thiện thiện quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(鄯善國) Cũng gọi Lâu lan, Thiền thiện, Nạp phược ba. Tên một nước thời xưa ở Tây vực, nằm về mạn tây La bố bạc (Lob-nor) thuộc Tân cương, tức phía cực đông của con đường NamThiên sơn đời cổ, là điểm xung yếu của trục giao thông Đông Tây. Nước này sản xuất nhiều đá ngọc, dân chúng thì sống bằng nghề chăn nuôi, tin theo Phật giáo. Cứ theo Cao tăng Pháp hiển truyện thì vào đời Đông Tấn ngài Pháp hiển có đến nước này, Quốc vương tin thờ Phật pháp, có hơn 4 nghìn tăng đều tu học Tiểu thừa giáo. Còn theoLạcdươnggià lam kí quyển 5 thì vào thời Bắc Ngụy, các ngài Tống vân, Huệ sinh… từ Thổ cốc hồn đi về phía tây 3 nghìn 5 trăm dặm thì đến nước Thiện thiện. Lại tên gọi Nạp phược ba nói trên chỉ thấy ghi trong Đại đường tây vực kí quyển 12. Nước Thiện thiện từ thời Tiền Hán qua các đời Tào Ngụy, Tây Tấn, Phù Tần, cho đến Bắc Ngụy đều sai sứ đến triều cống Trung quốc. Sau, nước này bị Thổ cốc hồn thôn tính. Đời Tùy đặt trấn Thiện thiện ở thành Hãn nê, sau vì nhà Tùy rối ren nên thành Hãn nê cũng hoang phế. Đến đời Đường, trấn Thiện thiện được đổi thành trấn Thạch thành, lệ thuộc Sa châu. Theo sử chép thì nước Thiện thiện ngoài thành Hãn nê còn có thành Y tuần. Căn cứ theo sự điều tra vào năm 1806 Tây lịch của học giả người Anh tên là A. Stein (Sử thản nhân) và theo Thích thị Tây vực kí được trích dẫn trong Thủy kinh chú quyển 2 của Lịch đạo nguyên, đã suy đoán rằng Ca khắc lí khắc (charkhlik oasis) ở phía tây nam, chỗ giao lưu giữa sông Xa nhĩ thành (Charchan) và sông Tháp lí mộc (Tarim) hiện nay chính là thành Y tuần ngày xưa, còn gò hoang Di lãng (Miran) nằm cách thành này 48km về phía đông thì chính là thành Hãn nê. Nhưng cũng cóthuyết cho rằng Ca khắc lí khắc là thành Hãn nê, Di lãng là thành Y tuần; lại có thuyết chủ trương thành Hãn nê và thành Y tuần thực rachỉlà một. Ngoài ra, từ trong thành lũy của Di lãng và nền cũ của các chùa Phật, tháp Phật, có nhiều cổ vật như kinh điển, tượng đất, bích họa… được phát hiện. Trong cácbức bích họa, có nhiều bức được suy đoán là những tác phẩm của thế kỉ III Tây lịch. [X. hội Mật tích kim cương lực sĩ trong kinh Đại bảo tích Q.10; truyện ngài Trí mãnh trong Xuất tam tạng kí tập Q.15; Đại từ ân tự Tam tạng pháp sư truyện Q.5; Hán thư Tây vực truyện 66 thượng; Ngụy thư liệt truyện 90; Đường thư địa lí chí 33 hạ; Cổ kim đồ thư tập thành duệ điển 52; Tây vực khảo cổ đồ phổ Q.thượng; thiên Tây tạng trong Đông tây giao thiệp sử chi nghiên cứu; Thiện thiện quốc đô khảo (Đại cốc Thắng chân, Thị thôn bác sĩ cổ hi kỉ niệm đông dương sử luận tùng) On Yuan Chwang, vol. II, by T. Watters; Ruins of Desert Cathay Vol. I, by A. Stein; Serindia, Vol. I; Lâu lan thiện thiện vấn đề (Phùng thừa quân).