thông biệt

Phật Quang Đại Từ Điển

(通別) Cũng gọi Thông cục. Thông là cùng chung một nghĩa tướng; Biệt là mỗi mỗi khác nhau; còn Cục thì có nghĩa hạn cục ở một bộ phận nào đó. Từ ngữ Thông Biệt trước nay thường được dùng trong các nghĩa môn. Trong 5 thời giáo của mình, ngài Tuệ quán đời Lưu Tống lập các danh mục Tam thừa biệt giáo, Tam thừa thông giáo; trong Tam luận huyền nghĩa, ngài Cát tạng chia ra Thông luận, Biệt luận để phá trừ sự mê lầm của Đại thừa và Tiểu thừa; trong Duy ma kinh sớ quyển 21, ngài Trí khải chia 3 quán Không, Giả, Trung làm Thông tướng và Biệt tướng; trong luận Tịnh độ quyển thượng, ngài Ca tài chia nhân của sự vãng sinh làm Thông nhân, Biệt nhân; trong Phạm võng bồ tát giới quyển thượng, ngài Nghĩa tịch cũng chia pháp thụ giới làm Thông thụ và Biệt thụ. Ngoài ra, xưa nay còn có Thông tự biệt tự, Thông giải biệt giải… những ví dụ chứng minh còn nhiều, không thể kể hết. [X.luận Thập bát không; phẩm Tự thể tướng trong luận Phật tính Q.2; Đại thừa nghĩa chương Q.2; Thắng man bảo quật Q.thượng, phần đầu].