thụ chức quán đỉnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(受職灌頂) I. Thụ Chức Quán Đính. Cũng gọi Truyền pháp quán đính, Đắc a xà lê vị quán đính, truyền giáo pháp đính. Gọi tắt: Thụ chức. Đối với các đệ tử đủ học vấn và đức hạnh, xứng đáng được chức vị A xà lê trong Mật giáo thì cho vào đàn Truyền pháp quán đính để thụ quán đính. Pháp được truyền thụ là Nghi quĩ minh pháp của Phổ môn Đại nhật và Chân ngôn sâu kín nhất. Tác pháp trao truyền như sau: Người thụ quán đính trước hết là tu gia hạnh, sau đó, vào đạo tràng Quán đính, cầm hoa gieo vào Mạn đồ la, nếu gieo trúng đức Đại nhật, đức Di đà… thì đức Phật ấy sẽ truyền trao pháp này cho đệ tử; vị A xà lê lấy nước trong bình Ngũ trí rưới lên đầu đệ tử, trao cho pháp cụ tương thừa. Sau đó, đệ tử lễ chư Tôn trong Mạn đồ la, lễ xong, đệ tử tự lên ngồi trên tòa A xà lê, đồng thời kết ấn Đại nhật Như lai, tự tu hành giác ngộ đã thành Đại nhật Như lai. Đây là địa vị tu hành tột cùng lớn nhất trong Mật giáo, mang ý nghĩa là thân này do cha mẹ sinh ra đã mau chóng chứng được địa vị Đại giác. Ngoài ra, nhận lãnh quán đính, gọi là Nhập đàn (vào đàn), người nhập đàn gọi là Quán đính thụ giả (người nhận quán đính); người dẫn đệ tử nhận quán đính vào đạo tràng, chỉ dạy phép tắc quán đính, đồng thời điều khiển uy nghi tiến thoái, gọi là Quán đính giáo thụ sư; người phụ trách việc truyền trao quán đính, gọi là Quán đính đại A xà lê. Vị A xà lê gia trì cho người nhận quán đính, gọi là Thụ giả gia trì; ấn khế được trao cho người nhận lúc gia trì, gọi là Thụ giả gia trì ấn; dâng 6 thứ vật cúng như hoa, hương… cúng dường người thụ quán đính, gọi là Thụ giả cúng dường. [X. Đại nhật kinh sớ Q.15]. (xt. Truyền Pháp Quán Đính, Quán Đính). II. Thụ Chức Quán Đính. Lúc Bồtát từ Địa thứ 9 tiến lên địa Pháp vân thứ 10 thì chư Phật dùng nước trí rưới lên đầu vị ấy để làm chứng cho việc nhận lãnh chức Pháp vương. [X. phẩm Thập địa kinh Hoa nghiêm Q.27 (bản dịch cũ); Thiênthai tứ giáo nghi tập chú Q. hạ].