LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Tải MP3

Thư trả lời cư sĩ Biên Vô

(thư thứ nhất)

Thư nhận được đầy đủ. Trong năm ngoái, Quang đã đem [tình hình của] Thảo Am (hoặc gọi là chùa) Quảng Tế thuộc Ngũ Đài Sơn trình lên Chủ Tịch tỉnh Sơn Tây hiện thời là Triệu Thứ Lũng (tên là Tải Văn): Các chùa trên núi và con cháu chùa Bích Sơn mưu mô với nhau, cũng như Khu Trưởng, Huyện Trưởng Ngũ Đài Sơn đều cùng cấu kết với bọn họ, muốn đuổi Tăng nhân thuộc thảo am Quảng Tế xuống núi để bọn họ (tức con cháu chùa Bích Sơn) thuận tiện uống rượu, ăn thịt, chẳng bị ai thấy! Do Tăng chúng thuộc thảo am Quảng Tế đều là những người tu trì lâu năm; so sánh giữa đôi bên, chính họ tự cảm thấy rất khó nể tình, mà họ (tức con cháu chùa Bích Sơn) cũng chẳng chịu sửa đổi, đến nỗi trở thành vu báng, bảo là “Tăng chúng thuộc thảo am xấu xa gấp mười tăng chúng trong núi!” Do Khu Trưởng, Huyện Trưởng nhận hối lộ [bao che cho họ], đến nỗi Diêm Tích Sơn, Triệu Tải Văn cũng tưởng là thật, tình thế rất nguy! Ông Hồ Tử Hốt ở trên núi cũng đành bó tay, bèn cùng với Hòa Thượng Quảng Huệ đến gặp Quang, đem sự thật nói rõ từng điều. Quang bảo đại chúng thuộc Thảo Am niệm Văn Thù Bồ Tát sẽ có cảm ứng.

Lâm Dật thuộc Sơ Đài đến chùa Báo Quốc quy y, ông ta vốn là chủ nhiệm Văn Phòng Xử Lý Thường Vụ tỉnh Sơn Tây đóng tại kinh đô, Quang cậy ông ta đem chuyện này kể tường tận với Triệu Thứ Lũng. Trước đó, Thứ Lũng đã cùng Quang trao đổi thư từ, chứ chưa hề gặp mặt. Ông Lâm nói với ông Triệu; ông Triệu liền phái Tăng – tục mười người lên núi lo liệu, cho con cháu chùa Bích Sơn một vạn đồng – trước đây đã từng cho tiền họ mấy lần, ước chừng hai ba vạn đồng – bảo bọn họ dọn đi (dời đi hơn hai mươi dặm) thì [Ngũ Đài Sơn] mới hoàn toàn trở thành một đạo tràng thanh tịnh. Các cư sĩ Nhiếp Vân Đài, Vương Nhất Đình, Khuất Văn Lục v.v… ở Thượng Hải đều thay nhau lo liệu sổ kết duyên, trong [cuốn sổ ấy] đã từng nói rõ.

Phật Học Tân Văn Báo Xã tại Thượng Hải há có ai chẳng biết chuyện này? Ấy là vì kẻ tiểu nhân sanh lòng đố kỵ, phá hoại chuyện của người khác, hoặc tưởng sư Quảng Huệ đã đút lót tiền cho bọn họ. [Tâm địa của kẻ viết bài báo vu khống ấy] cũng có thể suy ra mà biết! Quang chẳng những phát khởi lần này mà còn phát khởi chuyện dẹp tà giúp chánh lần trước, nhằm giữ lại người phát khởi căn bản cho một đạo tràng thanh tịnh của Văn Thù Bồ Tát. Lòng người nguy hiểm, nguy hiểm còn hơn băng mùa Xuân. Phật Học Tân Văn Hội thốt ra những lời lẽ ấy, hoàn toàn thiếu nhân cách, đáng than lắm thay! Sau khi thái bình, ông hãy tới Ngũ Đài triều bái Văn Thù Bồ Tát, ở lại chùa Bích Sơn, sẽ tự biết lời Quang chẳng sai. Cuộc chiến ở đất Hỗ (Thượng Hải) tuy khốc liệt, nhưng Quang trọn chẳng sợ. Chẳng những không chịu sang quý địa, ngay cả Linh Nham Sơn cũng chẳng chịu tới.

Nay sống tại chỗ thường có phi cơ bay tới, hằng ngày tụng chú Đại Bi, niệm Phật, niệm Quán Âm, nếu chẳng dám ở lại, trốn sang phương xa, há chẳng khiến cho kẻ khác chê cười ư? Quang chỉ trơ trọi một thân, đi hay ở đều chẳng ăn nhằm gì. Huống chi còn có chuyện Hoằng Hóa Xã [phải lo liệu]? Quang tuy chẳng phải là Trụ Trì chùa, nhưng mọi chuyện đều nhờ Quang làm chủ. Chủ nhân đi vắng, nếu những người khác cũng đi luôn thì công chuyện sẽ thành bỏ phế, ảnh hưởng rất lớn đến chuyện lưu thông kinh sách có ích cho đời, cho người. Nếu đại kiếp đối đầu, mọi người đều cùng chết sạch hết, Quang cũng sẽ cùng chết với họ thì cũng là đáng phận vậy (Ngày mồng Bốn tháng Tám năm Dân Quốc 26 – 1937)

 (thư thứ hai)

Thư nhận được đầy đủ, kinh chú Ma Lợi Chi Thiên do ông gởi trước đây, Quang chẳng truyền cho người khác, vì sao vậy? Đang trong lúc phải đương đầu với đại kiếp này, hãy nên dùng pháp dễ dàng nhất, linh cảm nhất để dạy người khác. Ma Lợi Chi Thiên tuy từ bi, vẫn chẳng thể vượt trỗi ngài Quán Thế Âm được! [Thánh hiệu] của Bồ Tát chỉ có bảy chữ, dẫu đứa trẻ lên ba cũng có thể niệm được; người niệm được kinh chú Ma Lợi Chi Thiên trong trăm người chẳng được mấy người! Vì thế, chẳng muốn dùng cách khó niệm để dạy cho hết thảy những ai mong mỏi được cứu vớt. Bài Tán Chú Kinh ông gởi đến lần trước thứ lớp chẳng rõ ràng, khiến cho người ngoài không cách nào theo dõi được. Nếu không có người chỉ dạy, rất khó thể hiểu rõ. Phàm in kinh chú, ắt phải mắt và lông mày rõ ràng[1], chú thích chủ – bạn rõ rệt khiến cho người phát tâm [đọc tụng] vừa xem liền hiểu rõ.

Nghi thức [tụng niệm] chớ nên quá rắc rối khiến cho [người trì tụng] dễ sanh chán, tiếc rằng lệnh sư Không Công và hành giả Bát Nhã chưa nói rõ ràng. Chữ Niệm (念) không thể thêm chữ Khẩu; thêm chữ Khẩu (口) vào sẽ mất ý nghĩa[2]. Ông muốn quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Thông. Do đã không có bờ mé thì trí huệ ấy không gì chẳng thông. Đối với pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tây Phương, dường như ông chưa hiểu rõ nguồn cội. Đối với đạo để cứu đời, cứu nước, [từ] bước thực hiện ban đầu cho đến thành công cuối cùng, đều phải lấy việc mọi người đề xướng nhân quả làm phương cách để trị cả gốc lẫn ngọn. Trong Văn Sao đã nói tường tận, xin hãy chú tâm đọc kỹ, chắc ông đã sớm có sách này rồi. Nếu đường bưu điện không bị trở ngại, sẽ gởi cho ông một bộ và mấy thứ nữa cho đủ một bưu kiện để làm căn cứ tự lợi, lợi người. Nếu chẳng thể gởi được thì đợi sau khi yên ổn rồi và nếu Quang chưa chết thì vẫn còn có thể gởi được! (Mồng Sáu tháng Bảy năm Dân Quốc 28 – 1939)

(thư thứ ba)

Quang bảy mươi chín tuổi, mục lực chẳng thể gượng được nữa, chẳng thể giám định, viết lời tựa cho ông được. Để cứu tai nạn, nên chọn cách nào khiến cho hết thảy mọi người đều có thể niệm được thì mới có ích lớn lao. Dù có in chú Ma Lợi Chi Thiên cho nhiều, cũng khó thể sử dụng trong lúc đại kiếp đối đầu này, hãy nên bỏ [ý định ấy]! Dạy người khác niệm thánh hiệu Quán Âm, dẫu là đứa trẻ lên ba cũng có thể niệm được. Chú ấy khá dài, hơn nữa trong bài chú có xen lẫn những chữ để chú thích cách đọc, nếu chẳng phải là bậc thông gia thì vẫn chẳng biết phải niệm như thế nào[3]. Người đời nay ham lạ. Quán Âm cứu khổ cứu nạn các kinh Đại Thừa dù Hiển hay Mật đều tán thán đề xướng mà chẳng dùng; lại ngược ngạo cực lực đề xướng bài chú Ma Lợi Chi Thiên chỉ được một kinh nói đến.

Chớ nói niệm chú Ma Lợi Chi Thiên lợi ích lớn lao, còn niệm Quán Âm lợi ích nhỏ nhoi! Dẫu chú ấy do chính đức Quán Âm thị hiện [thân Ma Lợi Chi Thiên] nói ra, cũng nên chú trọng niệm [thánh hiệu Quán Âm]. Ông tín tâm tuy tốt, nhưng chẳng biết lý cao tột “một pháp nhiếp khắp hết thảy pháp” và chẳng biết “lúc khẩn yếu thì càng đơn giản càng hay!” Nho giáo cũng nói: “Bác học nhi tường thuyết chi, tương dĩ phản thuyết ước dã” (Học tập rộng rãi, giải nói tường tận chỉ nhằm mục đích: Sau khi dung hội, quán thông rồi, sẽ hướng về chỗ giản ước)[4]. Nếu ông biết đến nghĩa này, sẽ thấy lời Quang là lời luận chí lý. Nếu không, phó mặc cho ông [làm sao thì làm], Quang sớm chẳng giữ được tối, chẳng thể thù tiếp theo ý ông được (Ngày mồng Một tháng Mười Một năm Dân Quốc 28 – 1939).

***

[1] Ý nói phần chánh văn, phần chú thích phải in bằng những khổ chữ khác nhau, theo thứ tự lớp lang khiến người đọc biết đâu là đoạn kinh văn cần phải đọc, phần nào là lời hướng dẫn.

[2] Chữ Niệm (念) thêm bộ Khẩu thành 唸 sẽ có hai cách đọc:

1) Điếm: rên rỉ.

2) Đọc với âm Niệm, nghĩa là hai mươi.

Do cả hai nghĩa này đều không liên quan đến ý nghĩa chữ Niệm (念) nên Tổ mới bảo “thêm chữ Khẩu vào sẽ mất ý nghĩa”.

[3] Do tiếng Phạn đa âm cũng như có những âm không tồn tại trong tiếng Hán, nên những bài chú thường phải kèm theo những chữ nhỏ để ghi âm hoặc hướng dẫn cách đọc. Chẳng hạn chữ Sdriyah thường được phiên là Tất-đát-rị-dã, sau ba chữ Tất-đát-rị kinh thường ghi “hợp tam” ngụ ý ba âm này phải đọc dính lại. Hoặc có những chữ không thể diễn tả được cách đọc vì tiếng Hán không có âm tương ứng, các vị pháp sư dịch kinh phải thêm bộ Khẩu vào đằng trước, rồi ghi chú “phản độc” (tức đọc cong lưỡi lên) như tâm chú “Arolik” của đức Quán Âm được phiên là A Lỗ Lặc Kế, sau chữ Lỗ ghi hai chữ nhỏ là “phản độc” để nhấn mạnh chữ Lỗ phải đọc cong lưỡi nhằm mô phỏng âm R (Vì thế các bản phiên âm bài chú này của Việt Nam thường ghi thành A Rô Lặc Kế). Hoặc đôi khi, dịch giả phải ghép hai ba chữ có sẵn để tạo thành chữ mới. Chẳng hạn như trong chú Nhất Thiết Như Lai Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni, ngài Bất Không đã ghép hai chữ Xỉ (齒) và Lai (來) thành một chữ mới để mô phỏng âm Đai (trong câu Wajadai) và ghi cách đọc là Đại (軑), bình thanh. Nếu người không quen sẽ không biết cách đọc sao cho đúng hoặc rất có thể đọc luôn cả những chữ ghi âm này.

[4] Đây là một câu nói của Mạnh Tử được ghi trong thiên Ly Lâu Hạ sách Mạnh Tử. Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của sách Tứ Thư Bạch Thoại Chú Giải.