thông đạt vị

Phật Quang Đại Từ Điển

(通達位) Cũng gọi Kiến đạo vị, Kiến vị, Kiến địa.Chỉ cho giai vị thông đạt chân như, là 1 trong 5 giai vị tu hành(Duy thức ngũ vị) để ngộ nhập Chân như duy thức do tông Duy thức lập ra. Tức ở giai vị này, Bồ tát đã chứng được trí Vô phân biệt, dứt trừ tất cả tâm phân biệt về năng thủ, sở thủ, thể nhập pháp giới bình đẳng. Nghĩa là trongThế đệ nhất pháp(1 trong 4 giai vị Thiện căn), hành giả nương theo định Vô gián, sinh khởi trí như thực thượng phẩm, ấn chứng lí không của năng thủ, sở thủ, được trí vô phân biệt căn bản, xa lìa tâm sở đắc(tâm còn thấy có cái để được), chứng biết rõ ràng chân lí Nhân không, Pháp không, đoạn trừ tùy miên phân biệt về Phiền não chướng và Sở tri chướng, chân chính trụ trong thực tính Duy thức gọi là Thông đạt vị. Theo luận Thành duy thức quyển 9 thì giai vị này có Chân kiến đạo và Tướng kiến đạo khác nhau. Chân kiến đạo là trí vô phân biệt căn bản, thực chứng chân như của tính Duy thức, đoạn trừ Tùy miên phân biệt, tuy trải qua nhiều sát na mới được rốt ráo nhưng tướng của các sát na ấy bằng nhau, cho nên gọi chung là Nhất tâm chân kiến đạo. Còn Tướng kiến đạo thì thuộc về trí Hậu đắc, tức chứng được tướng Duy thức. Tướng kiến đạo lại còn có Hành tướng tướng kiến đạo và Cửu tâm tướng kiến đạo khác nhau. Hành tướng tướngkiến đạo lại chia làm 3 tâm tướng kiến đạo và 16 tâm tướng kiến đạo. Khi Bồ tát vào Chân kiến đạo và Tướng kiến đạo thì liền sinh trong nhà Như lai, trụ nơi Cực hỉ địa (Sơ địa). [X. phẩm Chân thực trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận]. (xt. Kiến Đạo).