Thiền Sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch
Tổ thứ hai tông qui ngưỡng
(804 – 899)

Việt dịch: Thích Hằng Đạt

 

Thiền Sư Huệ Tịch quê ở Hoài Hóa, Thiều Châu, con nhà họ Diệp. Năm chín tuổi, đến chùa Hòa An xuất gia theo thiền sư Bất Ngữ Thông. Năm mười bốn tuổi, cha mẹ dẫn trở về nhà, muốn Ngài cưới vợ, nhưng Ngài chẳng chịu, nên dùng dao chặt hai ngón tay, đến trước cha mẹ quỳ xuống, thệ cầu chánh pháp để báo ân sanh thành dưỡng dục. Cha mẹ mới cho xuất gia.

Sau đó, Ngài trở lại chùa Hòa An xuống tóc tu tập tiếp. Tuy chưa thọ giới Cụ Túc, Ngài đã đi du phương cầu pháp. Trước hết, Ngài đến yết kiến Đam Nguyên, nhơn đây được huyền chỉ. Lần nọ, ngài Đam Nguyên bảo:

-Quốc Sư lúc đương thời được sáu đời Tổ Sư truyền cho 97 viên tướng (tướng tròn), Ngài trao cho lão Tăng dặn rằng:’ Sau khi ta tịch diệt 30 năm, có ông Sa Di từ phuơng Nam đến, sẽ làm hưng thạnh giáo này. Ngươi nên thứ lớp truyền trao chớ để đoạn dứt. Nay ta trao cho ngươi, ngươi phải giữ gìn.

Nói xong, ngài Đam Nguyên trao bản đó cho Ngài. Vừa nhận được và xem qua một lượt, Ngài bèn đem đốt.

Hôm khác, ngài Đam Nguyên nói với Ngài:

-Những tướng Ta trao hôm trước, cần phải giữ gìn.

Ngài thưa:

-Lúc đó, vừa xem xong, con đã đốt rối.

-Pháp môn này của ta, không người hội đựơc, chỉ có thầy ta và các bậc Tổ Sư Đại Thánh mới hiểu hết , sao con lại đem đốt ?

-Huệ Tịch một phen xem qua đã biết ý chỉ trong đó, ứng dụng đựơc chẳng cần cầm bổn.

-Tuy như thế, nơi con thì đựơc, người sau làm sao tin được ?

-Hoà Thượng nếu cần, con chép lại chẳng khó .

Ngài liền chép hết lại thành một tập chẳng sót một điều, rồi trình lên. Ngài Đam Nguyên khen là đúng.

Lúc thiền sư Đam Nguyên lên chánh điện, Ngài bước ra khỏi đại chúng mà vòng tay làm hình chữ o, khoanh tay lại mà đứng trình. Ngài Đam Nguyên co hai núm tay lại thành núm quyền, chỉ thẳng tới Ngài để khai thị ý. Ngài bước tới ba bước, ra dáng lễ lạy như người nữ. Ngài Đam Nguyên gật đầu. Ngài lại lễ bái.

Khi khác, Ngài đang giặt y, ngài Đam Nguyên hỏi :

-Chính bây giờ làm gì ?

Ngài đáp :

-Chính bây giờ nhằm chỗ nào thấy ?

Sau này, Ngài đến tham vấn Qui Sơn Linh Hựu. Ngài Qui Sơn hỏi:

-Ngươi là Sa Di có chủ hay Sa Di không chủ ?

Ngài thưa :

-Có chủ.

-Chủ ở chỗ nào ?

Ngài đi từ bên Đông sang bên Tây đứng. Ngài Qui Sơn biết con người kỳ lạ nên hết lòng chỉ dạy.

Ngài hỏi :

-Thế nào là chỗ trụ chân thật của Phật ?

Ngài Qui Sơn đáp:

-Nơi vi diệu của suy tư và chẳng suy tư, xoay sự suy tư linh ứng sáng suốt vô cùng, suy tư suốt trở về nguồn, tánh và tướng thừơng trụ, sự và lý không hai, chơn Phật như như.

Ngay câu nói ấy, Ngài đốn ngộ, nên dừng lại đây hầu hạ ngài Qui Sơn suốt mười lăm năm.

Chẳng bao lâu, Ngài sang Hồ Bắc thọ giới, rồi ở lại kiết hạ an cư, nghiên cứu tạng Luật.

Lần nọ, Ngài đến tham vấn Nham Đầu. Nham Đầu dựng cây chổi lên. Ngài bèn trãi tọa cụ dưới đất. Nham Đầu để cây chổi đằng sau lưng. Ngài bèn xếp lấy tọa cụ, rồi đặt trên vai, bước ra ngoài. Nham Đầu nói:

-Ta chẳng cho ông bỏ, chỉ cho ông thu nhận.

Ngài đến tham vấn Thạch Thất, hỏi:
-Phật và Đạo khác nhau chỗ nào?

Thạch Thất đáp:

-Đạo như mở lồng bàn tay. Phật như co nắm tay.

Ngài nghe lời này bèn từ biệt Thạch Thất, và được vị này tiễn ra trước cổng. Thạch Thất nói:

-Ông chớ đi rồi mà không trở lại. Về sau xin hãy đến chỗ ta.

Lần nọ, Ngài đang quét dọn, thì ngài Quy Sơn đến, hỏi:

-Không thể quét bụi được! Hư không chẳng tự phát sanh. Làm sao quét bụi?

Ngài liền quét một chổi.

Ngài Quy Sơn lại hỏi:

-Tại sao hư không chẳng thể phát sanh?

Ngài dùng tay chỉ thân mình, rồi chỉ đến ngài Quy Sơn. Ngài Quy Sơn bảo:

-Không thể quét bụi. Hư không không thể phát sanh. Rời hai đường đó, còn đường nào chăng?

Ngài lại cầm chỗi quét đất, rồi dùng tay chỉ thân mình và chỉ đến Ngài Quy Sơn.

Hôm nọ, ngài Quy Sơn dùng tay chỉ ra ngoài thửa ruộng, hỏi:

-Đầu nào thấp, và đầu nào cao?

Ngài đáp:

-Đầu này cao, còn đầu kia thấp.

-Nếu không tin thì đến chính giữa mà xem hai đầu.

-Chẳng cần đứng chính giữa, cũng chẳng cần đứng hai bên đầu.

-Nếu như vậy, hãy đổ nước xuống thì biết chỗ nào cao và chỗ nào thấp.

-Nước cũng không có tánh định. Chỗ nào cao thì chỗ đó là nơi cao và bằng, còn chỗ nào thấp thì chỗ đó là nơi thấp mà bằng.

Nghe lời này, ngài Quy Sơn trở vào liêu thất nghỉ ngơi.

Thấy một vị thí chủ dâng lụa cúng dường ngài Quy Sơn, Ngài hỏi:

-Bạch Hòa Thượng! Thí chủ dâng vật cúng dường như thế thì Hòa Thượng báo đáp như thế nào?

Ngài Quy Sơn liền dùng tích gõ giường thiền ba lần, rồi nói:
-Ta dùng vật này để báo đáp.

-Nó có tác dụng gì?

-Ông còn ngờ vực tác dụng đó sao?

-Con tuy không còn ngờ vực, nhưng vì đại chúng mà hỏi đó thôi!

-Nếu biết đó là chuyện của đại chúng, thì sao còn hỏi ta tìm vật gì để trả ơn?

-Chỉ sợ Hòa Thượng khiến đại chúng làm những chuyện như người đời.

-Ông chẳng thấy đại sư Đạt Ma từ Tây Thiên đến, và cũng đem theo vật đó, mà các ông đều thọ nhận đây.

Ngài ở chỗ ngài Quy Sơn, làm Trực Tuế (1). Lần nọ, Ngài vừa từ đồng ruộng trở về chùa, ngài Quy Sơn hỏi:

-Ông từ đâu trở về?

Ngài đáp:

-Con từ ngoài đồng trở về.

-Ngoài đồng có nhiều ít người?

Ngài liền cắm xẻng thẳng xuống đất, và chắp tay lại. Ngài Quy Sơn bảo:

-Hôm nay trên núi Nam Sơn có nhiều người cắt cỏ.

Ngài liền lấy cây cuốc rồi bỏ đi.

Lúc Ngài đang chăn trâu ở chỗ ngài Quy Sơn, thượng tọa Tích Thiên Thái đến hỏi:
-Trên một đầu ngọn lông có một con sư tử hiện thì không đáng hỏi đến. Trên trăm ức sợi lông có trăm ức sư tử hiện. Đó là nghĩa gì?

Ngài liền cỡi trâu quay trở về chùa, trình lại câu hỏi đó lên ngài Quy Sơn. Bấy giờ, Tích Thiên Thái cũng vừa đến. Ngài thưa với ngài Quy Sơn:

-Thượng Tọa này hỏi như thế đó.

Ngài Quy Sơn quay sang hỏi Tích Thiên Thái:

-Trên trăm ức đàu sợi long có trăm ức sư tử hiện. Có phải là lời của Thượng Tọa?

Tích Thiên Thái thưa:

-Vâng!

Ngài hỏi:

-Ngay lúc đó, sư tử hiện đằng trước hay đằng sau các sợi lông?

Tích Thiên Thái đáp:

-Lúc hiện đó, không thể nói rằng hiện trước hay hiện sau.

Ngài Quy Sơn nghe lời đó liền cười to.

Ngài bảo:

-Lưng sư tử bị gãy rồi.

Nói xong, Ngài liền bỏ đi.

Lần nọ, Ngài cùng ngài Quy Sơn du hành trên núi. Ngài Quy Sơn đến ngồi trên tảng đá lớn, còn Ngài thì đứng hầu một bên. Bỗng nhiên, có chim tha quả hồng chín đánh rơi trước mặt. Ngài Qui Sơn vội lựơm quả hồng đưa cho Ngài. Ngài nhận quả hồng rồi đi tìm nước rửa. Rửa xong, Ngài dâng cho ngài Qui Sơn. Ngài Qui Sơn bảo :

-Ở chỗ nào con đựơc quả này?

Ngài thưa :

-Đây là đạo đức của Hòa Thượng cảm nên mà có.

-Con đâu phải không có!

Ngài Quy Sơn vừa nói xong, bèn bẻ nửa quả hồng cho Ngài.

Lần khác, ngài Quy Sơn hỏi Ngài:

-Nếu có ai chợt hỏi, thì con đối đáp như thế nào?

Ngài thưa:

-Nếu có sư thúc chùa Đông ở đây, con sẽ không đến chỗ tịch mịch.

-Tha cho ngươi mà không bắt tội này.

-Sống hay chết, cũng nơi một lời này.

-Chẳng khinh chỗ thấy của ngươi, mà chẳng hứa cho kẻ khác.

-Ai?

Ngài Quy Sơn chỉ một cây quế trên đường, nói:

-Là cái đó.

Ngài hỏi:

-Nghĩa là gì?

-Nghĩa là gì?

-Chuột trắng thay đổi. Đài bạc chẳng đổi.

Lần nọ, Ngài hỏi ngài Quy Sơn:

-Nếu đại dụng hiện tiền, thỉnh Ngài dạy rõ?

Ngài Quy Sơn bước xuống tòa ngồi, trở vào phòng phương trượng. Ngài cũng đi theo sau.

Ngài Quy Sơn hỏi:

-Con vừa hỏi điều gì?

Ngài liền hỏi lại câu hỏi trên. Ngài Quy Sơn hỏi:

-Có nhớ câu trả lời của ta chăng?

-Nhớ.

-Nếu như vậy, hãy nói lại xem sao?

Ngài liền trân trọng bước ra. Ngài Quy Sơn nói:

-Sai rồi!

Ngài quay đầu lại, nói:

-Nếu Nhàn sư đệ đến đây, xin chớ nói rằng lời của con không hay.

Lúc đang chăn trâu dưới sườn núi, thấy một vị Tăng lên núi không bao lâu lại xuống, Ngài bèn hỏi:

-Thựơng Tọa sao không lưu lại trong núi?

Tăng nói:

-Vì nhơn duyên chẳng hợp.

-Có nhân duyên gì thử nói xem.

-Hòa Thượng hỏi tôi tên gì ? Tôi đáp Qui Chơn. Hoà Thựơng hỏi Qui Chơn ở đâu ? Tôi đáp không đựơc.

-Thượng Tọa trở lên thưa với Hòa Thựơng rằng con nói được. Hòa Thượng hỏi nói thế nào thì chỉ đáp ‘Trong mắt, trong tai, trong mũi’.

Vị tăng trở lại nói đúng như lời Ngài dạy. Ngài Qui Sơn quở :

-Kẻ nói suông vô ích, đây là lời thiện tri thức của năm trăm người.

Ngài nằm mộng thấy vào nội viện của đức Di Lặc, trong nhà Tăng các toà đều có người ngồi, chỉ có tòa thứ hai trống, Ngài liền lên tòa ngồi. Có một vị Tôn Giả bạch chùy (khai kiểng) rằng:

-Hôm nay tòa thứ hai nói pháp.

Ngài đứng dậy đánh kiểng, rồi nói rằng :

-Pháp Đại Thừa rời bốn câu, tuyệt bách phi, lắng nghe, lắng nghe!
Khi đó, đại chúng giải tán đi. Sau khi thức giấc Ngài đem việc ấy thuật lại cho ngài Qui Sơn nghe. Ngài Qui Sơn bảo :

-Con đã lên Thánh vị.

Ngài lễ tạ.

Lần khác, Ngài đang cùng với ngài Quy Sơn đi kinh hành quanh núi, thì có bụi thổi trước mặt. Ngài Quy Sơn hỏi:

-Trước mặt là gì đó?

Ngài đến bên trước mà xem cho kỹ, rồi làm tướng vòng tay. Ngài Quy Sơn gật đầu.

Ngài Quy Sơn dạy đại chúng rằng tất cả chúng sanh chẳng có Phật tánh. Thiền sư Giám Quan dạy đại chúng rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Có hai vị tăng ở nơi thiền sư Giám Quan đến chỗ ngài Quy Sơn để hỏi nghĩa ‘Tất cả chúng sanh chẳng có Phật tánh’. Lúc đến, cả hai nghe ngài Quy Sơn lập lại lời đó mà không dám suy tư hay khởi tâm khinh mạn. Ngày nọ, lúc đàm luận Phật pháp với hai vị này, Ngài khuyên:

-Này các huynh đệ! Hãy chuyên cần tu học. Khó lòng mà gặp được Phật pháp.

Nói xong, Ngài làm tướng vòng tròn. Dùng tay trình xong, Ngài xoay lại đằng sau, rồi tréo hai tay. Hai vị tăng kia vừa định bắt tay, Ngài bảo:

-Các huynh đệ nên chuyên cần tu học. Khó lòng gặp được Phật pháp.

Nói xong, Ngài liền đứng dậy bỏ đi.

Hai vị tăng kia trở về chỗ của thiền sư Giám Quan. Đi khoảng ba mươi dặm, một vị tăng đột nhiên tỉnh ngộ, hiểu rõ, và tin rằng lời dạy của ngài Quy Sơn ‘Tất cả chúng sanh chẳng có Phật tánh’ là không sai lầm, nên trở về chỗ ngài Quy Sơn. Vị tăng còn lại đi vài dặm, vừa bước qua dòng nước, thì đột nhiên tỉnh ngộ, mà ta thán rằng ‘Ngài Quy Sơn nói đúng rằng tất cả chúng sanh chẳng có Phật’. Nói xong, vị này cũng trở lại chỗ ngài Quy Sơn, và chẳng bao lâu nhập vào dòng pháp.

Lúc Ngài ở trong chúng hội của Giám Quan, có một số tăng chúng đến chỗ của ngài Quy Sơn tu học mà không tin phục. Ngày nọ, Ngài mời tất cả chư tăng ở Tây Trang ra đồng gánh lúa. Ngài vác lúa lên đỉnh đồi rồi bỏ xuống. Vài mươi vị tăng khác cũng bỏ gánh lúa xuống. Ngài lại vác bó lúa lên, đi một vòng, rồi nói rằng:
-Có gì, có gì?Tất cả tăng chúng ở đó không lời đối đáp. Ngài nói:

-Lừa kẻ giết người!

Nói xong, Ngài liền gánh lúa bỏ đi.

Lần nọ, Ngài cùng với ngài Quy Sơn ra đồng chăn trâu. Ngài Quy Sơn hỏi:

-Trong đây có Bồ Tát chăng?

Ngài đáp:

-Có.

-Nếu thấy ai, hãy chỉ xem coi!

-Nếu Hòa Thượng nghi là ai không phải, xin chỉ xem.

Ngài Quy Sơn liền trở về chùa.

Lần khác, Ngài dâng trái cây cho ngài Quy Sơn. Sau khi nhận, ngài Quy Sơn hỏi:

-Ông lấy ở đâu?

Ngài đáp:

-Ngoài vườn!

-Ông nếm chưa?

-Chưa dám thử. Dâng lên Hòa Thượng trước.

-Là A Nan!

-Là Huệ Tịch!

-Chính là ông. Vậy sao bảo ta thử trước?

-Hòa Thượng thưởng thức hàng ngàn và hàng chục ngàn trái.

Ngài Quy Sơn vừa cắn, vừa nói:

-Giống như me chua.

Ngài nói:

-Me chua sao tự biết!

Ngài Quy Sơn không trả lời.

Sau mùa an cư kiết hạ nọ, Ngài thỉnh hỏi ngài Quy Sơn nhiều điều. Ngài Quy Sơn bảo:

-Suốt trong những tháng hạ, chẳng thấy con đến. Vậy, con bận làm những việc gì?

Ngài thưa:

-Con ở bên dưới cày bừa một thửa ruộng tốt, và được một thúng lúa.

-Như vậy, mùa hạ này, con không lãng phí thời gian.

Ngài liền hỏi lại:

-Không biết trong mùa hạ vừa rồi Hòa Thượng làm việc gì?

Ngài Quy Sơn đáp:

-Mỗi ngày ăn một lần. Mỗi tối ngủ một giấc.

-Trong mùa hạ này, Hòa Thượng chẳng lãng phí thời giờ.

Nói xong, Ngài liền le lưỡi. Ngài Quy Sơn nói:

-Huệ Tịch, sao con lại tự hại mình!

Lần nọ, ngài Quy Sơn thấy Ngài đến, bèn chéo hai tay lại, rồi đập xuống ba lần. Ngài cũng chéo hai tay, đập ba lần, ưởn ngực, một bàn tay úp, và một bàn tay lật, rồi giương mắt ngắm xem. Ngài Quy Sơn liền đi nghỉ.

Lần nọ, ngài Quy Sơn đang cho quạ ăn cơm, quay lại thấy Ngài bèn hỏi:

-Hôm nay hãy vì kẻ đó mà lên chánh điện.

Ngài thưa:

-Con tùy theo lệ mà nghe.

-Nghe rồi thì làm gì?

-Quạ làm quạ. Chim bồ cắt làm chim bồ cắt.

-Sao lại tranh với âm thanh sắc tướng?

-Vậy Hòa Thượng dạy như thế nào?

-Ta chỉ dạy rằng hãy vì kẻ đó mà lên chánh điện.

-Sao bảo rằng âm thanh sắc tướng?

-Tuy là vậy, nhưng nếu không thử thì chắng có cách nào để biết.

-Đại sự nhân duyên thì làm sao thử được?

Ngài Quy Sơn liền nắm hai bàn tay lại làm quyền.

Ngài nói:

-Rốt cuộc là chỉ về hướng đông, nhưng lại vẽ hướng tây.

Ngài Quy Sơn hỏi:

-Con vừa hỏi điều gì?

Ngài đáp:

-Hỏi Hòa Thượng về đại sự nhân duyên.

-Vì sao mà nói rằng chỉ hướng đông, nhưng lại vẽ hướng tây?

-Vì chấp vào âm thanh sắc tướng, nên con mới hỏi về lỗi đó.

-Lại chưa hiểu rõ việc đó.

-Làm sao để hiểu rõ?

-Huệ Tịch con! Âm thanh sắc tướng. Lão tăng đông tây.

-Suốt tháng, thể của ngàn con sông chẳng tách nguồn nước.

-Nên tu thì mới được!

-Như vàng với vàng, rốt ráo chẳng khác nhau. Sắc tướng sao lại có danh từ khác?

-Sao cho rằng chẳng có danh từ khác nhau?

-Nghĩa đó như thế nào?

-Bình bàn vòng xuyến nằm trong bồn chén.

-Huệ Tịch, con thuyết pháp thiền như tiếng rống của sư tử, khiến loài chồn cáo, dã can đều chạy tứ tán.

Lần nọ, lúc Ngài theo hầu ngài Quy Sơn, nghe tiếng chim hót. Ngài Quy Sơn hỏi:

-Y nói gì rồi bay đi?

Ngài đáp:

-Không thể nói cho người khác nghe được.

-Sao nói như thế?

-Vì hắn nói quá ngay thẳng.

-Tất cả pháp môn dù nhiều hay ít, Huệ Tịch con ngay trong chốc lát đều buông bỏ hết.

-Buông bỏ hết rồi làm gì?

Ngài Quy Sơn liền gõ giường thiền ba lần.

Lần khác, từ núi Vương Mãng, Ngài trở về tỉnh để hầu ngài Quy Sơn. Ngài Quy Sơn hỏi:

-Con đã xưng là thiện tri thức, có tranh biện được với những người các nơi đến; biết có chẳng biết có, đã kế thừa thầy hay không kế thừa thầy, là nghĩa học là huyền học, con thử nói xem.

Ngài thưa :

-Con có kinh nghiệm, khi thấy Tăng các nơi đến liền dựng phất tử dây, hỏi y rằng ‘Các nơi lại nói cái này hay chẳng nói ? Lại bảo, ý lão túc các nơi thế nào ?’
-Đây là nanh vuốt trong tông môn từ trứơc ! Chúng sanh trên quả đất nghiệp thức mênh mang không gốc có thể tựa, con làm sao biết họ có cùng chẳng có?

-Con có chỗ kinh nghiệm.

Vừa lúc ấy có vị Tăng đi qua trước mặt, Ngài gọi : ‘Xà Lê !’. Vị Tăng xoay đầu lại,

Ngài thưa:

-Bạch Hoà Thượng! Đây là nghiệp thức mênh mang không gốc có thể tựa.

Ngài Quy Sơn bảo:

-Đây là một giọt sữa sư tử, làm tan sáu đấu sữa lừa.

Lần nọ, Ngài hỏi Song Phong:

-Gần đây sở kiến của Sư Đệ như thế nào?

Song Phong đáp:

-Theo chỗ thấy của sư đệ thì thật không có một pháp nào vương vấn.

-Sư Đệ sao chẳng biết không có một pháp nào vương vấn!

Ngài Quy Sơn nghe lời này bèn nói:

-Một câu của Huệ Tịch con làm nghi chết người trong thiên hạ.

Ngày nọ, thấy trời mưa to, thượng tọa Thiên Tánh nói với Ngài:

-Mưa lớn thiệt!

Ngài hỏi:

-Mưa lớn ở chỗ nào?

Thấy thượng tọa Thiên Tánh không lời đối đáp, Ngài bảo:

-Tôi nói được.

Thượng tọa Thiên Tánh hỏi:

-Mưa lớn ở chỗ nào?

Ngài chỉ nước mưa, còn Thiên Tánh thì không có lời đối đáp. Ngài bảo:

-Được trí huệ nhiều, nhưng sao im lặng?

Ngày nọ, vị đệ nhất tọa cầm cây chỗi lên rồi nói:

-Ai hiểu được lý này thì sẽ cho cây chỗi.

Ngài bảo:

-Nếu tôi nói được thì Thầy có cho không?

-Chỉ cần nói được là tôi sẽ cho.

Ngài bèn giựt lấy cây chổi rồi bỏ đi.

Ông Bàng cư sĩ hỏi Ngài:

-Lâu nay nghe tiếng Ngưỡng Sơn. Nhưng khi đến đây sao lại che mất?

Ngài liền dựng cây chổi lên. Thấy vậy, Bàng cư sĩ nói:

-Thật vừa lắm.

Ngài nói:

-Vừa ngữa vừa úp.

Bàng cư sĩ liền đá cây cuốc rồi nói:

-Tuy vậy mà chẳng có ai. Phải đưa cuốc để chứng minh.

Ngài liền quăng cây chổi xuống, rồi nói:

-Nếu đến nơi khác, mà đảm nhận thì phải làm tương tự.

Thấy Tam Thánh đến, Ngài hỏi:

-Pháp danh của Ngài là gì?

Ngài Tam Thánh đáp:

-Huệ Tịch.

-Huệ Tịch là pháp danh của tôi.

-Tôi tên là Huệ Nhiên.

Ngài chỉ cười to.

Khi một ông quan đến hỏi pháp, Ngài hỏi ông ta:

-Ngài đang giữ chức vị gì?

Ông đáp:

-Tôi đã từ chức.

Ngài dựng cây chổi lên, rồi nói:

-Có thể bỏ được cái này chăng?

Ông quan không lời đối đáp. Ngài bảo đại chúng rằng hãy nói xem sao, nhưng không ai khế hội. Lúc đó, Tam Thánh vì bất an nên vào điện Niết Bàn nghỉ ngơi. Ngài bảo thị giả mời vị này đến để nói thử xem sao. Tam Thánh nói:

-Hôm nay Hòa Thượng có việc gì?

Ngài bảo thị giả nói rằng ‘Chưa quyết đoán có việc gì’. Tam Thánh nói:

-Tái phạm chẳng dung tha.

Thiền sư Nam Tháp Quang Dũng đã từng lên miền bắc yết kiến học đạo với ngài Lâm Tế, rồi sau này trở lại hầu Ngài. Ngài hỏi:

-Ông đến đây để làm gì?

Nam Tháp đáp:

-Thân cận, lễ bái Hòa Thượng.

-Thấy Hòa Thượng chăng?

-Thấy.

-Hòa Thượng giống như con lừa?

-Con thấy Hòa Thượng cũng chẳng giống Phật.

-Nếu chẳng giống Phật thì giống cái gì?

-Nếu có giống Phật thì nào khác với lừa?

Ngài cười to rồi nói:

-Phàm và Thánh cả hai đều mất. Tình hết, thể tánh hiển lộ. Ta dùng cách này để thử người khác suốt hai mươi năm, mà chưa chọn ai cả. Con hãy bảo trọng.

Ngài lại nói với đại chúng:

-Người này là nhục thân Phật.

Hoăc Sơn đến tham bái. Ngài nhắm mắt ngồi thiền. Hoăc Sơn lấy lông gà ngoái chân phải, nói:

-Như thế, như thế! Hai mươi tám vị tổ ở Tây Thiên cũng như thế. Sáu vị tổ ở Trung Hoa cũng như thế. Hòa Thượng cũng như thế. Cảnh Thông cũng như thế.

Ngài liền đứng dậy, gõ ghế mây bốn chân. Do đó, Hoăc Sơn tự xưng là Tập Vân Phong hạ Tứ Đằng Thục, đại Thiền Sư trong thiên hạ.

Hành giả Xích Can nghe tiếng chuông vang liền hỏi:

-Có tai nghe tiếng hay không có tai nghe tiếng?

Ngài đáp:

-Ông chớ ưu sầu. Ta trả lời không được.

-Sớm mai đã hỏi rồi.

-Hãy đi đi!

Lưu Thị Ngự hỏi:

-Làm sao được nghe về tông chỉ tỏ ngộ tâm tánh?

Ngài bảo:

-Nếu muốn liễu ngộ tâm tánh, thì nên biết chẳng có tâm nào để liễu ngộ, chẳng liễu ngộ được tâm nào, thì mới gọi là chân thật liễu ngộ.

Tướng Trịnh Ngu hỏi Ngài:

-Lúc chẳng đoạn trừ phiền não mà nhập Niết Bàn thì ra sao?

Ngài liền dựng cây chổi lên. Tướng Trịnh Ngu nói:

-Chữ ‘Nhập’ này cũng không được.

Ngài bảo:

-Chữ ‘Nhập’ này chẳng đáp lời tướng công.

Tướng Lục Hy Thanh muốn yết kiến Ngài, nên trước hết gởi một lá thơ vẽ vòng tròn để trình. Ngài mở lá thơ ra, viết bài kệ bên dưới vòng tròn đó: ‘Chẳng suy nghĩ mà biết thì rơi vào đầu thứ hai. Suy nghĩ mà biết thì rơi vào đầu thứ ba’, rồi gởi lại cho ông ta. Ông ta vừa nhận được thơ liền lên núi. Ngài ra tận cổng núi để đón ông ta. Vừa vào cổng, ông ta hỏi:

-Ba cổng đều mở, như vậy phải vào cổng nào?

Ngài nói:

-Phải vào cổng tín tâm.

Lục Hy Thanh đến pháp đường, rồi hỏi:

-Lúc chẳng rời cõi ma mà vào cõi Phật thì ra sao?

Ngài liền đảo ngược đầu cây chổi rồi gõ ba lần. Lục Hy Thanh liền lễ bái rồi hỏi:

-Hòa Thượng có trì giới chăng?

Ngài đáp:

-Không trì giới.

-Ngài có ngồi thiền chăng?

-Chẳng ngồi thiền.

Lục Hy Thanh im lặng rất lâu. Thấy vậy, Ngài hỏi:

-Hiểu chăng?

Lục Hy Thanh thưa:

-Không hiểu.

-Hãy nghe bài kệ của lão tăng:
‘Cuồn cuộn chẳng trì giới

Thường thường chẳng ngồi thiền

Rượu trà hai ba chén

Ý nằm trên đầu cuốc’.

Ngài lại hỏi:

-Nghe Tướng Công xem kinh mà được ngộ đạo, có phải chăng?

Lục Hy Thanh thưa:

-Đệ tử nhờ xem kinh Niết Bàn đến đoạn ‘Chẳng đoạn phiền não, mà nhập Niết Bàn’, liền được nơi an lạc.

Ngài bèn dựng cây chổi lên rồi nói:

-Nếu là như vầy thì làm sao nhập vào?

Lục Hy Thanh thưa:

-Nhập vào nơi một chữ cũng chẳng tiêu được.

-Nhập vào một chữ, thì chẳng phải là Tướng Công.

Lục Hy Thanh bèn đứng dậy bỏ đi.

Lúc còn làm sa di, Ngài có đến học đạo với Hòa An. Ngày nọ, do ngài Hòa An bảo mang chiếc giường đến, nên Ngài mang đến. Khi ngài Hòa An lại bảo mang trở về chỗ cũ, Ngài cũng y theo. Ngài Hòa An gọi:

-Huệ Tịch!

Ngài liền xưng:

-Dạ.

-Cạnh chiếc giường là vật gì?

-Chiếc gối.

Ngài Hòa An lại nói:

-Cạnh chiếc gối là vật gì?

Ngài thưa:

-Chẳng có vật gì cả.

-Huệ Tịch!

-Dạ.

-Là vật gì?

Vi Trụ đến tham vấn và thỉnh ngài Quy Sơn thuyết một bài kệ. Ngài Quy Sơn nói:

-Phật ở trước mặt ông. Ông chỉ là kẻ độn căn. Hà huống dùng giấy mực để vẽ hình, thì lại càng xa Phật thêm.

Vi Trụ sang cầu pháp với Ngài. Ngài liền vẽ lên tấm giấy một vòng tròn, rồi chú thích bên dưới: ‘Suy nghĩ mà biết thì lạc vào đầu thứ hai. Chẳng suy nghĩ mà biết thì lạc vào đầu thứ ba’.

Khi Ngài còn làm sa di, có một vị tăng hỏi ngài Thạch Sương rằng ‘Ý của Tổ Sư từ Ấn Độ sang là gí?’ thì ngài Thạch Sương đáp rằng ‘Như người trong giếng sâu ngàn xích, chẳng dùng dây để leo lên. Người đó có thể trả lời cho ông câu hỏi đó’. Tăng nói rằng ‘Gần đây có Sướng Hòa Thượng ở Hồ Nam xuất thế, cũng nói đông thuyết tây cho người khác nghe’. Ngài Thạch Sương kêu lên ‘Sa Di! Kéo thây chết ra đây’.

Về sau, lúc Ngài đưa câu hỏi này ra, ngài Đạm Nguyên quát:

-Đồ ngu! Ai ở trong giếng đó!

Lúc Ngài hỏi câu này, ngài Quy Sơn kêu:

-Huệ Tịch!

Ngài thưa:

-Dạ!

-Ra rồi!

Sau này, lúc ra làm trụ trì, Ngài thường đem câu này hỏi đại chúng và nói:

-Lúc ở chỗ ngài Đam Nguyên, ta được danh. Lúc ở chỗ ngài Quy Sơn, ta được địa.

Khi còn làm Sa Di, Ngài thường tụng kinh lớn tiếng. Hòa thượng Nhũ Nguyên quở:

-Chú Sa Di này tụng kinh như khóc lóc.

Ngài thưa:

-Huệ Tịch là như thế, còn Hòa Thượng thì thế nào?

Thấy hòa thượng Nhũ Nguyên trừng mắt ngó, Ngài nói:

-Như thế đâu có khác gì với khóc lóc!

Hòa thượng Nhũ Nguyên bèn trở vào hậu liêu nghỉ ngơi.

Lần khác, lúc đến tham vấn Đông Tự, vị này hỏi Ngài:

-Ông là người xứ nào?

Ngài đáp:

-Là người xứ Quảng Nam.

-Nghe nói Quảng Nam có hạt minh châu giữ biển, phải chăng?

-Phải.

-Hạt minh châu đó như thế nào?

-Trăng khuyết thì ẩn. Trăng rằm thì hiện.

-Có đem ra xem được không?

-Được.

-Sao không trình như lão tăng?

Ngài chéo tay lại, bước tới trước, nói:

-Hôm qua đến Quy Sơn cũng bị bảo trình hạt châu này. Lúc đắc được thì chẳng còn câu gì để đối đáp, hay chẳng còn lý gì để bày tỏ.

Ngài Đông Tự nói:

-Thật là sư tử con, giỏi rầm hống!

Sau khi lễ bái xong, Ngài liền ngồi trên ghế khách, đầy đủ oai nghi, làm việc của bậc thượng nhân. Ngài Đông Tự thấy như thế, bèn nói:

-Đã gặp nhau rồi!

Ngài nói:

-Gặp nhau như vầy, thì tương hợp chăng?

Ngài Đông Tự trở về phòng phương trượng, đóng cửa liền. Ngài thì trở về chỗ ngài Quy Sơn. Ngài Quy Sơn hỏi:

-Huệ Tịch con! Tâm hạnh đó là gì?

Ngài thưa:

-Nếu không như thế, phải tranh với kẻ kia.

Lần khác, Ngài hỏi ngài Đông Tự:

-Mượn một con đường để qua bên kia, thì còn được gì nữa không?

Ngài Đông Tự nói:

-Là bậc Sa Môn chẳng nên mượn một con đường nào. Nếu có tức là còn dính mắc.

Thấy Ngài lưỡng lự hồi lâu, ngài Đông Tự hỏi:

-Mượn một con đường để qua bên kia được không?

Ngài đáp:

-Là bậc Sa Môn chẳng nên mượn một con đường nào. Nếu có tức là còn dính mắc.

-Còn dính mắc ở đây.

-Thiên tử nước Đại Đường quyết định có tên là Vàng.

Ngài đến lễ tạ ngài Trung Ấp. Ngài Trung Ấp vỗ miệng vang tiếng ‘Hòa, hòa’. Ngài đi từ tây sang đông. Ngài Trung Ấp cũng vỗ miệng vang tiếng ‘Hòa, hòa’. Ngài lại đi từ đông sang tây. Ngài Trung Ấp cũng vỗ miệng vang tiếng như thế. Ngay lúc đó, Ngài đứng lại, rồi sau mới lễ tạ. Ngài Trung Ấp hỏi:

-Làm sao đắc được tam muội như thế?

Ngài thưa:

-Tại Tào Khê nói lời ấn chứng cho con.

-Hãy nói xem sao Tào Khê dùng tam muội này để tiếp độ ai?

-Tiếp độ Nhất Túc Giác. Hòa Thượng làm sao đắc được tam muội này?

-Ta ở chỗ Mã Đại Sư đắc được tam muội này.

-Nghĩa ‘Thấy Phật Tánh’ là gì?

-Ta sẽ nói ví dụ cho ông hiểu rõ. Ví như một căn nhà có sáu cửa sổ. Trong nhà có một con khỉ. Bên ngoài cũng có một con khỉ. Nếu đứng phía đông mà gọi ‘Tinh tinh’, thì con khỉ sẽ ứng đáp. Nếu đứng nơi sáu cửa sổ mà gọi thì chúng đều ứng đáp.

Ngài nghe lời này bèn lễ bái, rồi hỏi tiếp:

-Nay nhờ Hòa Thượng cho ví dụ nên chẳng có gì mà không biết, nhưng con còn một điều muốn hỏi. Nếu con khỉ bên trong mê ngủ, thì con khỉ bên ngoài nếu muốn gặp mặt thì làm sao được?

Ngài Trung Ấp hạ dây sàng thiền xuống, nắm tay Ngài vũ múa, rồi nói:

-Tinh tinh! Ông đã gặp con khỉ rồi. Ví như có một con sâu cắn trên lông mi con muỗi thành những chữ ‘Đất rộng người thưa. Gặp nhau rất ít’.

Khi Ngài đến tham vấn ngài Nham Đầu, vị này dựng cây chổi lên. Ngài bèn trải tọa cụ. Ngài Nham Đầu chống cây chổi đằng sau lưng. Ngài bèn đặt tọa cụ trên vai rồi đi ra. Ngài Nham Đầu bảo:

-Ta chẳng cho ông bỏ, nhưng cho ông lấy.

Lần nọ, lúc cùng ngài Trường Sa ngắm trăng, Ngài nói:

-Người người đều có vật này, nhưng sao không dùng được?

Ngài Trường Sa nói:

-Nhờ ông dùng dùm.

Ngài làm sao dùng được?

gài Trường Sa tóm ngực Ngài rồi đạp một đạp. Ngài nói:

Thật như con trùng lớn.

Khi thấy Ngài đến tham vấn, hòa thượng Cổ Đê nói:

Đi chỗ khác! Ngươi không có Phật tánh.

gài bèn chéo tay tiến gần tới ba bước rồi xưng ‘Dạ’. Hòa thượng Cổ Đê thấy vậy, cười bảo:

Ông đắc tam muội đó ở nơi đâu?

gài thưa:

Ở chỗ ngài Đam Nguyên, con được danh. Ở chỗ ngài Quy Sơn, con được địa.

Như vậy, có phải là con của Quy Sơn chăng?

Thế đế chẳng không có. Phật pháp chẳng thủ trước. Hòa Thượng đắc tam muội này ở đâu?

Ta đắc tam muội này ở Chương Kính.

Ngài ta thán:

-Thật không thể nghĩ bàn! Người sau thật khó thấu lường.

Ngài đến tham vấn Xứ Chưng ở Kiền Châu. Ngài Xứ Chưng hỏi:

-Ông tên gì?

Ngài thưa:

-Huệ Tịch.

-Sao là Huệ? Sao là Tịch?

-Ngay nơi trước mắt.

-Vẫn còn trước sau.

-Trước hay sau đã an bày rồi. Hòa Thượng còn thấy cái gì?

-Đi uống trà đi!

Về sau, Ngài bắt đầu giảng pháp ở núi Vương Mãng. Lần nọ, Ngài hỏi một vị Tăng:

-Từ đâu đến?

Tăng đáp:

-Lô Sơn.

-Đã từng đến Ngũ Lão Phong chưa?

-Chưa.

-Xà Lê chưa từng biết đi du ngoạn trên núi.

Ngài thượng đừơng dạy chúng :

-Hết thảy các ngươi! Mỗi người tự hồi quang phản quán, chớ ghi ngôn ngữ của ta. Các ngươi từ kiếp vô thủy đến giờ trái sáng hợp tối, gốc vọng tưởng quá sâu khó nhổ mau được. Do đó, giả lập phương tiện dẹp thức thô của các ngươi, như đem lá vàng dỗ con nít khóc, có cái gì là phải. Như người đem các thứ hàng hóa cùng vàng lập phố bán. Bán hàng hóa chỉ nghĩ thích hợp với người mua. Vì thế, nói: ‘Thạch Đầu là phố chơn kim, chỗ ta là phố tạp hóa’. Có người đến tìm phẩn chuột ta cũng bết cho, kẻ khác đến cầu chơn kim ta cũng trao cho.

Tăng hỏi:

-Chẳng cần phẩn chuột, xin Hoà Thượng cho chơn kim?

Ngài bảo:

-Răng nhọn nghỉ mở miệng, năm lừa cũng chẳng hội.

Tăng không đáp được.

Ngài nói tiếp:

-Còn kêu thì còn dễ trao đổi, chẳng còn kêu thì không trao đổi. Nếu nói về Thiền tông cần một người làm bạn cũng không, huống là có năm bảy trăm chúng? Nếu ta nói Đông nói Tây, ắt tranh đầu hướng phía trước lượm lặt, như đem nắm tay không để gạt con nít, trọn không có thật. Nay ta nói rõ với các ngươi việc bên cạnh chư thánh, chớ đem tâm nghĩ tính, chỉ nhằm vào biển tánh của chính mình mà tu hành như thật. Chẳng cần tam minh lục thông. Vì sao? Vì đây là việc cuối cùng của chư Thánh. Hiện nay cần tâm tỉnh thức để đạt được cội gốc, cốt được cái gốc chẳng lo cái ngọn. Sau này, khi khác sẽ tự đầy đủ. Nếu chưa đựơc gốc dầu cho đem tâm học y cũng chẳng đựơc. Các ngươi đâu chẳng nghe Hòa Thượng Qui Sơn nói: ‘Tình phàm thánh hết, bày hiện chơn thường, sự lý chẳng hai tức là giống như chư Phật.’

Tăng hỏi:

-Ý của Tổ Sư như thế nào?

Ngài dùng tay vẽ chữ ‘Phật’ trong hư không để chỉ bày. Tăng chẳng còn lời để nói.

Ngài hỏi Đệ Nhất Tọa:

-Lúc chẳng nghĩ lành hay chẳng nghĩ xấu thì làm gì?

Đệ Nhất Tọa đáp:

-Đó là nơi con xả bỏ thân mạng.

-Sao không hỏi lão tăng?

-Lúc đó đâu còn thấy Hòa Thượng.

-Phụ ta dạy cũng không được.

Ngài hỏi một vị tăng:

-Từ đâu đến?

Tăng đáp:

-Từ U Châu đến.

-Ta muốn biết tin ở U Châu, gạo giá bao nhiêu?

-Con không có đi ngang qua chợ, mà vừa đến thì đạp cầu gãy.

Ngài bèn trở vào trong nghỉ ngơi.

Thấy có một vị tăng đi đến, Ngài liền dựng đứng cây chổi. Tăng la lên. Ngài bảo:

-La thì chẳng không có. Lão tăng qua chỗ nào?

Tăng đáp:

-Hòa Thượng không nên dùng cảnh dạy người.

Ngài liền đánh.

Có vị Tăng ngừơi Ấn từ hư không đến, Ngài hỏi :

-Vừa rồi ở đâu đến?

Tăng thưa:

-Ở Tây Thiên đến.

-Rời Tây Thiên lúc nào ?

-Sớm mai.

-Sao mà chậm lắm vậy?

-Vì còn dạo núi xem nước.

-Thần không du hý thì Xà Lê chẳng phải không có, Phật pháp của Xà Lê cần trao lại cho lão Tăng mới được.

-Định sang Đông Độ lễ Văn Thù, lại gặp Tiểu Thích Ca.

Nói xong, vị này bèn đem sách chữ Phạn bằng lá Bối trao cho Ngài, làm lễ rồi nương hư không mà đi.

Từ đây Ngài có hiệu là Tiểu Thích Ca.

Lúc Ngài ở Đông Bình, ngài Quy Sơn bảo tăng đem thơ và gương trao cho Ngài. Ngài thượng đường, giơ gương lên dạy đại chúng:

-Hãy nói xem sao? Là gương của Quy Sơn, hay là gương của Đông Bình? Nếu bảo là gương của Đông Bình thì cũng là gương do Quy Sơn tặng cho. Nếu bảo là gương của Quy Sơn thì gương này đang nằm trong tay Đông Bình. Nói được thì giữ lại, còn nếu không nói được thì đập nát.

Thấy đại chúng không ai trả lời được, Ngài bèn đập nát gương đó rồi xuống tòa.

Lần nọ, có khách tăng đến tham vấn, hỏi:

-Hòa Thượng biết chữ không?

Ngài đáp:

-Tùy phần.

Tăng dùng tay làm tướng vòng tròn mà trình. Ngài lấy y phất đi. Tăng lại làm tướng vòng tròn. Ngài dùng hai tay làm thế chưởng. Tăng giương mắt xem. Ngài đưa đầu. Tăng đi nhiễu Ngài một vòng. Ngài lại đánh. Tăng liền đi ra.

Lần nọ, lúc đang ngồi, có một vị tăng đến lễ bái mà Ngài chẳng thèm ngó. Tăng vẫn hỏi:

-Ngài biết chữ chăng?

Ngài đáp:

-Tùy phần.

Tăng đi một vòng sang bên phải, rồi hỏi:

-Đây là chữ gì?

Ngài liền viết trên mặt đất mười chữ để đáp. Tăng lại đi một vòng sang bên trái, rồi hỏi:

-Đây là chữ gì?

Ngài liền đổi mười đó thành chữ ‘Vạn’ trên mặt đất. Tăng vẽ tướng vòng tròn, rồi nâng hai tay, như tướng A Tu La cầm mặt trời mặt trăng, rồi hỏi:

-Đây là chữ gì?

Ngài lại viết chữ ‘Vạn’ để đáp. Vị tăng đó lại làm thế Lâu Chí Đức.

Ngài khen:

-Đúng như thế! Đúng như thế! Đó là nơi mà chư Phật hộ niệm. Ngươi được như thế, và Ta cũng được như thế. Phải khéo hộ trì.

Vị tăng đó lễ tạ, rồi thăng lên hư không mà bay đi. Lúc ấy, có một vị đạo giả thấy, nhưng đợi đến năm ngày sau mới hỏi Ngài. Ngài hỏi lại:

-Ông có thấy à?

Vị đạo giả đó thưa:

-Con thấy người kia ra khỏi cổng rồi thăng lên hư không mà bay đi.

-Đó là A La Hán ở Tây Thiên, đến đây tìm pháp của ta.

Đạo Giả thưa:

-Tuy con thấy những tam muội đó, nhưng chưa biết lý như thế nào?

Ngài bảo:

-Ta sẽ dùng nghĩa để giải thích cho ông rõ. Đó là tám loại tam muội. Đó là giác hải biến thành nghĩa hải. Thể tắc đồng nhau. Nghĩa này hợp có nhân, có quả. Thời này và thời khác, tổng quát thì chẳng rời tam muội ẩn thân.

Lần nọ, nhân có một vị Phạm Tăng đến, Ngài liền vẽ trên mặt đất hình nửa mặt trăng. Một vị tăng tiến đến gần vẽ hình vòng tròn tựa như bàn chân. Ngài tréo hai tay. Vị tăng đó phất tay áo rồi bỏ đi ra.

Ngài hỏi một vị tăng:

-Từ đâu đến đây?

Tăng đáp:

-Từ miền nam đến.

Ngài đưa cây tích trượng lên, rồi hỏi:

-Trong đó, lão túc cái gì không?

Tăng đáp:

-Chẳng nói.

-Nếu không nói cái đó, thì nói cái gì?

-Chẳng nói.

-Đại Đức.

-Dạ.

-Hãy đến tham vấn trên chánh điện.

Tăng vừa rời, Ngài gọi lại:

-Đại Đức.

Tăng quay đầu lại. Ngài hỏi:

-Lại gần đây.

Tăng vừa tiến gần đến, Ngài liền lấy tích trượng gõ trên đầu một cái, rồi nói:

-Đi đi.

Ngày nọ, lúc đang ngồi trên pháp tòa thuyết pháp, Ngài thấy một vị tăng từ bên ngoài đi vào, hỏi han xong, đi qua phía đông đứng chéo tay, giương mắt nhìn Ngài. Ngài để chân trái xuống đất. Tăng liền qua phía tây, đứng chéo tay. Ngài bỏ chân phải xuống. Tăng đến chính giữa, đứng chéo tay. Ngài rút hai chân lên. Tăng lễ bái. Ngài hỏi:

-Lão tăng tự tại nơi đây, chưa từng đánh một người nào.

Nói xong, Ngài giơ tích trượng lên, định đánh. Vị tăng đó liền bay lên hư không rồi biến mất.

Ngài dùng tay chỉ sư tử bằng tuyết, rồi hỏi:

-Có ai qua được hình sắc này không?

Trong đại chúng, không ai trả lời được.

Thấy Ngài đang nằm, có vị tăng hỏi:

-Pháp thân có phải là pháp giải thoát không?

Ngài đáp:

-Ta chẳng nói được, nhưng có một người nói được.

-Người nói được là ai, đang ở chỗ nào?

Ngài liền kéo ra chiếc gối. Sau này, ngài Quy Sơn nghe được điều này, bèn nói:

-Tịch Tử giơ kiếm trên sự việc.

Lúc Ngài đang nhắm mắt tọa thiền, có vị tăng âm thầm đến và đứng kế bên. Vừa mở mắt, Ngài vẽ lên mặt đất chữ ‘Thủy’ trong vòng tròn, rồi nhìn vị tăng đó. Vị này chẳng lời đối đáp.

Lần nọ, Ngài chống tích trượng đi ra ngoài. Một vị tăng thấy Ngài bèn hỏi:

-Trong tay Hòa Thượng có vật gì?

Ngài liền dựng tích trượng sau lưng, rồi nói:

-Thấy gì không?

Tăng không lời đối đáp.

Ngài hỏi một vị tăng:

-Ông biết việc gì?

Tăng đáp:

-Con biết bói toán.

Ngài đưa cây chổi lên, rồi hỏi:

-Quẻ này là một trong sáu mươi bốn quẻ, quẻ nào là quẻ A Na Quái Thu?

Tăng không lời đối đáp. Ngài tự nói:

-Lời vừa rồi là tiếng sấm sét lớn, mà giờ đây biến thành đất lửa người Minh Di.

Ngài lại hỏi vị tăng đó:

-Vật đó tên là gì?

Tăng đáp:

-Linh Thông.

-Như vậy, hãy mời vào lồng đèn.

-Đã sớm nhập vào rồi.

Tăng hỏi:

-Cổ nhân nói rằng ‘Thấy sắc tức là thấy tâm’. Giường thiền là hình sắc. Thỉnh Hòa Thượng rời hình sắc đó mà chỉ tâm cho học nhân.

Ngài đáp:

-Đó là giường thiền, chỉ việc đến xem.

Tăng không lời đối đáp.

Tăng hỏi:

-Thầy của Phật Tỳ Lô Giá Na là ai?

Ngài liền quát to. Tăng hỏi:

-Ai là thầy của Hòa Thượng?

Ngài nói:

-Chớ vô lễ.

Ngài đang nói chuyện với một vị tăng thì có vị tăng khác đứng gần bên, nói:

-Nói năng là Văn Thù. Im lặng là Duy Ma Cật.

Ngài hỏi:

-Chẳng nói, chẳng im lặng thì có phải là lời nói của ông chăng?

Vị tăng đó điềm nhiên im lặng.

Ngài hỏi:

-Sao không thị hiện thần thông?

Tăng đáp:

-Chẳng ngại hiển hiện thần thông, chỉ sợ Hòa Thượng rút lời dạy.

-Xem chỗ ông đến, chưa có thiên nhãn bên ngoài giáo pháp.

Tăng hỏi:

-Thiên đường hay địa ngục đến đi như thế nào?

Ngài liền dùng tích trượng vẽ trên mặt đất chữ ‘Chú’.

Lúc đang ở điện Quán Âm, Ngài viết bảng cáo thị ‘Khi xem kinh, chớ hỏi han việc gì’. Có vị tăng đến tham vấn, thấy Ngài đang xem kinh, nên đứng đợi bên ngoài. Ngài thấy thế bèn đóng quyển kinh lại, hỏi:

-Hiểu chăng?

Tăng đáp:

-Con chẳng xem kinh thì làm sao hiểu được?

-Về sau, ngươi hội ở chỗ này.

Vị tăng đó đến chỗ Nham Đầu. Nham Đầu hỏi:

-Từ đâu đến?

Vị Tăng đáp:

-Từ chùa Quán Âm ở Giang Tây đến.

-Hòa Thượng ở đó có dạy lời gì?

Vị tăng này thuật lại lời dạy của Ngài lúc trước. Nham Đầu nói:

-Cái ông thầy này. Ta định nói rằng nếu bị như thế thì hãy chôn đi, vì là ở chỗ này.

Một vị tăng nọ ân cần trịnh trọng hỏi:

-Ý chỉ nhập môn rốt ráo của Thiền Đốn Ngộ như thế nào?

Ngài đáp:

-Ý chỉ này rất khó hiểu. Nếu đệ tử trong tông môn của chư Tổ là bậc thượng căn thượng trí thì vừa nghe một lời lại ngộ ngàn phần, đắc tổng trì lớn. Với kẻ căn trí hạ liệt, nếu không lắng tâm ngồi thiền quán tĩnh lự, thì hoàn toàn hoang mang ngu muội đối với nghĩa lý này.

-Trừ con đường này ra, còn chỗ nào để nhập đạo chăng?

-Có.

-Con đường đó như thế nào?

-Ông là người xứ nào?

-Người Ung Châu.

-Ông có nghĩ nhớ vùng đó không?

-Thường nghĩ nhớ.

-Hay suy nghĩ là tâm. Chỗ suy nghĩ đến là cảnh. Lầu các, rừng rậm, công viên, người ngựa, nhà cửa ở nơi đó, ông hãy tự phản quán suy tư, còn có vật gì nữa không?

-Đến nơi đó, con chẳng còn thấy gì cả.

-Điều ông hiểu là ở nơi tâm, thì đắc tín vị, nhưng chưa đạt nhân vị.

-Trừ điều này, còn có ý gì nữa chăng?

-Còn có hay còn không, đều chẳng kham nổi.

-Đến nơi đó, làm sao mới đúng?

-Theo sự liễu giải của ông, thì ông đắc được sự huyền diệu, được ngồi trên y của kẻ đó. Về sau tự xem.

Vị tăng trịnh trọng cảm tạ.

Tăng hỏi:

-Đối với ba tạng kinh điển, tạng thứ ba sao chẳng thấy Quốc Sư?

Ngài đáp:

-Hai tạng đầu thì liên quan đến tâm và cảnh, còn tạng thứ ba thì nhập vào tam muội, nên không thể thấy được.

Ngài Quy Sơn hỏi Ngài:

-Nếu tổ Bá Trượng lại có nhân duyên tham vấn với Mã Tổ, thì ý chỉ của hai vị tổ đó như thế nào?

Ngài đáp:

-Việc này hiển thị đại cơ đại dụng.

-Dưới tòa Mã Tổ có tám mươi bốn vị thiện tri thức. Vậy, ai được đại cơ, và ai được đại dụng?

-Tổ Bá Trượng đắc đại cơ, còn ngài Hoàng Bá đắc đại dụng. Những vị còn lại chỉ là những vị thầy thuyết pháp.

-Đúng như thế! Đúng như thế.

Ngài Quy Sơn dùng lời dạy của tổ Bá Trượng cho lão hồ tinh (500 đời trước đã từng làm tăng) để hỏi Ngài. Ngài đáp:

-Ngài Hoàng Bá thường dùng cơ này.

Ngài Quy Sơn nói:

-Ông hãy nói xem sao, phải chăng có từ chư thiên, hay có từ loài người?

-Cũng là bẩm thọ sự truyền thừa của chư Tổ Sư. Cũng là tự tánh tông thông.

-Đúng như thế! Đúng như thế.

Ngài Quy Sơn đưa ra những câu đối đáp của tổ Bá Trượng với ngài Hoàng Bá. ‘Tổ Bá Trượng hỏi ngài Hoàng Bá:

-Gì là đến và đi?

Ngài Hoàng Bá đáp:

-Dưới chân núi Đại Hùng, có người hái cỏ thuốc đến.

-Có thấy con lớn không?

Ngài Hoàng Bá liền gầm như tiếng hổ gầm. Ngài Bá Trượng liền cầm chiếc búa, ra dạng bủa xuống. Ngài Hoàng Bá ra dạng đánh trở lại. Ngài Bá Trượng vừa cười vừa ngân giọng rồi trở vào chánh điện, lên tòa ngồi, dạy đại chúng:

-Dưới chân núi Đại Hùng có một con trùng lớn. Các ông hãy xem cho kỹ. Lão già Bá Trượng hôm nay đích thân thấy miệng mồm con trùng đó.’

Nói xong, ngài Quy Sơn hỏi ngài Huệ Tịch:

-Đó là nghĩa gì?

Ngài thưa:

-Đối với Hòa Thượng thì sao?

-Nếu bấy giờ tổ Bá Trượng bủa cho một búa thì bây giờ đâu có như vầy.

-Không phải.

-Vậy con nói như thế nào?

-Tổ Bá Trượng chỉ biết cởi trên đầu con hổ, chứ chẳng biết nắm đuôi hổ.

-Con có lời nham hiểm.

Ngài Quy Sơn nói lại lời đối đáp giữa ngài Nam Tuyền và Hoàng Bá. ‘Ngài Nam Tuyền hỏi ngài Hoàng Bá:

-Định và Huệ đồng tham học, thì thấy rõ Phật tánh. Nghĩa này như thế nào?

Ngài Hoàng Bá đáp:

-Trong mười hai thời, chẳng ỷ lại vào một vật gì cả.

-Có phải là cái thấy của Trưởng Lão.

-Chẳng dám.

-Nước sữa giá bao nhiêu? Bảo ai đem tiền hài cỏ đến?

Ngài Hoàng Bá liền trở về phòng nghỉ.

Nói xong, ngài Quy Sơn hỏi ngài Huệ Tịch:

-Có phải ngài Hoàng Bá chẳng hiểu lời của ngài Nam Tuyền chăng?

Ngài Huệ Tịch thưa:

-Chẳng phải! Ngài Hoàng Bá có căn cơ bắt hổ.

-Cái thấy của con thật rất sâu rộng.

‘Lúc còn làm thủ tọa dưới tòa của ngài Nam Tuyền, một hôm, ngài Hoàng Bá cầm bình bát đi đến chỗ ngồi của ngài Nam Tuyền rồi ngồi xuống. Ngài Nam Tuyền vừa bước vào, thấy vậy liền hỏi:

-Trưởng Lão hành đạo thâm niên chưa?

Ngài Hoàng Bá đáp:

-Trước thời Phật Oai Âm Vương.

-Như vậy Vương lão sư này là hàng cháu chắt. Xuống đi!

Ngài Hoàng Bá liền trở qua ngồi bên tòa thứ hai. Ngài Nam Tuyền liền trở vào phòng nghỉ’

Ngài Quy Sơn hỏi ngài Huệ Tịch:

-Ai khinh địch sẽ chết.

Ngài Huệ Tịch thưa:

-Chẳng phải! Nên biết ngài Hoàng Bá có căn cơ bắt hổ.

-Cái thấy của con rất sâu rộng.

Ngài Quy Sơn lập lại lời dạy của ngài Hoàng Bá:

‘-Các ông, những kẻ uống cặn rượu, hành cước đến đâu mà ngày nay lại bảo rằng nước Đại Đường chẳng có Thiền Sư?

Bấy giờ có một vị tăng nói:

-Những vị lãnh chúng ở phương khác thì như thế nào?

Ngài Hoàng Bá đáp:

-Chẳng nói rằng không có Thiền, chỉ vì chẳng có Thầy.’

Nói xong, ngài Quy Sơn hỏi ngài Huệ Tịch:

-Đó là nghĩa gì?

Ngài Huệ Tịch thưa:

-Ngỗng chúa chọn sữa, chứ chẳng như loài vịt.

-Lời này thật khó bàn!

‘Thấy một vị thượng tọa vừa đến, tổ Bá Trượng liền hỏi:

-Xà Lê có việc gì mượn hỏi được chăng?

Vị ấy thưa:

-Đó chẳng phải lời mình, sao lại hỏi han?

-Thu được An Nam, nhưng buồn vì bế tắc nơi phương bắc.

Vị thượng tọa này kéo cánh tay áo lên, nói:

-Phải hay chẳng phái?

-Quan trọng mà khó lờ mờ! Quan trọng mà khó lờ mờ!

-Biết thì được! Biết thì được!’

Ngài Quy Sơn nói xong, ngài Huệ Tịch thưa:-Nếu có ai biết chỗ thiếu sót của hai vị này thì chẳng có gì là kỳ đặc. Nếu không hiểu được thì cũng giống như đi lạc giữa ban ngày.

Ngài Huệ Tịch cử lời của ngài Ngũ Phong hỏi một vị tăng:

-‘Ông từ đâu đến?

Tăng đáp:

-Từ Trang Thượng đến.

Ngài Ngũ Phong hỏi:

-Ông có thấy con trâu nào không?

Tăng thưa:

-Dạ thấy!

-Thấy sừng bên trái hay thấy sừng bên phải?

Tăng không lời đối đáp. Ngài Ngũ Phong tự trả lời:

-Chẳng thấy bên trái hay bên phải.’

Ngài Huệ Tịch liền nói:

-Sao còn nói bên phải hay bên trái!

Có một hành giả đi theo một vị pháp sư vào chánh điện, rồi hướng về tượng Phật mà khóc. Vị pháp sư hỏi:

-Hành Giả thiếu mất vật gì mà nhìn Phật rồi khóc?

Hành Giả đáp:

-Vì tương lai không có Phật thị hiện, nên tôi mới khóc.

Vị pháp sư kia chẳng có lời gì đối đáp. Ngài Quy Sơn thấy vậy, liền nói:

-Nhân giả tức chẳng phải nhân giả. Chẳng phải nhân giả tức là nhân giả.

Ngài Huệ Tịch đại diện vị pháp sư kia mà nói:

-Nhưng khóc cho Hành Giả!

Ngài lại nói tiếp:

-Nếu hành giả có nói, nên bảo y rằng ‘Tôi chẳng có nơi để hành đến được’.

Ngài tiếp cơ lợi vật, làm bậc chuẩn mực trong tông môn. Lúc sắp thị tịch, thấy có vài vị tăng đang đứng hầu, Ngài dùng kệ để dạy:

‘Một, hai, hai, ba đứa con

Ngày thường lại ngước mắt xem

Hai miệng đồng không lưỡi

Đây là tông chỉ của Ta’.

Nói xong Ngài lên tòa từ biệt đại chúng, và thuyết kệ:

‘Năm đầy bảy mươi bảy

Vô thường là hôm nay

Mặt trời đang đúng ngọ

Hai tay ngồi bó gối’.

Thuyết kệ xong, Ngài dùng hai tay bó gối mà tịch. Vua ban thụy là thiền sư Nam Tháp Trí Thông, tháp hiệu Diệu Quang. Sau này đồ đệ thỉnh linh cửu của Ngài về núi Ngưỡng Sơn, đặt tháp dưới đỉnh núi Tập Vân.

Chu’ Thi’ch :1/ Trực Tuế: Lo việc đồng áng, cày bừa.