thủ lăng nghiêm tam muội

Phật Quang Đại Từ Điển

(首楞嚴三昧) Phạm: Zùraôgama-samàdhi. Cũng gọi Thủ lăng nghiêm tam ma địa, Thủ lăng già ma tam ma đề, Thủ lăng nghiêm định. Hán dịch: Kiện tướng tam muội, Kiện hành định, Dũng kiện định, Dũng phục định, Đại căn bản định. Tam muội thu giữ các pháp một cách chắc chắn,1 trong 108 tam muội, là loại thiền định do chư Phật và hàng BồtátThập địa chứng được. Luận Đại trí độ quyển 47 (Đại 25, 398 hạ) nói: Thủ lăng nghiêm tam muội, Hán dịch là Kiện tướng, phân biệt rõ hành tướng các Tam muội nhiều ít, sâu cạn, như vị Đại tướng biết rõ năng lực binh sĩ mạnh hay yếu. Lại nữa, các Bồtát được tam muội này thì các ma phiền não và ma người không cách nào phá hoại được, ví như Chuyển luân Thánhvương cầm đầu các binh tướng hùng mạnh, đi đến bất cứ đâu kẻ địch cũng đều phải hàng phục. Cứ theo kinh Thủ lăng nghiêm tam muội quyển thượng thì Tam muội Thủ lăng nghiêm chẳng phải hàng Bồ tát Sơ địa đến Cửu địa chứng được mà chỉ có hàng Bồ tát Thập địa mới có năng lực chứng được Tam muội này. Thủ lăng nghiêm tam muội gồm 100 hạng mục như tu sửa tâm giống như hư không, quán xét các tâm của chúng sinh hiện tại, phân biệt các căn cùn lụt hay sắc bén của chúng sinh, quyết định biết rõ nhân quả của chúng sinh… Tam muội này không thể dùng 1 việc 1 duyên 1 nghĩa mà biết được, tất cả thiền định giải thoát tam muội, thần thông như ý, trí tuệ vô ngại đều ở trong định Thủ lăng nghiêm, ví như các dòng nước từ khe, suối, sông, ngòi… đều chảy ra biển cả. Cho nên các thiền định của Bồ tát đều nằm trong Tam muội Thủ lăng nghiêm; tất cả Tam muội môn, Thiền định môn, Biện tài môn, Giải thoát môn, Đà la ni môn, Thần thông môn, Minh giải thoát môn… đều được thu nhiếp trong Thủ lăng nghiêm Tam muội. Kinh Niết bàn quyển 25 (bản Nam) cho rằng Phật tính tức là Thủ lăng nghiêm tam muội; Thủ lăng nghiêm tam muội này có 5 tên gọi: Thủ lăng nghiêm tam muội, Bát nhã ba la mật, Kim cương tam muội, Sư tử hống tam muội và Phật tính. Thủ lăng nghĩa là tất cả đều rốt ráo; Nghiêm nghĩa là cứng chắc. Tất cả rốt ráo mà được vững chắc, gọi là Thủ lăng nghiêm, cho nên gọi Thủ lăng nghiêm tam muội là Phật tính. [X. kinh Đại bátniết bàn Q.27 (bản Bắc); Nhiếp đại thừa luận thích Q.11 (bản dịch đời Lương); Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.3; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.9].