Thư gởi thầy Minh Bổn

(năm Dân Quốc 16 – 1927)

Căn bệnh chung của cả cõi đời hiện thời là nhờ công để lợi tư, khiến cho dân cùng khốn, nước nguy ngập, chiến tranh liên miên. Chúng ta xuất gia làm đệ tử Phật, cố nhiên phải lấy lòng bình đẳng đại từ, đại bi của đức Phật làm chí hướng, chẳng nên giữ mãi thói kiêu mạn tự đại của người tại gia, coi thường hết thảy, mặc tình xử sự, chẳng tuân theo lề lối cũ. Phải nghĩ chúng ta được trời che đất chở, được cha mẹ giáo dục, nếu chẳng bắt chước tấm lòng của trời đất, cha mẹ, sẽ thành kẻ nghịch trời trái lý, gây nhục sâu xa cho đấng sanh thành. Linh Nham[1] là đạo tràng cổ đã một ngàn một trăm năm, sau cơn biến loạn trở thành chốn hoang tàn. Tuy còn một ít kiến trúc, nhưng không có người chống đỡ, vẫn suy tàn như cũ. May là vào cuối thời Quang Tự, vị đại hộ pháp họ Nghiêm nghe tiếng thầy Chân[2] bèn nghênh thỉnh. Ấy là vì mong Sư sẽ khôi phục đạo tràng vậy. Thầy Chân tuy tiếp nhận, hiềm rằng các sự ràng buộc, chẳng thể đích thân trụ trì. Năm ngoái, Giới pháp sư[3] đến đây, Sư mừng tìm được người bèn giãi bày mọi lẽ, đích thân đưa lên núi để làm Trụ Trì. Lại còn thỉnh vời quan viên, thân sĩ, lên tiếng minh xác biến chùa này thành chốn thập phương thường trụ. Thầy Giới phẩm đức, học nghiệp, tiếng tăm đều xuất sắc, thật đáng làm khuôn phép cho hàng hậu học. Nay thầy đã đáp ứng lời thỉnh cầu [thuyết giảng một khoảng thời gian tại] Ngu Sơn, ông hãy nên hết sức gắng công thay thầy Giới lãnh chúng tu trì, chớ nên lẩn tránh, lười nhác, mong được an nhàn.

Phàm những ai đến núi này ở lại đều là người phát tâm tu đạo, ai nấy đều phải tích cực dụng công, khuyến khích, cổ vũ lẫn nhau, hòng được sự lợi ích “lệ trạch”[4], chẳng được rong chơi, chuyện gẫu, cũng như chẳng tuân theo quy củ nhà chùa, tự làm theo ý mình. Chùa này đã là chùa thập phương, con cháu của Tam Thánh Đường[5] sống ở đây cũng phải tu chung với đại chúng, đều cùng hưởng nhọc nhằn hay nhàn nhã, đều đồng cam cộng khổ. Nếu không, sẽ trở thành kẻ quấy loạn Thường Trụ, khinh dối thầy Chân. Đã là đồ đệ của thầy Chân thì hãy nên vô cùng đúng pháp để khỏi đến nỗi vì chính mình chẳng đúng pháp mà khiến cho người ta nói động đến thầy Chân. Nay dạy giản lược đại khái để làm căn cứ hòng duy trì tiền đồ vậy:

1) Thời thế bất ổn, chỉ nên nhất tâm tu đạo, chớ nên vọng động tính xây dựng. Nếu bất đắc dĩ thì chỉ nên xây dựng thêm nho nhỏ, cốt vừa đủ dùng là được, chớ nên xây cất nhiều, mong cho thật rộng lớn. Không những vì tài lực không đủ mà còn là để khỏi vì lẽ đó mà bị chuốc họa!

2) Đường đời gian nan, cơm áo ai nấy đều nên tiết kiệm. Chi phí cho Thường Trụ phải dựa theo thâu nhập mà chi tiêu. Nếu chẳng tiết kiệm, sau này khó duy trì được. Tất cả các khoản thâu vào chi ra đều phải phân minh, chớ nên mua sắm những vật phù phiếm, xa hoa: Một là phí tiền, hai là chuốc lấy tiếng chê bai. Phải dành dụm chỗ dư ra để bồi đắp chỗ thiếu hụt [sau này], chẳng được nói: “Có thầy Chân tiếp tế, cứ mặc tình tiêu xài phù phiếm”.

3) Khóa tụng hằng ngày nơi Phật đường nên y theo quy củ đã định hiện thời, tu trì thiết thực, nhưng chớ nên một mực chuyên chú dụng công nơi sự tướng, mà hãy nên tâm tâm niệm niệm đối trị những căn bệnh tập khí của chính mình. Làm được như thế thì mới thật sự là người niệm Phật. Nếu không, sẽ như bọt nước vỗ vào tảng đá, hoàn toàn chẳng có tâm đắc chi! Chỉ nên căn cứ theo quy củ Tịnh Độ thông thường, chớ có bày vẽ kiểu cách hoa dạng nào khác. Nếu có kẻ muốn lập dị, như đốt ngón tay, [dùng thân] đốt đèn, hãy thỉnh người đó đến chùa A Dục Vương[6] mà làm, núi này vĩnh viễn chẳng bày ra thói ấy.

4) Giới pháp sư đã nhận lời giảng dạy một thời gian ở Ngu Sơn, sợ rằng khó thể trở về ngay được, nhưng danh vị Trụ Trì vẫn thuộc về thầy Giới, chuyện lãnh chúng tu trì ông tạm thay thế. Phải nên hết sức siêng năng, cẩn thận, khiêm cung, chẳng nên tự đại tự cao. Ông là vãn bối, thay thầy ấy trông nom mọi việc, chẳng được nói năng dường như [chính mình là] vị Trụ Trì để đại chúng khâm phục tấm lòng rỗng rang của ông, đạo tâm càng thêm chân thành, thiết tha.

5) Phàm xử sự tiếp vật hãy nên khiêm hòa công bình, chẳng được cố chấp ý kiến của chính mình, mạt sát chánh lý. Cần nhất là mọi người khích lệ, khuyên lơn lẫn nhau tu ròng Tịnh nghiệp. Thường giảm lỗi mình, đừng bàn lỗi người, cực lực đối trị căn bệnh tập khí. Tập khí khử được một phần thì đạo nghiệp mới tăng được một phần. Chẳng được kiêu ngạo, luông tuồng, hãy chú ý giữ cho đúng chừng mực. Nói chung, phải chịu thương, chịu khó, an bần thủ phận.

6) Chùa này là chùa thập phương, dù ông mang vật gì đến cũng thuộc về thập phương, nên giữ tinh thần chí công vô tư. Phàm con cháu của Tam Thánh Đường trụ trong núi này cũng phải đả phá tình cảm riêng, đặt mình vào địa vị của mười phương Tăng chúng, chẳng được tự tiện cậy vào ý riêng để được hưởng sự ưu đãi, mặc sức phóng túng, hủy hoại quy củ đã thành lập. Nếu không, sẽ trở thành tội nhân trong Phật pháp, là oan gia của thầy Chân, hãy cho kẻ đó ra đi để khỏi bị người khác chê cười.

Thời sự gian nan, tiền đồ đáng lo, nếu chẳng có cách tốt đẹp thì sao trở thành đạo tràng cho được? Chỉ sợ ông có lẽ chưa nghĩ tới, cho nên mới dài dòng một phen. Lúc đầu vốn muốn nói chung chung, sau lại muốn cho rõ ràng dễ xem nên chia thành sáu điều, chẳng qua nhằm biểu thị tấm lòng ngu thành của Quang nhằm bảo vệ đạo tràng Linh Nham, xin chớ vì “vượt chén thay thớt”[7] mà chê cười thì Linh Nham may mắn lắm, mà thầy Chân cũng may mắn lắm!

 ***

[1] Chùa Linh Nham tên gọi đầy đủ là Linh Nham Sơn Tự, thuộc Ngô Huyện, Tô Châu. Khởi đầu từ Tư Không Lục Ngoạn biến nhà riêng thành chùa, nhưng rất nhỏ. Đến niên hiệu Thiên Giám (502-519) thời Lương Vũ Đế, chùa mới được mở rộng và mang tên là Tú Phong Tự. Theo kinh Đại Ai (ngài Trúc Pháp Hộ dịch), đây chính là đạo tràng ứng hóa của Trí Tích Bồ Tát. Vào thời Thiên Bảo (742-755) đời Đường Huyền Tông, tổ trung hưng tông Thiên Thai là ngài Đạo Tuân từng tu Pháp Hoa tam-muội tại chùa này. Đầu đời Tống, chùa trở thành học viện giới luật của Luật Tông. Vào thời Nguyên Phong (1078-1085), chùa trở thành thiền viện. Chùa bị cháy rụi chỉ còn sót lại một cái tháp đá vào năm Vạn Lịch 18 (1600) đời Minh Thần Tông. Sau khi được trùng tu, chùa lại bị loạn quân Thái Bình Thiên Quốc đốt phá một lần nữa. Mãi đến năm Tuyên Thống thứ ba (1911), hòa thượng Chân Đạt mới đứng ra dựng lại chùa như hiện nay.

[2] Thầy Chân (Chân sư) ở đây chính là hòa thượng Chân Đạt, vị trụ trì có công đứng ra trùng tu Linh Nham vào năm Tuyên Thống thứ ba (1911).

[3] Pháp sư Giới Trần (1878-1948) là người xứ Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, họ Khưu, tự là Địch Ngô, xuất gia năm mười chín tuổi, chuyên tu khổ hạnh, sống trong núi Chung Nam, toàn tâm toàn ý tu Thiền. Sau Sư chuyên tu niệm Phật. Dưới thời Quang Tự, Sư vào núi Kê Túc ở Vân Nam chuyên tu pháp Ban Châu Niệm Phật. Năm Dân Quốc thứ ba (1914), Sư đến mở Hoa Nghiêm Đại Học tại Hàng Châu. Về sau, Sư bế quan tại chùa Phật Thản ở Thường Thục, ngầm tu Tịnh nghiệp. Năm Dân Quốc thứ chín (1920), cùng với các vị Liễu Trần, Từ Châu v.v… lập Hoa Nghiêm Đại Học tại chùa Cửu Liên ở Hán Khẩu. Sư từng đảm nhiệm Trụ Trì chùa Linh Nham một thời gian. Sư thị tịch vào năm Dân Quốc 37 (1948) tại chùa Cùng Trúc ở Côn Minh, thọ 71 tuổi, pháp lạp 53 năm. Trước tác gồm Hoa Nghiêm Nhất Trích, Hoa Nghiêm Thất Xứ Cửu Hội Đồ, Liên Xã Minh Huấn, Tịnh Tông Yếu Ngữ v.v…

[4] Kinh Dịch có câu “Lệ Trạch Đoài, quân tử dữ bằng hữu giảng tập” (Lệ Trạch Đoài: quân tử cùng bè bạn nghiên cứu, tu tập) nên chữ “lệ trạch” thường dùng để chỉ bạn bè thân thiết, tốt lành cùng nhau học hỏi, nghiên cứu.

[5] Tam Thánh Đường tức Tây Phương Tam Thánh Đường, chỉ Niệm Phật Đường. “Con cháu Tam Thánh Đường” là những vị Tăng chuyên tu Tịnh nghiệp.

[6] Chùa A Dục Vương ở trên núi A Dục Vương thuộc huyện Cận tỉnh Chiết Giang. Theo truyền thuyết, vào năm Thái Khang thứ hai (281) đời Tấn Vũ Đế, có người tên là Lưu Tát Ha xứ Tinh Châu bị hôn mê trên núi, mộng thấy một vị tăng người Ấn Độ, cho biết tội ông ta sẽ đọa địa ngục, rồi khuyên ông ta nên đến đảnh lễ tháp của A Dục Vương (tháp thờ xá-lợi đức Phật do vua A Dục kiến tạo, sai quỷ thần đem chôn trong các nơi khắp Nam Thiệm Bộ Châu, khi nào Phật giáo hưng thạnh nơi ấy, tháp sẽ tự động trồi lên) để sám hối các tội. Ông này thức dậy bèn xuất gia, đổi tên là Huệ Đạt. Sư đi tìm tháp khắp nơi, nhưng không thấy, đau lòng than khóc. Một đêm, bỗng nghe dưới đất có tiếng chuông vẳng lên. Ba hôm sau, bảo tháp và xá-lợi từ dưới đất cùng vọt lên. Huệ Đạt bèn dựng chùa miếu phụng thờ tháp. Đó là căn nguyên của chùa A Dục Vương. Những người phỏng theo phẩm Dược Vương Bổn Sự trong kinh Pháp Hoa thường đến trước tháp xá-lợi lễ bái đốt ngón tay hay đốt cánh tay để cúng dường.

[7] “Việt tôn đại trở” (vượt chén rượu, thay đổi thớt) là một thành ngữ, thường dùng dưới dạng thông dụng hơn là “việt bào đại trở” (vượt quyền đầu bếp mà thay cái thớt). Tổ dùng thành ngữ này với ý tự khiêm, đối với Linh Nham, Ngài chỉ là một vị trưởng lão danh dự, không phải là Đương Gia hay Trụ Trì, không có tư cách gì lên mặt chỉ dạy vị quyền Trụ Trì là thầy Minh Bổn. Ngài khuyên dạy những lời này thì cũng giống như kẻ tự tiện vượt quyền, dạy dỗ người khác, cắt đặt quy củ theo ý mình, nên mới nói là “việt tôn đại trở”.