thiển lược thâm bí

Phật Quang Đại Từ Điển

(淺略深秘) Gọi đủ: Thiển lược thích thâm bí thích. Nhóm từ gọi chung cho Thiển lược(cạn cợt, sơ lược) và Thâm bí(sâu xa, kín đáo) 1 trong 16 huyền môn. Mật giáo giải thích nghĩa của văn kinh chia làm 2 môn: 1. Thiển lược thích: Giải thích một cách nông cạn, sơ lược. Đây là cách giải thích theo lối thông thường ở thế gian. 2. Thâm bí thích: Giải thích một cách sâu xa, kín nhiệm. Đây là cách giải thích nghĩa lí sâu xa, huyền diệu đặc biệt của Mật giáo. Đại nhật kinh sớ quyển 3 (Đại 39, 611) nói: Vì hiểu 2 thứ nghĩa nên được gọi là A xà lê, nghĩa là người phân biệt được 2 thứ thiển lược và thâm bí. Nếu xét thấy người đối thoại chưa đủ trình độ hiểu được cách giải thích thâm bí, thì thuận theo văn mà giải thích theo lối thiển lược thông thường. Còn nếu người đã thành tựu lợi căn trí tuệ thì nên diễn bày lí sâu xa, kín nhiệm để truyền dạy họ. Theo sách đã dẫn quyển 7 thì Thiển lược thích là lời theo ý người khác, còn Thâm bí thích là lời theo ýcủamình. Trong Thâm bí thích lại chia ra 3 lớp cạn sâu, tức Bí mật thích, Bí mật trung bí thích, Bí bí trung bí thích, thêm Thiển lược thích chung ở trên thành 4 lớp. (xt. Thập Lục Huyền Môn).