thỉnh vũ pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(請雨法) Cũng gọi Kì vũ pháp. Khất vũ pháp. Pháp cầu mưa. Đặc biệt chỉ cho pháp tu y theo kinh Thỉnh vũ, vì thế cũng gọi là Thỉnh vũ kinh pháp. Tức là pháp tu cầu mưa cho ngũ cốc xanh tốt nói trong kinh Đại vân luân thỉnh vũ và kinh Đại khổng tước chú vương. Đây là pháp tu dựa theo các kinh và nghi quĩ của Mật giáo. Pháp hội được cử hành ở bên bờ ao, bờ suối, chung quanh vây màn màu xanh, bên trong màn lập đàn, cử hành đúng như pháp. Mạn đồ la trong pháp tu này vẽ hình Long vương… chính giữa là Phật Thích ca, gọi là Thỉnh vũ kinh mạn đồ la. Pháp Thỉnh vũ từ xưa được cử hành ở Ấn độ, ngài Trúc pháp hộ đời Tây Tấn từng dịch kinh Hải long vương 4 quyển. Còn điều Ca tất thí quốc trong Đại đường tây vực kí quyển 1 nói rằng: Trên đỉnh núi Đại tuyết có 1 cái ao, ở đó cầu mưa, cầu tạnh mưa, đều được linh ứng.ỞTrung quốc sớm đã truyền thừa pháp này, như truyện ngài Phật đồ trừng trong Lương cao tăng truyện quyển 9 ghi rằng, trong năm Kiến vũ đời Hậu triệu, Thạch hổ thỉnh ngài Phật đồ trừng cầu mưa, ngày hôm ấy, cả một vùng rộng vài nghìn dặm đều có mưa lớn. Lại theo truyện ngài Kim cương trí trong Tống cao tăng truyện quyển 1 thì vào năm Khai nguyên thứ 7 (719), suốt từ tháng giêng đến tháng 5 trời không mưa, nhà vua thỉnh ngài Kim cương trí cầu mưa, ngài liền y theo pháp Bất không câu bồ tát lập đàn, vẽ tượng bồ tát Thất câu chi để cầu mưa, quả nhiên đến chiều ngày thứ 7 thì mưa trút xuống như thác đổ, xa gần đều kinh ngạc. Còn truyện ngài Thiện vô úy trong Tống cao tăng truyện quyển 2 cũng ghi việc ngài Thiện vô úy vâng sắc cầu mưa. Ngoài ra, như Đại đường cố đại đức tặng Tư không đại biện chính Quảng trí bất không tam tạng hành trạng, Pháp uyển châu lâm quyển 60… cũng có ghi chép việc cầu mưa. Nhìn chung những điều đã nói ở trên thì ta biết ở Ấn độ, Trung quốc từ xưa, việc cầu mưa đã thịnh hành. Ở Nhật bản thì pháp Thỉnh vũ lấy pháp kinh Thỉnh vũ và pháp kinh Khổng tước làm chính. Năm Suy cổ Thiên hoàng 33 (625), vị tăng Cao li tên là Tuệ quán đã tu pháp cầu mưa, đó là lần tu pháp Thỉnh vũ đầu tiên ở Nhật bản.[X. kinh Đại vân luân thỉnh vũ Q.thượng; phẩm Thỉnh vũ trong kinh Đại phương đẳng đại vân; Đại vân kinh kì vũ đàn pháp; Đà la ni tạp tập Q.5; kinh Đại khổng tước chú vương Q.thượng; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.14].