thiên thủ quan âm

Phật Quang Đại Từ Điển

(千手觀音) Gọi đủ: Thiên thủ thiên nhãn Quán tự tại (Phạm:Avalokitesvara-sahasrabhujalocana) Cũng gọi Thiên thủ thiên nhãn Quán âm, Thiên nhãn thiên tí Quán âm, Thiên thủ thánh Quán tự tại (Phạm: Sahasrabhujàryàvalokitesvara), Thiên tí Quán âm, Thiên quang Quán tự tại, Thiên nhãn thiên thủ thiên túc thiên thiệt thiên tí Quán tự tại. Một trong 6 loại Quan âm. Cứ theo Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm kinh thì bồ tát Quán tự tại ở quá khứ nghe Đà la ni Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm, vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên phát nguyện có đủ nghìn tay nghìn mắt, liền tức khắc được thân này.Về hình tượng của vị Bồ tát này các kinh ghi chép có khác nhau. Có kinh nói vị Bồ tát này thân màu vàng Diêm phù đàn, một mặt, nghìn cánh tay; có kinh nói thân Ngài màu vàng ròng, ngồi bán già trên hoa sen đỏ, có 11 mặt 40 tay, 3 mặt trước hiện tướng Bồ tát, mặt chính có 3 mắt, 3 mặt bên phải có răng nanh chìa ra hướng lên trên, 3mặt bên trái hiện tướnggiận dữ, một mặt phía sau hiện vẻ cười dữ tợn, một mặt trên đỉnh đầu hiện tướng Như lai; có kinh thì nói rằng thân Ngài màu vàng, có nghìn tay nghìn mắt 500 mặt. Hình tượng vị Bồ tát này trong Hiện đồ Mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo thì có 27 mặt 1000 tay, ngồi kết già trên hoa sen báu; trong 1000 tay, có 40 (hoặc 42) tay cầm các khí trượng. Lại theo kinh Thiên quang nhãn Quán tự tại bồ tát bí mật pháp thì 1000 tay là con số tượng trưng, vì dùng 40 tay, mỗi tay tế độ 25 Hữu, nhân lên thành con số 1000, vì thế không cần phải đủ 1000 tay, chỉ cần 40 tay cũng được, biểu thị cho hóa dụng từ bi rộng lớn của bồ tát Quán thế âm, cho nên thường gọi Ngài là Thiên tí (1000 tay); vả lại, pháp công đức thành tựu mà mỗi mặt, mỗi tay biểu thị và ấn ngôn cũng tùy theo bản thệ bất đồng cỉa mỗi vị tôn mà có khác nhau. Nghìn mắt là trong lòng tay của 1000 tay đều có 1 mắt, nhưng nếu là 40 tay thì chỉ có 40 mắt. Cứ theo kinh Đại bi tâm đà la ni thì các vật cầm ở 40 tay hoặc tướng tay biểu thị ở 40 tay là: Thí vô úy, nhật tinh ma ni, nguyệt tinh ma ni, cung(nỏ) báu, tên báu, bình báu, nhành dương liễu, phất trần trắng, bình nước, tấm khiên(lá chắn), rìu búa, gậy báu đầu lâu, xâu chuỗi, kiếm báu, chày kim cương, móc sắt câu thi, gậy tích, hoa sen trắng, hoa sen xanh, hoa sen tía, hoa sen đỏ, gương báu, ấn báu, hóa Phật trên đỉnh đầu, tay chắp, hộp báu, mây 5 sắc, kích báu, vỏ ốc báu, ngọc báu như ý, dây lụa, bát báu, xuyến báu, chuông báu, Kim cương, Hóa Phật, cung điện hóa, kinh báu, bất thoái chuyển Kim luân và chùm nho, lại thêm tay cam lộ cộng chung là 41 tay. Pháp thành tựu công đức của mỗi tay và ấn ngôn(ấn khế và chân ngôn) có nói đầy đủ trong kinh quĩ. Trong các tôn vị thuộc Liên hoa bộ thì vị tôn này là tối thắng, cho nên còn gọi là Liên hoa vương. Chủng tử là chữ (hrì#), là chữ do 4 chữ (ha ra ì a#) hợp thành, biểu thị cho nghĩa 3 độc tham (ra) sân (ì) si (ha) chuyển vào Niết bàn (a#). Theo Thiên thủ nghi quĩ thì ấn căn bản của vị tôn này là 2 tay chắp lại thành Kim cương hợp chưởng, lưng bàn tay hơi cong, 2 ngón giữa hợp vào nhau, 2 ngón cái, 2 ngón út cách ra và dựng thẳng. Ấn này cũng gọi là ấn hoa sen 5 chĩa, ấn 9 núi 8 biển, ấn 9 ngọn Bổ đà lạc. Các kinh quĩ khác còn có những thuyết 24 loại ấn, 25 loại ấn… Khi kết ấn căn bản thì tụng Đà là ni căn bản và được 4 thứ thành tựu như sau: Tức tai, Tăng ích, Hàng phục và Kính ái câu triệu. Nhưng vì Đà la ni tương đối dài nên thông thường chỉ tụng niệm tiểu chú là: Án (oô, qui mệnh) phạ nhật la (vajra, kim cương) đạt ma (dharma, pháp) hột lí (hrì#, chủng tử). Theo kinh Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni thì tụng trì Đà la ni của vị tôn này có thể tránh khỏi 15 trường hợp chết thảm như chết đói, chết vì các loại thú cắn xé, chết vì ngã cây ngã núi… và được 15 điều sống an lành như họ hàng hòa thuận, ăn mặc đầy đủ, của cải dồi dào, đạo tâm thuần thục… hoặc chữa khỏi các chứng tật bệnh, trùng độc, chết vì khó sinh nở, vợ chồng hòa thuận, sống lâu, diệt tội… Về nghi quĩ và cách vẽ tượng của vị tôn này, đến đời Đường mới truyền đến Trung quốc. Cứ theo bài tựa trong kinh Thiên nhãn thiên tí Quán thế âm bồ tát đà la ni thần chú thì trong năm Vũ đức (618- 626), vị tăng Trung thiên trúc là ngài Cù đa đề bà mang hình tượng vị tôn này và các bản kinh kết đàn thủ ấn đến Trung quốc. Trong năm Trinh quán (627-649), lại có vị tăng Bắc Thiên trúc mang bản tiếng Phạm của Đà la ni Thiên tí thiên nhãn đến dâng lên vua nhà Đường, sau được ngài Trí thông dịch ra chữ Hán. Do đó, tín ngưỡng về vị tôn này đến thế kỉ VII đã dần dần hình thành. Khi khảo sát vềviệchình thành tín ngưỡng vị tôn này ởẤn độ, các học giả cận đại đã phát hiện ra những thần cách trong thần thoạiẤn độ tương đương với vị tôn này thì có: Nhân đà la ni (Phạm: Indra), Nguyên nhân (Phạm: Pusawa), Thấp bà (Phạm:Ziva), Tì nữu noa (Phạm:Viwịu)… các vị thần này đều có thuyết nghìn mắt. Kinh Đại giáo vương quyển 9 cũng có ghi thuyết trời Đại tự tại có nghìn tay nghìn mặt. Khi thám hiểm vùng Tây vực, các học giảthờigần đây cũng đã tìm thấy nhiều mảnh tượng vẽ Quán âm nghìn mắt nghìn tay và Mạn đồ la… [X. kinh Thiên quang nhãn Quán tự tại bồ tát bí mật pháp; kinh Thiên thủ Quán âm mỗ đà la ni thân; Bổ đà lạc hải hội quĩ; Mật giáo phát đạt chí Q.2; Die Buddhistische Sptantike in Mittelasien by Le cop; The Thousand Buddhas, by A. Stein].