thiên thai sơn

Phật Quang Đại Từ Điển

(天臺山) Cũng gọi Thiên thê sơn, Thai nhạc. Núi ở phía đông bắc dãy Phật hà lãnh sơn, phủ Thai châu (nay là huyện Thiên thai) tỉnh Chiết giang, Trung quốc. Hình thể núi như đóa sen 8 cánh úp xuống, có 8 nhánh, 8 khe, Thượng thai, Trung thai, Hạ thai, giống như chòm sao Thai có 3 sao, vì thế gọi là Thiên thai. Núi này do 8 ngọn hợp thành, tức các ngọn: Đồng bách, Xích thành, Bộc bố, Phật lũng, Hương lô, La hán, Đông thương và Hoa đính, trong đó, ngọn Hoa đính cao 1136 mét, là ngọn cao nhất. Theo truyền thuyết, núi này tên cũ là Nam nhạc, con vua Linh vương nhà Chu là Thái tử Tấn đến đây ở, sau khi chết, hồn ông trở thành thần núi, báo mộng cho các quan tả hữu bảo đổi tên núi là Thiên thai sơn. Núi rất quanh co nhiều lớp, có các núi Chiêu hiền, Kim đôn…, các ngọn Trích tinh, Ngọc nữ…, các hang Bách trượng, Sư tử…, các động Lưu nguyễn, Đơn hà… ; các khe Náo, Tú…, các đầm Huệ trạch, Linh trạch, Bách trượng, các hồ Tuyền, Mặc… Còn có suối nước ngọt, suối Trí giả, suối Tích trượng, ao mực, ao phóng sinh, đá 500 La hán… từ xưa đã rất nổi tiếng. Đây cũng là nơi ở ẩn của các Đạo sĩ, ẩn sĩ như Ba di, Thúc tề, Bành tông, Nguyễn triệu, Hứa mại, Cát huyền, Cố hoan, Diệp pháp thiện, Tư mã Thừa trinh, Lã đồng tân, Trương tử dương… Tương truyền, Phật giáo đến núi này khoảng năm Xích ô (238-251) đời Ngô thời Tam quốc, đầu tiên xây chùa Thanh hóa, am Thúy bình, không bao lâu, có các ngài Chi độn, Vu pháp lan, Đàm quang, Trúc đàmdu… lần lượt sáng lập các chùa như chùa Thê quang, chùa Ẩn nhạc, chùa Trung nham… Về sau, ngài Pháp thuận sáng lập chùa Bộc bố, ngài Tuệ minh sáng lập chùa Ngọa Phật. Ngài Tăng hộ ở Thạch thành phát nguyện tạo lập tượng Phật Di lặc bằng đá, các ngài Tăng thục, Tăng hựu nối tiếp sự nghiệp này và đến năm Thiên giám 15 (516) đời Lương thì tượng được hoàn thành. Ngoài ra, ngài Trí đạt sáng lập chùa Thêthiền, tôn giả Thiên hoa xây chùa Khai nghiêm, ngài Tăng hựu cũng cất chùa Bạch nham. Đến năm Thái kiến thứ 7 (575) đời Trần Tuyên đế thuộc Nam triều, ngài Trí khải dựng chùa Tu thiền (sau gọi là chùa Thiền lâm) ở ngọn Phật lũng, từ đó chùa Tu thiền trở thành đạo tràng căn bản của tông Thiên thai. Lúc về già, ngài Trí khải được Tấn vương (vua Dạng đế nhà Tùy sau này) xây dựng Thiên thai sơn tự để ngài an trụ và vào niên hiệu Đại nghiệp năm đầu (605), vua ban biển hiệu Quốc Thanh Tự, lịch đại Tổ sư tông Thiên thai đều trụ ở chùa này. Sau lại xây thêm chùa Bình điền. Năm Trinh quán thứ 6 (632) đời Đường, ngài Quán đính nhập tịch ở chùa Quốc thanh. Về sau, có các ngài Trí việt, Phổ minh, Trí uy… nối tiếp nhau trụ trì chùa này. Tương truyền, khi ngài Phong can trụ ở Quốc thanh thì ngài Thập đắc làm điển tọa, lúc đó thi sĩ Hàn sơn trụ ở hang Hàn nham thường đến chùa này xin ăn, giao du rất thân mật với ngài Thập đắc, làm hơn 300 bài thơ kệ. Sau, các ngài Huyền lãng, Trạm nhiên kế tiếp nhau đến trụ ở chùa này. Năm Kiến trung thứ 3 (782), ngài Trạm nhiên thị tịch ở đạo tràng Phật lũng, các đệ tử xây tháp thờ toàn thân xá lợi của ngài ở góc phía nam khu tháp của ngài Trí khải. Năm Trinh nguyên 20 (804) đời Đường, các vị tăng người Nhật bản là Tối trừng,Nghĩa chân… đến Thiền viện Trí giả (chùa Chân giác) theo học giáo pháp tông Thiên thai nơi các ngài Đạo thúy, Hành mãn… Sau khi về nước sáng lập tông Thiên thai của Phật giáo Nhật bản. Trong Pháp nạn Hội Xương (841-846), Vũ tông nhà Đường phá hoại Phật giáo, phần lớn chùa tháp ở núi Thiên thai bị hủy hoại. Thiền viện do sư Tối trừng của Nhật bản sáng lập trong chùa Thiền lâm nơi sư đã học Thiền với ngài Tiêu nhiên từ năm 804 cũng đã bị hoang phế. Sau, các ngài Viên trân, Viên giác đến Trung quốc lưu học xây dựng lại Thiền viện này và đặt tên là: Thiên thai sơn Quốc thanh tự Nhật bản quốc đại đức tăng viện(Tăng viện của các Đại đức Nhật bản ở chùa Quốc thanh tại núi Thiên thai). Các vị tăng Nhật bản đến Trung quốc du học phần nhiều thường lên chiêm bái núi Thiên thai. Trong các năm Long đức đời Hậu Lương, các ngài Đức thiều, Sư uẩn trụ ở Vân cư, nhận sự qui y của Ngô Việt vương và phục hưng lại các di tích cũ của ngài Trí khải. Từ cuối đời Đường về sau, Thiền tông hưng thịnh, cho nên các Thiền tự ở núi Thiên thai đặc biệt được xây cất rất nhiều. Vào thời Ngũ đại, các ngài Đức thiều, Nghĩa tịch phục hưng. Đến đời Tống, các ngài Tri lễ, Tuân thức dời trung tâm của giáo học Thiên thai đến núi Tứ minh, Tây hồ, về sau, núi Thiên thai dần dần suy vi. Đời Nguyên có ngài Vô kiến Tiên đổ trụ ở núi Thiên thai; đời Minh thì có các ngài Đàm ngạc, Tượng tiên Chân thỉnh, Dịch am Như thông, Nguyệt đình Minh đắc… trụ núi này. Nhưng đến khoảng các năm Hoằng trị, Chính đức đời Minh thì giáo tích của tông Thiên thai ở núi này hầu như đã suy diệt. Trong núi Thiên thai vốn có 72 ngôi chùa Phật, đến khoảng năm Vạn lịch đời Minh thì đã bị phá phân nửa, còn phân nửa. Hiện nay còn các chùa: Quốc thanh, Chân giác, Cao minh, Đại Phật, Hoa đính, Thượng phương quảng, Hạ phương quảng, Vạn niên, Bảo tướng… Trong đó, chùa Quốc thanh là đạo tràng căn bản, các điện đường còn nguyên vẹn, nổi tiếng nhất. Chùa Chân giác là nơi an táng ngài Tríkhải, trước tháp có 2 tòa tháp bằng đá, hiệu là Định tuệ chân thân tháp viện. Chùa Cao minh còn lưu giữ di tích ngài Trí khải giảng kinh Tịnh danh, hiệu là Trí giả U khê đạo tràng.Chùa Bảo tướng cũng gọi là chùa Xích thành, chùa Đại Phật là nơi ngài Trí khải thị tịch, thời Ngô Việt vương, ngài Đức thiều xây dựng điệnđường, hiệu là Bảo quốc Hoa nghiêm viện, đến đời Tống mới đổi tên như hiện nay. Trên đỉnh núi có ngôi tháp gạch gồm 7 tầng cao 20 trượng, do Vương phi Nhạc dương xây cất vào đời Lương, hiện nay chỉ còn 4 tầng. Ngoài ra, còn có 5 động là Phi hà, Ngọc kinh, Xan hà, Hoa dương và Tử dương. [X. Thiên thai tứ giáo nghi tập giải Q.thượng; Lương cao tăng truyện Q.11, 13, 14; Quốc thanh bách lục Q.2, 3, 4; Tùy Thiên thai Trí giả đại sư biệt truyện, Thiên thai sơn phương ngoại chí; Pháp hoa trì nghiệm kí Q.thượng; Cổ kim đồ thư tập thành sơn xuyên điển 121-126; Chức phương điển 995-1000, 1002; Thiên thai hà tiêu Q.5, phần 4; Chi na Phật giáo sử tích bình giải Q.4].