thiền tam tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(禪三宗) Chỉ cho 3 tông Thiền theo cách tổng phân loại của ngài Khuê phong Tông mật. Trong các tác phẩm Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự và Trung hoatruyền tâm địa thiền môn sư tư thừa tập đồ, ngài Khuê phongTông Mật (780-841), Tổ thứ 5 của tông Hoa nghiêm, chia chung các phái Thiền tông làm 3 tông là: Tức vọng tu tâm tông, Mẫn tuyệt vô kí tông và Trực hiển tâm tính tông. 1. Tức vọng tu tâm tông: Tông dứt vọng niệm tu chân tâm. Tông thiền này do đệ tử của các ngài Nam sân, Bắc tú, Bảo đường, Tuyên thập…và các vị Ngưu đầu, Thiên thai, Huệ trù, Cầu na…đề xướng. Tông này chủ trương ngoại cảnh và nội tâm đều có phần hạn, nếu bỏ quên cảnh mà quán xét tâm thì có thể diệt được các vọng niệm; hễ diệt được vọng niệm thì liền giác ngộ, rõ suốt tất cả. Đây là chỉ cho Thiền bắc tông. 2. Mẫn tuyệt vô kí tông: Tông dứt bặt không dấu vết. Chỉ cho tông phái của các ngài Thạch đầu, Ngưu đầu, Kính sơn… Tông này chủ trương các pháp phàm thánh đều như mộng huyễn, cho nên phải thoát li tất cả chấp trước, oán thân, vui khổ, tất cả vô ngại, rõ suốt xưa nay vốn vô sự, xa lìa điên đảo, chứng được giải thoát. 3. Trực hiển tâm tính tông: Tông chỉ thẳng chân tâm thấy tính thành Phật. Chỉ cho tông Hồng châu và tông Hà trạch. Các tông này chủ trương Hữu, Không đều là chân tính(tức qui tướng vào tính). Chủ trương này lại chia làm 2 loại: a. Cho rằng ngôn ngữ động tác, tham sân từ nhẫn, thiện ác khổ lạc… đều là Phật tính, ngoài những thứ này ra, không có Phật nào khác. Chủ trương không dứt (ác), không tu(thiện) chính là giải thoát. b. Cho rằng vọng niệm vốn vắng lặng, cảnh trần vốn không, tâm rỗng lặng này chính là cái Biết thiêng liêng, mầu nhiệm, sáng suốt vô cùng, đó là chân tính của ta; 1 chữ Biết này chính là cửa của các cái huyền diệu. Đốn ngộ được cái Biết rỗng lặng này thì biết rằng mọi ý niệm đều vô hình; tuy tu đủ muôn hạnh mà lấy vô niệm làm tông, thì tội nghiệp tự nhiên dứt trừ, công dụng tự nhiên tăng tiến.