Thư gởi cư sĩ Nguyễn Hòa Khanh

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Trước kia, ông Trần Dự Đường gởi thư đến cho biết có sáu người thiện nữ xin quy y, nhờ gởi thư về cho các hạ để chia ra giao [cho những người ấy]. Lại nói: bà Thích nhà họ Nguyễn quy y lần trước, pháp danh Đức Chánh chính là phu nhân của các hạ. Biết cư sĩ học Phật nhiều năm, người nhà đều được cảm hóa, thật đáng bội phục. Chẳng biết cư sĩ có tin tưởng chắc chắn nơi pháp Tịnh Độ hoành siêu hay chăng? Nay đã có nhân duyên này, chẳng ngại bày tỏ đại lược nỗi lòng. Suốt một đời đức Như Lai đã nói ra vô lượng vô biên pháp môn, tìm lấy pháp trực tiếp, nhanh chóng nhất thì không gì hơn được tham Thiền. Nếu là bậc thượng căn, nghe một ngộ được cả ngàn, đắc Đại Tổng Trì[1], nhưng đấy vẫn còn là ngộ chứ chưa phải là chứng! Người có thể thật sự đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì trong đời Mạt quả thật chẳng thấy được mấy ai! Những kẻ khác phần nhiều đều là nhận lầm tin tức. Cái được gọi là Ngộ đó, phần nhiều đều là “thác ngộ” (lầm lẫn), ít có kẻ ngộ thật sự! Dẫu thật sự ngộ thì vẫn còn cách xa chuyện liễu sanh tử nhiều lắm! Vì tuy được khai ngộ, vẫn cần phải dùng đủ mọi phương tiện để đối trị phiền não tập khí từ bao kiếp đến nay khiến cho hết sạch không còn sót thì mới có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Nếu phiền não đã đoạn được chừng bao nhiêu đó, nhưng vẫn còn mảy may chưa đoạn hết thì vẫn cứ sanh tử y như cũ, không thoát ra được!

Nếu chỉ nghĩ “hiểu được tự tâm chính là đạo”, ngoài ra không tu trì gì cả thì sự hiểu lầm ấy chẳng nhỏ đâu! Nếu hiểu biết, [nhưng không thấy] có phiền não nào để được cả, thì có thể gọi là “đắc đạo”, người như vậy đã có thể chém đứt căn bản sanh tử cho nên có thể liễu sanh thoát tử. Nếu tuy hiểu biết, nhưng phiền não chưa đoạn thì làm sao có thể liễu sanh thoát tử cho được? So với kẻ chẳng nhận biết, tuy người ấy cao trỗi hơn nhiều lắm, nhưng sanh tử chẳng liễu thì lại phải thọ sanh, hoặc đâm ra mê muội, đáng sợ vô cùng! Đó là nói về người thật sự khai ngộ đấy nhé, còn những kẻ tưởng lầm là ngộ, càng khỏi cần phải nói đến nữa! Ấy là vì pháp Tham Thiền chính là pháp môn cậy vào Tự Lực, cho nên đem so với pháp môn Niệm Phật về mặt lợi ích thì thật chẳng khác nào một trời, một vực!

Pháp môn Niệm Phật chính là pháp môn đặc biệt trong những pháp môn [đã được giảng] trong suốt một đời đức Như Lai, thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi – độn. Bậc Thượng Thượng Căn như các vị đại Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền chẳng thể vượt ra ngoài pháp này, kẻ Hạ Hạ Căn như phường đại tội nhân Ngũ Nghịch, Thập Ác cũng có thể dự vào trong ấy. Chỉ cần có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì đều có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Nếu đã đắc tam-muội và đã đoạn dứt phiền não, hễ được vãng sanh sẽ liền dự vào địa vị đại Bồ Tát. Hết thảy pháp môn đều lưu xuất từ pháp môn này, hết thảy pháp môn đều quy hoàn pháp môn này (gọi là “vãng sanh Tây Phương để mong viên mãn Phật quả”). Dường như nông cạn nhưng sâu chẳng thể lường, tợ hồ nhỏ nhoi nhưng lớn lao không gì chẳng bao trùm. Mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh không vị nào chẳng cậy vào đạo thành thủy thành chung này.

Sợ cư sĩ chưa gặp được người thật sự biết Tịnh Độ, chắc sẽ coi pháp này là thiển cận, bèn chuyên dốc sức nơi pháp Thiền minh tâm kiến tánh, cho rằng “hiểu biết được tự tâm là đã giải quyết xong rồi”. Bởi thế, khôn ngăn dông dài một phen. Nếu lời Quang chẳng đáng tin, xin hãy đọc kỹ Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và bộ Văn Sao của Quang sẽ chẳng nghĩ Quang sai lầm, bịa đặt. Nếu thật sự biết sự hơn – kém giữa Phật lực và tự lực, chắc chắn chẳng đến nỗi vẫn còn chấp vào chuyện chỉ suy xét tự tâm, cho rằng “hiểu được [cái tâm] chính là đạo, chẳng cần phải niệm Phật cầu sanh Tây Phương”. Cổ nhân như sư Viên Quán[2] biết được quá khứ – vị lai vẫn chẳng thể liễu thoát. Sở ngộ về Thiền của Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh, người đời nay há có bén gót được chăng, nhưng họ vẫn phải thọ sanh trở lại! Do vậy, biết: Phàm phu quyết định phải tu pháp môn đặc biệt do đức Phật khai thị thì bất luận căn tánh như thế nào đều có thể liễu sanh thoát tử do cậy vào Phật lực vậy. Nếu cậy vào Tự Lực, sợ rằng có mộng cũng mộng không được! Chẳng biết cư sĩ có chịu tin lời này hay chăng?

***

[1] Tổng Trì (Dhāranī), còn dịch là Đà Ra Ni, Năng Trì, Năng Giá (có khả năng ngăn che), đều có nghĩa là huệ lực có khả năng gìn giữ, ghi nhớ hết thảy vô lượng Phật pháp chẳng quên mất. Hiểu theo nghĩa rộng, Tổng Trì có nghĩa là khả năng ghi nhớ không quên mất. Từ một nghĩa, một pháp có thể liên tưởng, nhớ được hết thảy pháp, hết thảy nghĩa, không quên mất, không sai sót. Theo Đại Trí Độ Luận, Tổng Trì gồm có bốn loại là Văn Trì Đà Ra Ni (năng lực nghe không quên mất), Phân Biệt Tri Đà Ra Ni (năng lực phân biệt biết hết thảy tà – chánh, tốt – xấu), Nhập Âm Thanh Đà Ra Ni (khả năng nghe hiểu hết thảy mọi ngôn ngữ âm thanh, nhưng không đắm trước, sân hận), Tự Nhập Môn Đà Ra Ni (nghe những chú ngữ bí mật liền có thể thông đạt Thật Tướng hết thảy các pháp). Du Già Sư Địa Luận lại nêu lên bốn loại khác là Ngữ Đà Ra Ni, Chú Đà Ra Ni, Nhẫn Đà Ra Ni và Nghĩa Đà Ra Ni. Do có nhiều loại Tổng Trì nên kinh luận thường nói là “vô lượng tổng trì môn”. Đại Tổng Trì là thông đạt bốn môn Tổng Trì nói trên.

[2] Viên Quán (còn có tên là Viên Trạch) là một vị cao tăng đời Đường, không rõ sanh năm nào, quê quán tại đâu. Sư sống tại thành Lạc Dương, bẩm tánh hoạt bát, chất phác, thích nghiên cứu Phật học, nhưng cũng rất ưa tạo tác tài sản thế gian. Sư mua được nhiều ruộng đất, vườn tược, nên người đương thời gọi Sư là Không Môn Nông Mục Phú Nhân (phú nông chăn nuôi giàu có trong cửa Thiền). Sư rất giỏi âm nhạc. Một người bạn tri giao của sư là Lý Nguyên, do cha là Lý Trừng bị giặc thảm sát, bèn cúng hết gia sản vào chùa Huệ Lâm. Mỗi bữa theo tăng chúng Huệ Lâm chỉ ăn một bữa. Lý Nguyên ham học tiên thuật luyện đan nên bèn khẩn khoản yêu cầu sư Viên Quán cùng sang Tứ Xuyên triều bái các núi Thanh Thành, Nga Mi v.v… để cầu tiên dược. Viên Quán muốn từ Trường An đi theo ngõ Tà Cốc, nhưng Lý Nguyên muốn từ Kinh Châu đi vào Tam Hiệp. Hai người cứ dùng dằng tranh chấp cả nửa năm không quyết định được. Đến khi Lý Nguyên cho biết ông ta không muốn theo đường Lạc Dương hay Trường An là vì không muốn chạm mặt những quan chức quen biết trong triều đình. Viên Quán bèn đồng ý đi theo lối Kinh Châu. Khi thuyền vừa đến Nam Phố, gặp nước ngược phải cắm thuyền, trông thấy một phụ nữ mặc áo gấm đội một cái vò nhỏ ra sông lấy nước, Viên Quán trông thấy bèn cúi đầu buồn khóc: “Sở dĩ ta không muốn đi con đường này là sợ gặp bà ta”. Lý Nguyên hỏi: “Từ khi vào đến Tam Hiệp, những phụ nữ ăn mặc như thế này cũng không hiếm. Sao với chỉ mình bà này, Sư lại khóc lóc?” Sư đáp: “Bà này họ Vương, sẽ là nơi ta thác sanh. Bà ta mang thai đã ba năm vẫn chưa sanh được, vì ta không chịu vào bụng mẹ. Nay đã trông thấy không thể trốn tránh được nữa! Đợi đến khi ta sanh xong, ba ngày sau đến thăm ta, ta sẽ cười một tiếng làm tin. Mười hai năm sau, đêm Trung Thu lại hẹn gặp nhau ngoài chùa Thiên Trúc ở Tiền Đường, Hàng Châu”. Sư nói xong liền tịch. Sự việc sau này xảy ra đúng như lời Viên Quán đã nói. Khi trở về chùa Huệ Lâm, Lý Nguyên thấy Sư đã ghi chép sẵn việc này trong một trang giấy kẹp trong một cuốn kinh, mới biết Sư biết trước nhân quả nhưng vẫn không thể nào tránh né được.