thiên thai ngũ thời

Phật Quang Đại Từ Điển

(天臺五時) Đại sư Trí Giả tông Thiên Thai dùng ví dụ Mặt trời chiếu soi muôn vật để chia thánh giáo trong 1 đời giáo hóa của Phật làm 5 thời, gọi là Thiên thai ngũ thời. Đó là: 1. Thời Hoa nghiêm: Theo tên kinh mà lập danh. Đầu tiên, đức Như lai nói Hoa nghiêm cho những người mà căn cơ Đại thừa đã thuần thục nghe, giống như mặt trời mới mọc chiếu trên núi cao. Thời này nói về pháp giới vô tận, tính hải viên dung, không hữu đều hiển, sắc-tâm đều nhập, lặng lẽ sâu thẳm trùm hải ấn(ví dụ Phật trí), hiện cõi nước trên đầu lông, dùng thời kinh này hóa độ hàng Bồ tát Đại thừa. 2. Thời Lộc uyển: Căn cứ vào địa điểm mà lập danh. Nghĩa là sau thời Hoa nghiêm, Như lai giảng nói kinh A hàm, như lúc mặt trời chiếu vào hang tối. Thời này, Như lai vì hàng Tiểu thừa đối với đại pháp Hoa nghiêm như điếc, như mù, không nghe, không thấy, cho nên ẩn đi đại hóa mà thi hành tiểu hóa, nói pháp Tứ đế, giảng nói kinh A hàm trong vườn Lộc uyển. 3. Thời Phương đẳng: Theo pháp được nói mà lập danh. Phương là rộng lớn bao trùm khắp hết các căn cơ; Đẳng là nói chung cả 4 giáo(Tạng, Thông, Biệt, Viên). Sau thời Lộc uyển, Như lai nói các kinh Phương đẳng, như lúc mặt trời chiếu trên đồng bằng. Ở vườn Lộc uyển, Như lai nói pháp Tiểu thừa, hàng Nhị thừa mới được chút ít đã cho là đủ, Như lai bèn giả ra cư sĩ Duy ma để quở trách, khiến cho họ hổ thẹn Tiểu thừa mà mến mộ Đại pháp, cho nên giảng nói kinh Duy ma, kinh Lăng già… 4. Thời Bát nhã: Căn cứ vào tên kinh mà lập danh. Sau thời Phương đẳng, Như lai nói kinh Bát nhã, như lúc mặt trời chiếu vào giờ Tị (9-11 giờ), Tiểu thừađã bị chê trách, hồi tâm hướng Đại, nhưng tình chấp vẫn chưa dứt liền, Như lai bèn nói pháp Bát nhã không tuệ để rửa sạch tình chấp ấy. 5. Thời Pháp hoa Niết bàn: Căn cứ vào kinh để lập danh. Nghĩa là sau thời Bát nhã, Như lai chính thức giảng nói kinh Pháp hoa và kinh Niết bàn, như mặt trời chiếu đúng ngọ. Ở 4 thời giáo trước, Như lai đã điều phục các căn cơ thuần thục, cho nên trong hội Linh sơn, đức Như lai giảng thuyết xứng tính, khiến từ quyền (tạm thời) vào thực(chân thật), rõ vọng tức chân, nói về tuổi thọ lâu dài, hiển bày sự xa thẳm của Chí đạo, thượng trung hạ căn đều được thụ kí, đây chính là lí do đức Như lai tuyên thuyết kinh Pháp hoa. Tuy nhiên vẫn còn các căn cơ khác nên đức Phật lại nói kinh Niết bàn để thu nhặt hết, không bỏ sót. (xt. Ngũ Thời Bát Giáo).