Thư trả lời cư sĩ Châu Bá Tù

Nhận được thư từ hôm trước, nhưng gần đây công việc khá bận rộn, nên trả lời thư trễ nãi. May là cả nhà ông vẫn tu trì như cũ, thật là mừng rỡ, an ủi lắm. Mấy năm nay tai họa xảy ra quá thường xuyên, thật đáng nguội lạnh cõi lòng, nói chung là do lòng người ngày càng bại hoại mà ra! Những phương cách giúp cho nạn nhân có cái để gầy dựng lại cuộc sống về sau đều là các phương cách quan trọng để cứu giúp trong lúc ngặt nghèo, nhưng cách này không phải là thường có. Nay để làm chuyện thường có, đặc biệt lập ra một pháp, mong hãy thường truyền bá thì lợi ích vô cùng. Hiện thời là lúc tình thế đại hoạn nạn, bất luận phú quý hay nghèo hèn, già, trẻ, trai, gái đều nên niệm thánh hiệu “nam mô A Di Đà Phật” và niệm “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” để làm căn cứ phòng ngừa tai họa. Phàm đao binh, nước, lửa, ôn dịch, sâu rầy, hạn hán, lụt lội, thổ phỉ, cường đạo, và các tai họa ngoài ý muốn, bệnh tật do oán nghiệp, oan gia gặp gỡ v.v… nếu có thể chí thành niệm Phật và niệm Quán Thế Âm chắc chắn sẽ gặp dữ hóa lành. Dẫu là do định nghiệp tạo thành, cũng có thể giảm nhẹ, chẳng đến nỗi khốc liệt quá mức. Những tai họa ấy chẳng phân biệt phú quý hay nghèo hèn. Nhưng người phú quý xem ra còn khó chịu đựng hơn kẻ nghèo hèn; do vậy, chớ nên vì ta phú quý rồi coi thường, [cũng như] vì ta nghèo hèn bèn mặc kệ, chẳng lập kế đề phòng sẵn.

Hơn nữa, pháp Niệm Phật đối với chuyện sống lẫn chết của con người đều có lợi ích. Thế gian chỉ biết đến lợi ích của việc trợ niệm khi lâm chung, chẳng biết cái lợi ích khuyên niệm khi sanh nở, đến nỗi rất nhiều mẹ con phải chịu vô lượng khổ, hoặc đến nỗi mất mạng, không cách gì cứu được! Nữ nhân nếu có thể thường niệm thánh hiệu Phật và Quán Âm từ nhỏ thì về sau chắc chắn chẳng bị nỗi khổ gặp tai biến trong khi sanh nở. Hoặc vừa cấn thai liền niệm, hoặc ba bốn tháng trước khi sanh bèn niệm, hoặc đang sanh nở mới bắt đầu niệm, đều được an nhiên sanh nở. Nếu sanh khó đến cùng cực và sắp mất mạng, chịu niệm nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, chắc chắn lập tức được an nhiên sanh nở. Đừng nói lúc ấy lõa lồ bất tịnh, nếu niệm sợ mắc tội lỗi! Phải biết Quán Âm Bồ Tát đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ. Ví như thấy con cái té vào lửa, nước, hầm xí, gọi cha mẹ để cầu cứu, cha mẹ quyết chẳng vì chúng nó y phục không chỉnh tề, thân thể chẳng sạch sẽ mà bỏ mặc không cứu.

Tâm cứu chúng sanh của Bồ Tát sâu xa thiết tha hơn lòng thương yêu con cái của cha mẹ trong cõi đời, đúng là gấp cả trăm ngàn vạn ức Hằng hà sa lần! Do vậy, phụ nữ khi sanh nở có thể niệm rõ ràng danh hiệu của Bồ Tát chính là diệu pháp tối thượng cực kỳ linh nghiệm, hữu hiệu vậy. Chẳng những không có tội lỗi mà còn khiến cho cả mẹ lẫn con đều được gieo đại thiện căn. Nghĩa này do đức Phật Thích Ca đã dạy trong kinh Dược Sư, chứ không phải do Bất Huệ bịa đặt. Phàm những ai có niệm thì không một ai chẳng được an nhiên sanh nở. Gần đây người bị sanh khó quá nhiều, một phần là do nghiệp chướng đời trước, một phần là do đời này chẳng biết tiết dục mà ra. Bồ Tát cứu khổ cố nhiên chẳng tính đến người ấy [bị nạn] do nhân như thế nào, đều bình đẳng cứu giúp.

Lúc bình thường niệm Phật, tuy đi – đứng – nằm – ngồi đều có thể niệm, nhưng lúc ngủ chỉ nên niệm thầm trong tâm, chớ nên niệm ra tiếng. Nếu lúc tỉnh giấc, áo mũ hãy còn chưa chỉnh tề, tay lẫn mặt còn chưa rửa ráy, súc miệng, và khi tắm gội, tiêu tiểu, và đến những nơi ô uế chẳng sạch, chỉ nên niệm thầm trong tâm, đừng niệm ra tiếng. Trong những lúc, những chỗ ấy, công đức niệm thầm giống với công đức niệm lúc bình thường. Niệm ra tiếng chẳng hợp nghi thức. Còn lúc sanh nở nhất định phải niệm ra tiếng rõ ràng, chớ nên niệm thầm trong tâm, bởi niệm thầm sức cảm ứng nhỏ nhoi. Lại vì lúc ấy phải dùng sức đẩy đứa con ra, nếu niệm thầm trong tâm, do vì bế khí sẽ có thể thành bệnh! Không riêng gì sản phụ phải niệm rõ tiếng mà những người chăm sóc ở bên cạnh cũng đều phải niệm rõ tiếng. Dẫu cho người nhà ở chỗ khác cũng vẫn có thể niệm cho sản phụ ấy. Nếu pháp này được truyền bá, thế gian sẽ vĩnh viễn không có nỗi khổ vì sanh sản, và nỗi khổ cả mẹ lẫn con đều chết vì sanh nở.

[Phải] biết Phật pháp lợi khắp hết thảy, Phật là cha mẹ đại từ bi, là trời của các vị trời, là bậc thánh của chư thánh, do tâm đại Bồ Đề lợi khắp hết thảy chúng sanh nên được viên mãn thành tựu. Trong đời có kẻ nói giọng cao xa “chán nghe chuyện nhân quả báo ứng và pháp siêng gắng tu trì”, chỉ lấy “hết thảy đều là không, hết thảy chẳng chấp” làm bùa hộ thân, chẳng biết đã chấp “hết thảy đều là không, hết thảy chẳng chấp” thì đã chẳng phải là ý nghĩa “hết thảy đều là không, hết thảy chẳng chấp” rồi! Huống chi kẻ ấy mượn cớ đó để lấp liếm dấu vết lười nhác, biếng trễ, chẳng chuyên chú thật tu, chỉ là “bàn xuông, tranh cao”, đến khi nghiệp báo đã chín muồi, Diêm lão (vua Diêm La) sẽ dâng đồ cúng dường tối thượng cho kẻ “hết thảy chẳng chấp, hết thảy đều là không” ấy. Không biết trong lúc ấy, [kẻ đó] còn có thể “đều là không, đều chẳng chấp” được hay chăng? Chúng ta nên kính nhi viễn chi đối với những kẻ ấy, để khỏi phải nhận sự cung kính cúng dường tối thượng của Diêm lão vậy!