thiên trúc tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(天竺寺) Chùa ở huyện Hàng, tỉnh Chiết giang, do 3 chùa Hạ thiên trúc, Trung thiên trúc và Thượng thiên trúc hợp thành. Hạ thiên trúc là ngôi chùa xưa nhất kế đó là Trung thiên trúc, Thượng thiên trúc. 1. Hạ thiên trúc tự: Hiện nay gọi là Pháp kính tự, ở chân núi Linh ẩn(ngọn Phi lai). Vào đầu năm Hàm hòa đời Đông Tấn, vị tăng người Tây Thiên trúc là ngài Tuệ lí xây 1 ngôi chùa ở đây, phỏng theo ngọn núi Linh thứu ở thành Vương xá mà đặt tên là chùa Linh thứu. Năm Khai hoàng 15 (595) đời Tùy, các ngài Chân quán, Đạo an cùng đến nơi này tu hạnh đầu đà, đồng thời xây chùa ở núi Hổ lâm gọi là chùa Nam Thiên trúc. Khoảng năm Đại lịch đời Đường, các ngài Pháp sân, Trừng quán và Đạo tiêu lần lượt đến trụ chùa này. Ngài Đạo tiêu giỏi về văn chương, thường đàm luận với Tướng quốc Lí cát phủ và thi nhân Bạch cư dị. Trong năm Trinh nguyên, ngài Đạo tiêu dựng một thảo am dưới Tây lãnh, lui về ở ẩn nơi rừng núi, người đời gọi ngài là Tây lãnh Hòa thượng. Năm Trinh nguyên 21 (805), chùa này có khai giảng kinh Hoa nghiêm, hiện ra nhiều điềm lành, được vua ban bảng hiệu là Hậu Thiên Trúc Linh Sơn Tự, hưng thịnh một thời. Đến cuối đời Đường, chùa bị tàn phá trong binh lửa, về sau, được Ngô Việt vương Tiền lưu xây dựng lại, đặt tên là Ngũ bách La hán viện. Khoảng năm Đại trung tường phù (1008-1016) đời vua Chân tông nhà Tống, ngài Từ vân Tuân thức thuộc phái Sơn gia tông Thiên thai, phát huy giáo cương tông Thiên thai ở chùa này, người đời gọi ngài là Thiên trúc sám chủ, Từ vân sám chủ. Thời vua Cao tông nhà Tống, chùa được đổi tên là Tư tiến phúc tự, đến năm Khánh nguyên thứ 3 (1197), lại khôi phục tên cũ là Hậu Thiên trúc Linh sơn tự. Vào đầu năm Gia định, vị tăng người Nhật bản là Tuấn nhưng từng ngụ chùa này, học tập giáo học Thiên thai. Chùa này vốn là đạo tràng của tông Thiên thai, sau thuộc về tông Lâm tế. 2. Trung thiên trúc tự: Cũng gọi Pháp tịnh tự, ở phía nam chùa Hạ thiên trúc và phía bắc ngọn Kê lưu. Chùa này do vị tăng người Thiên trúc xây dựng vào năm Khai hoàng 17 đời Tùy, có thuyết nói được xây cất vào năm Trinh quán 15 (641) đời Đường. Vào đầu đời Tống, chùa được gọi là Sùng thọ viện. Đến thời vua Huy tông, đổi là Thiên minh vĩnh tộ thiền tự; đến đời Nguyên lại được đổi là Thiên lịch vĩnh tộ thiền tự. Trong 400 ngôi chùa Phật ở Tiền đường, chùa này cùng với chùa Linh ẩn và chùa Tịnh từ đều là những Thiền viện nổi tiếng. 3. Thượng thiên trúc tự: Hiện nay gọi là chùa Pháp hỉ, ở phía nam chùa Trung thiên trúc, phía bắc ngọn Bạch vân. Khoảng năm Thiên phúc (936-941) đời Hậu Tấn, ngài Đạo dực kết am tranh ở đây, một hôm được khúc gỗ lạ, ngài khắc thành tượng Quán âm. Năm Càn hựu thứ 2 (949) đời Ẩn đế nhà Hậu Hán, có vị tăng tên là Sùng huân, từ Lạc dương mang xá lợi của Cổ Phật để trên đỉnh đầu, diệu tướng đầy đủ, ban ngày phóng ra ánh sáng trắng. Bấy giờ, Ngô Việt vương Tiên hoằng thúc cảm được sự mách bảo củabồ tát Quán âm nên xây một ngôi chùa, gọi là Thiên trúc khán kinh viện, đó là đầu mối việc sáng lập Thượng thiên trúc tự. Năm Gia hựu thứ 7 (1062), vua Nhân tông nhà Tống ban cho bộ Đại tạng gồm 5330 quyển, bèn xây kinh lâu để cất chứa. Năm Trị bình thứ 2 (1065), vua Anh tông ban biển hiệu Thiên trúc linh cảm Quán âm viện. Trải qua các đời vua: Thần tông, Triết tông, Cao tông…vận chùa thịnh lớn, vua ban ấn Bạch vân đường để thống lãnh các tông Thiền, Giáo, Luật trong nước. Cảba chùa Thiên trúc đều thờ bồ tát Quán âm làm Bản tôn, hằng năm vào tiết Dương xuân, có hàng trăm vạn nam, nữ ở 2 tỉnh Giang tô vàChiết giang về chùa này dâng hương. [X. Tục cao tăng truyện Q.30; Tống cao tăng truyện Q.5, 15, 29; Tục Phật tổ thống kỉ, Đại minh cao tăng truyện Q.1, 3, Tuyền dũng tự bất khả khí pháp sư truyện, Chiết giang thông chí; Cổ kim đồ thư lập thành thần dị điển thứ 110].