THIÊN THAI TRUYỀN PHẬT TÂM ẤN KÝ

SỐ 1938

MỘT QUYỂN

Đại sư Hưng Giáo, Sa-môn ở Hổ Khê thuộc Tông Giáo Thiên Thai Truyền vào đời Nguyên hiệu là Hoài Tắc soạn.

Chỉ một chữ “đủ” càng hiển rõ tông này dùng tánh đầy đủ các điều lành. Các sư khác cũng biết đủ các duyên ác mà họ đều không lường được. Thì biết công tánh đầy đủ của tông này, công ở tánh ác. Nếu không tánh ác thì phải phá chín cõi tu ác để hiển bày tánh thiện cõi Phật. Đó là duyên theo lý mà dứt chín cõi, không phải điều ở đây nói. Nên Chỉ Quán nói về diệu quán của mười thừa, quán ở mười cảnh, ba chướng, bốn ma như ấm, v.v… Mỗi pháp đều thành viên diệu ba đế. Đây là thể cách phát tâm lập hạnh. Đâu có viên đốn nào hơn đây nữa? Sơ tâm tu quán thì trước phải từ trong tâm. Nên đối với ba khoa, trừ đi giới và nhập. Lại đối với năm ấm, trừ bốn ấm trước, chỉ giữ thức ấm làm cảnh được quán. Như bỏ trượng lấy thước, bỏ thước lấy tấc. Đó là tâm vô minh nói chung. Nếu theo chung để nói riêng thì là thức thứ sáu, như chặt cây gặp rễ, châm cứu bệnh gặp huyệt ngàn nhánh, trăm bệnh tự nhiên hết. Nếu không có nhập, sau đó trải qua một tâm khác như ấm nhập khác, cho đến chín cảnh đợi phát mới quán, chẳng phát thì chẳng quán, không gì chẳng đều như thế, mới hiển chín cõi ba đường tu ác. Ngay đó tức là pháp môn tánh ác. Tánh ác dung thông không pháp nào chẳng hướng về, hồn nhiên nhiếp được tánh thiện cõi Phật. Làm ác tức là tánh ác, làm ác không phá được gì, tánh ác không hiển bày. Đó là toàn ác là ác, nghĩa tức mới thành. Cho nên nhà này nói “tức” khác hẳn các sư. Vì không phải hai vật hợp nhau cũng không phải lưng và mặt trái ngược nhau. Phải ngay đương thể toàn là, mới gọi là Tức. Đâu cần dứt trừ phiền não sinh tử, mới hiển bày được Bồ-đề Niết-bàn của cõi Phật. Lại phải rõ tánh thiện ác này. Trong các Đại thừa đặt tên khác nhau, Hoa Nghiêm nói: Theo duyên nhiễm tịnh, bèn chia ra mười pháp giới, mê thì mười cõi đều nhiễm, ngộ thì mười cõi đều tịnh. Mười pháp giới ly và hợp, đọc thì ba nhân đầy đủ, ba chữ là gọi chung chín cõi, là chính nhân của ác. Cõi Phật là chính nhân của thiện. Mười chữ là gọi riêng pháp giới, gọi chung là liễu nhân, mười pháp giới gọi chung bằng chữ cõi; gọi riêng là duyên nhân.

Kinh Pháp Hoa chép: Thật tướng các pháp không ngoài quyền và thật. Các pháp là đồng thể duyên nhân và liễu nhân thiện ác trong quyền. Thật tướng là đồng thể chính nhân thiện ác trong thật. Mười như của chín cõi là duyên nhân ác. Mười như của cõi Phật tức là duyên nhân thiện. Ba lần chuyển mà đọc thì liễu nhân và chính nhân chẳng thiếu.

Trong kinh Niết-bàn chép: Hai người xiển-đề và người thiện đều có tánh thiện, tánh ác, gọi là duyên nhân thiện, ác. Ba nhân đã diệu thì nói duyên phải đủ liễu – chính. Nói liễu tức có chính duyên, nói chánh tức có duyên liễu. Một có đủ ba, ba tức là một. Chớ nên chấp lời mà hại viên, vu báng ý thánh. Nếu vậy ba nhân của chín cõi: Tánh nhiễm là liễu nhân, tánh ác là duyên nhân, nhiễm và ác không hai là chính nhân ác. Đâu chỉ hạn cuộc mà tu. Ba nhân cõi Phật: Tánh thiện là duyên nhân, tánh tịnh là liễu nhân, tịnh và thiện không hai tức là Chánh nhân thiện. Tánh thiện ác này còn gọi là tánh tịnh tánh uế; hoặc gọi lý sáng lý tối; hoặc gọi là thể thường và vô thường song tịch. Như kinh Thỉnh Quán Âm, hoặc gọi riêng là độc hại, độc hại là tánh ác, đều là tên khác của một thể, tùy cơ lợi độn, rộng lược mà có khác. Lược thì mười cõi, rộng thì ba ngàn. Nên biết thiện ác không ngoài mười cõi, mười cõi tánh dung thông lẫn nhau, đủ thành trăm cõi. Mười như của cõi thành một ngàn như; giả danh một ngàn, năm ấm một ngàn, cõi nước một ngàn. Ba ngàn như thế hiện tiền ở trong một niệm tâm làm ác. Xưa nay đầy đủ, không tạo tác mà thành, không phải sinh ra lẫn nhau mà như thế, không phải hàm chứa lẫn nhau mà như thế. Một niệm không ở trước, ba ngàn không ở sau. Một niệm không ít, ba ngàn không nhiều. Phải biết tình có thể phá, còn pháp không thể phá. Chấp pháp thành bệnh cũng phải phá. Cho nên thiện – ác, tịnh – uế là pháp môn Lý thể. Thể vốn sáng sạch không dứt mảy may. Cho nên đoạn – chứng, mê – ngộ chỉ nói theo nhiễm tịnh. Người xưa không phân biệt pháp nhẫn, tình lý không phân, thuốc bệnh không phân biệt. Vừa nghe không – trung gọi là giá (ngăn che), một tướng chẳng lập, liền tạo ra đoạn diệt mà hiểu. Giả quán gọi là chiếu. Ba ngàn rõ ràng, quyết định là ba ngàn lập pháp.

Nếu Ba đế đều già, thì làm sao lập pháp? Mê tình phải phá. Nên dùng tức không, tức giả, tức trung. Đạt một niệm tâm tu ác này tức là ba ngàn diệu cảnh. Làm ác đã tức là tánh ác, lý này đủ ba ngàn. Mà làm ác này liền là diệu sự ba ngàn. Nếu quán lý đủ thì đều phá, đều lập, đều là pháp giới. Tự nhiên nhiếp được sự dụng ba ngàn. Ba ngàn đều thật, từng tướng rõ ràng. Lý sự vốn dung thông, chẳng phải pháp đếm đầu, không thuộc về chỗ phá, đâu không phải chỗ hiển? Nên nói: Chư Phật chẳng dứt tánh ác, Xiển-đề chẳng dứt tánh thiện, điểm một ý này các trệ ngại dứt mất.

Hỏi: Xiển-đề và Phật dứt những thiện ác nào?

Đáp: Xiển-đề dứt thức thiện sạch, tu ác đầy đủ viên mãn. Chư Phật dứt tu ác sạch, tu điều lành đầy đủ, viên mãn.

Hỏi: Tu thiện làm ác đã là diệu sự, thuộc về chỗ hiển, sao gọi là chỗ phá?

Đáp: Tu thiện ác tức là tánh thiện ác, không có tu thiện ác để nói. Đó là nghĩa đoạn. Chư Phật dứt tu, ác hết, Xiển-đề dứt tu, thiện hết. Tu thiện ác đã tức là tánh thiện ác, tu thiện ác không hề dứt? Đó là nghĩa chẳng đoạn, đoạn và bất đoạn diệu ở chỗ này.

Hỏi: Xiển-đề không dứt tánh thiện thì tu thiện khỏi được, Chư Phật chẳng dứt tánh ác, có còn khởi làm ác chăng?

Đáp: Xiển-đề không đạt được tánh thiện, bị thiện làm nhiễm. Nên tu thiện khởi được, rộng trị các ác. Chư Phật có thể đạt ở ác, nên đối với ác được tự tại, ác không cón khởi. Rộng dùng các điều ác hóa độ chúng sinh, diệu dụng vô nhiễm nên gọi là pháp môn Ác.

Tuy không có tướng nhiễm ngại, mà có tánh đầy đủ. Phàm phu bạc địa chỉ có lý danh tự, mới nghe quán hạnh chưa hiển, nghiệm thể vẫn mê, sáu căn dường như phát. Sơ Trụ thấy từng phần, Diệu giác mới thành tựu quả; rốt ráo hiển sáng. Cho nên lý phải thân chứng thì tướng mới hiển rõ. Như tướng ẩn của Tào Công1 , cởi áo mới thấy. Sự có thể so sánh mà biết, như tướng hiển của Tôn Lưu2 rõ ràng trước mắt. Lại như toàn sóng là ướt, toàn ướt là sóng. Tướng sóng dễ biết, tánh ướt khó rõ. Sự lý như thế rõ ràng có ba dụng. Chỉ một sự lý, ba ngàn tức tánh không, liễu nhân là tánh giả, duyên nhân là tánh trung. Chính nhân ba đế nếu không có tánh đủ thì nghĩa Tức do đâu mà thành? Chẳng những ba ngàn tức ba đế mà còn ba đế là ba ngàn. Nên nói Trung đế là nhiếp chung tất cả pháp. Tục đế là lập tất cả pháp ba ngàn tức trung, lấy trung làm chính. Ngay nơi một mà ba, gọi là diệu cảnh sở quán sẵn có. Vì không – giả tức trung, cả ba đều thuộc tánh trung. Tức không – giả lại quy về hai tu. Ba ngàn tức không, lấy không làm chính gọi là toàn tánh khởi tu. Đó là trong nhân có thể quán diệu quán. Vì giả – trung đều không, cả ba đều thuộc về quán không. Tức giả, tức trung lại trở về dụng cảnh. Ba ngàn tức giả, lấy giả làm chính, gọi là đại dụng giải thoát trên quả. Vì không – trung tức giả, cả ba đều thuộc dụng, giả tức trung – không lại quy về cảnh quán. Chỉ một pháp ba này, mỗi thứ đối hai minh, nói về ba cảnh, ba quán, ba dụng, chẳng tức, chẳng lìa, chẳng ngang, chẳng dọc, tức già tức chiếu, hai nghĩa đồng thời mầu nhiệm sâu xa. Như ba điểm của chữ y, một mà chẳng lẫn lộn nhau, ba mà chẳng lìa nhau, gọi là Đại niết-bàn. Nay nói ba quán theo năng quán thì Sở quán tức là ba đế.

Nói Ba quán là:

1- Vì tức “không” nên phá tình nhiễm chướng ngại. Một tướng chẳng lập, hiển ba ngàn này đồng một tánh. Tất cả là một mới có thể cùng ở. Một niệm chia ra mà càng thêm hợp. Như những hạt ngọc đều hướng về một hạt ngọc. Rốt ráo thanh tịnh chẳng đoạn, chẳng không.

2- Vì tức “giả” nên đều có thâu nhiếp lẫn nhau, các tướng rõ ràng, hiển ba ngàn này chẳng mất tự thể, một tức tất cả, tuy là cùng trong một niệm nhưng tức đó mà càng phân chia. Như một hạt ngọc có bóng in vào những hạt ngọc, không thể nghĩ bàn, chẳng thể nhờ duyên giả.

3- Vì tức “Trung” nên hiển bày ba ngàn này chẳng phải một, chẳng phải tất cả, chẳng chia chẳng hợp, song giá hai bên không có hai tướng, song chiếu hai đế, không – giả rõ ràng, đâu chỉ đồng với trung, không đủ các pháp!

Một không tất cả không, ba quán đều không, quán chung về không. Một giả tất cả giả, ba quán đều giả, quán chung về giả. Một trung tất cả trung, ba quán đều Trung, quán chung về trung. Thế thì trọn ngày phá tướng, các pháp đều thành. Suốt ngày lập pháp, mảy bụi đều hết. Trọn ngày dứt hết đối đãi, hai bên bừng bừng. Đó là tức phá tức lập, tức lập tức phá, chẳng phải phá chẳng phải lập, mà phá mà lập, cũng gọi là tức già tức chiếu, tức chiếu tức già; chẳng phải giá chẳng phải chiếu mà già mà chiếu. Nói theo thứ lớp mà hành thì ở trong cùng lúc. Như thế không lý nào chẳng lập, không tình nào chẳng phá. Há cùng với cái không của đoạn – vô, dựa vào cái giả của duyên, sinh ra cái trung của hai bên mà nói như nhau hay sao? Nên nói: Chỉ có Phật và Phật mới tham cứu hết được. Nhị thừa như lúa như mè, Bồ-tát như Hằng sa đều không thể biết chút phần của nghĩa này. Ba ngàn như thế thông y các bộ chính ở trong Pháp Hoa. Vì do kinh xưa, một là có lỗi gồm chung, hai là có sơ sót cách lệch. Kinh này chẳng những thuần nhất không xen lẫn, lại có thể khai thô tức diệu. Đề gọi là Diệu pháp, chính là ở đây. Cho nên biết dùng pháp mầu bặt đối đãi này làm quán thể, mới thí dụ ánh sáng mặt trời không ở cùng với tối. Đây là cực thuyết cùng cực rốt ráo. Đó là chính truyền tâm ấn của Phật Tổ. Phật truyền đây cho Ca-diếp, Ca-diếp truyền đây cho A-nan, cho đến đời thứ hai mươi bốn truyền cho Tỳ-kheo Sư Tử. Ngài Sư Tử gặp nạn nên không truyền được nữa. Đó là miệng vàng Tổ thừa, đều là người thấy mà biết xuất phát từ Phó Pháp Truyện. Hoặc có trước thêm sáu Đức Phật, sau thêm bốn Tổ, nói kệ phó pháp, đưa cành hoa sen lên mỉm cười, xướng là truyền riêng ngoài giáo, kinh luận không có bằng cứ, người đều chẳng chịu. Đến khi Hán Minh Đế đêm mộng thấy Phật pháp truyền đến phương Đông, giữa đời Bắc Tề có sư Tuệ Văn nhân nghiên cứu kinh luận mà ngộ một tâm ba trí, từ Long Thọ trở lên tức Tổ thứ mười ba trong hai mươi bốn vị Tổ. Sư Tuệ Văn thì nghe mà biết, truyền đây cho Nam Nhạc, Nam Nhạc liền chứng Tam-muội Pháp Hoa được sáu căn thanh tịnh, truyền cho Thiên Thai. Thiên Thai Linh Nhạc thân thừa Đại Tô, diệu ngộ trì nhân tĩnh mà phát chứng, chẳng từ người khác, dùng diệu chỉ Pháp Hoa kết thành diệu quán Tam thiên dứt bặt đối đãi, truyền xuống Chương An; Chương An kiết tập Pháp tạng, truyền xuống Nhị Uy. Nhị Uy truyền cho Tả Khê, Tả Khê truyền cho Hình Khê, Hình Khê viết truyện ký rộng khắp, giúp cho đại nghĩa, sáng rỡ như mặt trời, lại suy trở xuống, người đều thấy mà biết, giáo quán một nhà trùm khắp bốn bể. Ban đầu thì An Sử tạo nạn, nhân giữa chừng gặp Hội Xương phế giáo, nhân sau đời Ngũ Đại binh lửa nổi lên khiến tạng giáo diệt mất, đến nỗi không còn truyền, Loa Khê mất dấu. Xưa nghe lưới bủa thiên hạ, Tiền vương sai sứ sang Cao-ly Nhật-bản, giáo quán được khôi phục nhưng không truyền đến vùng Giang Triết. Truyền đến Tứ Minh, Hình Khê, người chưa nhớ thì nhớ, người khó hành bốn Tam-muội đều thực hành, làm hưng thịnh đạo này như ánh sáng rực rỡ trên trời không thể che đậy. Đây cũng là người nghe mà biết. Nên Hàn lâm Lương Kính Chi bảo rằng dẹp hết trăm nhà, vượt quá các thuyết. Viên ngoại Liễu Tử Hậu bảo rằng cách Thánh đã xa, dị đoan đều nổi lên, chỉ có Đại sư Thiên Thai là được thuyết này. Há hai hiền giả khen suông mà a dua một cách cong vạy hay sao? Các tông đã không biết tánh cõ sẵn pháp ác. Nếu nói chín cõi chỉ nói tánh khởi. Dù có nói rằng Viên giáo lấy tánh đủ làm tông. Mà chỉ biết tánh có sẵn thiện, chẳng biết tánh có sẵn ác. Tuy nói phiền não tức Bồ-đề, sinh tử tức Niết-bàn, chuột ăn chim luống suông, chỉ có lời, không có ý chỉ. Ắt phải lật bỏ chín cõi tu ác, chứng cõi Phật tánh thiện, cho đến chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, ngay nơi tâm là Phật… là chỉ cho chân tâm thành Phật, không phải chỉ cho vọng tâm. Nên có người nói: ngay nơi tâm là Phật, là chân tâm hay vọng tâm? Đáp: Chân tâm. Lại có người nói: Tu chứng tức chẳng phải không, mà nhiễm ô chẳng thật có. Đây là nêu riêng pháp thân thanh tịnh, cho là tông truyền riêng ngoài giáo. Phân biệt rằng báo – hóa không phải chân Phật, cũng không phải người nói pháp. Nhưng công đức lớn dụng lớn thì toàn là của báo – hóa. Nếu hiểu thông báo – hóa thì rơi vào nhiễm ô. Duyên không phải hộ niệm thì không thể chóng thấy pháp thân, thì đều không ngoài nghĩa chỉ là Trung, vẫn chưa thể biết cõi Phật, chỉ trung tánh có đủ ba thân, đâu thể biết chín cõi ba thân? Nói theo thiện ác thì nghiêng về tánh thiện; nói theo mười cõi thì nghiêng về cõi Phật; nói theo chân vọng thì nghiêng về chân; nói theo chín thức thì nghiêng về tịnh thức Chân thường; nói theo bốn giáo thì nghiêng về Biệt giáo; nói theo mười cảnh ấm… thì thuộc cảnh Bồ-tát. Chưa lìa ba chướng bốn ma, sao gọi là tâm ấn viên đốn? Nên biết các Sư nói tức là chỉ chân tức chân, chẳng phải chỉ vọng tức chân. Cho nên nói Bồ-đề tức Bồ-đề, Niết-bàn tức Niết-bàn. Đã không phải tức ấm mà dạy, lại không có tướng tu phát, nghiêng về cõi Phật chân tâm một phá một lập. Nếu chẳng phải Biệt giáo duyên theo lý để dứt chín cõi thì suy với cái gì? Rồi lại chẳng rõ tánh ác là tên khác của Phật tánh, tâm phiền não và sắc sinh tử đều không có Phật tánh. Tâm phiền não không Phật tánh nên Tướng tông nói Nhị thừa định tánh; cực ác xiển-đề không thành Phật. Sắc sinh tử không có Phật tánh nên Tánh tông nói tường vách ngói gạch không thành Phật. Chỉ biết quả địa dung thông, chẳng rõ tâm người vốn có. Nếu thế chẳng những vô tình không tánh mà hữu tình cũng không. Làm sao phải theo tâm chân như mà nói duy tâm, thì thành Giá-na có Phật tánh, sắc chân thường. Nói duy sắc thì thành Tịch Quang có Phật tánh, đâu có liên quan gì đến tâm phiền não của hữu tình hay sắc sinh tử của vô tình? Đủ như trong Kim Ty nói, có người hỏi rằng: Nam Nhạc, Thiên Thai, khiến nương lý ba đế tu ba chỉ ba quán. Giáo nghĩa tuy là viên diệu, nhưng thứ lớp hướng vào môn hộ, cũng chỉ là chỗ tu bốn thiền tám định của cao tăng. Các hạnh tướng của thiền chỉ có pháp Đạt-ma truyền là chóng đồng Phật thể. Nay chỗ giải thích này vì sao lại trái nhau như thế? Đáp: Vì người khác thấy nhà này lập thức thứ sáu làm ấm cảnh bị quán bèn cho là chỗ nói của quyền giáo, quán thức thứ chín mới đồng Phật thể. Chỉ trích như thế rất sai lầm. Trước tuy đã giải thích xong, nay lại bình luận thêm.

Nếu nói về cảnh chỉ trọng gần gũi và cốt yếu tức dùng tâm thức thứ sáu để làm cảnh quán. Biết ba thức mầu nhiệm mà chưa từng lìa một kiến một tư. Tuy chỉ một thức mà chưa từng không dùng ba thức làm quán; chưa từng không lấy ba thức làm cảnh. Nếu dùng thẳng tâm này duyên với lý thật tướng của cõi Phật, như dùng chỉ ngó sen mà treo núi, chỉ tăng thêm phân biệt, việc dứt niệm không do đâu mà thành. Vì sao? Thức thứ sáu này đã do kiến – tư huân khởi, làm sinh khởi ư thích, nhàm chán, tạo nhân thiện ác, tức là tu thể ác. Sự tu ác này tức là tánh ác, đó là quán pháp năng quán. Lại là pháp môn sở hiển. Nên Kinh Khê nói: Chợt đều chưa nghe tên tánh ác, đâu thể tin có hạnh của tánh đức, vì tu ác tức tánh ác nên ba quán mười thừa không hoặc nào thể phá được, không lý nào hiển được, mới gọi là diệu hạnh vô tác, cho đến trên quả hiện khắp sắc thân, hiện thân chín cõi, dạo chơi sáu đường. Toàn tánh ác khởi được gọi là không mưu mà ứng. Nếu cũng trái ác làm thiện, dứt ác chứng thiện, trong nhân hành thành quả có tạo tác. Tác ý thần thông đâu khác ngoại đạo. Như thế mà xưng là chóng đồng Phật thể là nhận mắt cá làm ngọc quý, chỉ gà núi cho là loan phụng. Tuy con nít ba thước (Tàu) cũng biết là sai. Nếu dùng tánh ác đối lại với tánh thiện, theo mười cõi thứ lớp mà nói thì sáu cõi là ác, Nhị thừa là thiện; tám cõi là ác, Bồ-tát là thiện; chín cõi là ác, Phật giới là thiện. Chín và một này chính là bờ mé của ác và cùng cực của thiện. Nên nay chỗ giải thích là dùng cực để nói về viên, tánh người đủ cả thiện ác. Nên như “quân tử bất khí”, thiện ác đều có công năng thể dụng chẳng hai. Người Biệt giáo không có tánh ác nên như người thuần thiện không thể làm ác, bị vô minh lôi kéo mới có làm ác. Trích luận chép: Dâm dục tức là Đạo, si nhuế cũng giống như thế. Như vậy trong ba pháp có đủ tất cả Phật pháp, dâm dục si nhuế là làm ác. Đủ tất cả Phật pháp tức là tánh ác. Lại kinh nói: chắp tay, rải hoa, cúi đầu, chắp tay đều thành Phật đạo. Chắp tay, v.v… là tu thiện. Đều thành Phật đạo tức là tánh thiện. Phàm như thế đều khiến cho pháp giới hữu tình trở lại tự tánh sẵn có này mà thôi. Nên được làm kẻ sĩ ở đầm lầy, dưới núi rừng, chuyên tinh nghiên cứu Phật thừa, mở mang Thánh hóa; hoặc ở cửa thầy tận tâm chỉ bảo, thấy mà biết được; hoặc ở kinh sớ nghiên cứu tìm tòi, nghe mà biết được. Giữa thấy nghe, hai tâm chiếu nhau, lãnh hội được huyền chỉ, thầm khế nhập gọi là truyền. Tâm ta vốn có, không từ người khác được gọi là chẳng truyền. Tâm tuy vốn có mà nhờ chỉ dạy mới biết, đó là Truyền. Cái hay của chẳng truyền này như ấn ngay tâm, đó là Tâm ấn. Biết điều này gọi là diệu giải, thực hành điều này gọi là Diệu hạnh, chứng điều này gọi là diệu quả, như thế thì sẽ xong việc. Chỗ luận như trên vần còn ở chỗ tự hành chứ chưa đến việc giáo hóa người khác. Vì sao? Trong phẩm Thí Dụ Ca-diếp, vừa nghe liền ngộ chẳng nhờ tu trì, lãnh nhận đầy đủ năm thời thí hóa, nên nói: Nói pháp y cứ theo đây nên ban bố khai mở tự tại, nhờ ơn Như Lai thuật thành thọ ký. Nên biết Cadiếp truyền tâm ấn này chính là ở Pháp Hoa. Nghe thí dụ là diệu giải, ngộ nhập là diệu quả. Nên nói: Nay báu lớn của quốc vương tự nhiên đến. Ca-diếp đã vậy, người khác có thể so theo đấy. Miệng vàng đã vậy, nay sư cũng như thế. Bắc Tề vừa giở ra văn này sáng tỏ đại ngộ. Nam Nhạc chín tuần liền chứng. Thiên Thai mười bốn ngày mới được. Nên biết từ nghe mà suy nghĩ, suy nghĩ rồi tu mà chứng. Căn tánh khác nhau nên chứng có mau chậm. Nếu nói về giáo hóa người khác gọi là phó thác, cũng gọi là chúc lụy, vẫn có chung và riêng. Chung gồm bốn chúng, Biệt ở Ca-diếp, như khuyên trì, đọc tụng, chúc lụy, lưu thông, cho đến trong pháp sâu xa khác, chỉ dạy cho được lợi ích, vui mừng. Thanh văn thì đủ có tám ngàn, Bồ-tát thì vô lượng vô số. Riêng thì chỉ ở Ca-diếp, phó chúc chẳng hạn cuộc một chỗ. Nên trong Niết-bàn tuy không ở tại hội, mà muốn bốn chúng đều biết kính tin, nên nói: nay ta được chánh pháp Vô thượng, đem phó chúc Ma-ha Ca-diếp. Lại Phó Pháp Truyện nói: Hóa duyên sắp xong, sẽ diệt độ, bảo đại đệ tử Ma-ha Ca-diếp: Như nay ta sắp Bát niết-bàn, chúc lụy pháp sâu này cho ông thầy, về sau thầy nên kính thuận ý ta, tuyên bày lưu bố rộng khắp không để đoạn dứt. Như thế kinh có văn không độ hết. Do đó giao phó riêng cho Ca-diếp là có ba ý: 1. Duyên Như Lai hết, duyên Ca-diếp sẽ hưng thịnh. 2. Ca-diếp khổ hạnh, có thể làm cho Phật pháp trụ lâu. 3. Phụ với tiểu quả, giáo hóa dễ hành. Ví như Phật Tịnh Minh Đức phó chúc cho Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến; khiến lưu bố rộng. Vì duyên không ở kia, cho nên phó thác ở đây, truyền tâm ấn Phật đâu chỉ riêng ở Ca-diếp, người khác đều không rõ hay sao? Người đời mê điều này, khi dối Thánh Hiền vọng sinh hý luận, chưa thể biết ý chỉ trao truyền tự hành và hóa tha này. Ô hô! Đó là một nhà, xưa nay bặt xướng chánh truyền của Phật Tổ. Nhưng khúc ca Bạch Tuyết Dương Xuân xướng quá cao, nên ít có người hòa theo. Hoài Tắc may mắn gặp được vận tốt chẳng kể mình thấp hèn, nương vào giấy mực để mở rộng thấy nghe, bắt chước theo Pháp Hoa như ruộng như làng, Niết-bàn như cây như đá; hoặc sinh ra hủy báng gần như mạnh độc; thì như thú qua sông, đâu dám nhìn cái đuôi bị thấm nước.

(1) Tào Công: Tào Tháo

(2) Tôn: Tôn Quyền; Lưu: Lưu Bị