Thư trả lời cư sĩ Châu Văn San

(thư thứ nhất)

Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh thoát tử ngay trong đời này mà nếu chẳng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, chắc chắn sẽ chẳng thể đạt được! Vì sao vậy? Do không có sức để đoạn Hoặc. Do niệm Phật cầu sanh Tây Phương là cậy vào Phật từ lực nên kẻ chưa đoạn Hoặc cũng có thể vãng sanh. Đã vãng sanh rồi thì ba thứ Hoặc – Nghiệp – Khổ đều cùng tiêu diệt. Ví như mảnh tuyết rớt vào lò luyện lớn, chưa đến nơi đã tan mất. Do Tây Phương là cảnh giới của Phật, Bồ Tát, nên phàm phu hễ [sanh] đến đó, phàm những gì chẳng mong đoạn đều tự đoạn.

Nếu ông muốn liễu sanh tử hãy nên thỉnh Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao (có bán ở Phật Học Thư Cục tại Thượng Hải) đọc kỹ sẽ tự nhiên hiểu rõ ràng. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, từ nay đừng gởi thư đến nữa, gởi đến cũng không trả lời. Do Văn Sao là một bộ sách khai thị, cần gì phải có một lá thư [để khai thị] nữa? Hơn nữa, Quang sẽ chết trong sáng tối, chẳng thể thù tiếp được ư? (Ngày Mười Hai tháng Tám)

(thư thứ hai)

Thư gởi hôm Mười Bốn đã nhận được, do bận việc chẳng thể trả lời ngay. Năm đồng sẽ dùng làm tiền in Văn Sao Tục Biên. Quang vốn chẳng muốn in nữa, cho nên từ năm Dân Quốc 15 (1926), [sau khi] Trung Hoa Thư Cục ấn hành bản Tăng Quảng Văn Sao hoàn chỉnh, tất cả văn tự thù tiếp đều nhất loạt chẳng giữ lại bản thảo, nhưng Đương Gia chùa Báo Quốc là thầy Minh Đạo sai người lén sao chép. Năm Dân Quốc 24 (1935), thầy ấy mất, những bản thảo sao chép được giao cho Đương Gia chùa Linh Nham [là thầy Diệu Chân]. Thầy ấy lại sưu tập những lá thư từ các tờ bán nguyệt san v.v…, Quang chỉ đành thuận theo ý thầy ấy; hiện thời đã cử người sao lại theo lối Chân Thư[1] để khỏi bị sai ngoa khi sắp chữ.

Ông quyết định muốn cầu sanh Tây Phương, hãy nên thỉnh Ấn Quang Pháp Sư Tăng Quảng Văn Sao và Gia Ngôn Lục từ Phật Học Thư Cục tại ngay nơi mình ở. Nếu có lúc rảnh rỗi thì thỉnh Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục (hai loại sách này đều do Quang đứng ra ấn hành), Tịnh Độ Ngũ Kinh (thuộc loại kinh sách để đọc tụng, cũng do Quang ấn hành) để xem thì những điểm chánh yếu của pháp môn Tịnh Độ sẽ đều biết rõ. Đã muốn sanh về Tây Phương, ắt phải ba nghiệp thanh tịnh, hãy nên kiêng giết, ăn chay, cũng khuyên cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con đều cùng ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Sanh về Tây Phương sẽ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, sao nỡ để bậc sanh ra ta và những người “đồng khí liên chi”[2] với ta chẳng được hưởng lợi ích thù thắng này? Đối với người chung quanh, người trong cõi đời còn phải nên khuyên họ tu trì, huống là cha mẹ quyến thuộc của chính mình ư?

Cần biết rằng: Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là pháp môn đặc biệt trong nhà Phật. Đa số kẻ tham Thiền giảng kinh chẳng đề xướng pháp này, hãy nên lập chí quyết định, bất luận họ nói như thế nào, ông trọn chẳng nghe theo lời họ rồi tu pháp khác! Vì sao vậy? Do Niệm Phật là cậy vào Phật lực để liễu sanh tử. Có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành khẩn thiết niệm thì ai nấy đều giải quyết xong xuôi [sanh tử]. Những pháp môn khác đều phải đoạn sạch phiền não (tức Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong tam giới) rồi mới có thể liễu được! Sự khó – dễ [giữa pháp môn này và các pháp môn khác] giống như sự cách biệt giữa trời và vực vậy (Ngày Mười Bảy tháng Tám).

***

[1] Nguyên văn “Chân thể”, tức lối viết theo kiểu Chân Thư, viết đầy đủ nét, không dùng cách viết tắt theo kiểu Tục thể, Phá thể, hoặc Cổ thể để người đọc không bị hiểu lầm hoặc đọc sai.

[2] “Đồng khí liên chi” hay còn gọi là “đồng khí liên căn” là thành ngữ dùng để chỉ tình thân thiết giữa anh chị em ruột thịt giống như những cành nhánh mọc từ cùng một cái cây, cùng được hưởng sự vun bồi, nuôi dưỡng từ thân cây.