Thư gởi cho cư sĩ Lý Huệ Trừng bàn về chuyện [xử trí] tro thiêu hóa kinh và tiền vãng sanh

(năm Dân Quốc 23 – 1934)

Chuyện đốt kinh [cũ rách] tuy có công đức, nhưng chúng tôi chẳng dám đề xướng, bởi kẻ thô tâm thì nhiều, họ thường đốt lẫn với tro giấy vàng mã. Tro giấy vàng mã đem bán cho người buôn tro, họ sẽ lược tro giấy để giữ lại những mảnh thiếc đem bán, chẳng khác gì vứt tro kinh ấy vào đống rác hay chăng? Ai chịu cẩn thận dùng riêng vật dụng khác để thiêu, rồi đem tro ấy bỏ trong sông cái, biển cả hay chăng? Quang lúc mới xuất gia thấy [khi nhà chùa làm lễ] phóng Mông Sơn[1], đốt ngân phiếu, trong ấy có kèm thêm tiền vãng sanh (in chú Vãng Sanh giống như đồng tiền nên gọi là Vãng Sanh Tiền). Lúc thiêu thì đốt rồi cầm trên tay, khi lửa cháy đến tay không cầm được nữa bèn vứt đi, thường là chưa cháy hết, mỗi tờ có nhiều chữ chưa cháy.

Năm Quang Tự thứ mười sáu (1890), tại chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh, buổi sáng ra khỏi cửa chùa, thấy trong đống giấy đã đốt để tiễn cô hồn trong lễ Phóng Diệm Khẩu hồi đêm có xấp tiền Vãng Sanh dày độ hai tấc, chỉ cháy một nửa, Quang nhặt lấy bỏ trong sọt đựng giấy chữ. Nếu tro ấy bị kẻ hầu quét dọn thì có khác gì bị quăng trong đống rác hay chăng? Do vậy, biết rằng: Bất luận cách nào cũng đều cần phải có người cẩn thận để làm. Nếu người phô trương làm thì chưa được lợi ích mà đã bị họa trước! Mấy năm trước, chùa Thái Bình bán giùm kinh Kim Cang viết bằng chữ son[2] cho Tô Châu Ẩn Bần Hội thuộc chùa Linh Ẩn ở Tô Châu, hòa thượng Chân Đạt nghe Quang nói bèn thôi, chẳng bán nữa. Nếu có người tặng cho kinh Kim Cang viết bằng chữ son, bất tất phải đốt trong khi làm Phật sự, sợ rằng không có người chú tâm cẩn thận để lo toan thì sẽ mắc phải tội trên đây!

Hãy nên ở chỗ thanh tịnh trong nhà, dùng một cái nồi lớn hoặc một cái chậu sắt Tây to, phía dưới lót giấy thiếc, đặt kinh lên trên, phía trên lại phủ giấy thiếc để khỏi bị bay lung tung. Chờ khi lửa tắt, thu lấy tro ấy chứa trong đãy vải mới, bên trong lại bỏ thêm cát sạch, hoặc đá sạch, ngói sạch, bỏ nơi chỗ sâu trong sông hay biển, để khỏi mắc lỗi. Nếu chẳng bỏ thêm cát đá bên trong, [đãy tro] sẽ nổi lên không chìm, lại trôi tấp vào bờ, rốt cuộc bị ô uế. Đốt kinh mà dụng tâm như vậy ắt có công đức, ắt chẳng bị tội khiên. Nếu không, tôi chẳng dám nói!

Những kẻ đốt kinh kia, có ai không đốt lẫn với giấy vàng bạc? Ở phương Nam giấy vàng bạc tốt, người ta chẳng chịu đốt trên đất. Ở Bắc Kinh giấy vàng bạc xấu tệ, các chùa đều chẳng biết kính tiếc chữ. Hễ người ta làm Phật sự, thường hay đem sớ văn đốt trên đường trước cửa nhà, hoàn toàn chẳng dùng đồ chứa đựng. Người, thú giày xéo, lỗi ấy chẳng nhỏ! Tập quen thành thói, đáng đau xót thay! Đối với chuyện này, về phần chúng ta nên thầm lặng tự giữ.

Như khăn vuông lót tay để lễ Phật của nữ nhân ở phương Nam có in danh hiệu của Phật, Bồ Tát, trên đó có đóng dấu các chùa, trải lên đất để lễ Phật, hoặc dùng để lót ngồi. Phong tục xấu xa này lưu truyền khắp xa gần. Năm Quang Tự hai mươi mốt (1895), ở chùa A Dục Vương, Quang thấy một phụ nữ dùng miếng vải ấy để lót ngồi, do đấy, bèn nói với vị điện chủ điện Xá Lợi, điện chủ nói: “Đấy là phong tục của vùng này”, có ý cho rằng Quang lắm chuyện! Vì thế, trong Phổ Đà Chí có nói đến tội lỗi ấy, không biết có ai chịu lưu tâm hay chăng?

Thế gian chẳng biết có bao chuyện chẳng thể suy xét đến tận cùng, do đã thành thói quen, ai cũng cho là có lý. Như người ăn mặn cho kẻ ăn chay là không tốt lành, bất lợi cho con cháu; nếu ăn chay trường sẽ làm cho con cháu đoạn tuyệt! Rốt cuộc có kẻ tin theo, chẳng bằng lòng cho cha mẹ ăn chay trường. Những lời ngoa truyền ấy trọn khắp các nơi. Lại nữa, hễ có người sanh nở thì có kẻ niệm Phật trọn chẳng dám gần. Lại có người chẳng nhìn người chết, chẳng nhìn cô dâu mới cưới, cũng như phá địa ngục, phá huyết hồ, trả tiền Thọ Sanh. Những chuyện vô lý ấy, những ông sư phàm tục vì cầu lợi bèn làm cho người ta, kẻ vô tri vì để tiêu tội bèn bỏ tiền mời người làm, còn đối với pháp môn Niệm Phật thật sự được lợi ích lại coi thường!

Vào năm Dân Quốc 18 (1929), Long Tử Tu, Bộc Thu Thừa tính dùng một ngàn sáu hay một ngàn bảy trăm đồng để làm một hội Thủy Lục[3] tại Bảo Hoa Sơn, nói với Quang. Quang bảo đem tiền ấy để tổ chức Niệm Phật Thất, bọn họ liền bỏ đi không làm, chỉ dùng mấy trăm đồng để niệm Phật. Nếu Quang tán thành họ làm đàn Thủy Lục thì hai người [mỗi người] đều phải tốn hơn tám trăm đồng, đủ thấy người thế gian phần nhiều thích chuyện náo nhiệt phô trương, chứ không phải là chân thật cầu siêu cho người đã khuất và phổ độ cô hồn! Giấy vàng bạc cũng chớ nên bỏ, mà cũng không nhất định phải thiêu bao nhiêu. Cần biết: Đây là thứ dùng để cứu giúp cô hồn, chứ Phật Bồ Tát và người vãng sanh trọn chẳng dùng đến. Cũng là nhờ Phật lực, pháp lực, tâm lực mà biến ít thành nhiều. Nếu mỗi người đều được một tờ thì dù số đến ngàn vạn vạn tờ cũng chẳng thể trọn khắp được vì cô hồn và quỷ thần trọn khắp hư không vậy! Nếu biết nghĩa “biến ít thành nhiều” thì cái tâm cứu tế cô hồn cũng trọn hết, mà cũng không mắc lỗi quá sức phung phí. Ấy là do lòng ai nấy chí thành làm thì tâm lực trọn khắp, của cải trong cõi âm cũng được trọn khắp theo!

***

[1] Mông Sơn Thí Thực là một khoa nghi thí thực cho cô hồn. Mông Sơn nay thuộc huyện Danh Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Vào đời Tống, có Bất Động Thượng Sư sống trên núi này, được thế gian xưng tặng là Cam Lộ đại sư. Để phổ tế cô hồn, Sư tập hợp những điểm chánh yếu trong khoa nghi Du Già Diệm Khẩu và các kinh phổ thí cô hồn trong Mật Tạng soạn thành khoa Mông Sơn Thí Thực. Khoa nghi này thường được các chùa tụng niệm vào khóa chiều một cách đơn giản, phẩm vật cúng thí thường chỉ là gạo muối hay cháo. Cận đại, Hưng Từ pháp sư đề xướng thêm vào đấy sáu phen khai thị, nên khoa nghi mới này được gọi là Đại Mông Sơn Thí Thực để phân biệt với khoa nghi Mông Sơn thường dùng. Trong Đại Mông Sơn Thí Thực, phải lập pháp đàn, thờ tượng Phật, bày nhiều hương hoa, vật cúng, gạo trắng, nước trong, cung thỉnh vị Tăng có phẩm đức thuyết pháp khai thị. Trước đàn chánh bày đài cô hồn và thờ bài vị của các vong linh trong mười phương pháp giới. Sau khi dâng hương bèn dùng vải vàng bọc quanh đài cô hồn để quỷ thần tụ vào đó lễ bái, nghe pháp thọ thực, không bị chướng ngại. Giờ cử hành pháp sự thường vào hai giờ Tuất và Hợi.

[2] Đây là một tục lệ kỳ quặc của Phật môn Trung Hoa vùng Hoa Nam. Kinh Kim Cang viết bằng chữ son thường được đốt trong các pháp sự cầu siêu để thí cho quỷ thần. Ẩn Bần Hội (hội giúp đỡ người nghèo) gây quỹ bằng cách nhờ các chùa bán loại kinh Kim Cang viết bằng chữ son này.

[3] Thủy Lục là pháp hội thí thực cho ngạ quỷ cũng như hết thảy những sinh vật sống trên đất, dưới nước nhằm cứu bạt các loài quỷ. Theo Thích Môn Chánh Thống, quyển 4: “Gọi tên là Thủy Lục là do ý nghĩa ‘chư tiên đến ăn trong các dòng nước, quỷ đến ăn nơi đất sạch”. Duyên khởi của pháp hội này là do Tiêu Diễn (Lương Vũ Đế) mộng thấy thần tăng dạy lập trai hội nhằm phổ tế quần linh trong lục đạo tứ sanh. Vua bèn cầu cao tăng đọc khắp các kinh điển, y theo chuyện A Nan gặp quỷ Diện Nhiên, thiết lập pháp hội thí thực bình đẳng, soạn ra khoa nghi. Theo Phật Tổ Thống Ký, pháp hội Thủy Lục đầu tiên được cử hành tại chùa Kim Sơn vào năm Thiên Giám thứ tư (505) đời Hậu Lương. Về sau khoa nghi này thất truyền. Đến niên hiệu Hàm Thuần đời Đường, pháp sư Đạo Anh chùa Pháp Hải tại Trường An được dị nhân chỉ điểm, tìm lại được khoa nghi bèn tổ chức và lưu truyền pháp hội này.