thông giáo tứ môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(通教四門) Bốn môn quán của Thông giáo. Sở học của hành giả thuộc Thông giáo, tuy cùnglà lí các pháp như huyễn; nhân duyên tức không, nhưng về pháp quán thì có 4 môn khác nhau.Đó là: 1. Hữu môn(cũng gọi Thực môn): Các pháp như huyễn tức không, vì thế Hữu chính là Không, Không cũng chính là Hữu. Tuy nhiên, Hữu môn dùng Hữu tức không làm con đường vào đạo. Nghĩa là tuy chủ trương các pháp nghiệp quả thiện ác đều như huyễn như hóa, như bóng trong gương không có thực tính, nhưng vẫn có nhận biết về các tướng hư dối. 2. Không môn(cũng gọi Bất thực môn): Dùng cái Không của Tức hữu làm con đường vào đạo; cũng chính là cái như huyễn như hóa vốn tự chẳng thực, vì chẳng thực nên là không, như tìm bắt bóng trong gương, chẳng thể nào được. 3.Diệc hữu diệc không môn(cũng gọi Diệc hữu diệc bất thực môn): Tức chiếu rọi suốt cả Không và Hữu mà vào đạo. Nghĩa là các pháp như huyễn nên gọi là Hữu, huyễn bất khả đắc nên gọi là Không; như bóng trong gương tuy thấy đấy nhưng thực thì không thấy được, tuy không thấy được nhưng mà có thấy. 4. Phi hữu phi không môn (cũng gọi Phi thực phi bất thực môn): Chẳng phải thật chẳng phải chẳng thật. Nghĩa là cái có giả không thể nắm bắt được, cái không giả cũng không thể có được, như vậy, ngăn cả Không, Hữu mà vào đạo; tức cả 2 bên đều bỏ. Theo Tứ giáo nghĩa quyển 3 thì 4 môn này của Thông giáo chính là 4 môn được nói trong luận Đại trí độ quyển 1. Đó là: Tất cả thật, Tất cả chẳng thật,Tất cả cũng thật cũng chẳng thật, Tất cả chẳng thật chẳng phải chẳng thật. [X.luận Đại trí độ Q.2; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.8, hạ].