thứ đệ chứng

Phật Quang Đại Từ Điển

(次第證) Cũng gọi Thứ đệ đoạn. Hàng Thanh văn Tiểu thừa thứ lớp tu hành trải qua các giai vị Tứ hướng Tứ quả để chứng được quả vị A la hán, gọi là Thứ đệ chứng. Trái lại, người không trải qua giai vị Tứ hướng, nhưng vượt ngaylên từ Sơ quả đến Tam quả để chứng quả vị A la hán thì gọi là Siêu việt chứng, Siêu việt đoạn (gọi tắt là Siêu chứng). Hàng phàm phu từ Kiến đạo trở xuống, do mức độ tu trì 6 hành quán hữu lậu, đoạn trừ 9 phẩm Tu hoặc ở cõi Dục có khác nhau, cho nên sự chứng ngộ cũng có Thứ đệ chứng và Siêu việt chứng khác nhau. Cứ theo luận Câu xá quyển 23, 24, người đã đoạn trừ và chưa đoạn trừ 5 phẩm Tu hoặc trước của cõi Dục cũng nhập vào Kiến đạo, gọi là Dự lưu hướng; nhưng đoạn đến 6, 7, 8 phẩm thì trở thành Nhất lai hướng; đoạn đến phẩm thứ 9 và đoạn cả Tu hoặc của cõi Sắc, cõi Vô sắc (trừ Hữu đính địa) thì gọi là Bất hoàn hướng, khi đến tâm thứ 16 lúc Kiến đạo kết thúc(tức lúc bắt đầu vào Tu đạo) thì lần lượt chứng được quả Nhất lai, quả Bất hoàn, các bậc Thánh này được gọi là Siêu việt Nhất lai hoặc siêu việt Bất hoàn. Đồng thời, tùy theo mức độ lìa bỏ các phiền não trong cõi Dục như tham… mà có danh xưng khác nhau, bậc Thánh siêu việt Nhất lai gọi là Bội li dục, bậc Thánhsiêu việt Bất hoàn gọi là Toàn li dục. Bội nghĩa là lìa bỏ tham dục gấp bội số lần của người tu chứng theo thứ lớp; còn toàn thì chỉ cho sự hoàn toàn xa lìa các phiền não cõi Dục.[X. luận Câu xá Q.3, 21]. (xt. Siêu Việt Chứng).