thông giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(通教) Một trong 4 giáo của tông Thiên thai, tức giáo thứ 2 của 4 giáo Hóa pháp trong 5 thời 8 giáo. Giáo này lấy nhân duyên tức không nói trong 2 thời Phương đẳng, Bát nhã và Tứ đế vô sinh làm giáo chỉ. Trong Tứ giáo nghĩa quyển 1, Pháp hoa huyền nghĩa quyển 3 hạ và Tứ niệm xứ quyển 2 của ngài Trí khải, chữ Thông của Thông giáo có các giải thích khác nhau: Cứ theo Tứ giáo nghĩa quyển 1 thì Thông của Thông giáo có 8 nghĩa: 1. Giáo thông: Đây là giáo pháp 3 thừa cùng tu. 2. Lí thông: Ba thừa cùng thấy lí thiên chân(thiên về bên không). 3. Trí thông: Ba thừa cùng được Nhất thiết trí khéo độ. 4. Đoạn thông: Ba thừa cùng đoạn trừ Kiến hoặc, Tư hoặc trong 3 cõi. 5. Hạnh thông: Ba thừa cùng tu hạnh kiến, tư vô lậu. 6. Vị thông: Ba thừa cùng trải qua các giai vị Can tuệ cho đến Bích chi Phật. 7. Nhân thông:Ba thừa cùng lấy 9 vô ngại làm nhân. 8. Quả thông: Ba thừa cùng được 9 thứ giải thoát và 2 thứ Niết bàn. Sở dĩ giáo pháp này được gọi là Thông giáo chứ không gọi là Cộng giáo là vì giáo ý chẳng những gần thì chung cho Nhị thừa, mà xa còn thông với Biệt giáo, Viên giáo.Theo Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 3 hạ thì Thông của Thông giáo có 2 nghĩa: 1. Nghĩa ba thừa cùng học: Tức 3 thừa của Tạng giáo đều có sở học khác nhau là Tứ đế, Thập nhị nhân duyên và Lục độ; còn 3 thừa của Thông giáo cùng tu Đế, Duyên, Độ, đều thấy lí Đương thể tức không nên gọi là Thông. 2. Nghĩa riêng về Bồ tát có Thông tiền Thông hậu: Bồ tát của Thông giáo có 2 loại là Lợi và Độn, Bồ tát độn căn và Bồ tát của Tạng giáo nói trên, cùng chứng Niết bànđãn không, gọi là Thông tiền Tạng giáo, Độn đồng Nhị thừa(độn căn giống như Nhị thừa); còn các Bồ tát lợi căn khi nghe thuyết Đương thể tức không thì biết ngay nghĩa bất đãn không, thông với lí Trung đạo thực tướng nói trong Biệt giáo và Viên giáo sau đó, gọi là Thông hậu Biệt, Viên. Như vậy chỉ riêng với Bồ tát mới có nghĩa Thông tiền thông hậu, cho nên gọi là Thông giáo.Cứ theo Tứ niệm xứ quyển 2 thì Thông có 3 nghĩa, gọi là Tam thông. Đó là: 1. Nhân quả đều thông: Chỉ cho hàng Tam thừa cùng tu nhân và cùng được quả giống nhau. 2. Nhân thông quả không thông: Chỉ cho hàng Bồ tát lợi căn, ban đầu thì Tam thừa cùng học, về sau theo thứ tự được tiếp nhập vào Biệt giáo, Viên giáo. 3. Thông Biệt Thông Viên: Chỉ cho người mượn Thông giáo để mở đường, tuy vốn là căn cơ Biệt, Viên, nhưng dùng Đương thể tức không của Thông giáo làm phương tiện để mở đường cho trí hiểu biết về Trung đạo của Biệt giáo, Viên giáo. Trong 4 giáo Hóa pháp thì Tạng giáo và Thông giáo có khác nhau, vì Tạng giáo cho rằng giáo pháp của mỗi thừa trong 3 thừa đều khác nhau, quán pháp cũng bất đồng, như Thanh văn quán 4 đế, Duyên giác, quán 12 nhân duyên, Bồ tát tu hạnh 6 độ; giai vị tu hành cũng đều khác nhau, mục đích chính là giáo hóa Nhị thừa, mục đích phụ là giáo hóa Bồ tát; còn Thông giáo thì 3 thừa cùng tu Bát nhã, cũng quản lí nhân duyên tức không, đoạn hoặc, chứng trí và giai vị tu hành đều giống nhau, mục đích chính là giáo hóa Bồ tát, mục đích phụ là giáo hóa Nhị thừa, vì thế nên Tạng giáo và Thông giáo khác nhau. Nhưng tông Thiên thai cho rằng Tạng giáo và Thông giáo đều là giáo thuộc 3 cõi, đều đoạn trừ Kiến hoặc và Tư hoặc, thấy Không lí thiên chân, chỉ ra khỏi Phần đoạn sinh tử trong 3 cõi; trong đó, căn cơ của Tạng giáo thuộc về độn căn, tức chia chẻ sắc mới biết không, nên gọi là Chuyết độ(vụng độ)trong 3 cõi; đối lại với hàng độn căn của Tạng giáo, căn cơ của Thông giáo thuộc về lợi căn, tức quán đương thể chính là không, chứ không cần chia chẻ sắc mới thấy không, cho nên được gọi là Xảođộ(khéo độ) trong 3 cõi. Hơn nữa, Thông giáo tuy nói Không nhưng trong đó tự bao hàm lí Trung đạo, cho nên Bồ tát thấy lí ấy mà được tiếp nhận vào Biệt giáo, Viên giáo ở sau, gọi là Biệt tiếp Thông, Viên tiếp Thông. Đây chính là lí do cắt nghĩa tại sao Thông giáo lại được xem là cánh cửa đầu tiên của Đại thừa. Ngoài ra, nếu phối hợp giai vị tu hành của các Bồ tát nói trên thì Thập địa là 10 địa của 3 thừa tu chung, Thanh văn và Bồ tát độn căn ở Địa thứ 7, Duyên giác ở Địa thứ 8 đều là khôi thân diệt trí. Trong hàng Bồ tát lợi căn thì các vị thuộc về Thượng căn ở Địa thứ 4, các vị thuộc trung căn ở Địa thứ 5 hoặc Địa thứ 6, các vị thuộc hạ căn ở Địa thứ 7, hoặc Địa thứ 8 được tiếp nhập vào Biệt giáo, Viên giáo sau Thông giáo, cho nên Bồ tát Địa thứ 9 và Phật Địa thứ 10 không có Phật và Bồ tát thực tại gọi là Hữu giáo vô nhân, Quả đầu vô nhân. [X. Tam luận huyền nghĩa; Pháp hoa huyền luận Q.3]. (xt. Thập Địa, Hóa Pháp Tứ Giáo].