thiền tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(禪宗) Cũng gọi Phật tâm tông, Đạt ma tông, Vô môn tông. Chỉ cho tông phái Đại thừa tôn ngài Bồ đề đạt ma làm Sơ tổ, tham cứu cội nguồn tâm tính để mong được thấy tính thành Phật, là 1 trong 13 tông của Trung quốc, 1 trong 13 tông của Nhật bản. Từ xưa, Trung quốc lấy hệ thống những người chuyên tâm tọa thiền làm Thiền tông, trong đó bao hàm cả 2 hệ thống Thiên thai và Tam luận, chứ không chỉ giới hạn ở Đạt ma tông; từ giữa đời Đường về sau, Đạt ma tông hưng thịnh, nên khi đề cập đến Thiền tông thì tức là chuyên chỉ cho Đạt ma tông. Về sự truyền thừa của tông này thì Trung quốc lấy việc đức Thích tôn trong hội Linh sơn đưa cành hoa sen lên để dạy chúng và ngài Ca diếp mỉm cười làm khởi nguồn. Thuyết này tuy không có căn cứ sử thực, nhưng Thiền từ Lục tổ Tuệ năng về sau nhấn mạnh việc dùng tâm truyền tâm, truyền riêng ngoài giáo, cho nên đặc biệt coi trọng thuyết Ca diếp phó pháp tương thừa này. Sau ngài Ca diếp, qua các ngài: A nan, Thương na hòa tu, Ưu bà cúc đa, Đề đa ca, Di già ca, Bà tu mật, Phật đà nan đề, Phục đà mật đa, Bà lật thấp bà, Phú na dạ xa, A na bồ đề, Ca tì ma la, Na già ứ lạt thụ na, Ca na đề bà, La hầu la đa, Tăng già nan đề, Già da xá đa, Cưu ma la đa, Xà dạ đa, Bà tu bàn đầu, Ma noa la, Hạc lặc, Sư tử bồ đề, Bà xá tư đa, Bất như mật đa, Bát nhã đa la và Bồ đề đạt ma, tất cả 28 vị, tức là 28 vị Tổ Tây thiên (Ấn độ) của tông này. Ngài Bồ đề đạt ma truyền Thiền pháp đến Trung quốc vào khoảng năm Phổ thông (520-527) đời Lương vũ đế và trở thành Sơ tổ của Thiền tông Trung quốc. Sau, ngài Đạt ma truyền pháp cho ngài Tuệ khả (Thần quang), Tuệ khả truyền cho Tăng xán, Tăng xán truyền cho Đạo tín. Dưới ngài Đạo tín có 2 vị tài trí hơn người là Hoằng nhẫn và Pháp dung. Dưới Pháp dung có Trí nghiễm, Tuệ phương và Pháp trì, vì Pháp hệ này trụ ở núi Ngưu đầu tại Kim lăng, nên người đời gọi là Ngưu đầu thiền, lấy ý muốn được tâm tịnh thì phải vô tâm dụng công làm yếu chỉ. Ngũ tổ Hoằng nhẫn ở núi Hoàng mai tại Kì châu (tỉnh Hồ bắc) xiển dương ý chỉ sâu xa của kinh Kim cương bát nhã, dưới cửa của sư xuất hiện rất nhiều bậc tài trí như: Ngọc tuyền Thần tú, Đại giám Tuệ năng, Tung sơn Tuệ an, Mông sơn Đạo minh, Tư châu Trí sân… Trong các đệ tử của Ngũ tổ thì ngài Thần tú là Đệ nhất thượng thủ, gọi là Tú thượng tọa. Sau khi Ngũ tổ thị tịch, ngài Thần tú truyền bá Thiền pháp ở phương Bắc, vì thế cũng gọi là Bắc Tú, sư có nhiều đệ tử tài giỏi và được tôn làm Tổ của Thiền Bắc tông. Bắc tông lấy Trường an và Lạc dương làm trung tâm, pháp vận hưng thịnh được chừng 100 năm, chủ trương tập trung tinh thần vào việc tu hành Thiền pháp một cách thực tiễn. Dưới ngài Thần tú có các vị Tung sơn Phổ tịch, Kinh triệu Nghĩa phúc… truyền được 4-5 đời thì đoạn tuyệt. Ngoài ra, ngài Tung sơn Tuệ an khai sáng Lão an thiền, còn ngài Tú châu Trí sân thì cũng mở ra Nam sân thiền. Ngài Đại giám Tuệ năng thì nhờ 1 bài kệ mà được Ngũ tổ ấn khả và truyền áo bát cho, kế thừa ngôi vị Đệ lục tổ. Về sau, sư lánh nạn xuống phương nam; trụ ở Tào khê tại Thiều dương (tỉnh Quảng đông), phát huy Thiền phong rất rực rỡ, đó chính là Tổ của Thiền Nam tông. Vì tông phong của 2 tông Nam, Bắc khác nhau, nên có thuyết Nam Đốn Bắc Tiệm. Đệ tử nối pháp của ngài Tuệ năng có hơn 40 vị, trong đó nổi tiếng hơn cả là các vị: Nam nhạc Hoài nhượng, Thanh nguyên Hành tư, Nam dương Tuệ trung, Vĩnh gia Huyền giác, Hà trạch Thần hội… Trong các vị này, ngài Hà trạch Thần hội mở ra Hà trạch tông, cực lực chủ trương pháp môn đốn ngộ, lấy một niệm không khởi làm tọa và thấy rõ bản tính làm Thiền. Ngài Nam nhạc Hoài nhượng được Lục tổ truyền tâm ấn, trụ ở chùa Bát nhã tiếp hóa người học suốt 30 năm, đệ tử nối pháp có 9 vị, đứng đầu là ngài Mã tổ Đạo nhất. Ngài Mã tổ Đạo nhất hoằng dương Thiền pháp ở núi Cung công, tỉnh Giang tây, cơ phong cao vút, mạnh mẽ, khai sáng thiền phong đánh hét, dựng phất trần, người đời gọi là Hồng châu tông. Tông này chủ trương những sinh hoạt hàng ngày của thân tâm như khởi tâm động niệm, nhướng mày, chớp mắt… đều là Phật tính, từ đó có thuyết Kiến tính thị Phật, Tính tại tác dụng. Đệ tử của ngài Mã tổ có hơn trăm vị, nổi tiếng thì có các vị: Bách trượng Hoài hải, Nam tuyền Phổ nguyện, Tây đường Trí tạng, Đại mai Pháp thường, Chương kính Hoài huy và Đại châu Tuệ hải.Từ sau khi ngài Hoài hải sáng lập Thiền viện, đặt ra thanh qui ở núi Bách trượng thì Thiền tông mới thóat li các chế độ Thiền tăng phải ở nhờ trong các chùa Luật. Dưới ngài Bách trượng có các vị Hoàng bá Hi vận, Qui sơn Linh hựu…; dưới ngài Hi vận có Lâm tế Nghĩa huyền. Ngài Nghĩa huyền lập ra Tam huyền tam yếu, Tứ liệu giản… để tiếp hóa đồ chúng, cơ phong nghiêm khắc, môn đồ đông đúc, tự phát triển thành tông Lâm tế, bấy giờ đã là cuối đời Đường. Sang đến đời Tống, lại từ ngài Lâm tế Nghĩa huyền, trải qua các vị: Hưng hóa Tồn tưởng, Nam viện Tuệ ngung, Phong huyệt Diên chiểu, Thủ sơn Tỉnh niệm, Phần dương Thiện chiêu, truyền đến đời thứ 7 là ngài Thạch sương Sở viên, đệ tử của ngài Sở viên là Hoàng long Tuệ nam và Dương kì Phương hội lại diễn sinh 2 phái Hoàng long và Dương kì, đứng ngang hàng với các tông Vân môn, Tào động. Một mình ngài Qui sơn Linh hựu trụ ở Đàm châu (tỉnh Hồ nam), người đến tham học có tới 1.500, đệ tử thì ngài Ngưỡng sơn Tuệ tịch là nổi tiếng hơn cả. Dưới Thiền sư Thanh nguyên Hành tư có ngài Thạch đầu Hi thiên soạn Tham đồng khế, sư và ngài Mã tổ được tôn xưng là Nhị đại Long Tượng (2 bậc Rồng Voi) ở đương thời. Đệ tử ngài Thạch đầu Hi thiên có các vị Dược sơn Duy nghiễm, Đơn hà Thiên nhiên và Thiền hoàng Đạo ngộ. Hệ thống ngài Dược sơn có các vị Vân nham Đàm thịnh, Động sơn Lương giới, Vân cư Đạo ưng, Tào sơn Bản tịch… phát triển thànhtông Tào động. Ngài Thiên hoàng Đạo ngộ truyền được 3 đời đến ngài Tuyết phong Nghĩa tồn, trụ ở núi Tuyết phong Phúc châu, đệ tử nối pháp có hơn 50 người, trong đó, ngài Vân môn Văn yển, phát huy tông trí hình thành tông Vân môn; một vị đệ tử khác của ngài Tuyết phong là Huyền sa Sư bị truyền xuốngđến các vị La hán Quế sâm và Pháp nhãn Văn ích. Ngài Văn ích trụ chùa Thanh lương ở Kim lăng, xiển dương Thiền chỉ, khai sáng ra tông Pháp nhãn, hệ thống này có các vị cao tăng xuất hiện như: Thiên thai Đức thiều, Vĩnh minh Diên thọ, Vĩnh an Đạo nguyên… Trong đó, ngài Đức thiều được gọi là Trí khải tái sinh; ngài Diên thọ soạn Tôngkính lục, xem trọng giáo học; ngài Đạo nguyên soạn Cảnh đức truyền đăng lục, cho biết rõ về hệ phổ của Đạt ma thiền. Trừ các tông phái nêu trên ra, theo Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự của ngài Khuê phong Tông mật thì các giáo phái Thiền tông ở đời Đường gồm có các phái: Hồng châu, Hà trạch, Bắc tú, Nam sân, Ngưu đầu, Thạch đầu, Bảo đường, Tuyên thập(Thiền môn niệm Phật), Huệ trù, Cầu na, Thiên thai… Trong Viên giác sớ sao, ngài Tông mật cũng nêu 7 tông là: Bắc tông thiền, Trí sân thiền, Lão an thiền, Nam nhạc thiền, Ngưu đầu thiền, Nam sơn niệm Phật môn thiền và Hà trạch thiền. Trong Thập di môn, ngài Tông mật lại phân loại làm 5 nhà: Ngưu đầu tông, Bắc tông, Nam tông, Hà trạch tông và Hồng châu tông. Cái mà ngài Tông mật gọi là Ngũ gia, Thất tông tự khác với Ngũ gia, Thất tông do Thiền tông đời sau phân loại, điều này là do thời đại ngài Tông mật sống và bản thân ngài thuộc về tông Hà trạch, cho nên các giáo phái Thiền tông mà ngài thấy lúc bấy giờ cũng khác với các sử liệu Thiền tông đời sau. Tóm lại, từ ngài Đạt ma đến ngài Tuệ năng, trong khoảng thời gian 250 năm, Thiền phong mà tông này nêu cao có 1 phongcách đặc biệt riêng, ngữ lục của các Tổ sư thường trích dẫn và y cứ vào kinh điển mà nêu rõ Phật pháp chỉnh thể, không rơi vào sự đối lập tông phái, có thể gọi đó là thời kì thành lập của Thiền tông. Từ các ngài Nam nhạc, Thanh nguyên cho đến cuối đời Đường đầu đời Ngũ đại, trong khoảng thời gian 250nămấy, chỉ có Thiền Nam tông độc tôn. Về mặt tư tưởng thì loại bỏ sắn bìm ngôn ngữ văn tự mà kiến lập tinh thần Tức tâm thị Phật, Bình thường tâm thị đạo; về mặt sinh hoạt thực tế thì kiến lập qui chế Thiền viện lấy Tăng đường làm trung tâm. Đối với việc hoằng truyền Thiền pháp, về mặt diễn thuyết thì dùng các cơ pháp linh hoạt sống động để tiếp dẫn người học, dùng các cơ dụng đánh, hét, dựng phất trần, để tuyên dương tông phong. Lâu ngày dần dần phân lập thành Ngũ gia (5 nhà), thời kì này có thể gọi là sự phát đạt của Thiền tông. Trong thời gian 320 năm của 2 đời Bắc Tống và Nam Tống, từtông Lâm tế lại diễn sinh ra 2 phái Hoàng long và Dương kì mà thành là Ngũ gia thất tông (5 nhà 7 tông) của Thiền tông Trung quốc. Trong đó, phái Hoàng long sau được ngài Vinh tây truyền đến Nhật bản; còn phái Dương kì thì sau ngài Dương kì Phương hội, có các cao tăng như Ngũ tổ Pháp diễn, Viên ngộ Khắc cần, Đại tuệ Tông cảo… mở mang Thiền chỉ, hình thành dòng chính của Thiền. Ngoài ra, ngài Hoành trí Chính giác thuộc hệ thống tông Tào động đề xướng Mặc chiếu thiền, còn ngài Đại tuệ Tông cảo thuộc hệ thống tông Lâm tế thì đề xướng Khán thoại thiền. Vào thời kì này, các giáo dung hợp, đưa đến khuynh hướng Tam giáo nhất trí, Giáo thiền điều hợp, Thiền tịnh song tu, tông này dần dần mất tính cách độc lập của mình, đó là thời kì giữ vững sự thành tựu của Thiền tông. Từ Nguyên, Minh cho đến đời vua Càn long nhà Thanh, trong khoảng thời gian 450 năm là thời kì suy đồi của Thiền tông. Trong thời kì này tuy có các vị tông sư 1 đời như Hải vânẤn giản, Vạn tùng Hành tú, Phá am Tố tiên, Vô chuẩn Sư phạm… nối tiếp nhau quật khởi, nhưng nói theo thế mạnh của 1 tông thì kết cục đã rõ là Nho Thích điều hợp, Giáo Thiền nhất trí. Trong các bậc Đại sư Thiền tông thời cận đại thì Hòa thượng Hư vân (1839-1958) là người được suy tôn đứng đầu, với 120 tuổi thọ, một đời hoằng pháp không mỏi mệt, xây dựng nhiều tùng lâm, tận lực chấn hưng Thiền tông, giữ gìn pháp mạch từ thời Lục tổ về sau; soạn các tác phẩm lưu truyền ở đời như: Hư vân hòa thượng pháp vậng, Hư vân hòa thượng thiền thất khai thị lục… Tại Nhật bản, sự lưu truyền Thiền tông bắt đầu với việc ngài Đạo chiêu đến Trung quốc vào đời Đường cầu pháp vào năm Bạch trĩ thứ 4 (653) đời Thiên hoàng Hiếu đức. Năm Thiên bình thứ 8 (732), ngài Đạo tuyền người Trung quốc đến Nhật bản hoằng truyền Thiền Bắc tông; thời Thiên hoàng Sa nga ở ngôi, có sai sứ đến Trung quốc thỉnh ngài Nghĩa không sang Nhật bản hoằng truyền Thiền Nam tông, mở ra tông phong của Thiền tông Nhật bản. Năm Văn trị thứ 3 (1187), ngài Minh am Vinh tây đến Trung quốc vào đời Tống, thờ ngài Hư am Hoài sưởng làm thầy, truyền phápThiền của phái Hoàng long về Nhật bản, mở đầu cho tông Lâm tế ở Nhật bản. Năm Trinh ứng thứ 2 (1223), ngài Vĩnh bình Đạo nguyên đến Trung quốc vào đời Tống, sau khi được ngài Thiên đồng Như tịnh ấn khả, ngài Đạo nguyên trở về Nhật bản, trở thành Tổ của tông Tào động Nhật bản. Đệ tử của sư là các vị Triệt thông Nghĩa giới và Hàm nham Nghĩa doãn, 2 lần đến Trung quốc, sau khi về nước, các ngài truyền pháp rất rộng, về sau, khai sáng riêng phái Hàn nham (cũng gọi phái Pháp hoàng). Niên hiệu Gia trinh năm đầu (1235), ngài Viên nhĩ Biện viên đến Trung quốc tới Kính sơn tham yết ngài Vô chuẩn Sư phạm, được ngài truyền tâm ấn, sau khi trở về Nhật bản, sư sáng lập chùa Đông phúc ở kinh đô (Kyoto), truyền bá Thiền pháp. Năm Khoan nguyên thứ 4 (1246), ngài Lan khê Đạo long người Trung quốc đến Nhật bản, làm Sơ tổ chùa Kiến trường, nhờ đó nên Thiền phong ở Quan đông hưng thịnh. Năm Văn vĩnh thứ 4 (1267), ngài Nam phố Thiệu minh đến Trung quốc, được ngài Hư đường Trí ngu ấn khả rồi trởvềnước hoằng pháp. Năm Văn vĩnh thứ 6 (1269), ngài Đại hưu Chính niệm người Trung quốc đến Nhật bản, trụ các chùa Kiến trường, Viên giác, được triều đình và dân chúng qui kính. Về sau lại có các Đại sư Trung quốc như: Nhất sơn Nhất ninh, Tây giản Tử đàm, Đông lí Hoằng hội, Viễn khê Tổ hùng, Linh sơn Đạo ẩn… nối tiếp nhau đến Nhật bản hoằng truyền đại pháp, nêu cao Thiền phong, mở rộng Thiền pháp, phát triển thành 24 dòng Thiền tông Nhật bản; bao gồm các dòng phái như: Thiên quang (Vinh tây), Đạo nguyên, Thánh nhất(Viên nhĩ), Pháp đăng (Giác tâm), Đại giác(Đạo long), Ngột am (Phổ ninh), Đại hưu(Chính niệm), Pháp hải (Tĩnh chiếu), Vô học(Tổ nguyên), Nhất sơn (Nhất sơn Nhất ninh), Đại ứng(Nam phố Thiệu minh), Tây giản(Tây giản Tử đàm), Kính đường(Kính đường Giác viên), Phật tuệ(Linh sơn Đạo ẩn), Đông minh (Đông minh Tuệ nhật), Thanh chuyết (Thanh chuyết Chính trừng), Minh cực(Minh cực Sở tuấn), Ngu trung(Ngu trung Chu cập), Trúc tiên(Trúc tiên Phạm tiên), Biệt truyền (Biệt truyền Minh dận), Cổ tiên(Cổ tiên Ấn nguyên), Đại chuyết(Đại chuyết Tổ năng), Trung nham (Trung nham Viên nguyệt) và phái Đông lăng (tức Đông lăng Vĩnh dư). Trong đó, trừ 3 dòng phái Đạo nguyên, Đông minh và Đông lăng thuộc Tào động thiền, 21 dòng phái còn lại đều thuộc Lâm tế thiền. Trong 21 dòng phái thì phái Vinh tây(phái Thiên quang) truyền thừa pháp mạch của ngài Hoàng long, còn các phái khác đều kế thừa pháp đăng của ngài Dương kì. Năm Thừa ứng thứ 3 (1654), ngài Ẩn nguyên Long kì cũng từ Trung quốc đến Nhật bản, sáng lập tông Hoàng bá, đến nay vẫn đứng ngang hàng với tông Lâm tế và Tào động thành thế chân vạc. Thiền khởi nguồn từ Ấn độ, nghĩa gốc của Thiền là ngồi nhiếp tâm tĩnh lặng, tư duy thẩm xét để đạt đến trạng thái định tuệ cân bằng. Trước đức Thích tôn, Ấn độ đã có tư tưởng lấy việc sinh lên cõi trời làm mục đích tọa thiền. Đến thời đức Thích tôn mới triển khai loại Thiền lấy việc xa lìa 2 bên khổ, vui để đạt đến niết bàn Trung đạo làm mục đích. Tư tưởng thiền quán của Phật giáo Ấn độ từ đó dần dần phát đạt, đồng thời xuất hiện vô số kinh Thiền. Theo với đà truyền dịch kinh điển, từ cuối đời Đông Hán, Thiền pháp đã truyền vào Trung quốc, nhưng lúc đầu đều là tư tưởng Thiền quán thuộc hệ thống Tiểu thừa. Từ thời ngài Cưu ma la thập đời Đông Tấn về sau, các loại Thiền pháp được truyền vào, đặc biệt lấy pháp môn niệm Phật làm chủ yếu. Đến đời Lưu Tống, ngài Cầu na bạt đà la dịch kinh Lăng già (bản 4 quyển), trong đó nêu ra thuyết 4 loại thiền: Ngu phu sở hành thiền, Quán sát nghĩa thiền, Phạm duyên như thiền và Như lai thiền, kích phát những người nghiên cứu, giảng thuyết Thiền pháp đương thời mở ra con đường khác như 5 loại thiền do người đời sau chủ trương, đó chính là thuyết đã dựa vào thuyết 4 loại thiền trong kinh Lăng già mà ra. Lại nữa, ngài Bồ đề Đạt ma là người khai sáng Thiền tông Trung quốc, tuy chủ yếu y cứ vào Thiền kinh (2 quyển, do ngài Phật đà bạt đà la dịch vào đời Đông Tấn) nhưng Như lai tự tính thanh tịnh thiền mà ngài Đạt ma truyền, chính lại dựa vào thuyết nói trong kinh Lăng già. Ngoài ra, các ngài Tuệ khả, Tăng xán đều được gọi là Lăng già sư, còn các ngài Đạo tín, Hoằng nhẫn lại chịu ảnh hưởng của luận Đại thừa khởi tín, đề xướng thuyết Nhất hạnh tam muội, đến Lục tổ Tuệ năng mới lấy kinh Kim cương bát nhã làm chính tông, bởi vì vào thời ấy kinh Lăng già đã nghiêng nặng về mặt văn cú sớ giải, nên không tránh khỏi bị sa vào vòng danh tướng chi li. Từ giữa đời đường về sau, cơ pháp đánh, hét, dựng phất trần thịnh hành, phạm vi ý nghĩa Thiền được mở rộng, thì không hẳn cứ nhiếp tâm ngồi yên lặng mới là Thiền, mà những động tác bình thường hàng ngày như bổ củi, gánh nước, mặc áo, ăn cơm, uống trà… cũng có thể gọi là Thiền. Tóm lại, sự khácnhaugiữa Thiền tông và các tông khác là ở chỗ Thiền tông không lập kinh điển chính y, mà cho dù có dẫn dụ kinh điển đi nữa thì đó cũng chỉ là phương tiện nhất thời, còn điều chủ yếu nhất là y cứ vào tâm Phật, không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo để mong chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật. Tuy vậy, các Thiền sinh vẫn phải trau dồi học vấn và sự tu chứng để sáng tỏ bản tâm. Và để tránh cho Thiền sinh khỏi bị vướng mắc vào vòng suy tư tính lường, nên trong các tùng lâm có đặt ra thanh qui. Theo 1 qui củ nhất định, các vị Tôn túc và đại chúng ấn định thời gian sinh hoạt tọa thiền; các vị Tôn túc mở bày cơ duyên của chư Phật liệt Tổ để dắt dẫn đại chúng. Đọc tụng kinh điển tuy không phải là việc chủ yếu, nhưng vẫn lấy các kinh Lăng già, Duy ma, Kim cương bát nhã, Thủ lăng nghiêm… làm các kinh quan trọng. Xưa nay các bậc Tôn túc phần nhiều cũng để lại ngữ lục mà đã trở thành các tư liệu tham khảo thiết yếu cho Thiền đồ tu thiền ngộ đạo ở đời sau. [X. Thiền môn sư tư thừa tập đồ; Tổ đường tập Q.17, 20; Cảnh đức truyền đăng lục; Truyền pháp chính tông kí; Ngũ đăng hội nguyên; Thiền môn bảo tạng lục Q.thượng, trung; Bát tông cương yếu Q.hạ; Nhật bản thiền tông sử yếu; Thiền học tư tưởng sử; Nhật bản Phật giáo yếu lãm]. (xt. Ngũ Gia Thất Tông).