THIÊN LONG BÁT BỘ
Biên soạn: HUYỀN THANH

Thiên Long Bát Bộ (tám Bộ Trời Rồng) lược xưng là Bát Bộ Chúng (Chúng của tám Bộ) chỉ tám loại Thần thủ hộ hộ trì Phật Pháp gồm có: Trời (Deva), Rồng (Nāga), Dạ Xoa (Yakṣa), Càn Thát Bà (Gandharva), A Tu La (Asura), Ca Lâu La (Garuḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara, hay Kinnara), Ma Hầu La Già (Mahoraga). Trong đó hai chúng Trời, Rồng là bậc Thượng Thủ.

I)Trời (Deva: Thiên) chỉ Thiên Thần của hàng Phạm Thiên (Brahma), Đế Thích Thiên (Indra), Tứ Thiên Vương (Catvāsraḥ-mahā-rājikāḥ) có quả báo thù thắng, ánh sáng thanh tịnh.

II)Rồng (Nāga: Long) chỉ nhóm tám vị Đại Long Vương là chủ của Thủy Tộc.

III)Dạ Xoa (Yakṣa): dịch âm là Dạ Xoa, Duyệt Xoa, Dạ khất Xoa… Dịch ý là Dũng Kiện, Khinh Tiệp Quỷ, Tiệp Tật Quỷ… Phần lớn Dạ Xoa trụ ở trên Trời, hoặc hang hốc tại núi sâu, hoặc hải đảo hoang vắng, thường đi lại trong hư không, chẳng có dấu tích nhất định. Hàng Dạ Xoa nhận sự thống lãnh của Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Vaiśravaṇa) trong bốn vị Thiên Vương, Dạ Xoa có thiện có ác, có kẻ dùng uy thế để gây hại cho con người, có kẻ lại thủ hộ Chính Pháp (Saddharma).

_Dược Xoa có ba loại hình:
1_Không Hành Dược Xoa (Hư Không Dược Xoa): Loại Dược Xoa này có Thần Thông rộng lớn, có lúc thời hầu cận nơi mà Phật Bồ Tát đã hóa hiện ra
2_Thiên Hành Dược Xoa: là Dược Xoa hay bay đi trong hư không
3_Địa Hành Dược Xoa: là Dược Xoa hoạt động tại mặt đất, di động nhanh lẹ với tốc độ phi thường, ban ngày thì nghỉ ngơi, ban đêm đi ra ngoài, hoặc ẩn cư ở huyệt động trong lòng núi

Dược Xoa cũng phân biệt có tướng nam nữ: tướng nam dũng mãnh cương cường hoặc tướng khủng bố, tướng nữ xinh đẹp lộng lẫy và chẳng thấy được dạng xấu ác của Mẫu Dạ Xoa khi mắng chửi con người. Phật, Bồ Tát thường duyên vào Tâm Đại Bi dùng Trí Tuệ Chính Định hóa hiện tướng Kim Cương Dạ Xoa Khủng Bố trợ giúp cho người học Phật giải trừ phiền não, khiến cho đại tinh tiến tu hành. Sở dĩ Dược Xoa hay được xưng là Đại Tướng hoặc Thần Tướng là do Dược Xoa đã có đủ quả vị của Kim Cương Bồ Tát, ủng hộ người hành Đạo có Tâm Đại Từ Bi và tinh thần Đại Vô Úy, đầy đủ Công Đức, uy nghiêm tự tại.

_Dựa trên năng lực thì Dược Xoa có năm loại tên gọi riêng
1_Quý Nhân: Dược Xoa hay tự mình được phú quý, lại khiến cho con người được phú quý, khiến cho người ở vị trí bên trên, tức ý là người thuộc bậc trên (Thượng Đẳng Nhân). Trong tín ngưỡng của dân gian, vì cầu hiển đạt cho nên thờ phụng Dược Xoa Thần Kỳ rất phổ biến
2_Già Trì: Thần Chú của Dược Xoa có công năng sinh thiện diệt ác, hay che chận mọi loại ác, giữ gìn tất cả điều thiện lành, thần nghiệm linh cảm phi thường cho nên có tên gọi là Già Trì
3_Tật Phong: Dược Xoa có thân thủ rất nhanh nhẹn, đi lại trên Trời với nhân gian mau chóng như ngọn gió, cho nên hay nhanh chóng thừa sự việc Phật với đáp ứng việc mong cầu của chúng sinh
4_Dũng Kiện: hiển bày sức lực cương mãnh cường tráng của Dược Xoa chẳng bị Ngoại Lực tồi phục mà hay chế phục tất cả, cho nên Phật Bồ Tát dùng Tâm Đại Bi thường hiện thân Kim Cương Lực Sĩ cứu độ chúng sinh
5_Bí Mật: Do Dược Xoa là thân hóa hiện của chư Phật Bồ Tát, có hành tung bí
mật và Bản Thệ bí mật nên có tên gọi là Bí Mật

IV)Càn Thát Bà (Gandharva) là Hương Ẩm Thần, Tầm Hương Thần, Hương Thần, Dược Thần…. thích dùng mùi thơm làm thức ăn. Tức là Nhạc Thần của Trời Đế Thích, thường tấu nhạc cho Trời Đế Thích nghe.

V)A Tu La (Asura) dịch là Phi Thiên hay Vô Thiện Đẳng. Đây là hàng Thần có thần thông biến hóa nhưng phước đức không bằng chư Thiên.

Truyền Thuyết cho rằng Nam A Tu La có thân hình thô xấu, còn Nữ A Tu La thì rất xinh đẹp. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh giữa hàng A Tu La và chư Thiên. Hàng Thần này có tính ưa đấu tranh, thường cùng chiến đấu với Trời Đế Thích

VI)Kim Sí Điểu (Garuḍa) một loài chim Thần có lông cánh màu vàng rất đẹp, hai cánh xòe ra cách nhau 3360000 dặm, có thần thông biến hóa, chuyên ăn thịt loài Rồng, thường hiện ra thân người đầu chim có lông cánh.

Truyền Thuyết cho rằng Na La Diên Thiên thường cỡi chim Kim Xí Điểu du hành trên hư không. Vì thế Kim Xí Điểu được xem là dạng Thần Cách Hóa về tướng dụng của Na La Diên Thiên.

Dùng Kim Xí Điểu làm Bản Tôn để hành Pháp cầu mưa, trị bệnh, giải trừ oan kết đều thành tựu. Ngoài ra Tôn này còn ăn nuốt tất cả phiền não, Ma chướng và dùng Đại Phước Lợi cung cấp cho chúng sinh.

VII)Khẩn Na La (Kiṃnara) là Nghi Thần, Thiên Kỹ Thần, Ca Thần hay Âm Nhạc Thiên. Hàng Thần này tuy giống người nhưng trên đầu có sừng nên. Đôi khi Nam Thần có thân người đầu ngựa, riêng Nữ Thần thì đoan chính thích ca múa và thường làm vợ của hàng Càn Đạt Bà . Hàng Thần này thường ca múa và tấu Pháp Nhạc cho Trời Đế Thích thưởng thức.

VIII)Ma Hầu La Già (Mahoraga) dịch là Đại Mãng Xà, Địa Long, Đại Phúc Hành Thần tức là Thần Rắn. Đây cũng là vị Thần Âm Nhạc có mình người đầu rắn Do 3 hàng Thần Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già có thân tựa như loài người mà chẳng phải người nên thường gọi là hàng Phi Nhân (Amanuṣya).

_Chúng của tám Bộ này đều có mối quan hệ với quyến thuộc của Đức Phật,thọ nhận Uy Đức Sở Hóa của Đức Phật mà hộ trì Phật Pháp. Do điều này nên ở trong Kinh Điển Đại Thừa, nhóm ấy cũng mỗi mỗi đi đến Hội Chúng khi Đức Phật Đà nói Pháp

.)Kinh Pháp Hoa, quyển 2, phẩm Thí Dụ ghi nhận là: “Đại Chúng của các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già thấy Xá Lợi Phất (Śāriputra) ở trước mặt Đức Phật thọ nhận A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký thì Tâm rất vui vẻ, hớn hở vô lượng”.

_Ngoài ra, lại có tám Bộ chúng do bốn vị Thiên Vương thống lãnh, so với điều trên thì có chỗ chẳng đồng. Tức Càn Thát Bà (Gandharva), Tỳ Xá Xà (Piśāca), Cưu Bàn Trà (Kumbhaṇḍa), Bệ Lệ Đa (Preta), Rồng (Nāga), Phú Đan Na (Pūtana), Dạ Xoa (Yakṣa), La Sát (Yakṣa).

Nhân Vương Hộ quốc Bát Nhã Kinh Sớ, quyển 2 ghi nhận là: “Tám Bộ thời hai chúng Càn Thát Bà, Tỳ Xá Xà do Đế Đầu Lại Tra Thiên Vương (Dhṛta-rāṣṭra) ở phương Đông thống lãnh. Hai chúng Cưu Bàn Trà, Bệ Lệ Đa do Tỳ Lâu Lặc Xoa Thiên Vương (Virūḍhaka) ở phương Nam thống lãnh. Hai chúng Rồng, Phú Đan Na do Tỳ Lưu Bác Xoa Thiên Vương (Virūpākṣa) ở phương Tây thống lãnh. Hai chúng Dạ Xoa, La Sát do Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Vaiśravaṇa) ở phương Bắc thống lãnh”.

Thần Chú chung cho tám Bộ Trời Rồng là Phổ Thế Minh Phi Chân Ngôn

𑖌𑖼 _ 𑖩𑖺𑖎 𑖀𑖩𑖺𑖎 𑖎𑖨𑖯𑖧_ 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖟𑖸𑖪 𑖡𑖯𑖐 𑖧𑖎𑖿𑖬
𑖐𑖡𑖿𑖠𑖨𑖿𑖪 𑖀𑖭𑖲𑖨 𑖐𑖨𑖲𑖚 𑖎𑖰𑖽𑖡𑖨 𑖦𑖮𑖺𑖨𑖐 𑖮𑖴𑖟𑖯𑖧
𑖀𑖡𑖿𑖧 𑖀𑖎𑖨𑖿𑖬𑖯𑖧 𑖪𑖰𑖓𑖰𑖝𑖿𑖨 𑖐𑖝𑖰 _ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯

OṂ _ LOKA ALOKA KARĀYA_ SARVA DEVA NĀGA YAKṢA
GANDHARVA ASURA GARUḌA KIṂNARA MAHORAGA HṚDĀYA
ANYA AKARṢĀYA VICITRA GATI _ SVĀHĀ

_Ý nghĩa căn bản của Chân Ngôn này là:
OṂ: Cảnh giác
LOKA: Thế Gian
ALOKA: Xuất Thế Gian
KARĀYA: mọi hành động , hành nghiệp
SARVA: Tất cả
DEVA: Trời
NĀGA: Rồng
YAKṢA: Dạ Xoa
GANDHARVA: Càn Thát Bà, Âm Nhạc Thần
ASURA: A Tu La, Phi Thiên
GARUḌA: Ca Lâu La, Kim Xí điểu
KIṂNARA: Khẫn Na La, Nghi Thần
MAHORAGA: Ma Hầu La Già, Đại Phúc Hành Thần
HṚDĀYA : Tâm Đẳng
ANYA: Sự khác nhau
AKARṢĀYA: Triệu thỉnh
VICITRA GATI: Mọi loại lối nẻo (thú hướng)
SVĀHĀ: Thành tựu cát tường

“Hỡi tất cả sự khác nhau giữa các nhóm Tâm của hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Âm Nhạc Thần, Phi Thiên, Kim Xí Điểu, Nghi Thần, Đại Phúc Hành Thần thuộc mọi hành nghiệp của Thế Gian và Xuất Thế Gian! Nay xin thỉnh triệu, hãy khiến cho mọi lối nẻo đều được thành tựu tốt lành”

_Chân Ngôn này thường được dùng sau bán tán tụng, hồi hướng cho các vị Hộ
Pháp
_ Trời, Rồng, A Tu La, Dạ Xoa
Đến nghe Phật Pháp, nên chí Tâm
Ủng hộ Phật Pháp mãi trường tồn
Mỗi mỗi siêng tu lời Phật dạy
Bao nhiêu Hữu tình đến chốn này
Hoặc trên đất bằng, hoặc hư không
Thường đối người đời khởi Tâm Từ
Ngày đêm tự mình nương Pháp ở
_ Nguyện các Thế Giới thường an ổn
Vô biên Phước Trí lợi quần sinh
Bao nhiêu tội nghiệp thảy tiêu trừ
Xa lìa các khổ, về Viên Tịch
Hằng dùng Hương Giới xoa vóc sáng
Thường khoác áo Định để an thân
Hoa Diệu Bồ Đề trang nghiêm khắp
Tùy theo chỗ ở thường an lạc