đường, nhưng người hoằng pháp cũng chẳng khuyên người khác niệm, mà cũng chẳng ngăn trở người khác niệm, cứ để mặc cho kẻ tục nhân tại gia trì tụng. Độ Kiếp Tôn Kinh, Đối Tâm Kinh, lại còn có Tâm Kinh quyển trung và quyển hạ, Tâm kinh quyển trung lại có hai loại, đều là những thứ do ngoại đạo ngụy tạo!

Quy Y là quy y Phật – Pháp – Tăng Tam Bảo để mong y giáo tu trì hòng liễu sanh thoát tử, chứ chẳng phải chỉ như thế gian bái sư rồi thôi! Nhưng thế gian bái sư để học chữ hoặc học một nghề, dẫu nghề thấp kém nhất như cạo đầu, chữa chân, cũng phải ba lần lạy, chín lần khấu đầu. Ông gởi thư xin quy y, lại còn hỏi cả đống câu, lại muốn có được mấy loại sách, chẳng những không dùng chữ “đảnh lễ” mà ngay cả chữ “hiệp chưởng” (chắp tay) cũng không dùng. Cầu người khác khai thị mà làm như thế cũng đã quá vô lý, huống là cầu quy y, tức là [ông coi] chuyện quy y chẳng đáng nửa đồng, trở thành chuyện chẳng đáng tôn trọng! Người đi đường hỏi lối còn phải vòng tay cúi đầu; ông quy y, xin khai thị, xin sách mà chỉ dùng chữ “kính thượng” (kính trình lên) là xong! Nếu không có ba chuyện ấy, chẳng biết sẽ ngạo mạn đến mức nào? Quang nương theo tâm phổ độ chúng sanh của đức Phật mà khai thị cho ông, nhưng tuân theo nghĩa duy trì pháp đạo mà cự tuyệt ông. Nếu không, Quang sẽ thành coi rẻ Phật pháp, cũng như khiến cho ông khinh mạn Phật pháp. Vì thế, nói với ông về những chỗ ông lầm lỗi. Ông cứ muốn quy y thì hãy xin quy y nơi chùa chiền ở Thường Thục, Quang già rồi, không có mục lực lẫn tinh thần để thù tiếp. Từ nay về sau đừng gởi thư đến nữa. Gởi đến, quyết chẳng trả lời.

Quy y trong chùa nếu [pháp sư truyền giới] lên tòa nói [Tam Quy, Ngũ Giới], thì trước khi [pháp sư] lên tòa, [người xin thọ giới] đảnh lễ vị sư Tri Khách ở khách đường, đảnh lễ Hòa Thượng ở Phương Trượng. Hòa Thượng lên tòa, [người thọ giới] phải quỳ lạy hơn một tiếng đồng hồ. [Hòa Thượng] xuống tòa, tiễn Hòa Thượng về Phương Trượng, [người thọ giới] lại đảnh lễ, rồi đảnh lễ các vị sư trực ban và thầy Tri Khách. Ông gởi thư xin quy y, những chữ “đảnh lễ” đều không chịu viết, quá coi thường chuyện quy y Tam Bảo! Nếu Quang không nói thì Quang cũng mắc tội, cho nên mới phải nói! (Ngày Mười Hai tháng Tám năm Đinh Sửu – 1937)

***

[1] Cao Vương Kinh nói ở đây có tên đầy đủ là Cao Vương Quán Thế Âm Chân Kinh, khác với Nhất Thiết Pháp Cao Vương Kinh (do ngài Cù Đàm Bát Nhã dịch) trong Đại Tạng. Nhất Thiết Pháp Cao Vương Kinh dạy các hạnh nghiệp của người thọ Bồ Tát giới gia nhập Tăng đoàn, các lợi ích do tu tập như chứng đắc Tứ Quả, tu Bồ Tát hạnh v.v… Còn Cao Vương Quán Thế Âm Chân Kinh có nội dung khá lộn xộn, tập trung những danh hiệu Phật, rồi kết thúc bằng chú Thất Phật Diệt Tội. Xin trích dẫn đoạn đầu: “Quán Thế Âm Bồ Tát, nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng, Phật hữu nhân duyên, Phật pháp tương nhân thường lạc ngã tịnh, hữu duyên Phật pháp. Nam mô Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, thị đại thần chú. Nam mô Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, thị đại minh chú… Nam mô Tịnh Quang Bí Mật Phật, Pháp Tạng Phật, Sư Tử Hống Thần Túc U Vương Phật. Phật cáo Tu Di Đăng Vương Phật, Pháp Hộ Phật, Kim Cang Tạng Sư Tử Du Hý Phật, Bảo Thắng Phật, Thần Thông Phật…” Theo ngu ý, bản kinh này ngụy tạo vì từ đầu đến cuối chứa lẫn lộn những câu chữ trích từ Tâm Kinh, cũng như những danh hiệu Phật được nói trong các kinh Đại Thừa.