thọ

Phật Quang Đại Từ Điển

(壽) Phạm:Àyus. Đồng nghĩa với Mệnh (Phạm: Jìvita), Mệnh căn, nên cũng gọi Thọ mệnh (sự sống). Tức chỉ cho thời kì kéo dài liên tục do các hành vi(nghiệp lực)tạo tác trước kia mà sinh ra cõi đời này cho đến lúc chết, có tác dụng duy trì Noãn (hơi ấm trong thân) và Thức(tâm thức) của thân thể người ta. Tông Câu xá và tông Duy thức xếp mệnh căn vào làm 1 trong các pháp Bất tương ứng hành. Như thế thì Thọ duy trì Noãn và Thức; Noãn và Thức lại duy trì Thọ, cả hai đều có mối quan hệ nương nhau, nhưng lúc sắp chết thì cả 3 Thọ, Noãn, Thức cuối cùng đều ra khỏi nhục thể, là lúc con người chết hẳn. Về sự đồng (giống nhau) và dị (khác nhau) giữa Thọ và Mệnh có nhiều thuyết khác nhau. Luận Đại tì bà sa quyển 126 nêu ra những 14 thuyết, trong đó luận Câu xá quyển 3 chỉ lấy 3 thuyết chủ yếu. Đó là: 1. Thọ và Mệnh không khác, có xuất xứ từ Phẩm loại túc luận quyển 15, luận Phát trí quyển 14. 2. Lấy nghiệp quả của đời trước làm Thọ và lấy nghiệp quả đời này làm Mệnh, đây là thuyết thứ 14 trong luận Bà sa, do tôn giả Diệu âm chủ xướng. 3. Cho trụ lại trong thờikì lâu dài là Thọ, cho tạm trụ trong sát na là Mệnh, đây là thuyết thứ 6 trong luận Bà sa. Trong 3 thuyết trên, luận Câu xá lấy thuyết thứ nhất, các nhà Duy thức cũng theo thuyết thứ nhất, còn các sư tông Thiên thai thì lấy thuyết thứ ba, tức xuất xứ từ Duy thức luận thuật kí quyển 2, phần đầu và Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 1 phần 4. Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 7,phần 3 (Đại 46, 374 thượng) nói: Một thời kì là Thọ, kéo dài liên tục là Mệnh; kéo dài liên tục trong một thời kì, hơi thở không dứt đoạn, cho nên hơi thở ra vào gọi là thọ mệnh. Theo thuyết của Câu xá luận quang kí quyển 5 thì Mệnh nghĩa là sống, nêu rõ nghĩa niệm niệm tương tục; Thọ nghĩa là kì gian, nói lên nghĩa trụ lại một kì. Về Thể của Thọ mệnh thì phái Thắng luận ở Ấn độ đem xếp vào Hành của Đức cú nghĩa trong 10 cú nghĩa, cái gọi là Hành tức có nghĩa là thế dụng, bởi vì sự kéo dài liên tục là nương vào Hành lực (sức đi), ví như thời gian của mũi tên bắn ra mà chưa rơi xuống đất thì nó còn thế dụng đi mãi không ngừng. Chính lượng bộ chủ trương Thọ mệnh có thực thể trụ lại qua thời gian lâu dài, cho nên hữu tình sống còn, sự bắt đầu của thực thể thọ mệnh là Sinh, sự kết thúc của thực thể thọ mệnh là Diệt,giữa khoảng sinh, diệt là Trụ, Dị. Còn thuyết Nhất thiết hữu bộ thì cho rằng Thọ có biệt pháp, tức mệnh căn, có thực thể, có năng lực duy trì Noãn, Thức. Kinh bộ cũng chủ trương Thọ có biệt pháp, nhưng cách nhìn hơi khác, cho rằng cái thế phần khi đồng phần(nhân xoay vần giống nhau về thân hình, nghiệp dụng, lạc thú, của các hữu tình)bị nghiệp đời trước dắt dẫn mà trụ lại, gọi là Thọ; ví như ngũ cốc, nhờ thế phần của sức sống liên tục mà hạt giống từ lúc nảy mầm đến lúc chín không mục nát. Thuyết của luận Thành thực và luận Duy thức đại khái cũng giống với Kinh bộ, nhất là quan điểm luận Duy thức, cho rằng chủng tử danh ngôn của thức thứ 8 thân sinh bị nghiệp đời trước dắt dẫn mà duy trì công năng sai khác của thân. Đại, Tiểu thừa đều cho rằng Thể của Thọ chính là mệnh căn, nhưng sự giải thích về mệnh căn của mỗi bên lại khác nhau. Theo Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 15, Mệnh lại có thể được chia làm 3 loại:1. Báo mệnh: Trong lúc chưa bỏ Noãn, Thức, Chúng đồng phần chưa dứt và lấy Bất tương ứng hành làm tính, thì Thọ mệnh chịu quả báo của nghiệp đời trước, nên gọi là Báo mệnh. 2. Giới mệnh: Không phá giới, cho nên không mất pháp tỉ khưu. Vì tỉ khưu lấy giới hạnh làm sinh mệnh, nên lấy tịnh giới làm Thể, vì thế Giới mệnh cũng gọi là Tịnh mệnh. Trái lại, người không giữ giới, nương vào tà kiến mà sống, gọi là Tà mệnh. 3. Tuệ mệnh: Nhờ không buông lung, phóng túng nên không đánh mất chính pháp, mà lấy chính tuệ làm sinh mệnh, gọi là Tuệ mệnh. [X.luận Câu xá Q.5, Phẩm loại túc luận Q.1; luận Thành duy thức Q.1; Ma ha chỉ quán Q.4 hạ; Huyền ứng âm nghĩa Q.2]. (xt. Thọ Noãn Thức).