thỉnh ích

Phật Quang Đại Từ Điển

(請益) Người học xin thầy chỉ dạy. Vốn là tiếng dùng trong sách Lễ kí, Luận ngữ của Nho gia. Lễ kí ghi: Thỉnh nghiệp thì đứng dậy, thỉnh ích thì đứng dậy. Trong Thiền lâm, thông thường, người học sau khi thụ giáo, đối với những điều chưa được thấu triệt rõ ràng, lại xin thầy chỉ dạy thêm, gọi là Thỉnh ích. Về phépThỉnh ích có qui định rõ ràng, tỉ mỉ. Điều Thỉnh ích, chương Đại chúng trong Sắc tuBách trượng thanh qui quyển 5 (Đại 48, 1143 hạ) nói: Hễ người muốn thỉnh ích thì trước nên nhờ vị Thị giả thưa với vị Trụ trì: Tối nay, có Thượng tọa tên là…muốn đến Phương trượng thỉnh ích. Nếu được chấp thuận thì sau khi đánh chuông, vị ấy đến Thị ti, đợi Phương trượng đốt đèn, thắp hương, Thị giả dẫn vị ấy vào trước vị Trụ trì thăm hỏi, cắm hương, trải tọa cụ, lạy 9 lạy, sau đó, xếp tọa cụ, bước lên thưa rằng: Con vì việc lớn sinh tử, vô thường nhanh chóng, cúi mong Hòa thượng từ bi phương tiện chỉ dạy. Thưa xong, cung kính đứng ra 1 bên lắng nghe lời khai thị, nghe xong, bước lên cắm hương, trải tọa cụ lạy 9 lạy, gọi là Tạ nhân duyên, nếu được miễn thì chỉ váitạ, sau đó đến Thị ti để cám ơn. Điều này cho ta thấy nghi thức, qui củ của Thiền lâm rất trang nghiêm. Ngoài ra, Nhật bản xưa nay đã có nhiều vị tăng đến Trung quốc thỉnh giáo các bậc danh đức, gọi là Nhập Đường thỉnh ích. Theo Nhập đường cầu pháp tuần lễ hành kí quyển 1 của Ngài Viên nhân thì Thỉnh ích Pháp sư và các lưu học tăng cùng nghỉ đêm ở một chỗ. [X. môn Tham thỉnh trong Thiền lâm tượng khí tiên].