NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Bộc Đại Phàm
Diễn Đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Bộc Đại Phàm

Xa nhận tờ mây, thật hổ thẹn sâu xa. Bất Huệ[1] tôi tuổi nhỏ kém học vấn, lớn lên vô tri, lênh đênh nẻo khách, ăn bám Phổ Đà. Không ngờ các hạ xưa đã vâng lời Phật phó chúc, thừa nguyện tái lai, lãnh hội được tâm tông cả Nho lẫn Phật, thấu hiểu tột cùng bí tạng Tánh – Tướng, tham học khắp kẻ Tăng người tục, là bậc hào kiệt lỗi lạc chuyên tu Tịnh nghiệp. Bậc đại nhân rộng lượng chẳng hiềm hạ mình hỏi đến. Hỏi tới kẻ cắt cỏ mà khiêm tốn quá sức khiến người không còn chỗ dung thân. Ví thử đại địa có kẽ nứt, ắt sẽ triệt để rúc sâu vào, dám đâu ngửa đáp. Thường nghĩ các hạ học vấn rộng như thế, kiến giải cao như thế, mấy câu Ngài nêu ra đó nghĩa lý thật thiển cận, há lẽ nào thật sự hoài nghi chẳng quyết đoán được ư? Chắc có lẽ là muốn phát khởi đồng nhân đó thôi. Các hạ liễu tri làm như vô tri, Bất Huệ tôi cũng không ngại gì lấy không biết làm biết. Do vậy bèn căn cứ theo từng khoản mà phê phán, thuận theo lời lẽ mà mổ xẻ. Chẳng dám bắt chước vị quan già đời phán án, bất quá chỉ như khóa sinh nộp quyển đó thôi. Trình bày lời mọn giãi bày như trong phần sau có được hay chăng? Mong ngài rủ lòng sửa lại cho đúng.

Niệm Phật tuy quý là tâm niệm, nhưng chẳng thể bỏ miệng tụng. Vì ba thứ thân – khẩu – ý hỗ trợ cho nhau. Nếu tâm nghĩ nhớ, thân chẳng lễ kính, miệng chẳng trì tụng, cũng sẽ khó được lợi ích. Thế gian nâng vật nặng còn phải hò reo để giúp sức, huống hồ muốn nhiếp tâm để chứng tam-muội ư? Do vậy, kinh Đại Tập dạy: “Niệm lớn thấy Phật lớn, niệm nhỏ thấy Phật nhỏ”. Cổ đức nói niệm lớn tiếng thì thấy thân Phật lớn, niệm nhỏ tiếng sẽ thấy thân Phật nhỏ. Nhưng phàm phu đầy dẫy phiền não, tâm thường hôn trầm, tán loạn, nếu chẳng nhờ vào sức lễ tụng của thân – miệng, mà muốn đắc nhất tâm thì không thể được. Nơi Thật Tế Lý Địa mới là vô sanh diệt. Trong cửa Phật sự, có pháp nào không phải là pháp sanh diệt? Đẳng Giác Bồ Tát phá bốn mươi mốt phẩm vô minh, chứng bốn mươi mốt phần bí tạng, cũng không ra ngoài lẽ sanh diệt. Sanh diệt ấy chính là gốc rễ sanh tử, mà cũng là gốc của Bồ Đề, tùy thuộc người ta sử dụng như thế nào mà thôi! Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối chính là đem cái sanh diệt “trái nghịch với giác, xuôi theo trần lao” chuyển thành sự sanh diệt “trái nghịch trần lao, hiệp với giác” để cầu chứng được Chân Như Phật Tánh bất sanh bất diệt, niệm niệm nơi Tịnh Độ mới có thể vãng sanh, mà cũng là thân phận Thượng Phẩm Vãng Sanh. Nếu chấp chặt nghĩa này để tự cầu thượng phẩm, còn gì lành hơn? Còn nếu chấp chặt vào nghĩa này để dạy kẻ trung, hạ căn sẽ trở ngại sự tiến lên của người khác không ít. Vì sao? Bởi họ ắt sẽ nghĩ pháp này quá cao, bèn cam phận hèn kém, chẳng chịu tu trì.

Hơn nữa, việc niệm Phật tuy thuộc về ý thức, nhưng các thức đều đủ, chẳng thấy đoạn kinh văn đã nói “nhiếp trọn sáu căn” trên đây hay sao? Sáu căn đã nhiếp thì sáu thức sẽ làm gì? Những gì sáu thức đưa vào Hàm Tàng Thức (A Lại Da Thức) cũng chỉ là chuyện này mà thôi. Đoạn văn đao chém không vào vốn không thể nghi, do các hạ chưa phân định giới hạn giữa Tự Lực và Tha Lực, giữa Thiền Tông và Tịnh Tông nên đến nỗi thành một khối nghi lớn. Một pháp Niệm Phật là nương Phật lực thoát ra tam giới, sanh về Tịnh Độ. Nay đã không phát nguyện, cũng không có lòng tin (có lòng tin chân thật ắt có nguyện thiết tha), Tín lẫn Nguyện hoàn toàn không có, chỉ niệm Phật trì danh thì vẫn thuộc Tự Lực. Do không Tín – Nguyện nên chẳng cảm ứng đạo giao với Di Đà hoằng thệ. Nếu đoạn hết Kiến Tư Hoặc, có thể được vãng sanh. Còn nếu hoàn toàn chưa đoạn và đoạn chưa hết thì nghiệp căn vẫn còn, làm sao thoát khỏi luân hồi cho được? Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh [2] v.v… chính là những bằng chứng xác đáng. Phải biết: Nếu bỏ tín nguyện mà niệm Phật thì chẳng khác gì nhà Thiền tham cứu. Nếu được vãng sanh thì nhân quả chẳng khế hợp nhau vậy! Ngài Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do tín nguyện có hay không? Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn”, ấy là lời phán định sắt đá.

Như kinh nói “nhất tâm bất loạn” là tiếp ý đoạn kinh văn giảng về công đức y báo, chánh báo ở tận phía trên, nhằm dạy cho sanh tín; còn nếu thừa tiếp ý của đoạn văn gần đó, tức đoạn “chúng sanh nghe vậy, phải nên phát nguyện, nguyện sanh cõi ấy” thì chính là dạy phải phát nguyện. Đã thế, đoạn văn tiếp theo đó là khuyến tín, khuyến nguyện, không gì chẳng đủ. Các hạ cắt xén những đoạn văn trước, chỉ chấp một câu, nên mới có mối nghi “không trọng phát nguyện”. Lại còn xem “không tín nguyện nhất tâm” và “có tín nguyện nhất tâm” bình đẳng như nhau, nên mới thấy có đoạn kinh đao chém không vào, há phải đâu không thuần nhất; sao lại nghi ngờ chuyện “không tín nguyện trì danh không được vãng sanh”?

Hơn nữa, [luận về chuyện] ngoài việc niệm Phật có niệm thứ hai xen tạp thì khó thể nêu hết. Chỉ nêu lên những cái chánh thì như cầu đại triệt đại ngộ, cầu được Đại Tổng Trì v.v… [đó chính là xen tạp], chứ không phải phát nguyện là niệm thứ hai [xen tạp]. Phải biết một pháp Tịnh Độ lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm tông. Hạnh như bò kéo xe, Nguyện như người cầm cương, Tín như người dẫn đường. Người dẫn đường và người đánh xe mới là chánh yếu để quyết định sự tiến bước của con bò kéo xe. Vì thế, sáng chiều phải hướng về Phật phát nguyện. Hơn nữa, lúc không niệm Phật cũng chớ câu nệ. Dẫu cho mỗi lần niệm cả vạn năm cũng chẳng ngại có một ngày tạm ngưng. Nếu bảo “có lúc không niệm, có lúc phát nguyện sẽ thành gián đoạn, xen tạp, sẽ khó thành tựu” thì thử hỏi một tâm niệm ấy cũng từng thấy sắc, nghe tiếng, mặc áo, ăn cơm, giở tay, động chân, có hay không? Nếu có, với những chuyện ấy đã không gián đoạn, xen tạp, sao riêng mình chuyện này (tức chuyện phát nguyện) lại có gián đoạn, xen tạp? Nếu không, trừ phi là bậc Pháp Thân đại sĩ. Nhưng bậc Pháp Thân đại sĩ ở yên một chỗ mà hiện thân khắp trần sát[3]; những gián đoạn, xen tạp ấy còn nhiều không xiết! Tâm có đủ các lý ứng với vạn sự, lẽ nào chỉ tính đến phát nguyện và niệm Phật cùng một lúc mà thôi! Ước theo sự tu trì thường ngày, nên phát nguyện vào lúc sáng tối, cũng có khi niệm Phật xong liền phát nguyện.

Các hạ thông đạt Tánh – Tướng sâu xa, bảo niệm Phật và ý niệm cầu sanh Tịnh Độ chẳng thể đầy đủ cả hai thì tợ hồ đối với cái lý tròn đầy “Sự Sự vô ngại” chưa thể tin triệt để. Lại có đoạn ngài viết niệm này có thể chia thành hai, một nửa quy về Phật, một nửa quy về Nguyện. Nếu thế, một người lẽ ra phải thành hai vị Phật! Trong cuộc sống hằng ngày, lúc các hạ mắt thấy sắc thì tai, mũi, lưỡi, ý chẳng thể nghe tiếng, duyên theo pháp ư? Nếu chúng cùng hoạt động chẳng mâu thuẫn nhau, sao lại riêng nghi nơi chuyện này? Phải biết Thể của một niệm tâm, tác dụng vô lượng. Tám thức há chẳng phải là Dụng của một tâm thể ư? Chúng đã chẳng trở thành tám vị Phật thì sao cái niệm này lại thành ra hai vị Phật được? Kẻ bình sinh trọn không tín nguyện, lúc lâm chung chắc chắn khó thể nhờ vào Phật lực. Đã nói “thiện ác cùng một lúc nhanh chóng hiện ra” thì đừng nói chi bốn chữ A Di Đà Phật không hiện bèn không được vãng sanh, dẫu có hiện cũng chẳng được vãng sanh. Vì sao? Do chẳng nguyện sanh vậy. Do chẳng cầu Phật nên chẳng được Phật tiếp dẫn.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giả sử ác nghiệp có thể tướng thì mười phương hư không chẳng thể chứa đựng nổi”. Cổ đức nói: “Như người mắc nợ, chủ nợ nào mạnh sẽ lôi đi trước”. Tâm tình lắm mối, đặt nặng nơi đâu sẽ rơi về đó. Nay thiện – ác đều hiện, do không tín nguyện, liền chẳng thể làm gì được ác nghiệp. Phải biết: Cậy vào Tự Lực thì dẫu có tí ti ác nghiệp cũng chẳng thể thoát khỏi sanh tử, huống gì là nhiều! Lại nữa, không Tín – Nguyện, niệm đến nhất tâm, trong vô lượng vô biên kẻ, họa may có hai ba kẻ được vãng sanh, quyết chẳng thể lấy đó làm chuẩn để đoạn thiện căn vãng sanh Tịnh Độ của hết thảy thiên hạ và người đời sau. Vì sao? Cậy vào Tự Lực, niệm đến mức nghiệp tận tình không, chứng Vô Sanh Nhẫn, cả thế gian ít có một, hai người. Nếu như ai nấy đều hành trì theo đó, bỏ Tín – Nguyện đi không theo đuổi nữa thì biết bao nhiêu chúng sanh vĩnh viễn ở trong biển khổ, không nhờ vào đâu để xuất ly được. Lời nói ấy toàn là ngây ngô, thế mà kẻ ấy còn dương dương đắc ý, cho là lời lẽ thật cao, chẳng biết là đoạn Phật huệ mạng, là lời cuồng vọng khiến chúng sanh bị lầm lạc (thiện nghiệp thế gian chẳng ra khỏi luân hồi, nếu sánh với tín nguyện đầy đủ vãng sanh tịnh nghiệp thì thiện nghiệp kia vẫn là ác nghiệp).

Than ôi! Một pháp Tịnh Độ, phải nhìn bằng con mắt riêng, chớ dùng giáo nghĩa thông thường để so đọ. Giả sử Như Lai chẳng mở ra pháp này thì chúng sanh đời mạt không thể nào thấy được cách giải quyết sanh tử. Sách Di Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư Lý – Sự đều đạt đến cùng cực, kể từ khi có kinh này đến nay, nó là bản chú giải bậc nhất. Hành theo sách ấy thì ngày sau phẩm vị vãng sanh của các hạ không ai sánh bằng. Cổ nhân tu hành đều chứng được đạo, người đời nay tu hành ít thấy ai minh tâm. Nào có phải là do căn tánh con người chẳng bình đẳng ư? Cũng chỉ là do kính trọng hay khinh mạn mà ra! Xem khắp truyện ký của cao nhân, đều thấy họ coi kinh tượng như Phật sống. Sự kính nể của họ dẫu trung thần thờ thánh chúa, hiếu tử đọc di chúc, há tương tự được một hai phần? Do cung kính đến cùng cực, nên có thể đoạn Hoặc chứng Chân, siêu phàm nhập thánh. Xem Nhị Tổ đứng trong tuyết[4], [Dương, Du] đứng trong tuyết ngoài cửa họ Trình[5], là đủ thấy. Người đời nay coi tượng Phật như đất, gỗ, coi kinh Phật như giấy cũ. Dẫu có tín tâm, đọc tụng, thọ trì, cũng chẳng qua là để nhanh mồm nhạy miệng mà thôi, nào có lợi ích thật sự gì để bàn được nữa! Tuy gieo được viễn nhân, nhưng cái tội khinh nhờn chẳng thể nghĩ tưởng được nổi. Nguyện các hạ dùng học vấn quảng bác, ngôn từ sâu rộng, lúc đề xướng Phật pháp, thường đem điều này lợi ích khắp hết thảy thì may mắn cho pháp môn lắm, may mắn cho chúng sanh lắm đấy.

***

[1] Bất Huệ: tổ Ấn Quang tự xưng, ngụ ý mình không có trí huệ.

[2] Ngũ Tổ là tên núi, đồng thời là tên chùa. Sư Giới thiền sư, người thời Tống, thuộc tông Vân Môn, nối pháp của ngài Song Tuyền Sư Khoan, trụ trì chùa Ngũ Tổ núi Ngũ Tổ tại Tô Châu, nên thường gọi là Ngũ Tổ Giới, chấn hưng tông phong mạnh mẽ. Theo Tây Quy Trực Chỉ, quyển ba: “Thanh Thảo Đường thiền sư khá có giới hạnh, tuổi ngoài chín mươi, thường được nhà họ Tăng cúng dường hậu hĩ, bèn hứa thác sanh vào nhà ấy làm con. Sau họ Tăng sinh được một người con, cho người đến tìm Thảo Đường thì sư đã tọa hóa”. Theo Viên Anh pháp sư, Thanh Thảo Đường là người đời Tống, là bậc tông tượng trong nhà Thiền, tuổi già, thấy vị tể tướng đã cáo lão hồi hương hết sức vinh diệu, chợt khởi tâm niệm hâm mộ, bèn thác sanh vào nhà ấy. Về sau, trở thành tể tướng Tăng Lỗ Công. Do một tâm niệm tham luyến mà công hạnh tu Thiền cả đời bị vứt bỏ!

[3] Trần sát: cõi nước (Phật sát độ) nhiều như vi trần.

[4] Nhị Tổ Thần Quang cầu đạo với tổ Bồ Đề Đạt Ma, đứng ngoài cửa chờ Tổ đáp lời đến nỗi tuyết ngập đến tận đầu gối.

[5] Thời Tống, Dương Thời và Du Thố đến cầu học với Trình Di, họ Trình ngồi nhắm mắt trong nhà, Dương và Du hai người đứng chờ ngoài cửa cho đến khi họ Trình nhận ra, kêu vào, tuyết đã xuống dày cả thước. Nho gia thường dùng điển tích “Trình môn lập tuyết” này để diễn tả sự cung kính của trò đối với thầy (theo Vương Đồng Ức, Tân Thế Kỷ Hiện Đại Hán Ngữ Từ Điển)