Thư trả lời cư sĩ Châu Trí Mậu

(thư thứ nhất)

Đọc lá thư ([đề ngày] Mười Sáu tháng Mười Một) của ông gởi đến, thấy có quá nhiều từ ngữ phù phiếm! Giữa thầy trò với nhau, há nên dùng những lời lẽ sáo rỗng ấy? Người đời nay thể chất phần nhiều yếu đuối, chớ nên lầm lạc bắt chước cổ nhân. Con người thường do ham danh mà khổ hạnh quá mức, đâm ra đối với đạo lẫn thân đều chẳng có ích gì! Lợi ích thật sự trong Phật pháp phải do chí thành mà đạt được, chứ không phải do phô trương bày vẽ mà được việc. Quang già rồi, tinh thần ngày một giảm, chuyện thù tiếp ngày một nhiều. Trong hạ tuần tháng Hai năm nay, sang Thượng Hải lo liệu chuyện in sách. Tháng Sáu trở về núi ở hết Hè, tháng Bảy liền xuống núi, sang Thượng Hải để kết thúc chuyện in sách rồi chẳng trở về núi nữa! Trong tháng Tám, tháng Chín sẽ đi khắp trời Nam đất Bắc, [tới] chỗ không có ai biết để sống hết tuổi thừa hòng chuyên tu Tịnh nghiệp, để khỏi suốt ngày phải bận bịu vì người khác, đâm ra làm hỏng đại sự của chính mình. Xin hãy đem ý này nói với hết thảy những người quen biết để họ khỏi bị hỏng chuyện. Người tu hành cần phải chất trực, không giả dối, chân thật thực hiện. Vì thế, cổ nhân nói: “Thiểu thật thắng đa hư, đại xảo bất như chuyết” (Thật ít hơn dối nhiều, quá khéo chẳng bằng vụng). Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không viết cặn kẽ (Viết dưới đèn, ngày Mười Một tháng Giêng năm Kỷ Tỵ – 1929)

Toa thuốc cai á phiện trong Văn Sao, đối với phần hút thêm [thuốc phiện nếu có những bệnh vặt phát sanh trong khi đang uống thuốc cai nghiện] vẫn chưa hoàn toàn tường tận. Hãy nên ghi là: “Tùy theo nghiện nặng hay nhẹ mà thêm một phần mười. Như mỗi ngày hút một lạng thì thêm một tiền. Nếu hút năm tiền thì thêm năm phân”. Như vậy thì người nghiện nhẹ sẽ chẳng đến nỗi tốn kém nhiều. Hơn nữa, phương thuốc ấy trị được bệnh khí thống rất hay. Một phụ nữ ở Hà Nam tỵ loạn đến Thượng Hải, tới quy y, cho biết bà ta bị khí thống từ năm mười sáu tuổi, các thầy thuốc không trị được. Mỗi ngày lên cơn đôi ba lượt, đau gần muốn chết; nay bà ta đã năm sáu chục tuổi rồi! Quang dạy bà ta niệm thánh hiệu Quán Âm, nhân đó bảo bà ta uống loại thuốc cao nấu theo toa này. Bà ta không hút thuốc phiện, chỉ dùng thuốc. Bà ta nấu một liều thuốc cao, hôm thứ nhất uống vào liền chẳng bị lên cơn nữa. Chưa đầy mười ngày, thân thể lẫn vẻ mặt đều khỏe mạnh, đặc biệt đến tạ ơn. Xin hãy nói điều này với hết thảy những ai bị khí thống.

(thư thứ hai)

Nhận được thư, biết ông sanh lòng tin trong sạch, muốn quy y Phật pháp; nhưng quy y Phật pháp ắt phải đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tận lực giữ luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, sanh lòng tin, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, lại còn phải kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay (Nếu chẳng thể ăn chay hoàn toàn, cũng đừng tham ăn thì mới nên. Càng phải nên giữ Lục Trai hoặc Thập Trai. Nếu không, sẽ trái nghịch với Phật). Nay đặt pháp danh cho ông là Trí Mậu (智茂). Do tâm tánh như cái cây; do phiền não chướng lấp nên tâm tánh chẳng thể hiển hiện giống như cây khô héo. Đã có trí huệ thì phiền não chẳng sanh, cái cây tâm tánh sẽ tự nhiên xum xuê[1]! Nói đến Ngũ Giới thì hãy tự hỏi tâm mình. Nếu có thể giữ được chẳng phạm, hãy hỏi Hóa Tam về quy củ [tự phát thệ] thọ giới trước đức Phật, ông ta sẽ bảo ông, chứ Quang không viết cặn kẽ.

Đã quy y Phật pháp thì nên đọc kỹ Văn Sao, y theo đó mà hành sẽ tự chẳng đến nỗi bị kẻ tầm thường gây lầm lẫn. Đối với chuyện cầu phước báo trong đời sau và cách luyện đan vận khí của ngoại đạo để cầu thành tiên v.v… nếu ông có thể lãnh hội được những nghĩa trong Văn Sao thì dẫu có trăm ngàn tăng nhân phàm tục hay ngoại đạo vẫn chẳng thể lay động được tâm ông. Đừng nói đấy là những lời do Quang nói ra, chẳng đáng để nương dựa, căn cứ! Hãy nên biết rằng: Quang dựa theo ý của Phật, Bồ Tát, tổ sư, thiện tri thức để nói; chứ không phải do Quang tự suy lường rồi nói bừa đâu nhé!

(thư thứ ba)

Nhận được thư, biết tâm ông cao như trời, nhưng chí hèn như đất! Miệng tuy nói vâng theo lời Quang dạy, nhưng thật sự hoàn toàn dựa theo thiên kiến của chính mình! Pháp môn Tịnh Độ chỉ có lòng tin làm gốc. Tin cho cùng cực, dẫu Ngũ Nghịch, Thập Ác cũng đều có thể vãng sanh. Tin chẳng tới nơi tới chốn, kẻ thông Tông thông Giáo nhưng chưa từng đoạn Hoặc đều chẳng có phần! Ông đã chẳng thể thông Tông thông Giáo, đoạn Hoặc chứng Chân, cậy vào tự lực để liễu sanh tử; lại chẳng tin “Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, tự tánh công đức chẳng thể nghĩ bàn; nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, không một ai chẳng được vãng sanh!” Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn vô thượng thẳng tắt viên đốn để liễu sanh tử ngay trong đời này. Đối với pháp môn này còn chưa biết phương hướng, mà đã dùng cái tâm cuồng vọng ham cao chuộng xa để nghiên cứu Khởi Tín Luận! Khởi Tín Luận thật sự là cương yếu để học Phật, nhưng người hạ căn và kẻ sơ cơ cũng khó được lợi ích. Dẫu nghiên cứu Khởi Tín Luận đạt đến mức độ thông suốt, thấu triệt vô ngại, thì dụng công vẫn phải nhờ vào niệm Phật cầu sanh mới là ổn thỏa, thích đáng! Huống chi Pháp Tướng, Thiền, Giáo tinh vi, mầu nhiệm, sâu thẳm chẳng thể mong thấu hiểu được ư?

Tâm ông cao như thế chính là vì chẳng biết phân lượng mà lập chí cao như thế! Ông lại nói: “Căn tánh yếu hèn, mong chi sanh Tây! Chỉ có thể không bị đọa ác đạo là đã an ủi lắm rồi!” Chẳng biết: Không sanh Tây phương, tương lai ắt đọa ác đạo! Đấy là trái nghịch lời Phật dạy cũng như trái nghịch lời Quang nói, sao lại nói là “từ đầu đến cuối vâng làm theo lời răn dạy, nhất tâm trì niệm A Di Đà Phật” ư? Nay do thân ông nhận lãnh chức vụ của người khác giao phó, lại chẳng phải là tư cách thượng đẳng, cái tâm và cái chí đã lập ấy thật đáng khiến cho người khác phải than thở, phải cười cợt! Ông hãy dứt cái tâm cuồng vọng muốn làm bậc đại thông gia ấy đi, hãy chuyên tâm nghiên cứu những sách thuộc về pháp môn Tịnh Độ (đã nói tường tận trong những lá thư gởi cho ông Cao Thiệu Lân và bà Từ [Phước Hiền] trong Văn Sao), hãy nương theo những khai thị ấy mà sanh lòng tin phát nguyện, chẳng vì căn khí của chính mình kém hèn mà đề cao sự vãng sanh rồi gác bỏ. Hằng ngày dù động hay tịnh, luôn lấy một câu Di Đà làm bổn mạng nguyên thần. Suy nghĩ xử sự đều phải hợp với tông chỉ “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”.

Nếu còn thừa sức, sẽ chẳng ngại gì tùy ý thọ trì, đọc tụng các kinh Đại Thừa. Hãy nên lấy chí tâm thọ trì làm gốc, đừng chú trọng gấp muốn hiểu rỗng rang thấu triệt nghĩa lý. Nếu có thể chí thành đến cùng cực, sẽ tự thấu triệt nghĩa lý. Nếu muốn thấu triệt trước mà chẳng chí thành trì tụng, dẫu có thấu triệt cũng chẳng được lợi ích thật sự, huống chi quyết khó thể thấu triệt ư? Dẫu nghiên cứu Pháp Tướng, Thiền, Giáo cả đời, cũng khó hiểu được chỗ chỉ quy. Dẫu hiểu được, ai có thể không đoạn được Hoặc nghiệp mà liễu sanh thoát tử? Muốn đoạn Hoặc nghiệp liễu sanh thoát tử, chỉ sợ có mộng cũng mộng chẳng được!

Ông còn chưa đọc kỹ Văn Sao của Quang nên mới nói như vậy, cao thì xông thấu trời thẳm, thấp thì tuốt đáy biển sâu! Trong Văn Sao đã nhiều lần nói đến những sách nào nên đọc và pháp tắc xem kinh v.v… cũng như chỗ khó được lợi ích nơi Pháp Tướng, Thiền, Giáo. Bởi lẽ, pháp môn Tịnh Độ cậy vào Phật từ lực, các pháp môn khác đều cần nhờ vào sức của chính mình. Một đằng là giáo lý theo đường lối thông thường, giống như kẻ sĩ trong cõi đời do tư cách mà được làm quan; một đằng là giáo lý đặc biệt như vương tử trong cõi đời, dẫu có té xuống đất vẫn được hết thảy quan lại cung kính.

Vô Lượng Thọ Kinh có bản lưu hành riêng. Hơn nữa, trong mười bốn thứ kinh luận Tịnh Độ đã có ba kinh một luận, nhưng không có Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm. Nếu muốn mở rộng quỹ lưu thông kinh sách, há nên dùng biện pháp quyên mộ? Hãy nên thương lượng với kẻ có tín tâm, có tài lực mong họ phụ trợ. Thêm nữa, kinh điển thật nhiều, tâm ông muốn mở toang môn đình, nhưng ở Trịnh Châu có mấy ai thỉnh? Chỉ nên thỉnh những kinh sách người bình thường cũng có thể đọc được. Để thỉnh những bộ kinh sách lớn mà người bình thường không thể đọc được, cần phải ước định [cặn kẽ với người muốn thỉnh] rồi mới đứng ra thỉnh thay cho họ, sẽ đỡ tốn tiền vốn mà cũng chẳng đến nỗi thỉnh về không bán được, giam tiền nằm ì một chỗ không sử dụng được.

Ông tự nói: “Tháng ngày chẳng còn mấy, sức thật hữu hạn”, nên Quang mới nói như thế. Nếu chẳng nghĩ là đúng, vẫn y theo tâm tướng của chính mình để làm thì Quang cũng chẳng cưỡng! Ông có thể làm một vị đại thông gia thì cũng là điều may mắn cho Phật môn. Sợ ông không thành một bậc đại thông gia được mà pháp môn Tịnh Độ cũng chẳng tin tới nơi tới chốn, hai đằng sẽ đều xôi hỏng bỏng không! Đời này tu chút ít công đức, tương lai ắt sanh trong nhà phú quý. Ông thử suy nghĩ kỹ xem: Kẻ phú quý có mấy ai chẳng tạo nghiệp? Hiện thời vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống, đều do những kẻ [trong đời trước] tu hành [nhưng] thiếu trí huệ, qua đời sau cậy vào phước báo bèn gây nhiễu loạn mà ra. Ông khởi vọng tưởng chẳng thể cùng tận như thế mà lại muốn chẳng đọa vào ác đạo; nếu chẳng sanh Tây Phương thì một đời chẳng đọa, chứ hai đời chẳng đọa cũng hiếm hoi lắm đấy!

 (thư thứ tư)

Phật nói kinh chú rất nhiều, ai có thể trì khắp từng thứ cho được? Cổ nhân chọn lấy những thứ trọng yếu, xếp vào nhật khóa (khóa tụng hằng ngày). Buổi sáng thì Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Tiểu Chú, Tâm Kinh; niệm [chú] xong bèn niệm Phật bao nhiêu đó tiếng, hồi hướng Tịnh Độ. Buổi tối thì kinh Di Đà, Đại Sám Hối (Hồng Danh Bảo Sám), Mông Sơn, Niệm Phật, hồi hướng. Nay tùng lâm đều muốn giảm bớt công phu. Buổi sáng chỉ niệm Lăng Nghiêm, Tâm Kinh, buổi tối chỉ niệm kinh Di Đà, Mông Sơn; cứ mỗi hai ngày bèn niệm Đại Sám Hối, Mông Sơn. Ông nói Thiền Môn Nhật Tụng kinh chú quá nhiều, chẳng biết đấy chính là những thứ phụ lục ngoài khóa tụng sáng tối.

Công khóa của tại gia cư sĩ thì cũng có thể chiếu theo công khóa sáng tối của Thiền Môn để tụng niệm, hoặc cũng có thể tùy ý tự lập chương trình. Như buổi sáng chuyên niệm kinh Di Đà, Vãng Sanh Chú, niệm Phật; hoặc buổi sáng chuyên niệm chú Đại Bi, niệm Phật, buổi tối niệm kinh Di Đà, Vãng Sanh Chú, niệm Phật. Hoặc có người trì kinh Kim Cang cũng được. Nhưng bất luận tụng kinh nào, trì chú nào đều phải niệm Phật bao nhiêu đó tiếng, hồi hướng thì mới hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp.

Những gì ông nói chính là “thấy lạ, nghĩ khác”, tuy là hảo tâm, nhưng thật ra là tâm không chủ định, bị chuyển theo cảnh! Có kinh nào hay chú nào mà chẳng thể khen ngợi là công đức thù thắng? Theo tri kiến của ông thì đọc kinh này ắt phải bỏ kinh kia, trì chú này ắt phải bỏ chú kia, do sức chẳng thể lo trọn, thế tất nhiên là như vậy. Như thế thì có còn được gọi là bậc hiểu lý chân tu hay chăng?

Lại mở rộng ra hơn nữa, nếu ông gặp kẻ tu Thiền khen ngợi Thiền đả phá bài xích Tịnh Độ, ắt sẽ theo kẻ ấy tham Thiền. Đối với những tông khác như Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân, Bí Mật, hễ gặp một vị tri thức đề xướng, ắt sẽ bỏ pháp này, tu pháp kia. Chẳng biết ông là hạng căn tánh nào mà muốn làm bậc đại thông gia pháp nào cũng thông; nhưng do nghiệp sâu trí cạn, chẳng thể làm bậc đại thông gia được, lại gác bỏ pháp “cậy vào Phật từ lực để đới nghiệp vãng sanh”, đợi đến lúc lâm chung, chẳng vào trong vạc dầu, lò than, cũng nhất định vô trong thai lừa, bụng ngựa! Dẫu may mắn chẳng mất thân người, nhưng do đời này vẫn không có chánh trí, lại có lắm si phước do tu hành; do hưởng si phước ấy liền tạo ác nghiệp, khi một hơi thở ra chẳng hít vào được nữa, sẽ vào thẳng tam đồ! Muốn được biết những tên gọi “trời, đất, cha, mẹ” còn chẳng thể được, huống là được biết tới pháp môn Tịnh Độ ư? Ông đọc Văn Sao, có hiểu gì chăng?

Cần biết rằng: Một câu A Di Đà Phật trì cho tới cùng cực thì thành Phật còn có dư, há nên nói niệm kinh Di Đà, niệm Phật chẳng diệt được định nghiệp ư? Phật pháp giống như tiền, do con người khéo dùng! Ông có tiền thì làm chuyện gì mà chẳng được! Ông chuyên tu một pháp thì cầu gì chẳng được! Há cứ phải khăng khăng trì chú này, hễ niệm chú này thì công đức đạt được sẽ chẳng bằng các công đức khác ư? Hãy khéo thấu hiểu lời Quang, sẽ tự có thể “hiểu được một điều thì trăm điều đều rõ”. Nếu không, dẫu có nói cho lắm, tâm ông vẫn không có định kiến. [Từ ngữ] “người trong gương sáng” chẳng rõ lai lịch! Ngô Bá Sanh vốn thuộc pháp môn du hý, chuyên trọng dùng miệng lưỡi để tự khoe tài mà thôi, chính là hạng người giống như ông X… vậy. Người chân tu trọn chớ nên như thế!

(thư thứ năm)

Chỉ đọc kỹ Tịnh Độ Thập Yếu thì pháp tắc tu tập sẽ biết đầy đủ. Pháp Quán của tiên sinh [Dương] Nhân Sơn dùng hay không dùng đều được. Bởi lẽ, nếu tâm chí thành sẽ tự được như ở ngay nơi đấy, như ở quanh nơi đấy[2]. Nếu tâm không chí thành, pháp ấy sẽ trở thành nói xuông, chẳng phải là thật hạnh! Người đời nay phần nhiều đều là tâm cao như trời! Ngay như ông Hóa Tam, cha ra hải ngoại, mẹ và em trai ở tại đất Tô, đang trong buổi can qua nhiễu nhương này, chẳng giẫm trên Thật Địa (không chú trọng thực tiễn), chú trọng lo phụng dưỡng mẹ, cứ muốn qua Tây Tạng, theo học trong học viện, tính chuẩn bị đi sang Tây Trúc. Không sang Tây Trúc sẽ chẳng thể liễu sanh tử hay sao? Hiện nay đất Tô đã trở thành địa điểm thường xảy ra chiến tranh, nạn đao binh chẳng biết kết cục ra sao? Sao lại rỗi hơi để bàn đến chuyện vào học viện của Tây Tạng, tính sắm sửa đi sang Tây Trúc ư? Xin hãy suy xét tường tận, đọc kỹ Tịnh Độ Thập Yếu và Văn Sao để lập tâm tin tưởng quyết định ngõ hầu được lợi ích thật sự nơi Phật pháp!

(thư thứ sáu)

Nhận được thư khôn ngăn cảm thán! Phàm phu đang mê, tín tâm bất định, nên mới có chuyện nhiều lần tin tưởng, nhiều lần ngã lòng, nhiều lần tu, nhiều lần tạo nghiệp. Cũng là do người dạy từ thuở ban đầu chẳng thấu hiểu đường lối mà ra! Nếu thuở ban đầu mà khởi sự từ những điều gần gũi như nhân quả v.v… sẽ chẳng đến nỗi có những chuyện mê hoặc điên đảo như thế. Tội trong quá khứ dẫu cực sâu nặng, nhưng có thể chí thành sám hối, sửa lỗi trước, từ nay tu tập, lấy “chánh kiến tu tập Tịnh nghiệp, tự lợi, lợi tha” làm chí hướng, sự nghiệp thì sương mù tội chướng tiêu tan, bầu trời chân tánh rạng ngời. Vì vậy, kinh dạy: “Thế gian có hai hạng người mạnh mẽ, một là chẳng tạo tội, hai là đã tạo mà biết sám hối”.

Một chữ Hối phải từ tâm khởi. Tâm chẳng chân thật hối cải, có nói [lời sám hối] cũng vô ích. Ví như đọc toa thuốc mà chẳng uống thuốc, quyết chẳng mong chi lành bệnh được! Nếu có thể y theo toa uống thuốc, sẽ tự được bệnh lành, thân yên. Điều đáng lo là lập chí chẳng vững, một nóng mười lạnh, uổng có hư danh, chẳng có mảy may lợi ích thật sự nào! Nay gởi cho ông bài thuyết minh về biện pháp [ấn tống] Quán Âm Tụng để ông tùy duyên phân phát. Phát tâm hay không đều chẳng sao cả, chứ không nhất thiết bắt người khác phải quyên góp [giúp tiền in]. Lại xin ông chuyển giùm thư cho cư sĩ [Vưu] Tích Âm.

 (thư thứ bảy)

Nhận được thư ông và thư của Hóa Tam đầy đủ. Những điều ông nói trong thư quá sức chấp nhặt, còn lời Hóa Tam lại quá thoáng rộng. Nếu vốn liếng có thừa, người thỉnh [kinh sách] nhiều, cố nhiên nên lưu thông như thế. Nay do không có vốn liếng, lại chẳng có nhiều người thông suốt rộng khắp thỉnh sách, hãy nên làm theo lời Quang nói. Phàm những kinh luận, trước thuật Tịnh Độ ắt đều thỉnh hết, còn đối với những kinh luận khác hãy nên chọn lấy những kinh thường được thọ trì để thỉnh. Đối với những bộ kinh sách lớn, chỉ ghi tên. Có ai hỏi tới, hãy nên ước hẹn thỏa đáng với họ, [yêu cầu kẻ ấy] giao bao nhiêu đó tiền, rồi sẽ thỉnh sách [cho người ta]. Biện pháp như vậy trọn chẳng tốn sức, [mà cũng] chẳng đến nỗi thỉnh kinh luật luận cho thật nhiều mà không có ai đến thỉnh, bị ngâm vốn. Lâu ngày rất có thể sanh mối mọt, đến nỗi hụt vốn! Phàm chuyện gì cũng chớ nên hẹp hòi, phải nhìn theo thời cơ mà làm. Nếu [làm] theo lời Quang nói, sẽ chẳng mâu thuẫn với ông lẫn Hóa Tam, cũng như chẳng bị mắc lỗi lưu thông thiên lệch và thiếu hụt vốn liếng. Ông hãy nên làm theo đó, chớ nên thay đổi.

Còn như ông đã nói trước đây “chỉ cầu chẳng đọa ác đạo là được rồi”; lời ấy ngàn vạn phần chớ nên để manh nha trong lòng, thốt ra ngoài miệng, hay viết ra. Nếu có ý niệm ấy, sẽ chẳng vãng sanh được! Vãng sanh hoàn toàn cậy vào tín nguyện quyết định. Giữ ý niệm ấy chính là không có tâm quyết định cầu sanh. Có tâm quyết định chẳng cầu sanh sẽ có hại chẳng nhỏ đâu! Đã đánh mất tông chỉ Tịnh Độ, làm sao hưởng lợi ích chân thật là vãng sanh Tịnh Độ cho được?

Còn như Hóa Tam nhất tâm niệm Phật, thề sanh Cực Lạc, được vãng sanh hay không vãng sanh đều chẳng màng tới, đến nỗi không vãng sanh cũng tốt! Đấy chính là cái tâm xa lìa lo nghĩ, chính là học đòi kiểu ăn nói lớn lối của bên Tông, bên Giáo! Nếu ông là Pháp Thân đại sĩ thì lời ấy mới là thật nghĩa. Nhưng bậc Pháp Thân đại sĩ muốn lợi ích phàm phu cũng chớ nên thốt ra lời ấy! Nếu là phàm phu sát đất lại còn cầu sanh Tây Phương mà thốt ra lời ấy tức là nói nhăng, nói càn, tự lầm, lầm người, gây hại há thể cùng cực? Ngàn vạn phần chớ nên thuận theo! Thuận theo sẽ chẳng có phần vãng sanh đâu nhé!

Phàm phu vãng sanh hoàn toàn cậy vào tâm niệm chí thành tha thiết. Kẻ phó hết thảy cho vô niệm làm sao cảm ứng đạo giao được! Sự cảm ứng đạo giao ấy hoàn toàn do chí thành khẩn thiết quyết định niệm. Bậc chứng vô niệm mới có thể nói lời ấy, chứ kẻ chưa chứng vô niệm mà thốt ra lời ấy đều thành lầm lạc như Tô Đông Pha lúc lâm chung, chẳng đáng buồn ư? Chẳng đáng đau ư? Còn như nói: “Đừng nói là nghiên cứu luận Khởi Tín, hãy tùy sức kham làm được mà đọc rộng rãi Tam Tạng mười hai bộ”. Lời ấy đem nói với bậc thượng trí thì là lời tốt lành, khế lý, khế cơ; chứ bảo với bậc trung hạ sẽ phạm lỗi tràn lan, lẫn lộn, thiếu phương hướng! Nói dễ dàng sao? Thử hỏi ông và Hóa Tam có phải là căn tánh ấy hay không?

Tông môn dạy người khán một câu chẳng có ý nghĩa gì! Tịnh Độ dạy người chuyên trì Phật hiệu, bởi tóm gọn sẽ dễ đắc lực, hễ thênh thang sẽ khó được lợi ích! Ngay như bên Giáo, tuy nói “không giảng diễn rộng rãi sẽ không được”, nhưng vẫn cần phải “chuyên nghiệp” (dốc sức nghiên cứu chuyên tinh một kinh luận nào đó) thì mới là thật tu! Thêm nữa, coi kinh thì có kẻ nhằm để gieo thiện căn, có kẻ để mở mang tri kiến, có kẻ lấy đó làm công khóa khác nhau. Để gieo thiện căn thì [các kinh luận trong] Tam Tạng giống như nhau, không phân đây – kia! Để mở mang tri kiến, hãy chọn lấy loại vừa dễ hiểu lại vừa khế cơ. Để làm công khóa thì chuyên tâm thọ trì một hoặc hai thứ, chí thành, khẩn thiết, cứ thẳng đường mà đọc, hiểu cũng chẳng phân biệt, không hiểu cũng chẳng phân biệt, xem lâu ngày chầy tháng sẽ được nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước dầy. Lời Hóa Tam đã nói chính là “ham cao, chuộng xa!” Xin hãy đưa thư này cho Hóa Tam xem, ngõ hầu có thể quở trách được cố tật của ông ta.

 (thư thứ tám)

Pháp yếu ma mạnh, những chuyện thương tâm ấy không nơi nào chẳng có. Nếu địa phương có vị trưởng quan tốt hay thân sĩ tốt thì mới có thể chấn chỉnh được. Nếu không, làm sao ra sức được? Chỉ nên nhờ vào đó để làm sự răn nhắc cầu vãng sanh, tận lực tu trì Tịnh nghiệp, tùy sức khuyến hóa mà thôi! Đối với chuyện sức mình chẳng thể làm được, há nên can dự xằng, đến nỗi chuyện của chính mình cũng bỏ phế mà chuyện ấy cũng chẳng thể thành tựu! Nếu có ai thế lực lớn lao, tài lực lớn lao, có thể khuyên nói được, thì chẳng ngại gì trọn hết tâm mình. Nếu không, cứ để mặc kệ họ mà thôi! Cổ nhân nói: “Quân tử tư bất xuất kỳ vị” (Quân tử suy nghĩ không ra ngoài địa vị [chánh đáng] của mình); không có tài lực, thế lực ấy mà cứ cưỡng làm, chắc sẽ khiến cho các chướng ngại dấy lên. Mọi chuyện đều chớ nên không suy nghĩ tình thế cẩn thận coi xem có làm được hay chăng?

***

[1] Mậu (茂) có nghĩa là xum xuê, tươi tốt.

[2] Ý nói: Nếu tâm chí thành, hành giả sẽ đạt được cảnh giới giống như sự thành tựu do tu tập phép Quán ấy.