thiên thủ kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(千手經) Chỉ cho những kinh điển ghi chép về bồ tát Thiên thủ Quan âm, gồm có 4 bàn, đó là: 1. Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm bồ tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni(gọi tắt: Kinh Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm, kinh Thiên thủ đà la ni, kinh Thiên thủ Quan âm đại bi tâm đà la ni, kinh Đại bi tổng trì, kinh Thiên thủ): Có 1 quyển, do ngài Già phạm đạt ma dịch vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 20.Nội dung kinh này nói về nguyên do, phát nguyện, 15 thứ thiện sinh, công đức không bị 15 thứ chết dữ, Đà la la ni nghìn tay, công đức thụ trì, pháp chú trớ, công đức của mỗi tay trong 42 tay, chú ủng hộ củabồ tát Nhật quang vàbồ tát Nguyệt quang… Ở đầu quyển có phụ thêm bài tựa do vua soạn. Thông thường, gọi kinh Thiên thủ chính là chỉ cho kinh này. 2. Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm bồ tát đại bi tâm đà la ni(gọi tắt: Thiên thủ Quán âm đại bi tâm đà la ni, Đại bi tâm đà la ni kinh): Có 1 quyển, do ngài Bất không dịch vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 20. Nội dung kinh này trích lấy tinh túy kinh Thiên thủ do ngài Già phạm đạt ma dịch, Đà la ni từ phần phát nguyện trở xuống đến công đức mỗi tay trong 42 tay…, ngoài ra còn có thêm hình vẽ 42 tay và chân ngôn. Kinh này là bản dịch khác của kinh Thiên thủ ở trên. 3. Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm bồ tát đà la ni thân(gọi tắt: kinh Thiên thủ Quán âm mỗ đà la ni thân, kinh Thiên thủ): Có 1 quyển, do ngài Bồ đề lưu chí dịch vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 20.Nội dung kinh này trước hết nói về Mỗ đà la ni và công đức, kế đến nói về Tổng nhiếp thân, Tổng trì đà la ni, về 12 ấn minh tam muội của chư Phật, kế nữa, nói về cách vẽ đàn Thiên thủ Quán âm và pháp chú trớ, sau cùng, nói về 13 ấn minh(ấn khế và chân ngôn) như Biện tài, Thành đẳng chính giác, Thần biến tự tại, Thỉnh thiên nhãn Quán âm vương tâm ấn chú… 4. Kinh Thiên nhãn thiên tí Quán thế âm bồ tát đa la ni thần chú(gọi tắt: kinh Thiên nhãn Quán thế âm đà la ni thần chú): Gồm 2 quyển, do ngài Trí thông dịch vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 20. Nội dung kinh này nói về phép ấn chú và đàn pháp của bồ tát Thiên thủ Quan âm. Kinh này là bản dịch khác của kinh Thiên thủ do ngài Bồ đề lưu chi dịch ở trên. Hai mươi lăm pháp ấn chú nói trong 2 bản dịch này về phần tổng quát thì giống nhau, nhưng về chi tiết Đại thân chú và Mạn đồ la đàn pháp thì có khác nhau. Bản tiếng Phạm của kinh này là do vị tăng người Bắc Ấn độ đem đến dâng cho vua nhà Đường trong niên hiệu Trinh quán.