Thiếu Lâm tự

Từ điển Đạo Uyển


少林寺; C: shàolín-sì; J: shōrin-ji; Một ngôi chùa nổi danh nằm trên ngọn Thiếu Thất thuộc dãy Tung sơn. Chùa này do vua Hiếu Văn Ðế nhà Hậu Nguỵ xây dựng cho một vị sư là Phật-đà Thiền sư người Thiên Trúc (Ấn Ðộ). Ðầu thế kỉ thứ 6, Bồ-đề Lưu-chi có dừng chân tại đây và phiên dịch rất nhiều kinh sách. Sau, Bồ-đề Ðạt-ma cũng đến đây vì Ngài thấy thời hoằng hoá chưa đến. Tương truyền rằng, Bồ-đề Ðạt-ma lưu lại đây chín năm và trong thời gian này chỉ xoay mặt vào tường Toạ thiền. Bây giờ khi nhắc đến Thiếu Lâm tự, người ta chỉ thường nghĩ đến những môn võ công của chùa này. Theo truyền thuyết thì võ công, một dạng của khí công được các vị Cao tăng tại đây sáng tạo và phát triển. Câu chuyện sau đây thường được nhắc lại khi nói đến võ công chùa Thiếu Lâm: “Một hôm, chùa bị giặc Hoàng Cân tấn công, tăng chúng sợ quá muốn tan. Chợt có một vị tăng cao tuổi làm đầu bếp múa gậy chạy ra bảo chúng ›Các vị chớ lo, Lão tăng chỉ một gậy là đuổi chúng chạy hết‹. Nghe như vậy ai cũng phì cười vì cho là nói khoát. Vị tăng đó liền múa gậy xông vào đám giặc, tên nào bị ăn gậy đều kinh khiếp chạy loạn. Cuối cùng giặc tan, vị tăng này truyền lại cho chúng võ nghệ rồi sau đó ẩn mất. Người sau cho rằng đó là hiện thân của Khẩn-na-la Phật.”