thiện tài đồng tử

Phật Quang Đại Từ Điển

(善財童子) Phạm: Sudhana-Zrewỉhi-dàraka. Vị Bồ tát cầu đạo nói trong phẩm Nhập pháp giới kinh Hoa nghiêm, từng đi về phương nam tham vấn 55 vị thiện tri thức, gặp bồ tát Phổ hiền thì thành tựu Phật đạo. Phật giáo Đại thừa dùng trường hợp này làm ví dụ để chứng minh nghĩa Tức thân thành Phật, còn quá trình cầu đạo của đồng tử Thiện tài thì biểu trưng cho các giai đoạn đi vào pháp giới của Hoa nghiêm. Cứ theo phẩm Nhập pháp giới trong kinh Hoa nghiêm quyển 45 (bản dịch cũ), đồng tử Thiện tài là con của 1 vị trưởng giả ở Phúc thành, từ khi đầu thai đến lúc sinh ra, có rất nhiều thứ trân bảo tự nhiên xuất hiện, vì thế đặt tênlàThiện tài(của cải tốt lành). Về sau, được sự dạy bảo của bồ tát Văn thù, đồng tử Thiện tài đi khắp các nước ở phương nam. Đầu tiên, Thiện tài đến nước Khả lạc tham vấn tỉ khưu Công đức vân, học được môn tam muội Niệm Phật. Sau đó, lần lượt tham vấn các vị Bồ tát, Tỉ khưu, Tỉ khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Đồng tử, Đồng nữ,Dạ thiên, Thiên nữ, Bà la môn, Trưởng giả, Y sư, Thuyền sư, Quốc vương, Tiên nhân, Phật mẫu, Vương phi, Địa thần, Thụ thần… lắng nghe và lãnh thụ các loại pháp môn, cuối cùng đến đạo tràng Bồ tát Phổ hiền thì Thiện tài chứng nhập pháp giới Vô sinh. Cứ theo Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 18 thì việc đồngtửThiện tài tham vấn các thiện tri thức có 8 ý nghĩa, đó là: Thiện tri thức là khuôn phép, là duyên thắng hạnh, phá kiến chấp kiêu mạn, xa lìa ma vi tế, nương thành hạnh, nương hiển vị, hiển bày sự sâu rộng và nêu rõ duyên khởi. Sách đã dẫn cũng cho rằng hành chứng của đồng tử Thiện tài suốt cả 3 đời: Kiến văn(đời trước), Giải hành(đời này) và Chứng nhập(đời sau) và lấy đời này của đồng tử Thiện tài làm Giải hành sinh, biểu thị Thiện tài trong 1 đời này tu đủ hành pháp của 5 giai vị: Thập tín, Thập trụ, Thập hành, Thập hồi hướng và Thập địa, đây chính là nghĩa Tam sinh thành Phật (ba đời thành Phật), là y cứ vào quả báo cách đời mà nói 3 đời. Nhưng tông Hoa nghiêm còn có thuyết Nhất sinh thành Phật (thành Phật trong 1 đời), cho rằng ba đời (tam sinh) chỉ là từ ngữ biểu thị phần vị pháp môn, chứ thực ra trong một đời 1 niệm cũng có 3 đời, cho nên tông Hoa nghiêm chủ trương 3 đời kiến văn, giải hành, chứng nhập có thể mỗi đời đều tự trong1đời ấy mà thành Phật. Theo đây, việc thành Phật của đồng tử Thiện tài có 2 thuyết: Ba đời thành Phật và một đời thành Phật.Ngoài ra, việc đồng tử Thiện tài tham vấn các thiện tri thức là biểu thị thứ tự trước sau về nhân quả chứng ngộ tiệm tiến. Trong đó, từ lần đầu tiên gặp ngài Văn thù về sau đến vị thiện tri thức thứ 41, là biểu thị nương vào tướng tu hành của các giai vị Tam hiền, Thập thánh. Mười một vị tiếp sau là biểu thị cho tướng hội duyên nhập thực, tức tổng hợp các duyên sai biệt của các giai vị nói ở trước mà cùng vào lí thực tướng, chỉ cho thân chứng Diệu giác. Kế đó, gặp vị thứ 53 là bồ tát Di lặc, là biểu thị tướng nhiếp đức thành nhân, tức là thu nhiếp đức hội duyên nhập thực này để làm chính nhân cho Nhất sinh bổ xứ. Kế nữa là gặp lại bồ tát Văn thù là biểu thị tướng trí chiếu vô nhị, tức gặp bồ tát Văn thù lần đầu là tượng trưng cho Tín trí, sau khi đã tham vấn lần thứ 54, lại gặp bồ tát Văn thù lần thứ 2 là tượng trưng cho Chứng trí. Đến đây, tức biểu thị kết quả sự tầm cầu khắp các pháp môn của đồng tử Thiện tài đã tương ứng với bản trí, thầm hợp không hai, đã lìa tướng phân biệt năng và sở, được chiếu thể và độc lập. Sau cùng, đồng tử Thiện tài gặp bồ tát Phổ hiền là biểu thị tướng hiển bày nhân rộng lớn, tức đã đạt đến Trí, Chứng không hai, cho nên dứt ý quên lời, tất cả đều là Đạo, pháp pháp toàn chân, y chính dung hợp, lớp lớp vô tận, nêu 1 pháp tức viên nhân, hết thảy các pháp đều như thế, đó chính là cảnh giới Phổ hiền rộng lớn. Có rất nhiều kệ tán tụng và tranh vẽ về lịch trình cầu đạo của đồng tử Thiện tài, như Đại phương quảng Hoa nghiêm nhập pháp giới phẩm tán của cư sĩ Dương kiệt đời Bắc Tống, Ngũ tướng tri thức tụng của ngài Trung sư, Văn thù chỉ nam đồ tán của ngài Duy bạch… Những tác phẩm này cũng thường được dùng làm đề tài văn học Phật giáo. Còn trong các chùa viện thuộc Thiền tông thì tượng của đồng tử Thiện tài thường được đặtởbên trái tượng bồ tát Quán thế âm, tức lấy đề tài từ việc đồng tử Thiện tài được bồ tát Quán thế âm giáo hóa khi đồng tử đến bái yết Ngài trong quá trình tham vấn các bậc danh sư. [X. Hoa nghiêm kinh sớ Q.55; Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao Q.3, 85; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.2; môn Linh tượng trong Thiền lâm tượng khí tiên].