thiên trúc

Phật Quang Đại Từ Điển

(天竺) I.Thiên trúc Cũng gọi Thiên đốc, Thiên độc, Thân độc.Tên gọi xưa của nước Ấn độ. Tây vực truyện trong Hậu Hán thư ghi: Nước Thiên trúc còn có tên khác là Thân độc, ở cách nước Nguyệt thị vào nghìn dặm về phía đông nam, tục cho là đồng với nước Nguyệt thị. Đại đường tây vực kí quyển 2 (Đại 51, 875 trung) nói: Đối với tên gọi nước Thiên trúc có rất nhiều ý kiến khác nhau, xưa gọi là Thân độc, hoặc gọi là Hiền đậu, nay theo chính âm Indu thì nên đọc là Ấn độ, (…) Ấn độ đời Đường dịch là Nguyệt, Nguyệt có nhiều tên, ở đây là 1 tên trong đó, (…) Bởi vì ở nước này Thánh hiền kế tiếp nhau ra đời, dắt dẫn chúng sinh phàm phu, như mặt trăng(Nguyệt) soi đến, do nghĩa ấy nên gọi là Ấn độ. Quát địa chí ghi: Thiên trúc có 5 nước: Đông thiên trúc, Tây thiên trúc, Nam thiên trúc, Bắc thiên trúcvà Trung thiên trúc, tức là Ngũ Ấn độ hiện nay. (xt. Ấn Độ). II. Thiên Trúc. Gọi đủ: Thiên trúc tự. Chùa ở huyện Hàng, tỉnh Chiết giang, Trung quốc. Có 3 ngôi: Ngôi ở phía bắc ngọn Bạch vân gọi là chùa Thượng thiên trúc; ngôi ở phía bắc ngọn Kê lưu gọi là chùa Trung thiên trúc và ngôi ở chân ngọn Phi lai gọi là chùa Hạ thiên trúc. Chùa Thượng thiên trúc được sáng lập vào đời Ngô Việt thuộc Ngũ đại, chùa Trung thiên trúc được sáng lập vàođời Tùy và chùa Hạ thiên trúc được sáng lập vào đời Đông Tấn. (xt. Thiên Trúc Tự).