Thư gởi tiên sinh Thích Hữu Khanh

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

 

Hôm trước Trần Dự Đường gởi thư cho biết hai cha con ông đều muốn quy y, xin đặt pháp danh và dạy pháp tắc tu hành. Lại nói ông giỏi nghề y và Địa Lý[1], bẩm tánh nhân hậu. Con gái ông giữ lòng trinh lương tu hành, nay con gái ông đã đón ông đến am cô ta tu hành. Ông đã bảy mươi, tháng ngày chẳng còn nhiều, hãy nên sốt sắng sanh lòng tin, phát nguyện, niệm thánh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Phàm những chuyện lo toan trong gia đình và chuyện của con cháu đều nên gác ra ngoài. Giả sử ta ngoài sáu mươi liền chết thì không phải là con cháu ấy vẫn sống bình thường hay sao? Nay ta chỉ quan tâm niệm Phật để liễu sanh tử, bọn họ đã chẳng thể liễu sanh tử thay cho ta được, ta há có nên vì họ mà làm hỏng đại sự của ta chăng? Nếu nghĩ được như vậy, tự nhiên sẽ có thể nhất tâm niệm Phật. Con gái ông là Mai Cúc, giữ lòng trinh tu hành, đón ông về am, đôi bên giúp đỡ nhau cùng tu Tịnh nghiệp ngõ hầu cùng sanh Tây Phương.

Phải biết: Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, nhưng đều phải đạt đến nghiệp tận tình không mới có thể liễu sanh thoát tử, khó cũng như lên trời. Hiện thời trên cả thế giới, sợ rằng cũng khó có mấy người làm được! Nếu chí thành khẩn thiết niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, bất luận là ai đều chắc chắn được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Chỉ có kẻ chẳng sanh lòng tin, chẳng phát nguyện là không thể vãng sanh! Nếu có lòng tin thật sự, nguyện thiết tha, không một ai chẳng được sanh! Một pháp này chính là hoàn toàn cậy vào Phật từ lực gia bị, tiếp dẫn vậy. Ví như ngồi chiếc tàu thủy to vượt biển, nhờ vào sức tàu, chứ không phải là bản lãnh của chính mình. Hai cha con ông nên thuận theo lời tôi thì chẳng uổng đời này và dịp gặp gỡ này.

Nay đặt pháp danh cho ông là Đức Khánh. Ông tên là Dư Khánh (điều vui mừng có thừa), ấy chính là điều vui mừng trong thế gian. Nay niệm Phật cầu sanh Tây Phương tức là lấy Phật đức để nương về, đấy là điều vui mừng mà ngoài đức Phật ra chẳng ai tuyên nói được. Mai Cúc có pháp danh là Đức Tịnh, nghĩa là dùng ba nghiệp thân – miệng – ý thanh tịnh để niệm Phật, mong vãng sanh Tịnh Độ, vĩnh viễn lìa các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui. Ấn Quang Văn Sao, Gia Ngôn Lục, chắc là có người đã tặng cho ông, hãy nên đọc kỹ, y theo đó mà tu. Nếu không có, nên gởi thư sang Hoằng Hóa Xã của chùa Báo Quốc ở [góc đường] Hộ Long và Xuyên Tâm để thỉnh. Nay tôi gởi kèm theo một bản danh sách để ông tự xem, hoặc cho người khác xem.

Lại nữa, bà họ Thích nhà họ Nguyễn[2], chắc cũng là em gái ông, nay đặt pháp danh cho bà ta là Đức Chánh, nghĩa là quyết định niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ấy là con đường chánh đại quang minh nhất để liễu sanh thoát tử, đừng nghe những tà tri tà kiến “luyện đan, vận khí, cầu trường sanh” và “trả nợ tiền Thọ Sanh, gởi kho, cầu làm quỷ” của kẻ thiếu hiểu biết để rồi uổng mất công phu, đánh mất lợi ích thật sự. Những lời vừa nói trên xin hãy bảo cho bà ta biết. “Nhân sanh thất thập cổ lai hy”[3] (Người sống được bảy mươi tuổi xưa nay hiếm) chính là câu nói vào thời Đường từ hơn một ngàn năm trước. Người bảy mươi tuổi, đừng coi thường, hờ hững chuyện niệm Phật thì mới có thể quyết định được vãng sanh.

***

[1] Địa Lý ở đây là thuật xem hướng mộ phần, chọn đất an táng để mong con cháu được vinh hiển, phú quý.

[2] Đây là cách gọi các phụ nữ đã có chồng khi xưa. Bà này họ Thích, về làm dâu họ Nguyễn nên được gọi là “Nguyễn môn Thích thị”.

[3] Đây là một câu thơ trích từ bài thơ Khúc Giang của Đỗ Phủ đời Đường. “Tửu trái tầm thường hành hữu xứ, nhân sanh thất thập cổ lai hy” (nợ nần chè rượu thường luôn thấy, sống đến bảy mươi dễ kiếm đâu!) Về sau, câu thơ này trở thành một thứ ngạn ngữ phổ biến trong dân gian để nói về sự hiếm hoi của những người sống thọ trên bảy mươi.