Thụ Thỉnh

Pháp Sư Thích Đạo Thế
Thích Thiện Thuận dịch

VII. THỤ THỈNH

Gồm tám phần: Lời dẫn, Cúng dường, Phân biệt những điều sai lầm, Thánh tăng, Bố thí thức ăn, Giờ ăn, Cách ăn, Ăn xong.

VII.1. Lời dẫn

Tam bảo bình đẳng, rộng như hư không, chẳng oán chẳng thân, không sang không hèn. Pháp cúng dường trai hội là lấy sự không giới hạn làm căn bản, không chọn không bỏ, như thế mới hợp với tâm bố thí. Cho nên tâm thể lìa tướng, rộng lớn như hư không, tùy thời tùy duyên, lượng đồng với pháp giới.[1] Nhân đã vô cùng thì quả cũng vô lượng. Vả lại, người thế tục nghèo hèn thiếu thốn, bố thí có giới hạn, [39a] vật thí đã giới hạn, thì tâm cũng thiên chấp. Như xét người thì chọn đức, căn cứ vào hạnh thì bỏ ác, xem tướng thì chọn hình, theo dung mạo thì bỏ xấu. Thật khó mà ghi hết tâm lượng hạn hẹp! Cứ mãi chọn lựa thì khó mà thành tựu được phúc đức vô biên. Cho nên xưa kia, Tì-xá-khư mẫu[2] thỉnh riêng năm trăm vị a-la-hán[3] để cúng dường đã bị Đức Như Lai quở trách, chẳng bằng theo thứ tự trong tăng, thỉnh một phàm tăng sẽ được phúc vô cùng. Nên biết, tâm không giới hạn thì phúc đức bủa rộng muôn nơi, của tiền chẳng tính nhiều ít thì lòng bao trùm cả pháp giới.

VII.2. Cúng dường

Luận Địa trì[4] ghi: “Bồ-tát có mười cách cúng dường Đức Như Lai:

1. Cúng dường sắc thân Phật.
2. Cúng dường chi-đề.[5]
3. Cúng dường hiện tiền.
4. Cúng dường không hiện tiền.
5. Tự mình cúng dường.
6. Khuyên giúp người khác cúng dường.
7. Cúng dường tài vật.
8. Cúng dường thù thắng.
9. Cúng dường không nhiễm ô.
10. Chí xứ đạo cúng dường.

Bồ-tát thiết lễ cúng dường trước sắc thân Phật, gọi là cúng dường sắc thân Phật.

Bồ-tát vì Đức Như Lai mà cúng dường tháp, hang động, hoặc tinh xá,[6] cho dù đã cũ hay mới xây, thì gọi là cúng dường chi-đề.

Bồ-tát gặp thân Như Lai và chi-đề mà thiết lễ cúng dường thì gọi là cúng dường hiện tiền.

Bồ-tát với niềm hoan hỉ, khao khát ở trước Đức Phật và chi-đề hiện tại cúng dường, đối với các Đức Phật ở ba đời cũng như thế, cho đến hiện tại cúng dường chi-đề Phật và cả ba đời mười phương vô lượng thế giới chi-đề hoặc cũ hoặc mới, thì gọi là cộng hiện tiền cúng dường. Nếu bồ-tát không cúng dường Như Lai và chi-đề hiện tiền mà sau khi Phật nhập niết-bàn, tùy khả năng của mình xây dựng cả trăm nghìn vạn ức bảo tháp tôn thờ xá-lợi, thì gọi là cúng dường rộng khắp không hiện tiền. Nhờ việc làm này nên thành tựu được nhiều quả lớn, có được Phạm phúc,[7] trải qua vô số kiếp không bị rơi vào đường ác, được đầy đủ vật dụng cho đến chứng đắc Vô thượng bồ-đề.[8] Bồ-tát cúng dường hiện tiền được công đức[9] lớn, cúng dường không hiện tiền được công đức rất lớn, cúng dường hiện tiền và không hiện tiền được công đức vô cùng lớn.

Bồ-tát tự tay mình cúng dường Như Lai và chi-đề chứ không lười biếng nhờ người khác cúng, gọi là tự mình cúng dường.

[39b] Bồ-tát không chỉ riêng mình cúng dường Như Lai và chi-đề mà còn khuyến khích thân bằng quyến thuộc tại gia, xuất gia cùng cúng dường thì gọi là mình cùng với người khác cúng dường. Tuy có ít tài vật, nhưng bồ-tát vì lòng từ bi nên đem cho những người nghèo khổ thiếu phúc, rồi bảo họ cúng dường Như Lai và chi-đề để được an lạc, mà bồ-tát không tự làm, gọi là khuyên giúp người khác cúng dường. Người tự mình cúng dường được phúc báo lớn, bảo người khác cúng dường được phúc báo rất lớn, mình cùng với người khác cúng dường được phúc báo vô cùng lớn.

Bồ-tát cúng dường y phục, thức ăn, các bảo vật… lên Phật và chi-đề, gọi là cúng dường tài vật.

Từ trước đến nay, với lòng tin thanh tịnh, bồ-tát cúng dường tài vật lên Phật và chi-đề, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc cúng dường hiện tiền và không hiện tiền, tự mình cúng dường hay khuyên người khác cúng dường, rồi đem việc tốt này hồi hướng Vô thượng bồ-đề, gọi là cúng dường thù thắng.

Bồ-tát tự tay mình cúng dường Như Lai và chi-đề, không xem thường người khác, không buông lung lười biếng, một lòng cung kính, tâm không nhiễm ô, không có tâm siểm khúc cầu lợi đối với người có lòng tin, cũng không đem các vật bất tịnh cúng dường, gọi là cúng dường không nhiễm ô.

Bồ-tát đem tài vật thù thắng, không nhiễm ô cúng dường Như Lai và chi-đề, hoặc tài vật do chính mình làm ra, hoặc xin từ người khác, hoặc tự có theo ý muốn. Bồ-tát hóa thân, hoặc hai, ba thân, cho đến trăm nghìn vạn ức thân lễ lạy Phật. Mỗi thân lại hóa ra trăm nghìn tay, trên mỗi tay đều cầm các loại hoa hương cúng dường Như Lai và chi-đề. Tất cả hóa thân đều ca ngợi công đức chân thật của Phật, làm lợi ích cho chúng sinh. Cúng dường như thế gọi là Như ý tự tại lực cúng dường.

Bồ-tát không đợi Như Lai xuất hiện ở đời. Vì sao? Vì bồ-tát đạt được giai vị Bất thối chuyển, đối với các cõi Phật không bị chướng ngại. Bồ-tát không tự mình làm ra của cải, cũng không xin của cải người khác để cúng dường, nhưng khởi tâm thượng, trung, hạ cúng dường tất cả chúng sinh khắp cả mười phương vô lượng thế giới. Bồ-tát cúng dường với tâm thanh tịnh, tâm hiểu biết vi diệu thù thắng, tùy thuận hoan hỷ khắp cả. Bồ-tát dùng một ít phương tiện thực hiện đại cúng dường, trụ trong tâm bồ-đề chỉ trong khoảnh khắc, đối với tất cả chúng sinh thực hành tứ vô lượng tâm… Đây gọi là Chí xứ đạo cúng dường, là cách cúng dường Như Lai cao tột nhất, so với cúng dường tài vật ở trước. Công đức cúng dường này gấp cả trăm nghìn lần, chẳng thể nào sánh được.

[39c] Đó là mười cách bồ-tát cúng dường Như Lai, cúng dường cho tăng cũng như thế. Phải thực hành mười pháp cúng dường này đối với tam bảo.[10]

Bồ-tát đối với Như Lai phát khởi sáu tâm thanh tịnh:

1. Tâm tôn Như Lai là phúc điền vô thượng.
2. Tâm tôn Như Lai là ân đức vô thượng.
3. Tâm tôn Như Lai là bậc nhất trong tất cả chúng sinh.
4. Tâm tôn Như Lai như hoa ưu-đàm-bát khó gặp.
5. Tâm tôn Như Lai là duy nhất trong tam thiên đại thiên thế giới.
6. Tâm tôn Như Lai là đầy đủ nghĩa nương tựa đối với pháp thế gian, xuất thế gian.

Đủ sáu tâm này, dù khởi một ý niệm nhỏ cúng dường Như Lai, cúng dường pháp, cúng dường tăng cũng được công đức vô lượng, huống gì là nhiều.

Luận Du-già ghi rằng: “Bồ-tát cúng dường Như Lai như thế nào? Tóm lược có mười cách:

1. Cúng dường Thiết-lợi-la[11]
2. Biệt cúng dường[12]
3. Cúng dường hiện tiền.
4. Cúng dường không hiện tiền.
5. Tự mình cúng dường.
6. Dạy người khác cúng dường.
7. Cung kính cúng dường tài vật.
8. Cúng dường rộng lớn.
9. Cúng dường không nhiễm ô.
10. Cúng dường chính hạnh”.

Kinh Ưu-bà-tắc giới[13] ghi: “Đức Phật dạy:

– Này thiện nam tử! Nếu bồ-tát tại gia muốn thọ trì giới Ưu-bà-tắc, trước phải lần lượt cúng dường sáu phương:

1. Phương đông biểu thị cho cha mẹ: Nếu người nào có thể hết lòng lễ bái, ca ngợi tôn trọng và cung cấp cho cha mẹ các món: áo quần, thức ăn, giường nệm, thuốc men, nhà cửa, tiền của, thì gọi là cúng dường phương đông. Cha mẹ của người đó đối xử lại năm điều:

– Hết lòng lo lắng.

– Không bao giờ lừa dối.

– Di chúc tài sản.

– Cưới gả cho dòng họ có danh tiếng.

– Chỉ dạy việc đời.

2. Phương nam biểu thị cho thầy tổ: Nếu người nào cung cấp cho thầy tổ áo quần, thức ăn, giường nệm, thuốc men…, ca ngợi, cung kính, đỉnh lễ, thức khuya dậy sớm, vâng theo lời dạy bảo đúng đắn, thì gọi là cúng dường phương nam. Thầy đối xử lại năm điều:

– Chỉ dạy đúng lúc.

– Truyền dạy hết kiến thức.

– Không có lòng tật đố khi trò vượt trội.

– Gởi gắm cho thầy nghiêm, bạn hiền.

– Di chúc tài sản.

3. Phương tây biểu thị cho vợ con: Nếu người nào cung cấp cho vợ con áo quần, thức ăn, giường nệm, thuốc men, và các bảo vật trang sức như anh lạc… thì người này đã cung cấp cho phương tây. Vợ con của người đó đền đáp lại mười bốn điều:

– Hết lòng lo liệu công việc.

– Siêng năng.

[40a] – Luôn hoàn thành mọi công việc.

– Làm nhanh chóng, không để trễ thời gian.

– Thường ưu đãi khách.

– Dọn dẹp nhà cửa, giường nệm sạch sẽ.

– Yêu kính, nhu hòa.

– Dùng lời dịu dàng khuyên bảo những người giúp việc.

– Giữ gìn của cải cẩn thận.

– Dậy sớm thức khuya.

– Trông nom nhà cửa.

– Nghe theo lời chỉ dạy.

– Che giấu việc xấu.

– Chăm sóc lúc đau ốm.

4. Phương bắc biểu thị cho thiện tri thức: Nếu người nào cung cấp cho thiện tri thức, dốc lòng vì họ, cung kính, nói năng khiêm tốn, lễ bái, ca ngợi thì gọi là cúng dường phương bắc. Thiện tri thức sẽ đối xử lại bốn điều:

– Hướng dẫn tu pháp lành.

– Khiến xa lìa pháp ác.

– Cứu giúp trấn an khi sợ hãi.

– Sách tấn khi buông lung.

5. Phương dưới biểu thị cho nô bộc: Nếu người nào cung cấp cho hàng nô bộc các món: áo quần, thức ăn, thuốc men, không hề chửi mắng, cũng chẳng đánh đập, thì người này đã cung cấp cho phương dưới. Nô bộc sẽ báo đáp lại mười điều:

– Không gây ra lỗi lầm.

– Tự giác làm việc.

– Hoàn thành công việc.

– Gắng sức làm việc, không để mất thời gian.

– Dẫu cho chủ nghèo khổ cũng không bỏ đi.

– Dậy sớm.

– Giữ gìn vật dụng.

– Nhận ơn ít, nhưng báo đáp nhiều.

– Một lòng cung kính.

– Khéo léo che giấu việc xấu ác của chủ.

6. Phương trên biểu thị cho sa-môn,[14] bà-la-môn[15]: Nếu người nào cúng dường sa-môn, bà-la-môn… các món như áo quần, thức ăn, tinh xá, giường nệm; thường cứu giúp khi gặp hiểm nguy, cúng dường thức ăn lúc đói khổ, nghe tiếng xấu thì che giấu, hết lòng ca ngợi, lễ bái, cung kính thì gọi là cúng dường phương trên. Người xuất gia sẽ đối xử lại năm điều:

– Giúp phát sinh tín tâm.

– Dạy cho tu tập trí huệ.

– Dạy tu hạnh bố thí.

– Dạy trì giới.

– Dạy cho kiến thức uyên bác.

Người nào cúng dường sáu phương sẽ được tăng trưởng tiền tài, tuổi thọ, có thể tu tập, giữ gìn giới ưu-bà-tắc”.

Luận Đại trí độ[16] ghi: “Các Đức Phật cung kính pháp, cúng dường pháp, lấy pháp làm thầy”. Vì sao? Vì các Đức Phật trong ba đời đều lấy thật tướng các pháp làm thầy.

Hỏi:

– Phật không cầu phúc đức, tại sao lại cúng dường?

Đáp:

– Phật từ vô lượng a-tăng-kì[17] kiếp[18] tu các công đức, thường làm các việc lành, không chỉ vì cầu quả báo mà còn vì kính trọng công đức, nên đã thực hành cúng dường.

[40b] Như khi Phật còn tại thế, tì-kheo A-na-luật[19] mù mắt đang vá áo thì kim bị tuột chỉ. Tôn giả nói:

– Ai cần phúc đức hãy xỏ kim giúp tôi!

Đức Phật lại gần bên tôn giả nói:

– Ta là người thích phúc đức, sẽ xỏ kim cho ông.

Tì-kheo A-na-luật nhận ra tiếng nói của Phật, vội vàng đứng dậy đắp y, đỉnh lễ, thưa rằng:

– Kính lạy Đức Thế Tôn! Ngài đã đầy đủ công đức, tại sao lại nói cần phúc đức?

Đức Phật dạy:

– Công đức của Ta đã viên mãn, Ta biết rõ ràng nhân của công đức, quả báo của công đức, năng lực của công đức. Nhờ công đức này, nên Phật là bậc nhất trong tất cả chúng sinh, vì thế Ta thích công đức.

Phật muốn dạy đệ tử nên hỏi:

– Ta còn làm công đức, vì sao ông không làm?

Như một vũ công đã trăm tuổi mà vẫn còn múa hát, có người quở rằng:

– Đã trăm tuổi rồi, ông còn múa hát làm gì?

Lão ông đáp:

– Tôi không cần múa hát nữa, chỉ vì muốn dạy cho con cháu mà thôi!”. Đức Phật cũng vậy, công đức đã viên mãn, nhưng để chỉ dạy đệ tử làm công đức nên mới thực hành cúng dường. Như tì-kheo-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề,[20] nhũ mẫu của thái tử Tất-đạt-đa, nhập niết-bàn. Tứ thiên vương[21] khiêng giường của bà, còn Phật ở trước cầm lò hương, đốt hương cúng dường. Đó chính là báo ân. Thế nên tuy không cầu quả, nhưng vẫn thực hành cúng dường.

Lại nữa, Phật chỉ cúng dường Phật, người khác không biết đức của Phật, như kệ nói:

Người trí kính bậc trí,
Trí luận người trí vui,
Người trí biết được trí,
Như rắn biết chân rắn.

Kinh Tần-tì-sa-la vương tác Phật cúng dường ghi: “Bấy giờ ở nước Ma-kiệt,[22] vua Tần-tì-sa-la[23] đến chỗ Phật, bạch rằng:

– Kính lạy Đức Thế Tôn! Con cai trị đất nước này, tất cả của cải có thể sử dụng: y phục, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc men… con muốn trọn đời cúng dường Như Lai và chúng tăng. Và cũng sẽ khuyến khích tất cả quan dân cúng dường, để họ được cứu độ, thoát khỏi ba đường ác, mãi mãi được an ổn”.

Kinh Tạp bảo tạng[24] ghi: “Đức Phật dạy các tì-kheo, có tám hạng người nhất định cần phải cúng dường, không cần phải do dự: cha, mẹ, Phật, đệ tử Phật, người từ xa đến, người sắp đi xa, người bệnh, người nuôi bệnh”.

Luận Đại trí độ ghi: “Các bồ-tát thành tựu vô số công đức, nên dâng một bữa ăn cúng dường các Đức Phật và tăng mười phương, tất cả đều được no đủ, mà cũng không hết. Ví như dòng suối tuôn trào không bao giờ khô cạn. [40c] Như Văn-thù-sư-lợi dùng một bát bánh hoan hỉ,[25] cúng dường tám mươi bốn nghìn tăng mà vẫn còn thừa”.

Lại nữa, bồ-tát chỉ dâng một bát cơm cúng dường các Đức Phật trong mười phương, mà thức ăn uống lại hiện ra đầy đủ trước các Đức Phật, ví như quỷ thần được một phần ăn rồi biến hiện ra gấp nghìn vạn lần.

Kinh Văn-thù-sư-lợi vấn[26] ghi: “Nếu bồ-tát vì cúng dường Phật Pháp Tăng, cha mẹ, anh em thì được cất chứa của cải. Vì xây chùa chiền, tăng phòng, tạc tượng, bố thí thì được nhận vàng bạc, tiền của mà không phạm tội”.

VII.3. Phân biệt những điều sai lầm

Kinh Hiền ngu[27] ghi: “Nếu có đàn-việt cúng dường riêng một vị trong mười sáu bậc,[28] tuy là có được phúc báo nhưng không nhiều, chẳng bằng một phần mười sáu phúc báo cúng dường bất kì bốn người. Giả sử vào cuối đời mạt pháp, bốn tì-kheo có vợ con trở lên gọi là Danh tự chúng tăng, cũng phải cung kính họ như Xá-lợi-phất,[29] Mục-kiền-liên[30]…

Bấy giờ, bồ-tát Di-lặc hỏi chúng tăng rằng:

– Nếu có đàn-việt thỉnh một vị sa-môn trì giới thanh tịnh về nhà cúng dường thì sẽ được lợi ích như thế nào so với người được mười vạn tiền vàng?

Tôn giả Kiều-trần-như đáp:

– Ví như người có được một trăm chiếc xe chất đầy châu báu, thì phúc lợi này chẳng bằng thỉnh một sa-môn trì giới thanh tịnh đến nhà cúng dường.

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

– Giả như có người được châu báu chất đầy khắp cả Diêm-phù-đề cũng không bằng thỉnh một người trì giới thanh tịnh về nhà cúng dường, phúc lợi này càng nhiều hơn.

Tôn giả Mục-kiền-liên đáp:

– Giả như có người được một thế giới cho đến bốn thế giới châu ngọc vàng bạc thì phúc báu đó cũng không bằng thỉnh một sa-môn trì giới thanh tịnh đến nhà cúng dường”.

Kinh Tượng pháp quyết nghi[31] ghi: “Nếu đàn-việt thiết lễ, thỉnh chúng tăng khắp nơi về cúng dường, sai người canh cửa ngăn chặn tì-kheo-ni và những kẻ bệnh hoạn, già yếu, nghèo cùng, xin ăn, không cho họ vào trai hội. Thiết trai cúng dường như thế chỉ uổng phí thức ăn chứ hoàn toàn không có chút phúc thiện nào”.

Trong kinh Phổ quảng[32] ghi: “Bốn chúng[33] đệ tử Phật, nếu thụ trì trai giới, hết lòng thỉnh mười phương tăng cúng dường, không nên chọn lựa người tốt người xấu, giữ giới hay phá giới, đức hạnh cao hay thấp. [41a] Khi đến các chùa thỉnh tăng, nên theo thứ lớp cúng dường, không được có ý niệm phân biệt thì phúc đức này nhiều đến vô lượng vô biên. Nếu gặp được vị đắc quả A-la-hán, hoặc người có tâm đại bồ-đề thì được phúc đức vô cùng, vừa nghe thuyết pháp có thể đạt đến đạo quả Vô thượng niết-bàn”.

Luật Thập tụng[34] ghi: “Lộc Tử Mẫu chọn thỉnh năm trăm vị a-la-hán về nhà cúng dường bị Phật quở trách: “Ngươi thật là dại dột, làm không đúng. Chẳng bằng theo thứ tự trong tăng thỉnh một vị sẽ được phúc đức rất lớn.”

Kinh Thỉnh tăng phúc điền và kinh Nhân vương[35] ghi: “Thế Tôn dùng nhiều lời quở trách, không cho phép thỉnh riêng, nếu thỉnh riêng thì đó là phép tắc của ngoại đạo chứ chẳng phải pháp của bảy Đức Phật.”[36]

Kinh Phạm võng[37] ghi: “Nếu có đàn-việt đến thỉnh chúng tăng thụ trai, thì khách tăng cũng có được lợi dưỡng. Vị liêu chủ[38] phải theo thứ tự cử khách tăng đi thụ thỉnh. Nếu chỉ cử riêng tăng thường trụ đi mà không cử khách tăng, thì liêu chủ bị vô lượng tội, không xứng đáng là sa-môn, không thuộc dòng họ Thích, khác gì loài súc sinh, phạm tội khinh cấu[39]”.

Luận Đại trí độ ghi: “Có một trưởng giả giàu sang ưa thích cúng dường chúng tăng, thưa với vị tăng chấp sự:[40]

– Con mời tăng theo thứ lớp đến nhà thụ thực.

Ngày ngày lần lượt thụ thỉnh, sau cùng đến phiên các vị sa-di[41], nhưng vị tăng chấp sự không cho sa-di thụ thỉnh, các sa-di thưa:

– Vì sao không cho sa-di đi?

Đáp:

– Vì đàn-việt không thích mời người trẻ tuổi, đồng thời nói kệ:

Thí chủ chỉ thích thỉnh,
Những người già răng rụng,
Thân gầy, da nhăn nheo,
Lưng còng, râu tóc bạc.

Các sa-di đều đã chứng quả A-la-hán, nghe bài kệ như bị đánh vào đầu sư tử, bỗng nhiên từ chỗ ngồi đứng dậy nói kệ:

Người thí chủ kém trí,
Thấy hình, không chuộng đức,
Bỏ dáng niên thiếu này,
Chỉ chuộng già gầy yếu.

Các sa-di lại nói:

– Về tướng cao quý, lớn tuổi, Đức Phật dạy:

Gọi là tướng trưởng lão,
Không hẳn vì tuổi tác,
Hình gầy, râu tóc bạc,
Mà phúc đức trống rỗng.
Khéo lìa quả tội phúc,
Tinh tiến tu Phạm hạnh,
Đã lìa tất cả pháp,
Gọi đó là trưởng lão.

[41b] Khi ấy, các sa-di lại suy nghĩ: “Chúng ta không nên mặc nhiên ngồi xem vị đàn-việt này so lường tăng tốt xấu, liền nói kệ:

Đối với sự khen chê,
Tâm chúng ta chỉ một,
Người ấy hủy Phật pháp,
Cần phải nên răn dạy.
Mau đến nhà người kia,
Nói pháp dạy bảo họ,
Chúng ta không độ được,
Đó là người bỏ đi.

Tức thời, các sa-di tự biến thành trưởng lão, râu tóc trắng như tuyết, lông mày phủ xuống mắt, da nhăn như sóng gợn, lưng còm như cây cung, chống gậy bước đi, theo thứ lớp thụ thỉnh, cả thân đều run rẩy, đi đứng không vững, giống như liễu trắng lung lay theo chiều gió. Đàn-việt thấy những người này, lòng rất vui vẻ, thỉnh vào nhà ngồi. Bỗng chốc biến trở lại hình trẻ trung, đàn-việt sợ hãi nói:

Tướng già nua như thế,
Lại biến thành thân trẻ,
Như uống thuốc hoàn đồng,
Việc này là thế nào?

Các sa-di nói:

– Ông chớ nghi sợ, chúng tôi đây chẳng phải hàng yêu quái phi nhân. Ông lượng định chúng tăng thật là đáng thương! Nên chúng tôi hóa hiện như vậy. Ông nên biết rõ rằng không thể lượng định được thánh chúng. Các sa-di lại nói kệ:

Như vòi của con muỗi,
Có thể đo đáy biển,
Nhưng tất cả trời, người,
Không thể lường được tăng.
Tăng quí do công đức,
Còn không thể phân biệt,
Mà ông dùng tuổi tác,
Cân lường các Đại đức!
Lớn nhỏ do nơi trí,
Không ở nơi trẻ, già.
Có trí, siêng tinh tiến,
Tuy trẻ mà lại già,
Biếng nhác, không trí tuệ,
Tuy già mà lại trẻ.

Nay ông định lượng tăng, đó là tội rất lớn, không khác nào dùng một ngón tay mà đo đáy biển, chỉ làm cho người trí chê cười. Ông không nghe Phật dạy bốn việc tuy nhỏ mà không thể xem thường đó sao? Bốn việc là:

[41c] – Thái tử tuy nhỏ, sẽ làm quốc vương.

– Rắn con tuy nhỏ, mà độc làm chết người.

– Đốm lửa tuy nhỏ, có thể đốt cháy núi rừng.

– Sa-di tuy nhỏ, mà được thần thông bậc thánh.

Đàn-việt nghe việc ấy xong, thấy rõ sức thần thông của các sa-di, lòng vô cùng kinh hãi, toàn thân rúng động, chắp tay thưa rằng:

– Thưa các bậc thánh! Con hôm nay xin sám hối, con là kẻ phàm phu, tâm thường mang tội lỗi. Xin hỏi, có lòng tin thanh tịnh đối với Phật bảo và có lòng tin thanh tịnh đối với tăng bảo, phúc nào hơn?

Đáp:

– Chúng tôi vốn không thấy sự hơn kém giữa tăng và Phật. Vì sao? Vì có một lần khất thực tại thành Xá-bà-đề, Phật thường đến nhà bà-la-môn tên là Bà-la-đỏa-thệ khất thực, bà-la-môn suy nghĩ: ‘Sao sa-môn này đến hoài, như ta mắc nợ ông vậy?’

Khi ấy Phật nói kệ:

Thường thường mưa đúng thời,
Ngũ cốc luôn được mùa.
Thường thường tu nhân phúc,
Luôn luôn hưởng quả lành.
Vì thường thường thụ sinh,
Nên phải luôn thụ tử.
Nếu thành tựu thánh pháp,
Còn ai chịu tử sinh!

Bà-la-môn nghe Phật dạy như thế, biết bậc Đại Thánh đã rõ tâm mình, trong lòng hổ thẹn, nhận lấy bát của Phật đem vào nhà đặt đầy thức ăn ngon đem ra dâng cúng, Phật không nhận mà nói rằng:

– Vì nói kệ nên Ta mới được thức ăn này, Ta không nhận!

Bà-la-môn thưa:

– Vậy thức ăn này, nên dâng cho ai?

Phật dạy:

– Ta không thấy trời hay người nào có thể tiêu hóa được thức ăn này, ông hãy để ở chỗ đất ít cỏ hoặc trong nước không có trùng.

Theo lời Phật dạy, bà-la-môn đem thức ăn đặt vào trong nước không có trùng, nước liền sôi trào, khói lửa bốc lên, như bỏ vào nước thanh sắt cháy đỏ, bà-la-môn thấy như thế sợ hãi nói:

– Thật chưa từng có, thức ăn mà cũng có thần lực như vậy!

Ông liền vội trở lại đỉnh lễ sám hối dưới chân Phật, xin xuất gia thọ giới, tu hành, dần dần dứt sạch kiết sử, chứng được đạo quả A-la-hán.

Lại có bà Ma-ha Kiều-đàm-di cúng dường Phật một chiếc y báu màu vàng ròng, Phật biết chúng tăng có thể thụ nhận, nên bảo Kiều-đàm-di đem y ấy cúng cho chúng tăng”.

Vì thế nên biết: Phật bảo và Tăng bảo phúc đức như nhau.

Nếu ai cung kính Phật,
Cũng phải cung kính tăng,
Không nên sinh phân biệt,
Vì đồng là bảo vậy.

Kinh Pháp cú thí dụ[42] ghi: Thế Tôn nói kệ:

Người phải luôn suy nghĩ,
Mỗi bữa tự biết giảm,
Từ đó thụ dụng ít,
Thân gầy mà sống lâu.

[42a] Luật Thập tụng ghi: “Bấy giờ, trong thành Vương Xá có cư sĩ Thi-lợi-cừu-đa, rất giàu, là đệ tử của ngoại đạo. Ông ta thường phân vân chẳng biết sa-môn Cù-đàm[43] có phải là bậc Nhất Thiết Trí hay không? Một hôm, đi đến chỗ Phật, ông thưa rằng:

– Thỉnh sa-môn ngày mai đến nhà tôi thụ trai!

Phật muốn độ ông ta nên im lặng nhận lời. Bấy giờ cư sĩ trở về nhà, làm một hầm lửa lớn ở trước cửa, rồi lấy cát phủ lên lớp mặt để ngụy trang và để không bốc khói; ông vào trong nhà sắp đặt chỗ ngồi, nhưng lại không lót vải trải nệm, còn lấy thuốc độc trộn chung với cơm, tự cho rằng: ‘Nếu Cù-đàm là bậc Nhất Thiết Trí thì phải biết việc này, còn không sẽ sa vào hầm lửa, hoặc bị chết vì trúng độc’.

Đến sáng hôm sau, ông sai người đến tinh xá thỉnh Phật. Phật bảo A-nan thông báo cho tất cả tì-kheo không được đi trước. Bấy giờ chúng tì-kheo tuần tự theo sau Phật đến nhà cư sĩ, khi đến trước cửa, Đức Phật biến hầm lửa thành hồ sen, chứa đầy nước sạch, vừa ngọt ngào vừa trong mát, Ngài cùng chúng tăng bước nhẹ trên lá sen đi vào nhà. Chỗ ngồi không trải vải, Phật hóa thành có vải. Đức Phật nói với cư sĩ rằng:

– Ông nên trừ bỏ nghi ngờ trong tâm, Ta chính là bậc Nhất Thiết Trí!

Cư sĩ thấy thần lực của Đức Phật qua hai lần biến hóa, liền phát lòng tin tôn kính Đức Phật, chắp tay bạch rằng:

– Kính lạy Đức Thế Tôn! Cơm này có thuốc độc, Ngài không ăn được!

Đức Phật bảo:

– Cứ cúng dường thức ăn này, chúng tăng dùng không sao đâu!

Phật lại bảo A-nan nói cho các tì-kheo biết, khi Ngài chưa xướng đẳng cúng[44] thì không được ăn, vì đây là lời chú nguyện của Phật. Chất độc trong thế giới này chính là dâm dục, sân hận và ngu si, Đức Phật có pháp chân thật để trừ tất cả độc. Nhờ thật ngữ[45] của Phật mà độc đều tiêu trừ, thức ăn trở nên thanh tịnh. Chúng tăng thụ trai xong, cư sĩ ngồi trước Phật, nghe Ngài giảng pháp, liền ngay đó chứng đắc Pháp nhãn tịnh.[46] Đức Phật trở về tinh xá, nhóm họp chúng tăng dạy rằng:

– Từ nay trở về sau, không được đi trước Phật, hòa-thượng, thượng tọa, giáo thụ và khi chưa xướng đẳng cúng thì không được ăn”.

Luận Ma-đức-lặc-già ghi: “Chúng tăng sắp thụ trai, vị thượng tọa nên bảo tất cả cùng nhau xướng Tăng-bạt[47] rồi sau mới dùng”.

VII.4 Thánh tăng

Từ khi bậc Đại Giác[48] nhập niết-bàn, giáo pháp trở về thánh chúng. Các vị bồ-tát, a-la-hán tiếp nối tuyên dương giáo pháp, biến hiện đến khắp cõi nước, tùy duyên hóa độ. Nếu kiến giải sai khác thì trú cùng nhà mà cách xa như trời với đất, còn đồng lòng thì tuy ở khác cảnh mà gần nhau như đối mặt.

[42b] Vào cuối niên hiệu Thái Thỉ đời nhà Tống, sa-môn Thích Pháp Nguyện ở chùa Chính Thắng, Thích Pháp Cảnh ở chùa Chính Hỉ… bắt đầu vẽ tượng thánh tăng theo các tư thế ngồi. Cho đến đầu nhà Đường, các thánh tăng thường hiển linh, hoặc hiện nửa bàn chân nơi tòa; hoặc chống tích trượng lưu lại dấu vết sâu trên mặt đất. Lương Võ Đế nghe được vui mừng ca ngợi, thành tâm kính ngưỡng cho là nước nhà cảm được điềm lành, nên thiết trai cúng dường. Đến niên hiệu Vĩnh Minh thứ 8, vua lâm trọng bệnh, mặc dù có Hòa Thước[49] chữa trị, nhưng bệnh tình chẳng hề thuyên giảm, vua chí thành phát nguyện quy y thánh tăng, ra lệnh thiết lập trai đàn tại điện Diên Xương, cầu thỉnh bảy ngày, dâng cơm cúng dường chư Phật và thánh chúng. Trai đàn trang nghiêm thanh tịnh, chẳng động mảy trần. Bảy ngày sắp mãn, cảm được điềm lành, hương trời tỏa khắp, xông vào mũi, thấu đến tâm, khiến cho hương trong lư không thể lan tỏa. Lại có dấu chân, vết giầy đầy khắp trong đại điện, tiếng dộng tích trượng vang ra ngoài cửa. Mọi người nhìn thấy dấu chân, ngửi mùi hương, nghe tiếng dộng tích trượng, vừa kính cẩn vừa kinh sợ. Lúc ấy có khoảng hơn mười người như: Từ Quang Hiển… đều thấy nghe, tâu lên vua. Bấy giờ, trai đàn đã mãn, vua hoàn toàn bình phục, vì vậy cả triều đình đều phát tâm qui y, vì đã chứng nghiệm được sự thần ứng. Sau đó, vài người gồm cả đạo và đời như Từ Quang Hiển… thiết đàn phụng thỉnh, cũng đều hiện điềm lành. Sự cảm ứng của thánh nhân chẳng thể nào ghi chép hết.

Xưa kia, trưởng giả Thụ-đề-già[50] làm bát bằng gỗ chiên-đàn, đặt trong túi lưới, treo trên trụ ngà voi, nói:

– Nếu sa-môn hay bà-la-môn nào không dùng thang, sào mà lấy được thì tặng cho người đó.

Hàng ngoại đạo biết được, biến hiện thần thông để lấy, nhưng đều đành bất lực lắc đầu bỏ đi. Tân-đầu-lô[51] nghe việc này, hỏi tôn giả Mục-kiền-liên:

– Thật có việc đó không?

Đáp:

– Đúng thế!

Tân-đầu-lô nói:

– Ngài là bậc nhất Sư tử hống,[52] đến lấy đi!

Mục-kiền-liên sợ Phật quở trách nên không dám lấy. Tân-đầu-lô liền đến nhà trưởng giả, rồi nhập thiền định, từ chỗ ngồi duỗi tay ra lấy bát.

Theo luật Tứ Phần: “Lúc ấy, tôn giả ngồi trên tảng đá vuông lớn, bay trên hư không lấy bát rồi trở về. Đức Phật biết, quở trách:

– Tì-kheo vì bát của ngoại đạo mà hiện thần thông trước người chưa thụ giới. Từ nay cho đến trọn đời, ông không được ở trong cõi Diêm-phù-đề!

Như thế, Tân-đầu-lô theo lời Phật dạy, đến Tây Cù-da-ni[53] giáo hoá bốn chúng, truyền bá Phật pháp. Bốn chúng đệ tử ở Diêm-phù-đề muốn gặp tôn giả, đến bạch Phật. Phật cho phép trở về và cho phép hiện thần thông, nhưng không cho nhập niết-bàn, dạy ông phải làm phúc điền cho bốn chúng đời sau. Tôn giả Tân-đầu-lô cũng tự phát nguyện, nếu như khắp thiên hạ có ai thỉnh cầu thì ngài sẽ nhận lời đến ngay”.

Trong kinh A-dục vương ghi: “Tì-kheo Hải Ý từ trong chảo sắt dùng thần lực bay lên hư không hiện mười tám thần biến.[54] Vua vui mừng nói kệ:

[42c] Thân ngài giống thân người,
Mà sức vượt hơn người,
Hãy nói cho trẫm biết,
Sao ngài hiện thần thông?

Vua phát tâm thỉnh chúng tăng khắp bốn phương chứng minh, nói kệ:

Hỡi các a-la-hán!
Xin đến nhiếp thụ con.
Con thỉnh a-la-hán!
Xin các ngài đến đây”.

Kinh Thỉnh Tân-đầu-lô ghi: “Các vị ưu-bà-tắc, quốc vương, trưởng giả ở Thiên Trúc, mỗi khi thiết trai thường thỉnh a-la-hán Tân-đầu-lô-phả-la-đọa-thệ. Tân-đầu-lô là tên, Phả-la-đọa là họ. Tôn giả vì hiện thần thông trước trưởng giả Thụ-đề, nên Phật không cho nhập niết-bàn, và bảo tôn giả làm phúc điền cho bốn chúng trong thời mạt pháp.

Lúc thỉnh tôn giả phải ở nơi thanh tịnh, đốt hương lễ lạy, hướng về núi Ma-lê[55] Ấn Độ, thành tâm đọc rằng: ‘Đại đức Tân-đầu-lô-phả-la-đọa-thệ theo lời Phật dạy làm phúc điền ở đời mạt pháp, xin ngài hãy nhận lời thỉnh cầu của con đến nơi này thụ trai’.

Hoặc xây cất nhà mới cũng nên thỉnh: ‘Xin ngài nhận lời thỉnh cầu của con đến nghỉ trên giường nhà này’.

Hoặc khi thỉnh chúng tăng đến tắm rửa, trước tiên cũng thỉnh ngài: ‘Thỉnh ngài hãy đến đây tắm rửa’. Lúc trời sắp sáng thì chuẩn bị nước nóng hòa với hương thơm, tro, xà phòng, cây chà răng, dầu thơm; pha nước lạnh nóng thích hợp, giống như cách thức tắm của người, mở cửa mời vào rồi đóng lại, đợi bằng khoảng thời gian của một người tắm xong, sau đó mới thỉnh chúng tăng vào.

Khi tổ chức trai hội, tắm rửa, muốn thỉnh tăng, thí chủ phải hết lòng cầu giải thoát, tâm không nghi ngờ, mê mờ, lòng tin tuyệt đối thanh tịnh, rồi sau đó mới thỉnh.

Gần đây, có một trưởng giả nghe đại a-la-hán Tân-đầu-lô vâng theo lời giáo huấn của Phật làm phúc điền cho chúng sinh, ông thiết lập trai đàn như pháp, chí tâm cầu thỉnh ngài Tân-đầu-lô. Muốn nghiệm biết có a-la-hán đến dự trai hội hay không, trưởng giả rải hoa tươi đẹp ở thảm lông.

Khi chúng tăng thụ thực vừa xong thì các loại hoa cũng vừa vàng úa. Trưởng giả buồn rầu tự trách không biết lỗi này do đâu. Ông dốc hết lòng thành kính hỏi chư tăng, rồi lại thiết lập trai hội, cũng rải hoa y như trước, hoa cũng bị héo. Ông lại đem hết của cải trong nhà lập trai đàn lần nữa, và mọi việc cũng y như trước vậy. Ông rất buồn bã tự trách mình, rồi cầu thỉnh hơn một trăm pháp sư xin chỉ bày những lỗi lầm để sám hối. Trước tiên, ông đối trước vị thượng tọa lớn tuổi trình bày hết mọi việc và sám hối lỗi lầm của mình. [43a] Thượng tọa nói: ‘Ông ba lần mở trai đàn cung thỉnh, ta đều nhận lời, nhưng ông lại sai nô bộc canh cửa chận lại không cho vào, chê là già nua, áo quần rách dơ, nên đuổi đi. Sa-môn Lại-đề không chịu vào, còn ta vì nhận lời thỉnh của ông nên miễn cưỡng vào hội, nhưng bị nô bộc dùng cây đánh vào đầu ta. Ông tự làm việc đó sao lại buồn trách’. Nói dứt lời liền biến mất.

Bấy giờ, trưởng giả mới biết đó là Tân-đầu-lô. Từ đó về sau, mọi người mở trai hội đều không dám canh cửa. Nếu được Tân-đầu-lô đến dự trai hội thì các loại hoa ở chỗ ngồi không héo. Hoặc lúc đóng giường, cất nhà mới, muốn thỉnh Tân-đầu-lô thì phải dùng nước thơm rưới lên đất, đốt đèn dầu thơm, trên giường lót nệm mới, trải một lớp vải bông mềm và dùng tấm lụa trắng phủ lên. Trời bắt đầu tối thì theo phép mà thỉnh Ngài. Thỉnh rồi ra ngoài đóng cửa lại, chớ xem thường mà lén nhìn. Mỗi cử chỉ hành động đều hết lòng kính tin thì ngài sẽ đến, vì một lòng thành kính sẽ cảm ứng, không thể nào không đến. Nếu đến thì trên tấm lụa có dấu nằm, nước trong phòng tắm cũng ấm.

Ngài nhận lời thỉnh đến trai hội, tùy mỗi nơi mà hiện hình tướng thượng tọa, trung tọa hay hạ tọa. Nếu mong thấy những điều khác lạ thì hoàn toàn không được. Lễ trai đàn hoàn mãn, tăng đã về mà các loại hoa ở tòa ngồi không héo thì biết có Tân-đầu-lô đến”.

Lời bàn:

Thời nay, thấy việc thiết lập trai hội phần nhiều không đúng với phép tắc, chỉ theo lòng người mà sắp bày cho phàm tăng, hoàn toàn không lo lắng gì đến tòa của Phật và thánh tăng. Như phần trước kinh đã ghi, thí chủ trước phải quét dọn sạch sẽ điện Phật và an trí chỗ ngồi cho thánh tăng, rồi tắm gội sạch sẽ, đốt hương thơm, treo cờ phướn, bảo cái, rải các loại hoa, cầm lư hương hết lòng thành kính phụng thỉnh tam bảo và thánh tăng, tất cả thánh phàm mười phương pháp giới cũng đều thỉnh hết. Xin nhận lời thỉnh cầu, hạ cố đến nhà đệ tử. Mọi người trong nhà đều thành kính, phát tâm tôn kính trước bảy ngày. Nếu nhà nghèo, không có hương hoa tươi tốt, cũng không có nơi sắp đặt, nhưng gặp lúc này cũng phải cố gắng sắp đặt. Khi lập tòa ngồi, phải chọn nơi cao đẹp nhất để an trí Phật, quét dọn sạch sẽ, đúng pháp, lần lượt đến tòa của thánh tăng. Tòa này được trải nệm trắng sạch, rồi lấy vải phủ lên. Nếu thí chủ hết lòng kính trọng thì sẽ có cảm ứng. Lễ hội hoàn mãn, nhìn lại tòa thấy dấu như có người ngồi, thì biết đó là báo thân đến, nếu không có tướng hiện thì chỉ có hóa thân đến, nếu khinh mạn thì báo thân, hóa thân đều không đến. Tòa này không được dùng các vật như: tơ lụa nhiều màu, gấm vóc sặc sỡ, trang trí vàng bạc và rải hoa. [43b] Mặc dầu là a-la-hán, nhưng cũng thụ hai trăm năm mươi giới như phàm tăng, cho nên không nhận các vật gấm lụa, vàng bạc v.v… Còn chư Phật, các vị bồ-tát Đại thừa thì không bị hạn chế bởi tướng xuất gia, vì thế được dâng cúng các vật này.

Tòa ngồi cho thánh tăng và bàn để dâng thực phẩm, không được cao quá sáu tấc, có thể cao bằng tòa tăng đúng pháp, cũng không được đặt tượng thánh tăng trên tòa ngồi. Vì nếu báo thân đến thì đâu thể đẩy tượng mà ngồi, cũng không được lấy bát của tăng thường trụ cho thánh tăng dùng, vì sợ báo thân đến, không thể sử dụng bát của tăng. Nếu dùng bát, chén, tô, đĩa của người tục, tức dâng cúng cả hóa thân và báo thân, thì rất đúng pháp.

Tiền cúng cho thánh tăng thì nên mua sắm đồ vật bát, chén, đũa, muỗng, tô đồng, khăn tay, mâm, bồn, chậu… loại tốt nhất dành cho thánh tăng sử dụng, làm dấu lên mặt sau các vật đó để người khác khỏi nhầm lẫn. Hằng ngày theo giờ ăn gia đình, mỗi sáng và giờ ngọ, đặt thức ăn vào bát dâng lên cúng Phật và tăng, chẳng phải là việc tốt ư! Hoặc có tiền thì mua một hồ sàng[56] và giỏ đựng cơm, mỗi bữa ăn xong dùng xà phòng rửa sạch giỏ và đặt trên hồ sàng, lấy tấm vải dầu phủ lên, ngày nào cũng thế, không gián đoạn để bày tỏ tâm thành kính cúng dường tam bảo thì được công đức rất lớn.

Nếu nhiều tiền thì làm như cách ở chùa Tây Quốc và nhà giàu thế tục, tức là chọn nơi thanh vắng xây phòng xá cho thánh tăng, quanh năm dâng lễ vật cúng dường. Vào mùa hạ thì hằng ngày nên trải chiếu trong phòng và đặt thau, chậu, xà phòng, khăn sạch…, trước giờ ngọ dâng cơm, thức ăn, tối lại đốt đèn, thắp hương, như pháp cúng dường, tùy khả năng của mình. Vào mùa đông, sắp đặt mền lông, lửa than, nước nóng, đèn sáng… tùy thời cúng dường. Dù cho tiền của thánh tăng có dư cũng không được sử dụng cho tăng; dù là tăng thường trụ, cũng không được sử dụng cho Phật và pháp, không được dùng để vẽ hình các thánh tăng. Thường thấy có người đến lấy tiền thánh tăng, mua lụa tốt treo ở bốn vách, họa hình Phật, đắp vẽ hình tượng thánh tăng Ca-diếp,[57] A-nan…, vì a-la-hán Tân-đầu-lô hiện tại không nhập niết-bàn, đã không được thánh tăng cho phép sử dụng, thì đâu thể đem dùng lẫn lộn vào việc khác. Nếu lỡ dùng rồi thì nên trả lại gấp đôi, còn không thì phạm tội rất nặng. Cho nên luật Tứ phần ghi: “Cho phép dùng vào việc này, không được dùng vào việc kia, nếu phạm thì bị tội”. (cũng như vật của mình, người khác không hỏi mình mà đem làm vào việc khác, như thế có được không?)

Văn trình bày trên đây đều căn cứ theo ý của Phật trong kinh luật ghi ra, cần phải thực hành. Vật của tam bảo rất nặng, không nên dùng lẫn lộn, e rằng sai một li mà xa cách nghìn dặm. Lời nói thành thật không hư dối, nên xét kỹ mà thực hành. [43c] Cho nên, vào thời Lương Vũ Đế, các đại đức, danh nho nước Hán thỉnh tam tạng Tây Vực biên soạn “Thánh tăng pháp dụng,” sau đó dịch thành năm quyển, như trước đã trình bày, đại khái cũng đồng nhau.

VII.5. Bố thí thức ăn

Kinh Tăng nhất a-hàm[58] ghi: “Bấy giờ, Đức Phật dạy các tì-kheo:

– Có bốn loại thức ăn để nuôi dưỡng chúng sinh, đó là: đoàn thực, cánh lạc thực, niệm thực, thức thực.

Đoàn thực là gì? Là thức ăn của người thế gian, tức những thức ăn có thể đưa vào miệng ăn được.

Cánh lạc[59] thực là gì? Là những thứ mà thân xúc chạm sẽ phát sinh hỉ lạc như: quần áo, dù lọng, hương hoa, lò sưởi, dầu thơm, tụ tập cùng người nữ…

Niệm thực là gì? Đó là những điều nghĩ nhớ, tư tưởng, tư duy trong ý thức, hoặc do miệng nói, hoặc do thân xúc chạm và các pháp được chấp giữ.

Thức thực là gì? Là những nhận biết của ý thức. Từ cõi Phạm thiên cho đến cõi trời Hữu tưởng, Vô tưởng đều lấy “thức” làm thức ăn.

Chúng sinh do bốn loại thức ăn này mà lưu chuyển mãi trong sinh tử”.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Đức Thế Tôn dạy tôn giả A-na-luật:

– Tất cả các pháp đều do ăn mà được tồn tại. Mắt lấy ngủ nghỉ làm thức ăn, tai lấy âm thanh làm thức ăn, mũi lấy mùi hương làm thức ăn, lưỡi lấy vị làm thức ăn, thân lấy xúc chạm làm thức ăn, ý lấy pháp làm thức ăn, cho đến niết-bàn lấy không phóng dật làm thức ăn”.

Đức Phật dạy các tì-kheo pháp vi diệu như sau: “Quán thức ăn có chín loại: bốn loại thức ăn thế gian và năm loại thức ăn xuất thế gian”.

Bốn loại thức ăn thế gian: đoàn thực, cánh lạc thực, niệm thực, thức thực.

Năm loại thức ăn xuất thế: thiền thực, nguyện thực, niệm thực, bát giải thoát thực, hỉ thực.

Các tì-kheo phải luôn nghĩ nhớ, bỏ bốn loại thức ăn thế gian, cần thành tựu năm loại thức ăn xuất thế”.

Kinh Chính pháp niệm[60] ghi: “Nếu chúng sinh nào có tín tâm, từ bi bố thí nhiều loại thức ăn cho người khác. Sau khi qua đời sẽ được sinh về cõi trời Chất-đa-la hưởng thụ nhiều điều sung sướng. Sau khi mạng chung ở cõi trời sẽ tái sinh làm người giàu có, thường thực hành chính pháp”.

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Nếu có chúng sinh nào bố thí thuốc men chữa trị lành bệnh cho người, sau khi qua đời sẽ được sinh về cõi trời Dục, hưởng thụ năm thứ dục lạc, ở cõi trời mạng chung sẽ tái sinh làm người giàu có. [44a] Nếu chúng sinh nào bố thí nước đường phèn, nước lạnh cho người bị khát nước sắp chết, thì chúng sinh đó sau khi qua đời sẽ được sinh về cõi trời Thanh Lương hưởng thụ nhiều khoái lạc, ở cõi trời mạng chung sẽ tái sinh làm người không bị nạn đói khát”.

Kinh Niết-bàn[61] ghi: “Quỷ thần khoáng dã[62] được Phật trao cho giới không giết hại sinh mạng, nên không ăn thịt, do đó mà cơ thể suy yếu sắp chết. Cho nên Đức Phật nói với quỷ:

– Từ nay, Ta sẽ bảo đệ tử thanh văn, ở nơi nào có Phật pháp đều phải bố thí thức ăn cho các ngươi. Nếu người ở trụ xứ nào mà không làm như vậy thì kẻ đó là quyến thuộc của ma, không phải là đệ tử của Ta, chẳng phải thanh văn”.

Nhưng khi lấy thức ăn cho chúng sinh phải có sự khác nhau. Nếu dùng thức ăn của tín thí thì phải y cứ theo luật Ngũ phần: “Nếu cho người ăn xin, chim, chó… thì phải giảm bớt phần ăn của mình để cho, không được lấy ngoài phần ăn của mình”.

(Xưa nay thấy người đạo kẻ tục cúng dường thức ăn, đó là phần ăn của thí chủ tằn tiện không dám cho vợ con, mà đem cúng cho chúng tăng để được phúc đức. Chúng tăng không được dùng phung phí. Nhưng có người trước không chịu tính lượng thức ăn cần dùng bao nhiêu, mà khi ăn no rồi đem thức ăn dư thừa đó cho người ăn xin, chim, chó… làm tốn hao của tiền thí chủ, chỉ tự mình chuốc lấy tội lỗi. Nếu tự giảm bớt phần ăn của mình để đem cho thì cho bao nhiêu cũng được, không giới hạn).

Kinh Thập nhị đầu-đà[63] ghi: “Khi đến giờ ăn nên quán niệm: ‘Nếu thấy chúng sinh đói khát ta nên lấy một phần của mình cho họ. Mình là người cho, còn kia là người nhận’. Khi cho rồi nên nguyện rằng: ‘Vì khiến cho tất cả chúng sinh tăng phúc báo mà cứu khổ, chớ có sinh tâm tham lam bỏn xẻn’. Khi đem thức ăn đến chỗ thanh vắng, lấy bớt một phần để trên tảng đá sạch bố thí cho cầm thú và cũng nguyện như trên. Ngay lúc ăn quán nghĩ rằng: ‘Trong thân có tám vạn ổ trùng, các trùng được thức ăn này đều được an ổn. Hôm nay, ta bố thí thức ăn, đến khi ta đắc đạo sẽ bố thí pháp cho các ngươi’. Đó chính là tâm không bỏ chúng sinh”.

Kinh Quán Phật hình tượng[64] ghi: “Đức Phật dạy đại chúng:

– Có người muốn thành tựu những điều họ mong cầu, lúc bố thí chẳng kể nhiều ít, đều giúp cho được no đủ. Công việc đã xong, thức ăn dùng không hết đem cúng cho các sa-môn trì pháp trong chùa. Chúng tăng tự phân chia thọ dụng. Khi xuất tài vật bố thí thì nên cầu mong sinh phúc, không nên giành phần đem về cho vợ con, vì như thế chẳng khác nào trồng cây trên đá, gốc rễ sẽ bị khô héo, không thể sống được. Nay người bố thí đem phúc dư cúng dường cho tăng thì bố thí một mà được phúc báu gấp vạn lần”.

[44b] Luật Tứ phần ghi: “Cúng cháo cho tăng thì được năm điều lợi ích:

– Trừ đói.

– Trừ khát.

– Tiêu hóa thức ăn.

– Đại tiểu tiện thông suốt.

– Đôi mắt trong sáng”.

Luật Tăng kì ghi: “Cúng dường cháo cho tăng thì được mười điều lợi ích”. Kệ:

Giữ giới thanh tịnh, người cung phụng,
Tôn kính tùy lúc dâng cháo cúng,
Được mười lợi ích cho hành giả,
Sắc, lực, thọ, vui, từ, thanh, biện,
Trừ phong, tiêu thực, dứt đói khát,
Phật bảo đó là môn thuốc hay,
Muốn sinh nhân thiên hưởng phúc lạc,
Nên thường dâng cháo cúng chúng tăng.
Kinh Thực thí hoạch ngũ phúc báo[65] ghi: “Phật dạy các tì-kheo:

– Nên biết ăn uống có tiết độ thì không tổn phúc.

Đức Phật dạy:

– Bố thí thức ăn cho người thì được năm phúc đức giúp đắc đạo, người trí khen ngợi, tâm lượng rộng lớn. Năm phúc đức đó là: thí mạng, thí sắc, thí lực, thí an, thí biện.

Thí mạng là gì?

Người không được ăn thì nhan sắc tiều tụy, không tươi sáng, chưa đến bảy ngày thì chết. Cho nên người trí đem thức ăn bố thí để bảo toàn tính mạng cho họ, gọi là thí mạng. Người bố thí mạng thì được đời đời sống thọ, sinh trong cõi trời, cõi người, thọ mạng dài lâu không bị chết yểu, được phúc báo giàu sang, của cải vô số.

Thí sắc là gì?

Người không được ăn thì nhan sắc tiều tụy, không tươi nhuận. Cho nên bố thí thức ăn, gọi là thí sắc. Người bố thí sắc thì đời đời được sinh trong cõi trời, cõi người có thân tướng đoan chánh, nhan sắc xinh đẹp, mọi người nhìn thấy đều quí trọng, ưa thích.
Thí lực là gì?

Người không được ăn thì thân thể gầy yếu, tinh thần suy nhược không thể hoạt động. Cho nên bố thí thức ăn, gọi là thí lực. Người thí lực thì đời đời sinh trong cõi trời, cõi người, có được sức mạnh không ai sánh bằng, làm việc cả ngày sức lực cũng không suy giảm.

Thí an là gì?

Người không được ăn thì thân tâm sầu khổ, bất an, đứng ngồi không yên. Cho nên bố thí thức ăn, gọi là thí an. Người thí an thì đời đời sinh trong cõi trời, cõi người, luôn được an ổn, không bị các tai ương, đến nơi nào cũng gặp người hiền lương, của cải vô lượng, không bị chết yểu.

Thí biện là gì?

Người không được ăn thì thân thể gầy yếu, tâm ý mờ mịt, miệng không nói được. Cho nên bố thí thức ăn, gọi là thí biện. [44c] Người thí biện thì đời đời sinh vào cõi trời, cõi người, lời nói lưu loát, có trí tuệ, biện tài thông đạt, mọi người nghe đều vui mừng đỉnh lễ vâng theo”.

Đó chính là phúc đức có được do bố thí thức ăn.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Có năm trường hợp bố thí đúng thời:

– Bố thí cho người từ xa đến.

– Bố thí cho người đi xa.

– Bố thí cho người bệnh.

– Bố thí lúc đói kém.

– Lúc mới thu hoạch cây trái hoặc ngũ cốc thì trước hết đem cúng dường cho người trì giới tinh tiến, sau đó mình mới ăn.

Lại nữa, có ba cách bố thí:

– Mang thức ăn đến chùa cúng, là bậc nhất.

– Thỉnh đến nhà để cúng dường, là bậc trung.

– Phát tâm cúng dường người đến nhà mình khất thực, là bậc hạ.

Kinh Phó pháp tạng[66] ghi: “Vào thời quá khứ, sau Phật Tì-bà-thi nhập niết-bàn chín mươi mốt kiếp, có một tì-kheo bị bệnh đau đầu rất nặng. Lúc bấy giờ, Bạc-câu-la[67] là một người nghèo khổ thấy tì-kheo bệnh liền dâng một quả ha-lê-lặc, tì-kheo uống xong liền hết bệnh. Do nhân bố thí này mà chín mươi mốt kiếp được sinh vào cõi trời, cõi người hưởng phúc sung sướng, chưa từng bệnh tật. Sau cùng, sinh vào nhà bà-la-môn, mẹ mất sớm, cha lại tái hôn. Lúc đó Câu-la còn nhỏ, thấy mẹ kế làm bánh, thường theo xin, nhưng bà ta căm ghét bắt Câu-la bỏ trên lò sấy. Lửa lò cháy hừng hực, nhưng không thể đốt cháy được Câu-la. Người cha từ ngoài vào thấy thế liền đến bế xuống. Lại lần nữa, lúc bà đang nấu thịt, Bạc-câu-la theo xin thịt, bà tức giận bắt Câu-la bỏ vào chảo luộc nhưng cũng không chết. Người cha tìm con không gặp, kêu gọi, khi nghe tiếng con trả lời, ông đến ẵm ra ngoài, Bạc-câu-la vẫn không bị tổn thương. Sau đó bà đi ra sông, Bạc-câu-la đi theo, đến bên bờ sông bà phẫn hận nói: ‘Ngươi là quỷ mị yêu tinh chốn nào, vì sao đốt nấu hai lần mà không chết?’ Rồi bà liền bắt ném xuống sông, ngay lúc ấy Bạc-câu-la bị con cá lớn nuốt chửng, nhưng nhờ có phúc duyên nên vẫn được bình an. Không lâu sau, ngư ông bắt được con cá này đem ra chợ bán, có nhiều người trả giá nhưng chẳng ai mua, cho đến chiều xế cá sắp ươn thì cha Bạc-câu-la nhìn thấy, liền mua cá ấy đem về nhà. Khi ông cầm dao mổ bụng cá, đứa bé gọi lớn tiếng rằng: ‘Xin cha nhẹ tay, chớ làm con bị thương!’. Người cha nghe tiếng con kêu liền rạch bụng cá và bế ra.

Lớn lên, Bạc-câu-la xuất gia, đắc quả A-la-hán. Từ khi sinh ra cho đến già một trăm sáu mươi tuổi mà Bạc-câu-la chưa một lần bị bệnh, cũng không bị các chứng bệnh nhẹ như đau đầu, nóng sốt. Chính do xưa kia bố thí thuốc nên được trường thọ như thế. [45a] Năm lần vào chỗ chết mà vẫn sống bình thường: lửa đốt không cháy, chảo hầm không chín, nước nhận chìm không chết, cá nuốt không tiêu, dao cắt không trúng. Vì vậy, người trí nên thực hành bố thí”.

Kinh Tạp thí dụ ghi: “Xưa kia ở nước Xá-vệ có một nhà nghèo, cây nho trong sân có vài chùm trái gần chín. Ưu-bà-di dự định sẽ cúng dường cho đạo nhân. Nhưng trước đó, quốc vương đã thỉnh đạo nhân thụ thực một tháng. Ưu-bà-di nghèo kia thế lực không bằng vua, nên mong mỏi cả tháng mới gặp lại được đạo nhân, cô liền hái trái cúng dường và thưa:

– Tâm nguyện bố thí của con đã hơn một tháng rồi, nay mới được mãn nguyện.

Đạo nhân nói:

– Như vậy là đã bố thí được một tháng!

Ưu-bà-di hỏi:

– Con bố thí chỉ có một chùm nho, làm sao nói là đã bố thí được một tháng?

Đạo nhân trả lời:

– Có tâm niệm xả thí trong một tháng là đã bố thí một tháng rồi!”.

VII.6. Ăn đúng thời

Hỏi: Thời gian nào là ăn đúng thời và ăn quá thời?

Đáp: Luật Tứ phần ghi: “Từ khi mặt trời mọc, cho đến giờ ngọ. Căn cứ theo đây thì giờ ngọ là giờ ăn đúng thời” (Luật Tăng kì ghi: “Quá giờ ngọ là bóng đã ngã qua một sợi tóc, một khoảng chớp mắt, một cọng cỏ… tức là phi thời). Trong tứ thiên hạ[68] đều lấy đây làm chuẩn mực”.

Kinh Tì-la tam-muội ghi: “Đức Phật nói với bồ-tát Đại Huệ:

– Có bốn lúc ăn: buổi sáng là giờ ăn của chư thiên, giờ ngọ là giờ ăn đúng pháp, buổi chiều là giờ ăn của súc sinh, buổi tối là giờ ăn của quỷ thần.”

Phật muốn đoạn trừ nhân lưu chuyển trong sáu cõi, khiến đồng với các Đức Phật trong ba đời nên lấy giờ ngọ làm giờ ăn. Qua ngọ mà còn ăn là đồng với các cõi dưới chứ chẳng phải giờ ăn của bậc thượng thánh, cho nên gọi là phi thời.

Luật Thập tụng ghi: “Chỉ có chư thiên được ăn quá giờ ngọ, nên không có tội”.

Lại nữa, luật Thập tụng ghi: “Tì-kheo ở cõi Diêm-phù-đề đi đến Tây Cù-da-ni thì thụ thực theo giờ của Diêm-phù-đề. Tì-kheo ở Tây Cù-da-ni đi đến ba châu khác cũng như thế. Nếu ở lại qua đêm nơi nào thì theo thời gian ở nơi ấy”.

Luận Ma-đức-lặc-già ghi:

“Hỏi: Có thể ăn phi thời mà không phạm không?

Đáp: Có! Nếu đến bắc Uất-đơn-việt thụ thực theo thời gian ở đó thì không phạm, ở các phương khác cũng vậy. Lúc đúng ngọ ở cõi Diêm-phù thì ở Bắc châu là lúc nửa đêm, Đông châu là lúc mặt trời lặn, Tây châu thuộc lúc mặt trời mọc, còn các phương khác cũng có thể tính biết được”.

Luận Tát-bà-đa ghi: “Có bốn cách giải thích về đúng thời:

[45b] 1. Mặt trời vừa mọc cho đến giữa ngày, lúc ánh nắng gay gắt, gọi là đúng thời. Từ giữa trưa đến cuối đêm, ánh nắng kia giảm yếu dần và tắt hẳn, gọi là phi thời.

2. Từ sáng sớm cho đến giữa ngày là đúng giờ ăn, đi khất thực không sinh phiền não nên gọi là đúng thời. Từ giữa ngày đến cuối đêm là thời gian mà người thế tục tổ chức yến tiệc, vui chơi, nếu đi khất thực lúc này sẽ có nhiều phiền phức, nên gọi là phi thời.

3. Từ sáng đến giữa ngày, không có việc dâm loạn của người thế tục, đi khất thực không sinh phiền não, nên gọi là đúng thời. Từ giữa ngày về sau, họ dừng nghỉ mọi công việc, ham vui chơi, nếu vào thôn xóm khất thực dễ bị phỉ báng, nên gọi là phi thời.

4. Từ sáng cho đến giữa ngày là giờ khất thực, sẽ được thức ăn để nuôi thân, an tâm tu tập đạo hạnh, mọi việc thuận lợi, đúng với chính pháp, nên gọi là đúng thời. Từ giữa ngày về sau nên chuyên lo tu tập, chẳng phải lúc khất thực, nên gọi là phi thời.

VII.7. Cách ăn

Kinh Đại di giáo ghi: “Trước khi ăn, tì-kheo nên đốt hương, ba lần khen ngợi công đức bố thí của đàn-việt rồi mới ăn. Lại nữa, theo lời thượng tọa dạy rằng: “Các tu sĩ! Mỗi vị hãy tự ra ngoài rửa tay súc miệng rồi trở vào ngồi chỗ của mình, mỗi mỗi đọc một bài kệ, theo thứ lớp đọc tụng, chứ không được bỏ qua”.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Nếu có cúng dường thì nên bưng lư hương xướng rằng: ‘Đến lúc!’ Phật dạy: hương là sứ giả của Phật, cho nên phải đốt hương phụng thỉnh khắp mười phương (phải biết rằng, đốt hương vốn là muốn thỉnh Phật, mà mắt phàm phu không nhìn thấy được. Phật dạy đốt hương cung thỉnh hết thảy phàm thánh khắp cả mười phương là biểu trưng cho phúc lành xông khắp hư không, lan tỏa đến khắp mọi nơi. Lúc hành hương,[69] mỗi người phải xướng tụng bài kệ trong kinh Hoa nghiêm:[70]

Hương giới, hương định, hương giải thoát,
Tụ thành đài mây rực pháp giới,
Cúng dường vô lượng Phật mười phương,
Thấy nghe, xông ướp chứng niết-bàn).

Kinh Tam thiên oai nghi ghi: “Ngồi nhận hương cũng được, vì người nữ hành hương sợ chạm tay mà sinh tâm đắm nhiễm” (hoặc sợ chê cười thì cho buông từ trên xuống cũng được. Người nam hành hương người nữ nhận hương, thì ngược lại)

Lời bàn:

Nếu được y phục, thức ăn thì không nên phân biệt ngon hay dở, chỉ mong duy trì được thân mạng để tu tập là hợp ý Phật. Như dầu nhớt là dùng để bôi trơn xe chứ đâu cần gì thơm đẹp, miễn sao khiến xe có thể vận chuyển là tốt. Cho nên, trong kinh Tạp bảo tạng, Đức Phật nói kệ:

Thân này như chiếc xe,
Không chọn lựa tốt xấu,
Nhớt thơm hay mỡ hôi,
Cũng đều làm trơn nhuận.

Luận Đại trí độ ghi: “Ăn là để thực hành đạo giải thoát, chứ không vì bồi bổ thân thể, cũng giống như nuôi ngựa, nuôi heo vậy”.

Đến giờ ăn, trước hết phải dâng cúng tam bảo, rồi bố thí cho tứ sinh[71]. Cho nên, kinh Hoa nghiêm có bài kệ:

[45c] Khi được thức ăn,
Nên nguyện chúng sinh,
Tâm tại Phật đạo,
Vì pháp cúng dường.

Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu tự may áo quần và làm bát thì trước hết dâng lên Phật, đồng thời trao cho cha mẹ, sư trưởng, hòa-thượng dùng và mặc qua một lần rồi mình mới sử dụng. Nếu đã dâng Phật rồi thì phải dùng hoa hương cúng dường để nhận lại. Thức ăn uống, trước phải dâng lên sa-môn

(Đoạn thiếu)

Phạm chí rồi mới ăn. Lúc sắp ăn cần phải phát nguyện: muỗng thứ nhất, nguyện từ bỏ tất cả các việc ác; muỗng thứ hai, nguyện làm tất cả các việc lành; muỗng thứ ba, nguyện hồi hướng công đức đến tất cả chúng sinh cùng thành Phật đạo. Nếu không thể từng miếng quán niệm, thì trước lúc ăn phát nguyện chung một lần cũng được”.

Luận Ma-đức-lặc-già ghi: “Nếu được thức ăn phải từng miếng, từng miếng quán niệm, nếu được y phục thì mỗi khi mặc phải quán niệm, khi vào phòng thì từng bước, từng bước quán niệm. Nếu là người căn tánh thấp kém thì quán niệm chung một lần”.

Trong kinh Hoa nghiêm, quyển sáu ghi: “Bồ-tát có một trăm bốn mươi nguyện, nên mọi hành động đều tụng kệ. Người thụ thực như thế thì không có phiền não, cũng không lìa phiền não, lý sự viên thông, lợi lạc quần sinh”.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Trong các loại bố thí, bố thí pháp là bậc nhất, trong các sự nghiệp, thì sự nghiệp của pháp là bậc nhất, trong các ân thì ân của giáo pháp là bậc nhất”.

Nếu ăn quá no thì thân thể nặng nề, hơi thở gấp gáp, các mạch không thông, khiến tâm mê mờ, ngồi nằm không yên. Nếu ăn quá ít thì thân thể ốm gầy, tâm ý lơ lảng, khí hư sức kiệt. Cho nên, kinh Tăng nhất a-hàm có bài kệ:

Ăn nhiều bị hoạn khổ,
Ăn ít khí lực suy,
Nên ăn uống đúng lượng,
Vừa phải không nhiều ít.
Kinh Tát-già-ni-kiền-tử có bài kệ:
Người ăn uống quá nhiều ,
Thân nặng, tâm lười biếng,
Đời hiện tại, vị lai,
Thân mất lợi ích lớn,
Ngủ nhiều tự chuốc khổ,
Lại làm phiền người khác,
Mê mờ khó tỉnh thức,
Đúng thời, lượng sức ăn.

Người nấu muốn nếm thức ăn thử mặn hay lạt, sống hoặc chín thì cho phép để thức ăn trong lòng bàn tay rồi dùng lưỡi nếm. (Theo kinh Trai pháp, thì không cho nếm thức ăn vì sợ khởi tâm tham mà phạm tội)

Lời bàn:

[46a] Sở dĩ người xuất gia trước lúc ăn phải rửa tay sạch rồi mới nhận thức ăn từ người khác là vì người xuất gia thanh cao, chẳng giống với hạng người bình thường, nên phải nhận rồi mới ăn.

Luận Tát-bà-đa ghi: “Tì-kheo nhận thức ăn[72] có năm ý nghĩa:

– Trừ bỏ chủng tử trộm cắp (tự lấy ăn cũng giống như ăn trộm), chứng minh sự ngay thẳng (giả như có mất mát gì cũng không dính dáng đến tì-kheo), dứt trừ sự phỉ báng (người xuất gia tự lấy ăn thì chẳng cao quí), sống đời thiểu dục tri túc (nếu không nhận từ người khác thì chẳng phải là sống tiết kiệm, đơn giản), khiến người khởi tâm kính tin (được nhận rồi mới ăn làm ngoại đạo phát khởi tín tâm)”.

Trước kia, có một tì-kheo đi chung với một ngoại đạo và cùng dừng nghỉ dưới một gốc cây. Trên cây có quả, lúc sắp đến giờ ăn, ngoại đạo bảo tì-kheo:

– Thầy hãy leo lên cây hái quả!

Tì-kheo đáp:

– Trong giới pháp của tôi, cây cao quá đầu người không được leo.

Ngoại đạo lại đề nghị:

– Sao không rung cây để quả rơi xuống?

Tì-kheo nói:

– Trong giới pháp của tôi, không được rung cây cho quả rụng.

Ngoại đạo nghe nói vậy, tự mình leo lên hái, rồi ném xuống đất cho tì-kheo, gọi rằng:

– Lượm quả ăn đi!

Tì-kheo đáp:

– Trong giới pháp của tôi, nếu không nhận được từ tay người trao thì không ăn.

Ngoại đạo trèo xuống, nhặt trái cây dâng cho tì-kheo. Ngoại đạo chứng kiến như thế, nghĩ rằng đối với một trái cây mà còn như vậy huống gì phép tắc của người xuất gia. Thế rồi, ngoại đạo phát khởi tín tâm tôn kính, nhận thấy Phật pháp thanh tịnh chẳng giống với hàng ngoại đạo, liền theo tì-kheo xuất gia tu hành, trừ sạch được lậu hoặc.

Kinh Xá-lợi-phất vấn[73] ghi: “ Đức Phật dạy:

– Ngoại đạo, Phạm chí còn biết nhận, huống gì đệ tử của Phật sao lại không nhận mà ăn, nhưng tất cả các vật đều phải được nhận từ tay người, chỉ trừ tiền bạc, người nữ là không được nhận. Vật có tác pháp vẫn phải nhận từ tay người, như y phục trên thân. Nếu vì tích chứa vàng bạc mà nhận, tức là trái phép tắc”.

Lời bàn:

Thức ăn của tất cả chư tăng đều phải được phân chia bình đẳng, không được phân biệt phàm thánh, trên dưới.

Luật Tăng-kì ghi: “Khi đàn-việt dâng thức ăn, nếu dâng cho thượng tọa nhiều thì thượng tọa nên hỏi: ‘Tất cả chúng tăng đều được như thế không?’. Nếu đáp: ‘Chỉ có thượng tọa được như vậy’, thì nên bảo họ cúng dường tất cả bình đẳng. Nếu họ nói: ‘Tất cả đều được như vậy’, thì nhận. Phép tắc của vị thượng tọa trong chúng tăng là không được nhận xong liền ăn, mà phải đợi dọn đủ tất cả, rồi xướng ‘Đẳng cúng’, bấy giờ mới được ăn. Thượng tọa phải ăn từ từ, không được ăn xong rồi bỏ đứng dậy trước mà nên đợi người đưa nước uống, tùy thuận chú nguyện xong rồi mới đứng dậy”.

Kinh Xứ xứ[74] ghi: “Đức Phật dạy:

– Sau giờ Ngọ không ăn thì được năm phúc: ít dâm, ít ngủ, được nhất tâm, không hạ phong, thân an ổn, không bệnh’. Vì thế sa-môn phải biết lợi ích đó mà không ăn quá ngọ”.

Lời bàn:

[46b] Nếu tham ăn thì phiền não sẽ tăng trưởng, cần phải quán nhàm chán, khởi ý tưởng bất tịnh.

Luận Đại trí độ ghi: “Quán nhàm chán thức ăn tức là quán thức ăn từ nhân duyên bất tịnh sinh, như thịt từ tinh huyết, đường tiểu sinh ra. Đó là nơi máu mủ và các vi trùng trú ngụ. Váng sữa, sữa, lạc là do huyết biến thành, không khác gì máu mủ, sau đó hòa lẫn với mồ hôi nhơ nhớp của người nhà bếp và các thứ bất tịnh khác. Nếu đưa vào miệng thì từ não bộ có hai dòng nước hôi thối chảy xuống hòa với nước miếng để thành vị, tướng trạng như đồ đã mửa ra lại nuốt vào bụng. Đất duy trì, nước làm nát, gió làm chuyển động, lửa rang nấu. Giống như cái chảo nấu chín nhừ, cặn bã lóng xuống dưới, nước trong nổi lên trên; ví như gây rượu, phần cặn là phân, phần trong là nước tiểu. Yết hầu có ba lỗ, gió thổi chất béo tan vào trăm mạch, hòa hợp với huyết sẵn có trước, ngưng kết biến thành thịt. Từ thịt sinh ra mỡ, xương, tủy. Từ đó lại sinh thân căn; lại từ thịt mới thịt cũ hợp lại sinh năm căn, từ năm căn sinh năm thức, năm thức thứ lớp sinh ý thức. Từ đó, phân biệt chấp tướng, phân biệt tốt xấu, rồi sinh ngã, ngã sở, các phiền não và các tội nghiệp.

Lại nữa, nên suy nghĩ thức ăn này mang nặng công lao. Tính ra một bát cơm, công sức mồ hôi của nông phu góp lại nhiều hơn bát cơm ấy. Có được bát cơm này gian khổ như vậy, mà ăn vào miệng thì liền thành bất tịnh, không chút giá trị, trải qua một đêm đã biến thành phân dãi. Vốn là thức ngon mà ăn vào biến thành bất tịnh, gớm không muốn nhìn. Hành giả phải tự suy nghĩ: “Thức ăn tệ như vậy, nếu ta tham đắm thì sẽ đọa vào địa ngục”. Quán thức ăn như vậy thì sinh ý tưởng nhàm chán, do nhàm chán thức ăn, nên không tham đắm năm dục.

Ví như có một bà-la-môn tu pháp thanh tịnh, có công việc đi đến một nước bất tịnh, tự suy nghĩ rằng: ‘Ta sẽ làm sao để tránh khỏi những thức ăn bất tịnh này, chỉ phải dùng thức ăn khô mới thanh tịnh được’. Khi nhìn thấy một bà cụ bán bánh bạch tủy,[75] ông liền nói:

– Tôi có việc ở đây một trăm ngày, cụ hãy làm thứ bánh này bán cho tôi.

Hằng ngày bà lão đem bánh đến, bà-la-môn rất thích ăn. Lúc ban đầu bánh trắng sạch nhưng dần về sau thì không còn màu sắc và hương vị như trước nữa. Bà-la-môn hỏi:

– Tại sao như vậy?

Bà cụ đáp:

– Mụt đã lành.

Bà-la-môn ngạc nhiên hỏi:

– Nghĩa là sao?

Bà cụ đáp:

– Chồng tôi sinh mụt nhọt ở chỗ kín, tôi lấy bột gạo trộn sữa đắp vào, mụt nhọt muồi vỡ mủ ra hòa lẫn với bột, cứ mỗi ngày như vậy lấy bột này làm bánh đem cho ông, vì thế mà bánh ngon. Nay chồng tôi đã lành mụt thì tôi biết tìm ở đâu được!

[46c] Bà-la-môn nghe xong, nắm hai tay lại đánh đầu, đấm ngực nôn khan và nói:

– Biết làm sao đây? Ta đã phá pháp thanh tịnh rồi! Việc tu hành của ta tiêu rồi!

Bà-la-môn liền bỏ công việc trở về nước cũ.

Hành giả cũng như vậy, tham đắm ăn uống, hoan hỷ ưa thích mà chẳng quán xét bất tịnh, sau chịu quả báo đau khổ thì hối tiếc làm sao kịp!”.

VII.8. Ăn xong

Luật Thập tụng ghi: “Tì-kheo nhận lời thỉnh thụ thực, im lặng đến ăn rồi lặng lẽ ra về, các cư sĩ chê trách:

– Chúng ta chẳng biết thức ăn có ngon hay không?.

Các tì-kheo bạch Phật, Đức Phật dạy:

– Từ nay khi thụ thực, nên chú nguyện khen ngợi công đức thí chủ!

Các tì-kheo không biết người nào sẽ nói, Đức Phật dạy:

– Thượng tọa nói, nếu thượng tọa không nói được thì bảo người kế tiếp thượng tọa có khả năng để nói thay”.

Luật Tăng-kì ghi: “Vị thượng tọa phải biết thí chủ cúng dường vì mục đích gì mà chú nguyện cho thích hợp”.

Luận Ba-li ghi: “Tăng, ni, bạch y.., thụ trai xong, nếu không dùng bột đậu, cự-ma[76].., để súc miệng thì không đúng phép thụ trai. Vào thời quá khứ, tì-kheo Liên-đề sáu mươi năm trì trai không một mảy may thiếu sót, ngày nào ăn xong cũng sử dụng cự-ma, bột đậu.., nên đúng với trai pháp. Nếu không làm như thế thì không thành tựu trai pháp.

Kinh này không đề cập đến, nếu căn cứ vào bộ Xuất yếu luật nghi thì cự-ma là phân bò. Nếu theo kinh này thì chẳng lẽ dùng phân bò làm sạch miệng ư? Truyện kí Pháp sư Da-xá ghi: “Người thế tục và ngoại đạo ở Ấn Độ… tôn thờ Phạm thiên, bò, vì cho đây là hai nguyên nhân sinh ra vạn vật và nuôi dưỡng nhân dân, nên phân bò dùng làm thanh tịnh đạo tràng. Phật thuận theo thế tục cũng lấy phân bò để làm sạch, vậy tại sao lại chẳng dùng để làm sạch miệng!”.

Các bộ luật như Tứ phần… ghi: “Giữ gìn bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, ăn năm món ăn chính, liền thành tựu trai pháp, không luận phải dùng bột đậu để làm sạch miệng mới thành tựu. Nếu quá thời, phạm oai nghi, gây lỗi lầm, dẫu có sử dụng bột đậu, cự-ma cũng không thành trai pháp”.

Luật Thiện kiến ghi: “Thụ trai xong bị nôn, nếu chưa tuôn ra khỏi cổ mà nuốt trở vào thì không phạm. Nếu đã tuôn ra rồi lại nuốt trở vào là phạm”.

Luật Tăng-kì ghi: “Ăn xong nếu khát nước, Phật bảo lấy tất cả các loại ngũ cốc, đậu, lúa mạch đem nấu, không nhừ nát, lúc phi thời lọc lấy nước mà uống. Đối với tô du,[77] mật, đường phèn, các loại nước ép trái cây, thì phải dùng nước tác tịnh.[78] Nếu ở đáy hũ còn lại một ít, có nước mưa văng vào, cũng được xem là tịnh”.

Luật Thiện kiến ghi: “Lắng trong nước Xá-lâu-già[79] được uống lúc phi thời”.

Luận Ma-đức-lặc-già ghi: “Nước đường cát cũng có thể uống lúc phi thời”.

[47a] Luật Tăng-kì ghi: “Con người có bốn trăm lẻ bốn bệnh:

– Phong đại có một trăm lẻ một bệnh, dùng dầu để chữa trị.

– Hỏa đại bệnh nhiệt có một trăm lẻ một bệnh, dùng váng sữa điều trị.

– Thủy đại bệnh rét có một trăm lẻ một bệnh, dùng mật chữa trị.

– Bệnh tạp có một trăm lẻ một bệnh, dùng ba loại thuốc trên để điều trị”.

Luật Thập tụng ghi: “Lúc phi thời không được ăn đường phèn. Có năm trường hợp lúc phi thời được ăn đường phèn: một, đi xa; hai, bệnh; ba, ít ăn; bốn, không xin được thức ăn; năm, ở chỗ bố thí nước, hòa đường phèn vào nước thì được uống”.

Luật Ngũ phần ghi: “Cho phép lúc đói và lúc khát được uống”. (Nên biết người không bệnh, lúc phi thời mặc dầu có dư đường phèn, tô du.., cũng không được dùng).

Luật Tăng-kì ghi: “Dùng lá tiêu, lá lốt, gừng, ha-lê-lặc[80]… làm thuốc dùng suốt đời. Đem hòa với nước cho phép uống lúc phi thời”.

Luật Tứ phần ghi: “Tất cả các vị đắng, cay, mặn, ngọt…, trong đó có loại không thể dùng làm thức ăn, thì cho phép dùng làm thuốc uống lúc phi thời suốt đời”.

Luật Thiện kiến ghi: “Tất cả cây cối, quả, rễ, thân, cành, lá…, trong đó có loại không thể dùng làm thức ăn, thì đều được dùng làm thuốc uống cả đời”.

Lời bàn:

Gần đây thấy nhiều người lúc phi thời mà cũng ăn uống giống như lúc đúng thời. Như thế đúng chăng?

Người đạo kẻ tục ở vùng biên địa, nghe luật cho phép uống nước trái cây thì liền uống nước táo khô, hoặc lê, nho, lựu không giả nhuyễn, đều dùng hết. Dù có giả nát ép lấy nước nhưng cũng không lắng trong, thì uống luôn cả nước và xác. Hoặc nghe cho phép uống nước Xá-lâu-già để trị bệnh nhiệt, thì liền lấy ngó sen ăn sống, hoặc uống nước cơm. Hoặc khi không đói khát lại uống tô du, đường phèn… vào lúc phi thời. Hoặc dùng hạt mận nấu đặc. Như thế quá lạm dụng, chẳng thể nào mà ghi chép hết. Theo luật Thập tụng, nếu chẳng phải là người thuộc năm trường hợp như đã nêu ở trên thì không được tự tiện ăn, nếu ăn là phá trai giới. Ngày nay thấy người sai phạm ngày càng nhiều!

Tụng rằng:

Tháng này thiết lập trai đàn,
Chọn giờ thích hợp thỉnh hàng xuất gia,
Bốn bộ đến đúng thời gian,
Bảy chúng nhóm họp cùng sang trai đường.
Lời kinh tiếng kệ du dương,
Thiết tha, như tiếng cung thương bỗng trầm,
Hương thơm xông thẳng trời không,
Gió đưa lan tỏa khắp cùng mười phương.
Cao dày giới đức tán dương,
Ngôn từ ca ngợi khôn lường đạo sâu,
Diệt phiền, văn cú nhiệm mầu,
Đúng thời phân tích đoạn câu tận tường.
Giúp cho đạo tục gá nương,
Tài pháp hưng thịnh phát dương rạng ngời.
[47b] Phúc điền nay mãn nguyện rồi,
Ân huệ dẫn dắt người còn kẻ vong.

———————————————-

[1] Pháp giới 法界 (S: dharma-dhātu): tất cả các cảnh sở duyên của ý thức, một trong mười tám giới. Theo nghĩa rộng thì pháp giới chỉ chung cho tất cả các pháp hữu vi và vô vi.

[2] Tỳ-xá-khư mẫu 毘舍佉母 (S: Mṛgāra-mātṛ; Cg: Lộc Tử Mẫu): vị ưu-bà-di đắc sơ quả, sống vào thời Đức Phật còn tại thế, là con gái của trưởng giả nước Ương-già. Bà đã từng phát tám lời nguyện lớn trước Đức Phật, còn cúng dường tài vật để xây dựng giảng đường Đông Viên Lộc Mẫu cho Đức Phật và các đệ tử.

[3] A-la-hán 阿羅漢 (S: arhat): bậc thánh đã đoạn hết kiến hoặc, tư hoặc trong ba cõi, chứng được tận trí, xứng đáng nhận tất cả sự cúng dường của thế gian; một trong bốn quả Thanh văn, một trong mười đức hiệu Như Lai.

[4] Luận Địa trì (Địa trì luận 地持論): luận, mười quyển, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 30. Nội dung kinh này nói rõ phương tiện tu hành của bồ-tát, chia làm ba phần: sơ phương tiện xứ, thứ pháp phương tiện xứ và tất cánh phương tiện xứ, gồm hai mươi bảy phẩm.

[5] Chi-đề 支提 (S: Caitya): tháp miếu, theo luật Ma-ha-tăng-kì, nơi thờ xá-lợi mới gọi là tháp, tháp không thờ xá-lợi gọi là chi-đề. Đời sau phần nhiều dùng lẫn lộn. Luận Địa trì chủ trương bất luận tháp có thờ hay không thờ xá-lợi, đều gọi là chi-đề cả.

[6] Tinh xá 精舍: ngôi nhà của những người tinh chuyên tu luyện trí đức, tức tên khác của tự viện.

[7] Phạm phúc 梵福 (S: Brāhma-puṇyatva): phúc đức sinh về cõi trời Đại Phạm.

[8] Vô thượng bồ-đề 無上菩提: quả vị Phật. Vì quả vị Bồ-đề của Phật là cứu cánh vô thượng nên gọi là Vô thượng bồ-đề.

[9] Công đức 功德 (S: Guṇa): công năng phúc đức có được do làm các hạnh lành.

[10] Tam bảo 三寶 (S:tri-ratna, ratna-traya): ba ngôi báu. Đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo được tín đồ Phật giáo tôn kính, cúng dường. Phật (S: Buddha) là bậc đã giác ngộ và có năng lực giáo hóa chúng sinh; Pháp (S: Dharma) là giáo pháp của Đức Phật; Tăng (S: Saṃgha) là tập đoàn đệ tử Phật tu học theo giáo pháp. Ba ngôi báu trên có oai đức cao tột, có khả năng đem lại lợi ích an vui vĩnh viễn cho chúng sinh như của báu thế gian, nên gọi là tam bảo.

[11] Thiết-lợi-la 設利羅: thông thường chỉ cho di cốt của Phật, gọi là Phật cốt, Phật xá-lợi, về sau cũng chỉ cho xương còn sót lại sau khi thiêu nhục thân vị cao tăng. Phẩm Xả thân, kinh Kim quang minh 4 (Đại 16, 354 thượng) ghi: “Xá-lợi là vật được huân tu bởi giới, định, tuệ rất khó có được, là phúc điền tối thượng”.

[12] Biệt cúng dường 別供養: cúng dường riêng. Biệt cúng dường ở đây là cúng dường riêng cho Đức Phật.

[13] Kinh Ưu-bà-tắc giới (Ưu-bà-tắc giới kinh 優婆塞戒經; S: Upāsaka-śīla-sūtra): kinh, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào năm 426 đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 24. Nội dung kinh này, nói về trưởng giả Thiện Sinh giảng tam quy, ngũ giới cho các tín giả Đại thừa tại gia nghe.

[14] Sa-môn 沙門 (S: Śramaṇa): người xuất gia cạo bỏ râu tóc, dứt bỏ các điều ác, khéo điều hòa thân tâm, siêng năng làm các việc thiện để mong đạt đến niết-bàn. Từ ngữ này vốn chỉ chung cho cả nội và ngoại đạo, là từ chuyển âm của phương ngôn Tây Vực.

[15] Bà-la-môn 婆羅門 (S: brāhmaṇa): giai cấp tăng lữ, giai cấp cao nhất trong bốn giai cấp ở xã hội Ấn Độ cổ. Chính giai cấp bà-la-môn này làm lũng đoạn tất cả hệ tri thức của Ấn Độ thời ấy. Họ tự cho mình là dòng dõi cao quí nhất.

[16] Luận Đại trí độ (Đại trí độ luận 大智度論; S: Mahāprajñāpāramitaśastra): luận, một trăm quyển, do bồ-tát Long Thụ soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 25. Nội dung luận này giải thích kinh Đại phẩm bát-nhã, luận này giải thích rất rõ ràng về học thuyết, tư tưởng, dụng lệ, truyền thuyết, lịch sử, địa lí, qui định thực tiễn, tăng-già. .

[17] A-tăng-kì 阿僧祇 (S:asaṃkhya): một đơn vị số lượng của Ấn Độ, là số cực lớn chẳng thể tính đếm được. Theo cách đọc thì một a-tăng-kì có một nghìn vạn vạn vạn… triệu.

[18] Kiếp 劫 (S: kalpa): vốn là đơn vị thời gian rất dài của Bà-la-môn giáo thời Ấn Độ cổ, sau đó Phật giáo cùng sử dụng và xem đó là thời gian không thể tính đếm được.

[19] A-na-luật 阿那律 (S: Aniruddha): một trong mười vị a-la-hán đệ tử lớn và là em chú bác của Đức Phật, thuộc dòng họ Thích ở thành Ca-tì-la-vệ, nước Ấn Độ cổ đại.

[20] Ma-ha-ba-xà-ba-đề 摩呵波闍波提 (S: Mahāprajāpatī): di mẫu của thái tử Tất-đạt-đa và là em gái của hoàng hậu Ma-ha Ma-da, con của vua Thiện Giác, thành Thiên Tí ở Ấn Độ thời xưa. Sau khi Thích Tôn thành đạo năm năm, vua Tịnh Phạn cũng mệnh chung, bà dẫn Da-du-đà-la và năm trăm người nữ thuộc chủng tộc Thích-ca đến Đức Phật xin xuất gia. Qua lời thỉnh cầu của A-nan, Đức Phật hứa khả, đây là những vị tì-kheo-ni đầu tiên trong giáo đoàn của Phật.

[21] Tứ Thiên vương 四天王: bốn thiện thần thủ hộ Phật pháp, ở lưng chừng núi Tu-di như Trì Quốc Thiên vương ở phương đông, Tăng Trưởng Thiên vương ở phương nam, Quảng Mục Thiên vương ở phương tây, Đa Văn Thiên vương ở phương bắc.

[22] Nước Ma-kiệt (Ma-kiệt-đà quốc 摩竭陀國; Smagadha): một quốc gia thời xưa ở Ấn Độ, tức vùng Bihar ngày nay với thành phố Patna (thành Hoa Thị) và Phật-đà-già-da là trung tâm. Đây là một trong mười sáu nước lớn thời Đức Phật còn tại thế. Nước này có quan hệ rất sâu sắc đối với lịch sử phát triển Phật giáo.

[23] Vua Tần-tì-sa-la (Tần-tì-sa-la vương 頻鞞娑邏 王; Cg: Tần-bà-sa-la vương; S: Bimbisāra): vua nước Ma-kiệt-đà, sống cùng thời với Đức Thế Tôn, thuộc đời thứ 5 của vương triều Tây-tô-nạp-da (S: Śaiśunāga), có hoàng hậu tên là Vi-đề-hi, và thái tử tên là A-xà-thế. Ông phát tâm hộ trì Phật pháp, là người ngoại hộ đầu tiên.

[24] Kinh Tạp bảo tạng (Tạp bảo tạng kinh 雜寶藏經; S: Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra): kinh, mười quyển, do ngài Cát-ca-dạ và ngài Đàm Diệu cùng dịch vào đời Nguyên Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 4. Nội dung kinh nói về các sự tích liên quan đến Đức Phật và đệ tử cùng những duyên sự sau khi Đức Phật nhập diệt.

[25] Bánh hoan hỉ (nguyên bản: hoan hỉ hoàn 歡喜丸; S: Mahotikā): loại bánh được làm bằng bơ, bột mì, mật, gừng v.v.., là một trong các món ăn của Ấn Độ. Bánh hoan hỉ được nói đến rất nhiều trong các kinh luận của Phật giáo.

[26] Kinh Văn-thù-sư-lợi vấn (Văn-thù-sư-lợi vấn kinh 文殊師利問經): kinh, hai quyển, do ngài Tăng-già-bà-la dịch vào đời Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập mười bốn. Toàn kinh có mười bảy phẩm, quyển thượng mười bốn phẩm, quyển hạ ba phẩm.

[27] Kinh Hiền ngu (Hiền ngu kinh 賢愚經; S: Damamuka-nidana-sutra): kinh, mười ba quyển, do ngài Huệ Giác dịch vào đời Nguyên Ngụy, được xếp vào Đại Chính tạng, tập bốn. Nội dung kinh này thu thập các thí dụ, nhân duyên nói về người hiền và người ngu.

[28] Mười sáu bậc (nguyên bản: thập lục chủng 十六種): mỗi bên tì-kheo và tì-kheo-ni đều có tứ hướng, tứ quả.

[29] Xá-lợi-phất 舍利弗 (S: Śāriputra): vị a-la-hán có trí tuệ bậc nhất trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật.

[30] Mục-kiền-liên 目犍連 (S: Maudgalyāyana): vị a-la-hán, đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật. Ngài là người thôn Câu-luật-đà ngoài thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà thời cổ Ấn Độ, thuộc dòng bà-la-môn.

[31] Kinh Tượng pháp quyết nghi (Tượng pháp quyết nghi kinh 像法决疑經): kinh, một quyển, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 85. Nội dung nói về sự suy biến của Phật pháp sau Phật nhập diệt một nghìn năm, đồng thời khuyến khích tu hạnh bố thí đại bi.

[32] Kinh Phổ quảng (Phổ quảng kinh 普廣經): do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch vào đời Đông Tấn, là quyển thứ 11 của kinh Phật thuyết quán đỉnh.

[33] Bốn chúng (tứ bối 四輩; S: Catasraḥ parṣadaḥ): tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di hoặc bốn chúng xuất gia: tì-kheo, tì-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni.

[34] Luật Thập tụng (Thập tụng luật 十誦律): bộ quảng luật của Tát-bà-đa bộ, sáu mươi mốt quyển, do hai Ngài Phất-nhã-đa-la và Cưu-ma-la-thập cùng dịch vào đời Dao Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 23. Bộ luật này chia giới luật thành mười phần để giải thích nên gọi là Thập tụng.

[35] Kinh Nhân vương (Nhân vương kinh 仁王經): kinh, hai quyển, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 8. Nội dung kinh này Đức Phật nói cho mười sáu vị đại quốc vương nghe về hạnh giữ gìn quả vị Phật, thập địa và nhân duyên giữ gìn cõi nước.

[36] Bảy Đức Phật (thất Phật 七佛): bảy Đức Phật đời quá khứ, theo thứ tự như Phật Tì-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca Mâu-ni.

[37] Kinh Phạm võng (Phạm võng kinh 梵網經; T: Chos-kyi rgya-mo saṅs-rgyas rnam-par snaṅ-mdsad-kyis byaṅ-chub sems-dpaḥi sems-kyi gnas bśad-pa leḥu bcu-pa): kinh, hai quyển, tương truyền do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 24. Nội dung nói về giai vị và mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh của bồ-tát.

[38] Liêu chủ 寮主: chức vụ giúp việc cho vị liêu nguyên trong thiền lâm, phụ trách giữ gìn y bát cho chúng tăng trong liêu.

[39] Tội khinh cấu (khinh cấu tội 輕垢罪): tội nhẹ, nhưng làm ô nhiễm hạnh thanh tịnh.

[40] Chấp sự 執事 (S: Vaiyāvṛtyakara): người trông nom công việc trong tự viện.

[41] Sa-di 沙彌 (S: Śrāmaṇeraka, Śrāmaṇera): chỉ cho người nam xuất gia trong tăng đoàn của Phật giáo, tuổi từ bảy đến mười chín, đã thụ mười giới, chưa thụ giới cụ túc.

[42] Kinh Pháp cú thí dụ (Pháp cú thí dụ kinh 法句譬喻經; S: Dharmapadāvadāna-sūtra): kinh, bốn quyển, do các ngài Pháp Cự, Pháp Lập cùng dịch vào đời Tây Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 4. Kinh này gom góp khoảng hai phần ba số kệ của Kinh Pháp cú và thêm câu chuyện làm thí dụ, nên gọi là kinh Pháp cú thí dụ.

[43] Cù-đàm 瞿曇 (S: Gautama, Gotama): một họ trong các chủng tộc Sát-đế-lợi ở Ấn Độ, dòng dõi tiên nhân Cù-đàm và cũng là họ gốc của Đức Phật.

[44] Đẳng cúng (đẳng cung 等供): pháp thụ thực của chúng tăng. Sau khi thức ăn được dâng cúng đồng đều từ bậc thượng tọa đến vị hạ tọa, vị duy-na xướng “đẳng cúng” rồi đại chúng mới được thụ thực, đó là biểu thị bố thí bình đẳng của thí chủ. Ngoài ra, đẳng cúng còn là mật ngữ để giải độc.

[45] Thật ngữ 實語 (S: Satya-vāda): lời nói chân thật không dối trá; chỉ cho lời nói do Phật hoặc người tu hành nói ra.

[46] Pháp nhãn tịnh 法眼淨 (S: Dharmacakṣu-viśuddha): pháp nhãn có năng lực quán sát chân lí các pháp mà không bị chướng ngại và nghi hoặc.

[47] Tăng-bạt 僧拔 (Cg: đẳng cúng): pháp thụ thực của chúng tăng. Sau khi thức ăn được dâng cúng đồng đều, từ bậc thượng tòa đến hạ tòa, vị duy-na xướng “đẳng cúng” rồi đại chúng mới được thụ thực. Đó là biểu thị sự bình đẳng của thí chủ.

[48] Đại Giác 大覺: từ tôn xưng Đức Thích Tôn.

[49] Hòa Thước 和鵲: Hòa và Biển Thước. Biển Thước tên là Trần Việt Nhân, người đất Mạc thời Chiến quốc, học thuốc với Trường Tang Quân, nổi tiếng thần y. Hòa là danh y người nước Tần thời Xuân Thu. Hòa Thước ở đây chỉ cho danh y.

[50] Thụ-đề-già 樹提伽 (S: Jyotiṣka): một đệ tử Phật ở thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà, Ấn Độ; có thuyết nói là người nước Chiêm-bà, một trong các đệ tử Phật.

[51] Tân-đầu-lô 賓頭盧 (S: piṇḍola): vị A-la-hán, đệ tử Phật, thuộc dòng bà-la-môn, người nước Ưu-điền. Vì Ngài thường trụ ở thế gian nên còn có tên Trụ Thế A-la-hán.

[52] Sư tử hống 師子吼 (S: Siṃhanāda): tiếng gầm của sư tử. Đức Phật dùng âm thanh vô úy để thuyết pháp, như sư tử gầm rống mà không làm sợ hãi một loài thú nào khác. Sư tử là vua trăm thú; Phật là bậc chí tôn trong loài người nên gọi là Nhân Trung Sư Tử. Khi Phật thuyết pháp, hàng bồ-tát đều phát khởi tâm dõng mãnh để cầu đạo bồ-đề, bọn ngoại đạo và ác ma sinh tâm sợ hãi.

[53] Tây Cù-da-ni 西瞿耶尼: một châu lớn trong bốn châu nằm ở phía tây núi Tu-di. Địa hình châu này giống như mặt trăng tròn.

[54] Mười tám thần biến (thập bát thần biến 十八神變): mười tám thứ thần biến do Phật, bồ-tát, a-la-hán nương vào năng lực tự tại của thiền định mà thị hiện ra: chấn động; xí nhiên; lưu bố; thị hiện; chuyển biến; vãng lai; quyển; thư; chúng tượng nhập thân; đồng loại vãng thú; hiển; ẩn; sở tác tự tại; chế tha thần thông; năng thí biện tài; năng thí ức niệm; năng thí an lạc; phóng đại quang minh.

[55] Núi Ma-lê (Ma-lê sơn 摩梨山; S: Malaya): núi nằm ở nam Ấn Độ. Núi này có loại bạch chiên-đàn, ai vào đây cũng cảm thấy từ trong thân mình tỏa ra mùi thơm trong sạch, vì thế núi này còn được gọi là núi Trừ Cấu.

[56] Hồ sàng 胡床: một loại ghế ngồi hình dáng giống như ghế dựa hoặc ghế xếp hiện nay. Người Tây Nhung chế hai loại ghế “bị cơ” và “đơn cơ” trong đó “đơn cơ” gọi là hồ sàng. Tức chỉ cho thiền sàng.

[57] Ca-diếp 迦葉 (S: Mahā-kāśyapa): một vị đệ tử xuất sắc của Đức Phật. Tôn giả nổi tiếng có hạnh đầu-đà trong hàng đệ tử Phật. Trên hội Niêm hoa vi tiếu, Ca-diếp được Đức Phật Thích-ca truyền tâm ấn (chính pháp nhãn tạng). Từ đó ngài trở thành sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ.

[58] Kinh Tăng nhất a-hàm (Tăng nhất a-hàm kinh 增一阿含經; S: Ekottarikāgama): kinh, năm mươi mốt quyển, do ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch vào đời Đông Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 2, là một trong bốn bộ A-hàm Bắc truyền.

[59] Cánh lạc 更樂: tức là xúc.

[60] Kinh Chính pháp niệm (Chính pháp niệm kinh 正法念經; S: Saddharma-smṛty-upasthāna-sūtra): kinh, bảy mươi quyển, do ngài Bát-nhã-lưu-chi dịch vào thời Bắc Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 17. Nội dung chính của kinh này nói lên sự tu tập của tì-kheo; dù khái niệm thuộc phạm vi Tiểu thừa, nhưng ý tưởng rất đặc thù, bút pháp rất phóng khoáng, luôn luôn biểu lộ tư tưởng Đại thừa

[61] Kinh niết-bàn (Niết-bàn kinh 涅槃經; S: Mahā-parinirvāṇa-sūtra): kinh, bốn mươi quyển, do ngài Đàm-vô-sấm dịch vào năm 421 đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 12. Nội dung nói về giáo nghĩa Như Lai thường trụ, chúng sinh đều có Phật tánh, hạng xiển-đề thành Phật…

[62] Quỷ thần Khoáng dã (khoáng dã quỷ thần 曠野鬼神; S: Āṭavika, Āṭavaka): thần ở đồng trống, là một trong sáu mươi thần dược-xoa. Trong Phật giáo xưa nay có pháp thí thực, tức là đem thức ăn bố thí cho thần này.

[63] Kinh Thập nhị đầu-đà (Thập nhị đầu-đà kinh 十二頭陀經): kinh, một quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đa-la dịch vào đời Tống. Nội dung: Đức Phật thuyết mười hai hạnh đầu-đà cho tôn giả Đại Ca-diếp.

[64] Kinh Quán Phật hình tượng (Quán Phật hình tượng kinh 灌佛形像經): kinh, một quyển, do ngài Pháp Cự dịch vào đời Tây Tấn, Trung Quốc.

[65] Kinh Thực thí hoạch ngũ phúc báo (Thực thí hoạch ngũ phúc báo kinh 食施獲五福報經): kinh, một quyển, do ngài An Thế Cao dịch vào đời Hậu Hán, Trung Quốc.

[66] Kinh Phó pháp tạng (Phó pháp tạng kinh 付法藏經: kinh, sáu quyển, do ngài Cát-ca-dạ và Đàm Diệu cùng dịch vào đời Nguyên Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 50. Nội dung nói về sự tích truyền pháp và thế hệ truyền thừa của hai mươi ba vị tổ sư Ấn Độ sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, từ ngài Ca-diếp, A-nan… cho đến vị tổ sư cuối cùng là tôn giả Sư Tử. Tôn giả Sư Tử bị quốc vương nước Kế Tân là La-quật sát hại, sự phó pháp đến đây bị đoạn diệt.

[67] Bạc-câu-la 薄拘羅 (S: Vakkula, Bakkula, Bakula, Vakula): một vị đệ tử của Đức Phật. Thuở nhỏ, Bạc-câu-la bị kế mẫu sát hại năm lần mà không chết. Từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, ngài luôn khỏe mạnh không hề đau ốm, hưởng thọ một trăm sáu mươi tuổi, được người đời tôn xưng là trường thọ bậc nhất.

[68] Tứ thiên hạ 四天下: tức bốn châu quanh núi Tu-di như Đông Thắng Thân châu, Nam Thiệm Bộ châu, Tây Ngưu Hóa châu, Bắc Câu-lô châu.

[69] Hành hương 行香: nghi thức thắp hương đi nhiễu quanh tháp. Khi thí chủ thiết trai cúng dường chư tăng, trước thắp hương chia đều cho đại chúng, rồi đi nhiễu và lễ bái quanh tháp, điện Phật.

[70] Kinh Hoa nghiêm (Hoa nghiêm kinh 華嚴經; S: Buddhàvatamsaka-mahãvaipulya): bộ kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa, cũng là pháp môn tự nội chứng mà Như Lai tuyên thuyết cho các bồ-tát thượng vị như bồ-tát Văn Thù, bồ-tát Phổ Hiền, sau khi Ngài thành đạo nơi cội bồ-đề.

[71] Tứ sinh 四生 (S: Catasro-yonayaḥ): bốn hình thái sinh của loài hữu tình. Noãn sinh: loài sinh ra từ trứng. Thai sinh: loài sinh ra từ thai mẹ. Thấp sinh: loài sinh ra từ khí ẩm ướt ở những nơi ẩm thấp. Hóa sinh: loài không chỗ nương tựa bỗng nhiên sinh ra như chư thiên, địa ngục, trung hữu đều do nghiệp lực đời quá khứ mà hóa sinh.

[72] Nhận thức ăn (thụ thực 受食): ý nói thí chủ được tì-kheo đồng ý, tận tay nhận lấy thức ăn.

[73] Kinh Xá-lợi-phất vấn (Xá-lợi-phất vấn kinh 舍利弗問經; S: Śāriputra-paripṛcchā): kinh, một quyển, thuộc luật bộ Tiểu thừa, dịch vào đời Đông Tấn, được xếp vào Đại chính tạng, tập 24. Nội dung kinh này nói Phật trả lời các câu hỏi của ngài Xá-lợi-phất dưới cây Nhạc Âm trong thành Vương Xá; gồm thứ lớp của việc truyền trì giới luật, việc phân phái dựa theo giới luật của các bộ, các việc khai già y bát, uống rượu, sát sinh, cách trùm kín hai vai, nhân duyên nghe pháp của bát bộ quỷ thần, Phật giáo sau thời tượng pháp diệt, việc thụ giới thí vật của Phân-nhã-đa-la, tịnh thực bất tịnh thực, nhân duyên xuất gia của những vị trong tông thân của Đức Như Lai, ân cha mẹ và thầy…

[74] Kinh Xứ xứ (Xứ xứ kinh 處處經): kinh, một quyển, do ngài An Thế Cao dịch vào khoảng năm 148 đến 170 đời Đông Tấn, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 17. Kinh này lấy việc gom chép các phương diện tri thức Phật giáo làm chính, nội dung chia làm hơn năm mươi hạng mục, thỉnh thoảng có giới thiệu đặc tính của Phật giáo, bồ-tát, a-la-hán, bích-chi Phật.

[75] Bánh Bạch tủy (bạch tuỷ bính 白髓餅): một loại thức ăn làm bằng bột.

[76] Cự-ma 巨磨: phân bò.

[77] Tô du 酥油: thực phẩm được nấu bằng váng sữa bò, một trong các vị thuốc dùng để trị bệnh nhiệt. Có hai loại sinh tô và thục tô khác nhau.

[78] Dùng nước tác tịnh (nguyên bản: dĩ thuỷ tịnh đắc ẩm 以水淨得飲): dùng nước hòa loãng để rửa sạch.